Choáng với thuốc “lạ” chống tai biến
Vừa qua, tòa soạn nhận được gói thuốc lạ của một người dân mua được trên địa bàn Hà Nội. Gói thuốc lạ dạng bột màu vàng, đóng trong túi nilon nhỏ có ghi “ Thuốc phòng chống tai biến” kèm theo hướng dẫn sử dụng được đánh máy in trên tờ giấy nhỏ.
Điều đáng nói là loại thuốc được cho là phòng chống được tai biến – một bệnh đến nay y học vẫn coi là nan y đã khiến nhiều người dân có nhu cầu tò mò lùng mua. Phóng viên đã tiến hành thâm nhập vào trung tâm sản xuất loại thuốc này ở Hà Tĩnh để tìm hiểu sự thật.
Mập mờ tên thuốc
Sau cả đêm bị nhồi, nửa nằm nửa ngồi, lắc lư trên chuyến xe chạy tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh, hơn 5h sáng, chúng tôi đã có mặt tại Hà Tĩnh. Trời mưa tối mặt tối mũi nên cả tiếng đồng hồ mới gọi được xe ôm. Giả bộ muốn tìm đến địa chỉ đã ghi trên gói thuốc: Ông Tiếu thuốc bắc – thôn An Tiên – Xuân Giang – Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Mới đọc địa chỉ, anh xe ôm nói luôn: “Tưởng anh tìm ai, hóa ra là ông lang Tiếu. Ông này nổi tiếng với bài thuốc chữa thương hàn đấy”. Lại mất gần 50 cây số để chạy từ bến xe Hà Tĩnh ngược ra huyện Nghi Xuân khi trời vẫn mưa tầm tã, gió thổi mạnh.
Do đã nhờ từ trước nên anh xe ôm đồng ý cùng tôi vào hỏi mua thuốc của ông Tiếu (do tiếng địa phương rất khó nghe – pv). Ngay cổng vào nhà ông Tiếu có một cửa hàng bán các loại thuốc bắc, mùi thơm của thuốc bắc nức một góc. Tiến vào trong phía sân nhà, tôi đặng hắng gọi mấy lần nhưng không thấy ông Tiếu trả lời. Mãi sau, trước hiên ngôi nhà bên cạnh (nhà của con trai ông Tiếu-pv) có người đàn ông ngoài 40 tuổi, mặc áo may ô trắng hỏi: “Mấy chú vô có việc chi?”. Tôi trả lời: “Tìm ông Tiếu thuốc bắc để mua thuốc chống tai biến”.
Con trai ông Tiếu trao đổi với phóng viên về gói thuốc phòng chống tai biến. Ảnh: Văn Hậu
Người này nói: “Thuốc chống tai biến hôm nay hết hàng rồi, chú muốn mua phải đợi 5 đến 7 ngày tới”. Tôi nhờ luôn: “Dạ, vì em vào nhập học ở Đại học Vinh nên chờ cũng được. Nhưng tiện thể cũng muốn gặp luôn ông Tiếu để nói qua bệnh tình của mẹ em xem ông Tiếu có giúp được gì không”. Người đàn ông vừa nãy nói: “Vậy thì cậu chờ chút, tôi gọi ông Tiếu ra”. Khoảng 15 phút sau, từ phía trong nhà, ông Tiếu bước ra. Ông cũng hỏi vào tìm mua chi? Khi nghe tôi hỏi mua thuốc chống tai biến, ông Tiếu nói để xuống kiểm tra dưới cửa hàng xem còn không.
Đợi ông vào nhà mặc thêm chiếc áo cổ Tàu, bước xuống hiệu thuốc, lúc sau, ông ra nói: “Thuốc đó hôm nay hết rồi. Nếu tiện, anh chạy sang nhà con dâu tôi ở gần đây thôi, cứ hỏi nhà Sâm Yến là sẽ có bán gói thuốc này”. Nói đoạn, ông Tiếu đi vào nhà. Để kéo ông Tiếu nán lại chút ít, tôi hỏi: “Mẹ cháu bị huyết áp cao, liệu có dùng được loại thuốc này không”. Ông Tiếu vẫn đứng từ xa nói: “Thuốc đó dùng cho mọi lứa tuổi, để phòng là chính mà. Nếu bị tai biến rồi thì làm không hiệu quả”. Ông tiếp: “Bài thuốc này do tôi chế ra, dựa theo nhiều bài thuốc của Trung Quốc.
Chỉ cần “trộn thật đều bột thuốc với lòng trắng trứng gà (một quả trứng chỉ lấy lòng trắng) rồi đắp lên lòng bàn chân trước khi đi ngủ, đắp qua đêm sáng ra thấy có màu xanh cửu long là được”. Ông Tiếu cũng lưu ý để thuốc có hiệu quả: nam đắp chân trái, nữ đắp chân phải. Theo ông Tiếu, việc đắp thuốc này lên lòng bàn chân qua một đêm sẽ hút các độc tố trong cơ thể giúp chống các nguy cơ tai biến. Điều đặc biệt theo ông Tiếu là gói thuốc này chỉ cần dùng một lần là có thể phòng chống tai biến được rồi.
Video đang HOT
Thuốc… phòng “không biết”, xã “không hay”
Trước những thông tin mập mờ về gói thuốc có khả năng phòng chống tai biến này, chúng tôi đã hỏi một số người dân đang sống tại thôn An Tiên hoặc trong xã Xuân Giang. Chị T., nhân viên bán xăng dầu tại cây xăng gần nhà ông Tiếu cho biết: “Ông lang Tiếu có bài thuốc chữa thương hàn tốt lắm, còn với gói thuốc “phòng chống tai biến” cũng chỉ mới xuất hiện gần đây thôi. Chủ yếu ông bán cho những người quen. Tôi cũng mua cho mẹ tôi hơn 70 tuổi đắp thử một gói. Công dụng thế nào thì tôi chưa biết, mua vì tin ông Tiếu thôi!”.
Được biết gói thuốc này được bán ra thị trường với giá là 50.000 đồng/gói. Phóng viên cũng đã trực tiếp mang gói thuốc này gặp ông Lê Hồng Lựu – Chủ tịch UBND xã Xuân Giang. Ông Lựu hết sức bất ngờ khi biết có loại thuốc như vậy được bán trên thị trường. Sau khi cầm và đọc một số thông tin trên gói thuốc, ông Lựu cho biết: “Mặc dù không hiểu về chuyên môn y dược, song việc nói thuốc có khả năng phòng chống tai biến và dùng chỉ một lần có thể phòng được tai biến thì không thể có chuyện đó”. Về thông tin cá nhân ông Tiếu, ông Lựu cho biết thêm: “Ông Tiếu trước đây là Trưởng trạm y tế xã Xuân
Giang, sau đó về nghỉ chế độ 130. Hiện nay, ông cắt thuốc bắc tại nhà”. Khi PV hỏi ông Tiếu có giấy phép hành nghề không?, ông Lựu khẳng định: “Ông Tiếu có chứng chỉ hành nghề”. Ông Lê Hồng Lựu cũng cho PV biết: “Trước thông tin tồn tại loại thuốc này trên địa bàn Hà Tĩnh, sẽ thông tin với ngành y tế trên địa bàn để kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn”.
Chúng tôi cũng đã mang gói thuốc và làm việc trực tiếp với BS. Trần Văn Ất – Trưởng phòng y tế huyện Nghi Xuân. Sau khi xem gói thuốc, ông Ất khẳng định: “Lần đầu tiên được biết và nhìn thấy gói thuốc này”. Với riêng trường hợp của ông Tiếu, BS. Ất cho biết: “Ông Tiếu có cắt thuốc bắc tại nhà, song không căng biển, bốc thuốc mang tính chất gia truyền”. Phòng y tế chỉ tăng cường kiểm tra những cơ sở đăng ký nhà thuốc có treo biển. Với những người hành nghề thuốc kiểu gia truyền thì “không thể quản lý hết nổi vì nhân lực phòng y tế có hạn”. Khi PV nói: “Gói thuốc này được bán ở nhiều tỉnh như Hà Nội, bến xe Vinh và ngay tại Hà Tĩnh và đã có nhiều đơn thư của người dân phản ánh”, BS. Ất cho biết: “Tại địa phương, phòng y tế chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân, tuy nhiên sẽ tiến hành kiểm tra thông tin này”.
Trao đổi với người trực tiếp quản lý việc hành nghề của ông Tiếu, BS. Nguyễn Văn Chương – Khoa y học cổ truyền BVĐK huyện Nghi Xuân, Hội trưởng Hội Đông y huyện Nghi Xuân cho biết: “Ông Tiếu là hội viên Hội Đông y lâu năm, hiện tại, giấy phép hành nghề không có (trước đây thì không rõ có hay không-pv), đã điều trị được một số bệnh nhất định như thương hàn. Với riêng gói thuốc phòng chống tai biến như phản ánh, đứng về góc độ chuyên môn thì “không có cơ sở khẳng định”.
Về mẫu mã, bao bì, thành phần, hướng dẫn sử dụng đều rất mơ hồ, không đúng quy định. Giải thích về hiện tượng khi bó thuốc vào lòng bàn chân, thuốc sẽ đổi màu , BS Chương khẳng định: Việc một số hoạt chất trong thành phần bột thuốc nói trên do tác động từ môi trường bên ngoài thẩm thấu hoàn toàn có khả năng gây biến màu. Nói là hút độc tố là không có cơ sở. Hiện tại, đối với bệnh tai biến, Tây y chưa có thuốc đặc trị, Đông y gọi là “ trúng phong” (kinh lạc hay tán phủ) có thể điều trị bằng “thiên ma câu đặng ẩm” kết hợp với châm cứu xoa bóp. Hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng và điều trị căn bệnh này.
Như vậy, việc đưa ra thị trường một loại thuốc phòng chống tai biến mà chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, cấp phép là vi phạm luật. Song, việc các cấp ngành trên địa bàn huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh lại không hề hay biết sự tồn tại của loại thuốc với cách sử dụng rất mơ hồ này thì quả là lạ. Rất mong chính quyền địa phương, phòng y tế huyện sớm vào cuộc kiểm tra cơ sở, đồng thời đưa ra những khuyến cáo rộng rãi với người dân trước loại thuốc phòng chống tai biến này.
Theo SK&ĐS
Hà Nội: Nhau thai người được bán như... thịt lợn
Nhau thai được bán với giá từ 150.000 đồng/lạng (loại khô) trở lên. Các hiệu thuốc đông y trở thành đầu mối cung cấp nhau thai số lượng lớn.
Nhìn hình ảnh này, ai có đủ can đảm để dùng?
Ngày nào chẳng có
Trong vai chủ một hiệu thuốc đông y đang có nhu cầu gom hàng về bào chế, chúng tôi dễ dàng đặt mua được nhau tươi với số lượng lớn, cung cấp thường xuyên tại các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh, huyện. Và theo khảo sát, mặt hàng nhau sấy khô vốn được đồn thổi như một linh dược bồi bổ sức khỏe, có khả năng chữa bệnh cũng bán tràn lan tại các hiệu thuốc đông y ở các thành phố lớn.
Qua nhiều mối quen biết giới thiệu, chúng tôi gặp bà Thủy - người được giới mua bán nhau thai gọi là "trùm cò nhau" với đầu mối mua bán nhau thai số lượng lớn.
"Chú chỉ cần mua cho tôi một bình đá lớn, có nhau thai là tôi gom, được vài cân tôi gọi thẳng cho chú qua lấy, chỗ tôi bán rẻ ấy mà...", bà Thủy nói chắc như đinh đóng cột với chúng tôi. Người đàn bà chừng ngũ tuần này làm nghề trông xe ngay trước cổng bệnh viên Đa Khoa Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Khi biết chúng tôi là khách sộp, từ xa bà đã đon đả chào hàng.
Sau khi trao đổi phương thức gom hàng, cách vận chuyển, giao hàng, tôi và bà Thủy đi đến thống nhất giá một kg nhau thai tươi trao tận tay là 200.000-300.000 đồng tùy thuộc chất lượng và độ tươi của nhau thai.
Nhau thai bán ra bên ngoài được cho là có nguồn gốc từ các bệnh viện
Bỏ ra số tiền hơn trăm nghìn, chúng tôi sắm cho bà một thùng đá lớn phục vụ đựng nhau. Để tạo lòng tin hơn với mối hàng, ngoài việc ghi số điện thoại, bà còn yêu cầu chúng tôi lấy máy cầm tay nháy sang số di động của bà, thậm chí cho cả số điện thoại bàn của gia đình.
Khi chúng tôi vừa lùi xe ra khỏi bãi, nắm chặt tay tôi, bà Thủy khẳng định: "Nhà có đứa em làm trong khoa sản ấy mà, ngày nào chẳng có nhau, chị cứ gom lại cho chú, cứ khoảng 3-5 kg chị gọi điện lên mà lấy nhé".
Quả nhiên hơn một ngày sau, ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã nhận được điện thoại gọi lấy hàng của bà Thủy. Chừng hơn một tiếng, chúng tôi đã có mặt ngay cửa bệnh viện. Mở thùng đá, bà Thủy lôi ra một túi nilon màu xanh cùng nụ cười hớn hở: "Hai đêm tôi mới gom được gần hơn một cân đấy, đợt này chị em họ sinh ít nên cũng không nhiều".
Sao khi giao tiền như thỏa thuận, chúng tôi rời bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, ngược lên khu vực bệnh viên Đa khoa Tam Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ). Được đặt hàng từ trước, anh bảo vệ bệnh viện tên H. vác cân ra cân ngay trước mặt chúng tôi và giao túi nhau gần 2kg.
Chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng chúng tôi đã có được nhau thai dễ dàng
Vì khoảng cách quá xa, cùng với lượng hàng không đều, mỗi lần gom được hàng anh H. đều cho vào ngăn đá chờ đến lấy. Sau khi nhận tiền, anh H giải thích: "Hai ngày nay mới gom được mấy cái này, thôi chú lấy tạm. Hàng nhau này nó cũng không đều, có ngày đến hàng cân, nhưng có ngày chỉ vài lạng. Nhưng nhớ đừng nói bán nhé, nếu có gì cứ bảo là hàng xin".
Ngày hôm sau, theo hẹn từ trước, chúng tôi xuôi xuống Viện 7 (TP. Hải Dương) song không thể mua được hàng, bởi theo khẳng định của vị bác sĩ tên H., hàng nhau thai đã được công ty thuốc đông y đặt mua hết rồi, nếu có chị chỉ xin cho một vài bộ thôi. Chị H. còn đưa ra lời khuyên: "Em cứ về các tuyến huyện mà xin hay mua, họ bán đầy ấy mà".
Hiệu thuốc chuyên bán nhau thai khô
Sau những ngày bôn ba săn mặt hàng nhau thai tươi tại một số bệnh viện tuyến huyện thuộc các các tỉnh, chúng tôi quay về Hà Nội. Theo giới thiệu của mấy người bạn, tôi tìm đến phố Hải Thượng Lãn Ông và phố Thuốc Bắc. Dọc hai bên phố, các tiệm thuốc đông y mọc lên san sát.
Ghé vào một tiệm bán đông dược nhỏ gọn nằm cạnh quán nước vỉa hè trên phố Hải Thượng Lãn Ông, tôi ngập ngừng hỏi mua nhau thai khô. Chị chủ tiệm chẳng chút chần chừ: "Mua tử hà sa khô chứ gì! Lấy nhiều không?".
Sau khi bốc điện thoại trao đổi chừng 2 phút với một người quen, chị ra giá luôn: "Chỗ tôi bán 150.000 đồng/lạng, chú lấy mấy lạng?". Tôi trả lời chị mua thử một gói về tẩm bổ, vì mấy bữa nay thấy người mệt mỏi, nếu tốt sẽ quay lại mua nhiều hơn.
Ngồi quán nước đợi chừng 10 phút, sau khi hàng đưa đến, chị chủ tiệm giao cho tôi một gói nhỏ có vài dòng chữ tàu cùng lời khẳng định: "Ở đây cửa hàng nào chẳng có, nhưng hàng chỗ chị tốt lắm, khách quen vẫn đổ xô đến chỗ chị ấy mà, chú cứ mang về dùng thử, nếu thấy khỏe ra, giới thiệu đến cho chị. Hàng này chữa đủ loại bệnh, từ suy nhược cơ thể, yếu sinh lý...".
Cầm lạng nhau khô, thanh toán tiền, chúng tôi ghé vào một cửa hiệu trên phố Thuốc Bắc tìm hàng. Vừa trao đổi, chủ hàng vừa lôi ra từ dưới gầm quầy ra hai gói nhau sấy. "Loại tốt do Việt Nam sản xuất có giá 150.000 đồng/gói, còn loại của tàu thì rẻ hơn vài chục. Theo anh, em cứ lấy hàng của mình dùng cho nó an toàn. Nếu uống được rượu em cứ cho vào ngâm, còn không thì cho vào xay nhỏ, hòa với nước uống, đảm bảo không khỏe không lấy tiền".
Cầm hai gói nhau khô, tôi không khỏi phân vân bởi chẳng biết công dụng của nó đến đâu, nhỡ ăn phải đồ nhiễm bệnh thì tiền mất tật mang. Đó là chưa kể mặt hàng "tươi" vẫn hàng ngày tuồn ra từ các tuyến viện ở các tỉnh, thậm chí nhiều người còn liều lĩnh chế biến trực tiếp món ăn "kỳ cục" này.
Theo Nhóm PV nội chính/Chất lượng VN
Khoa học & Đời sống
Bọ cạp làm thuốc Bọ cạp, còn gọi là toàn yết, toàn trùng, tên khoa học là Buthus martensi Karsch, vị cay, tính bình, có độc, có công dụng tức phong trấn kinh, công độc tán kết, thông lạc chỉ thống, thường dùng để chữa các chứng trẻ em co giật, nhọt độc, vết thương lâu liền, lao hạch, trúng phong, bán thân bất toại, miệng mắt...