Chơi gì ở bán đảo Sơn Trà dịp hè
Được mệnh danh là “ lá phổi xanh” của Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà đa dạng điểm đến lẫn trải nghiệm cho du khách khám phá vào mùa hè.
Bán đảo Sơn Trà là điểm du lịch hè lý tưởng cho những du khách yêu thiên nhiên. Ảnh: @ttdung07.
Bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Nơi đây sở hữu cảnh quan hoang sơ, thiên nhiên trù phú. Ba mặt của bán đảo đều giáp biển nên có nhiều hoạt động du lịch gắn liền với thiên nhiên.
Mỗi thời điểm trong năm Sơn Trà luôn có nét hấp dẫn riêng. Từ tháng 3 đến tháng 9 là lúc thời tiết khô ráo, nắng đẹp, thích hợp để du khách tham gia những hoạt động như tắm biển, trekking, săn hoàng hôn…
Trekking, tắm biển ở Mũi Nghê
Nằm ở phía Đông của bán đảo Sơn Trà, Mũi Nghê vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của tạo hóa, chưa có sự tác động của con người. Để đến hồ nước tự nhiên ở Mũi Nghê, du khách phải trekking xuyên rừng nguyên sinh khoảng 30 phút.
Chặng trekking khá dài, nhưng cảnh đẹp ở Mũi Nghê giúp xua tan mệt mỏi. Ảnh: @__penguin.05, @chypwanderlust_.
Con đường mòn xuyên rừng không quá dốc, bao quanh là những cây cổ thụ tán rộng nên khá mát mẻ. Trong quá trình trekking, du khách có cơ hội khám phá hệ thực vật phong phú tại đây, chiêm ngưỡng những loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ như voọc chà vá chân nâu, mèo rừng, chồn bạc má…
Đi hết con đường mòn, du khách phải mất thêm 10-15 phút để băng qua đoạn đường đá nhấp nhô mới đến được hồ nước tự nhiên. Đoạn đường này ngắn nhưng gồ ghề, dễ vấp ngã.
Khi đến được Mũi Nghê, hồ nước xanh ngắt, trong vắt hiện ra trước mắt du khách. Bốn bề được bao bọc bởi những vách núi đá uy nghi, bề mặt sần sùi do nước biển bào mòn. Nổi bật là 2 mỏm đá nhô cao như 2 chú sư tử biển hướng thân ra biển.
Du khách có thể thoải mái bơi lội trong làn nước mát lạnh, lặn ngắm san hô và chạm tay vào những loài cá nhỏ. Ngồi trên bãi đá, thưởng thức đồ ăn nhẹ hay câu cá giữa biển cũng là trải nghiệm đáng thử khi đến đây.
Nguyễn Minh Tân, du khách đến từ TP.HCM, chia sẻ: “Khung cảnh ở Mũi Nghê xứng đáng cho hành trình trekking gian nan. Điều tôi cảm thấy tuyệt vời nhất là cảm giác yên bình, không ồn ào vì ít khách du lịch. Tôi không tắm, nhưng ngồi trên mỏm đá ngắm biển từ trên cao cũng rất đã”.
Ngắm biển từ bãi Đá Đen
Video đang HOT
Bãi Đá Đen nằm gần cây đa nghìn năm nổi tiếng của bán đảo Sơn Trà.
Đúng như tên gọi, nơi đây có nhiều tảng đá đen sẫm với đủ hình thù, nằm chen chúc nhau vươn ra biển. Hai bên bãi đá là thảm cỏ xanh mướt, mặt biển xanh trong và những ngọn núi phủ đầy cây cối.
Bãi Đá Đen là điểm check-in nổi tiếng ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Ngân Bella, Quỳnh Hương Chi Ta.
Vẻ đẹp trong trẻo và không khí yên bình tại đây chính là điểm thu hút du khách. Ngoài tận hưởng những làn gió mát thổi từ biển, ngắm sóng tung bọt trắng xoá, du khách còn được thưởng cảnh hoàng hôn buông xuống. Bãi cỏ sát bãi đá cũng khá bằng phẳng, sạch sẽ, thích hợp tổ chức picnic, ăn uống nhẹ cùng bạn bè.
Tại bãi Đá Đen có một số hoạt động khác như lặn ngắm san hô, chạy mô tô cao tốc và ngồi phao chuối. Du khách có thể thuê đồ tự lặn hoặc thuê cano đưa ra khơi để lặn ngắm san hô với giá khoảng 250.000 đồng/người. Combo lặn ngắm san hô, chạy môtô nước và ngồi phao chuối khoảng 400.000 đồng/người.
Dã ngoại bên suối Đá
Suối Đá là điểm dã ngoại nổi bật nằm trên đường Lương Hữu Khánh của bán đảo Sơn Trà. Con suối này ẩn mình trong khu rừng rậm rạp, cây cối bao quanh nên không khí quanh năm mát mẻ.
Du khách có thể mang theo nguyên liệu, dụng cụ để nấu ăn bên bờ suối. Ảnh: @k.t.katykaty, @tina91xx.
Dòng nước ở suối Đá chảy ngầm trong nền đá ở thượng nguồn, đến giữa thác đột ngột xuất hiện dòng chảy tuôn mạnh xuống và hợp thành con suối trong thấu đáy. Bao quanh con suối là những tảng đá khổng lồ, xếp chồng lên nhau.
Nếu du khách thích đắm mình trong làn nước sạch trong nơi hạ nguồn vào mùa hè, suối Đá là sự lựa chọn lý tưởng. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tổ chức dã ngoại, nướng BBQ trên những tảng đá lớn, hít thở bầu không khí trong lành và lắng nghe tiếng chim hót.
Đến Suối Đá cách đây không lâu, du khách Tạ Phan Khánh Thy (Bình Định), cho biết Suối Đá chưa được nhiều du khách biết đến nên khá yên tĩnh. “Tôi có kê một chiếc ghế trên tảng đá. Cảm giác ngồi giữa rừng, bên tai là tiếng suối chảy róc rách làm đầu óc nhẹ đi. Lần sau đến, tôi sẽ mang theo vài nguyên liệu để nấu ăn”, nữ du khách nói.
Check-in hải đăng Tiên Sa
Hải đăng Tiên Sa cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 20 km, nằm bên sườn dốc của núi Sơn Trà và gần như tách biệt với thành phố nhộn nhịp.
Hải đăng Tiên Sa là một trong những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam. Ảnh: @caphe.inhue_danang, @td.anhson.
Hải đăng Tiên Sa được xây dựng từ năm 1902 theo lối kiến trúc Pháp cổ pha chút hiện đại. Hiện, hải đăng này vẫn hoạt động ổn định, dẫn lối cho tàu thuyền trong đêm. So với mực nước biển, ngọn hải đăng cao khoảng 15 m, rộng 2,7 m và sơn màu vàng xen kẽ màu trắng. Trong khuôn viên trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ được cắt mịn.
Với tầm nhìn 14 hải lý, đứng tại ban công của hải đăng Tiên Sa, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ được ngắm trọn vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên của bán đảo Sơn Trà và sự hiện đại của thành phố Đà Nẵng.
Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rạn san hô, sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng
Những rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà có vẻ đẹp đầy mê hoặc cùng sinh vật biển kỳ lạ được anh Đào Đặng Công Trung, người thường lặn biển nhặt rác dưới đáy biển Đà Nẵng, chụp ảnh trong nhiều năm.
Là một người yêu biển, "nghiện nước" nên anh Đào Đặng Công Trung có một tình yêu đặc biệt với các rạn san hô và sinh vật dưới đáy biển Đà Nẵng. Bộ ảnh vẻ đẹp rạn san hô dưới đáy biển Đà Nẵng được anh Trung thực hiện trong suốt gần 10 năm, những khi anh lặn biển nhặt rác thải nhựa (Ảnh: Hoài Sơn).
Anh Trung cho hay, bán đảo Sơn Trà có rất nhiều loài san hô. Nhiều năm về trước, khi làm việc với khách quốc tế, anh sớm được phổ cập tầm quan trọng cũng như đặc tính của san hô.
Có chứng chỉ lặn và cứu hộ quốc tế, anh Trung thường xuyên lặn nhặt rác dưới đáy biển và ghi lại hình ảnh những rạn san hô đẹp tuyệt vời.
Những rạn san hô cứng phát triển qua hàng trăm năm, một vỉa có thể rộng 3-4m. San hô dưới biển giống như rừng nhiệt đới trên cạn, là nơi lưu trữ đa dạng sinh học, hỗ trợ cho nhiều loại cá và các sinh vật biển khác.
Theo anh Trung, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có san hô, loài này chỉ sinh trưởng ở vùng xích đạo và cận xích đạo, nguồn nước sạch và trong. Mỗi năm, san hô chỉ cao thêm 1cm. Nếu thấy một rạn san hô cao khoảng 1m, tức rạn san hô này có tuổi đời hàng trăm năm.
Theo anh Trung, san hô ở Sơn Trà còn rất nhiều. Trong đó, khu vực san hô ở bãi nam gần bờ nên dễ bị tổn thương do người dân ra ngắm và vô tình đạp trúng. Những rạn san hô bị gãy, chết và mất rất nhiều năm mới có thể tái tạo lại.
Trong ảnh là một loài san hô non sống ở độ sâu 7m, có những màu đỏ, hồng, vàng, tím.
Bức ảnh khó nhất anh Trung ghi được là loài Feather Star (huệ biển), loài này bám vào đá ở độ sâu trên 3m, trong khi điều kiện nín hơi ở dưới nước khi không có bình oxy chỉ tối đa 2 phút, tính từ lúc bắt đầu lặn.
San hô là nơi trú ẩn cho rất nhiều sinh vật dưới đáy biển. Trong hình là một con sao biển bám vào rạn san hô ở độ sâu 10m.
Nhum biển (nhím biển, cầu gai) tên khoa học Echinoidea. Cầu gai di chuyển chậm, hầu như chỉ ăn tảo. Trong một số vùng biển, cầu gai còn ăn một số loại san hô thân mềm và một số loại cỏ biển thân mềm.
Dã quỳ thân mềm là ngôi nhà cho những chú cá mặt hề lưu trú. Cá hề là loài ăn tạp và có thể ăn những thức ăn không tiêu hóa từ vật chủ hải quỳ. Ngược lại, phân từ cá hề sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho hải quỳ.
Sên biển là tên thông thường cho những loài động vật không xương sống ở biển. Hầu hết các sên biển là động vật chân bụng, trải qua quá trình tiến hóa, vỏ sên bị tiêu giảm hoặc bị biến mất hoàn toàn.
Loài sên biển có kích thước, màu sắc và hình thù rất đa dạng. Trong hình là một sên biển màu xanh dương, màu sắc rực rỡ khiến chúng luôn bị các loài săn mồi đe dọa, tuy nhiên nó cũng là một hình thức cảnh báo đến các động vật khác rằng chúng có độc.
Không chỉ ghi lại những hình ảnh về san hô, những năm qua, anh Trung thường nhặt rác dưới đáy biển. Mỗi lần lặn, anh có thể mang lên bờ khoảng 10kg rác thải là vỏ chai, vỏ lon bia, lưới...
"Khi kể chuyện nhặt rác hay chụp những bức ảnh về san hô, những vẻ đẹp tự nhiên của những loài sinh vật dưới đáy biển, tôi muốn truyền thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người", anh Trung thổ lộ.
Khai thác hiệu quả và bảo tồn bán đảo Sơn Trà Bán đảo Sơn Trà được xem là 'lá phổi xanh' của TP Đà Nẵng với hệ sinh thái động thực vật rất đa dạng. Du khách đến với bán đảo Sơn Trà ngày càng nhiều, nhưng cũng từ đó đặt ra bài toán phát triển bền vững khu vực này. Cắm chốt, bố trí nhân viên ngăn chặn hành động gây hại đối...