Chợ thực phẩm xanh tử tế hút khách Sài Gòn
Trước cơn bão thực phẩm bẩn bủa vây từng gia đình, việc ra đời 2 phiên chợ sạch, xanh tử tế bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn giúp bà nội trợ TP HCM yên tâm lo bữa cơm gia đình.
Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đơn vị tổ chức ‘Phiên chợ xanh tử tế’ cho biết, chợ diễn ra vào thứ 7 và chủ nhật của tuần thứ nhất và thứ ba mỗi tháng, tại 163 Pasteur, phường 6, quận 3, TP HCM.
Đa phần là những sản phẩm hữu cơ nên nguồn hàng ở đây không nhiều. Mỗi gian hàng chỉ khoảng vài ký gạo lức, mấy bó rau, ít trái cây vườn, vài bịch cá sông… Ngoài ra còn ít cà chua bi, ớt chuông được mang từ Lâm Đồng xuống.
Cô Kim Hoa (giữa), chủ vườn ở Bình Tân, bán những sản phẩm mang tính “cây nhà lá vườn”: ổi, đu đủ, rau lang, mứt, trứng gà…, Đây là lần thứ 5 cô tham gia phiên chợ. “Sản phẩm cô làm ra chủ yếu để nhà ăn, nhưng dư nên cô mang đến đây chia sẻ với mọi người. Cô cảm thấy vui vì mình đã mang đến người tiêu dùng những sản phẩm sạch, trao đổi những cách trồng trọt, canh tác để bào vệ môi trường”, cô Hoa nói.
Hiện tại có khoảng 40 đơn vị hàng được bày bán tại chợ nhưng có sự luân phiên giữa các gian hàng, nhằm phong phú các mặt hàng để cung cấp cho người tiêu dùng. Người bán ở đây đều được huấn luyện về kỹ năng bán hàng, tình huống xử lý khi gặp khách hàng khó tính, để giúp kết nối giữa người bán với người mua.
Phiên chợ được gây dựng nên từ sự tin tưởng lẫn nhau giữa người mua và người bán. Khách mua hàng cũng là bạn bè, người thân, những người quen, đã biết kỹ về quy trình sản xuất sạch của người bán, từ đó giới thiệu cho nhiều người khác.
Video đang HOT
Để đưa sản phẩm mình đến được phiên chợ, người bán phải đảm bảo hai tiêu chí: nông sản sạch và buôn bán tử tế. Trước khi mở chợ, BSA tổ chức nhiều cuộc khảo sát, kiểm tra, đi đến tận vườn cùng các chuyên gia nông nghiệp để kiểm chứng chất lượng sản phẩm.
Ngoài các loại rau củ quen thuộc, người tiêu dùng thành phố có thêm địa chỉ lựa chọn những mặt hàng nông sản, đặc sản, trái cây vùng miền, thực phẩm khô, bánh, mứt…
Diễn ra đều đặn vào 9h30 sáng thứ bảy hàng tuần, phiên chợ Lương Nông với khẩu hiệu “Nông dân lương thiện-Nông hộ an bình- Nông thôn an vui-Nông sản an lành” đang trở thành địa chỉ buôn bán thực phẩm sạch đáng tin cậy thu hút nhiều người tiêu dùng.
“Hợp tác xã Lương Nông” tập hợp các bạn trẻ sản xuất nông sản sạch, không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của bản thân và gia đình. Phiên chợ còn là nơi để giao lưu, trao đổi giữa người sản xuất nông sản sạch và người tiêu dùng.
Chị Thư, nhân viên ngân hàng, đã tham gia phiên chợ được 4 lần, cho biết trong một lần tình cờ đến chợ tham quan thì gặp một người bạn cũng sản xuất sản phẩm sạch bán hàng tại đây. Ban đầu mua từ gian hàng của người bạn, sau đó được giới thiệu mua sản phẩm khác ở các hàng quen xung quanh. Chị thấy thích và luôn mong đến ngày chợ họp lại để mua rau củ và các loại thực phẩm khác cho gia đình.
Chị Trâm (quận 2) phụ trách một gian hàng rau, giải thích thêm về quy trình trồng rau sạch của mình: “Chị sử dụng bã đậu nành ủ thành phân cùng với phân bò để bón cho cây. Ngoài ra chị dùng nước làm đầu nành để tưới thêm cho cây. Bản thân đậu rất nhiều đạm, không cần phải bón gì thêm nên rau rất tốt. Còn sâu bọ thì mình chịu khó bắt, cây bệnh thì ngâm thảo dược. Mọi người có truyền tai nhau là dùng gừng, tỏi, sả ngâm trong vòng 1 tháng rồi chiết nước lấy ra tưới”.
“Nuôi đất trước rồi đất sẽ nuôi người” đó là tiêu chí của những nông dân mang sản phẩm sạch trao đổi tại chợ. Vì nuôi trồng để phục vụ chính gia đình mình và vì môi trường xanh, người trồng tuyệt đối nói không với việc sử dụng hóa chất, muốn cây rau sạch phải cải tạo đất bằng những chất hữu cơ.
Từ khách hàng ban đầu là những bà nội trợ xung quanh các quận lân cận, đến nay phiên chợ thực phẩm độc đáo này đã thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm, có khá nhiều khách ở tận ngoại thành cũng đến mua. Điểm trừ của phiên chợ này là không tổ chức ở một địa chỉ cố định, tuy nhiên trước mỗi tuần, địa điểm, thời gian bán hàng được ban tổ chức chợ thông báo đến khách hàng.
Nhìn giỏ hàng vừa mua được với ngó sen, cải, xà lách, dưa leo… chị Bạch Tuyết nhà ở quận 1, hào hứng: “Đây là lần thứ 2 chị đi chợ này. Hôm trước chị mới biết và đi mua lần đầu, thích quá nên phiên này ghé lại mua tiếp. Giá cả ở đây có thể đắt hơn ở ngoài một chút nhưng thực phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe”.
Theo Thịnh Nguyễn (Zing)
Thu 30 triệu đồng/sào dễ dàng nhờ trồng rau an toàn
Phát triển nghề trồng rau truyền thống và đáp ứng các tiêu chí sản xuất rau an toàn, được cấp chứng nhận, nông dân HTX Nông nghiệp Văn Phú, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã có của ăn của để với thu nhập trung bình 30 triệu đồng/sào/năm.
Không cho đất nghỉ
Văn Phú là xã thuần nông của huyện Thường Tín, diện tích đất tự nhiên 308,9ha, trong đó 69,5% là đất nông nghiệp, người dân chủ yếu trồng lúa và hoa màu các loại. Hiện toàn xã có trên 2.011 hộ dân, trong đó có khoảng 700 hộ trồng rau chuyên nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Bim thu hoạch mướp của gia đình. Ảnh:Hồng Vũ
Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Văn Phú đã phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng rau, củ, quả an toàn trên diện tích đã quy hoạch để tăng thu nhập cho người dân. Ước tính, tổng thu nhập của các loại rau, củ, quả trên vùng trồng rau an toàn đạt từ 20 - 25 triệu đồng/sào/năm, trong đó riêng cây mướp hương chiếm hơn 50% tổng giá trị thu nhập.
Ông Nguyễn Bích Lưu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Phú cho biết, để góp phần tăng thu nhập cho nông dân, xã Văn Phú đã phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng rau, củ, quả an toàn trên diện tích đã quy hoạch.
Từ khi được cấp chứng chỉ vùng rau an toàn (năm 2011) đến nay, HTX đã đưa về một số cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tập trung theo mùa vụ, như su hào, bắp cải, súp lơ vụ đông; cây bầu vụ xuân; cây mướp hương vụ hè thu. Ước tính, tổng thu nhập của các loại rau, củ, quả trên vùng trồng rau an toàn đạt từ 25 - 30 triệu đồng/sào/năm.
Gia đình ông Đinh Văn Vịnh (thôn Yên Phú) trước đây chủ yếu cấy lúa nhưng hiệu quả không cao, năng suất rất bấp bênh. Sau khi chuyển đổi 3 sào ruộng từ cấy lúa sang trồng rau an toàn, gia đình ông đã có thu nhập cao hơn gấp hàng chục lần.
Ông Vịnh chia sẻ: "Trồng lúa 1 năm chỉ được 2 vụ, chi phí nhiều, giá bán thấp nên chúng tôi gần như không có lãi. Sau đó, gia đình tôi quyết định chỉ cấy 1 vụ để lấy gạo ăn, còn lại trồng 3 vụ rau xoay vòng, không cho đất nghỉ, hết mùa su hào, bắp cải thì trồng mướp, bầu bí. Đặc biệt mướp đầu mùa rất được giá (25.000 đồng/kg), lúc rẻ nhất cũng đạt 8.000-10.000 đồng/kg. Mỗi vụ, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 15 triệu đồng/sào".
Chị Nguyễn Thị Bim ở thôn Yên Phú đang thu hoạch mướp trên cánh đồng, hồ hởi cho hay: "Nhà tôi có hơn 2 sào trồng rau an toàn. Rau màu trồng được quanh năm, mùa nào thức ấy nên chúng tôi luôn tay luôn chân ngoài rộng và hầu như ngày nào cũng có thu hoạch. Vụ này tôi trồng bầu, mướp, trung bình cứ 2-4 ngày thu hoạch 1 lần. Có hôm phải thuê thêm người cắt mới kịp đủ hàng cho thương lái. Thời vụ rau ngắn, trung bình 45-60 ngày/vụ nên lúc nào cũng có tiền tiêu, đời sống của gia đình cũng được nâng lên".
Tuân thủ quy trình sản xuất an toàn
Nông dân xã Văn Phú có sáng kiến treo túi đất dưới đuôi quả để mướp và bầu luôn thẳng. Ảnh: H.V
Trên 70ha trồng rau an toàn, các hộ sản xuất của HTX Nông nghiệp Văn Phú luôn nhận được sự quan tâm từ UBND huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện từ chuyên môn đến cơ sở vật chất đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Bà con thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tham quan các mô hình rau an toàn tại các huyện, tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, HTX cũng liên tục nhắc nhở bà con phun thuốc trừ sâu đúng quy cách, đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch để đảm bảo sản phẩm rau không tồn dư chất độc hại.
Thời gian gần đây, HTX Văn Phú đã đưa về thử nghiệm sử dụng thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để phòng, trừ sâu bệnh cho rau. Nhận thấy thuốc trừ sâu sinh học vừa hiệu quả, vừa an toàn cho người sản xuất nên hầu hết các hộ đều đăng ký mua qua HTX.
Ngoài ra, bà con còn sử dụng các biện pháp cổ truyền khác như treo túi đất dưới đuôi quả để mướp và bầu luôn thẳng. Khi hoa cái bắt đầu nở, vào mỗi sáng sớm bà con lấy hoa đực thụ phấn cho hoa cái để tăng tỷ lệ đậu quả, hoặc dùng tay, dùng đèn lồng để bắt sâu, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, mỗi hộ còn được trang bị thùng đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Tú - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Phú cho hay: "Để đảm bảo sản xuất rau an toàn thì các yếu tố nguồn nước, đất cũng phải sạch, không chứa kim loại nặng, chất thải công nghiệp. Các chất hóa học nằm trong danh mục thuốc cấm đều không được phép bày bán trong các cửa hàng ở xã Văn Phú, quyết không để chất cấm ra đồng".
Ông Nguyễn Bích Lưu cũng cho biết thêm: "Cây bầu và mướp hương rất phù hợp với chất đất của địa phương nên chất lượng sản phẩm thơm ngon, bán được giá cao và đang là những loại cây trồng đem lại thu nhập chính cho người dân địa phương. Mong muốn lớn nhất lãnh đạo xã cũng như Hội Nông dân là chính quyền địa phương sớm có chính sách hỗ trợ bà con xã viên xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này, đảm bảo giá cả ổn định để bà con yên tâm sản xuất".
Theo Danviet
Chi vài chục tỷ đồng trồng rau sạch ăn ngay tại vườn Không chỉ cho phép người dùng ăn rau ngay tại vườn, chủ đầu tư còn lắp đặt hệ thống live camera tại các trang trại, nhà máy, cửa hàng để truyền hình ảnh trực tiếp 24/24 đến người tiêu dùng. Ông Lương Trọng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp kỹ thuật Việt cho biết, ước mơ...