Chợ Tết: “Choáng” với giá nửa triệu một cân hoa quả, thịt bò
Sáng 27 Tết, người dân Hà Nội được phen hụt hơi khi giá thịt, hoa quả tăng vọt so với vài ngày trước đó.
Chị bán hàng cho biết đã bán năm quả phật thủ 5 triệu đồng
Nhiều người dân của Hà Nội đi chợ vào sáng 27 Tết phải choáng váng khi giá thịt bò, thịt lợn, tôm,… tăng chóng mặt. Thậm chí, giá được tăng lên gần gấp đôi so với một tuần trước đó.
Cầm túi thịt bò hơn bảy lạng mua với giá 400 nghìn/kg, bác Toan (Đê La Thành, Hà Nội) nói: “Mới hôm qua với hôm nay mà giá đã khác một trời một vực, một cân thịt bò lõi rùa đã hơn 400 nghìn đồng/kg, đắt quá thể”.
Bác Toan còn cho biết thêm, nếu không đi chợ sớm, mua nhanh tay thì đắt mà vẫn không chọn được đồ ngon. Đến ngày mai chắc chắn giá còn bị đẩy lên cao nữa. Sáng nay tôi phải dậy sớm đi chợ mua rau, thịt tích trữ cho cả mấy ngày luôn vì sợ mai không mua được thì mất tết”.
Khảo sát tại các chợ Thành Công, Nghĩa Tân, Dịch Vọng, Ngã Tư Sở, Chợ Bưởi… giá các loại thịt lợn, thịt bò, tôm, cá, mực, ghẹ tăng từ 20.000-150.000 đồng/kg.
“Ngày bình thường một cân thịt bò lõi rùa chỉ 250 nghìn thì hôm nay tăng lên 400 nghìn đồng mà không ra sớm thì khó mà mua được. Tôm mọi ngày chỉ 300 nghìn thì hôm nay đã lên tới 400 nghìn một cân mất rồi. Để 29 Tết mới mua cho tươi thì phải chấp nhận giá đắt”- bác Hạnh (Thanh Xuân, Ha Nôi) than thở.
Lý giải cho giá bán tăng đến mức chóng mặt, chị Huyền, chủ cửa hàng thịt bò ở chợ Thành Công cho biết: “Giá hàng Tết đẩy giá giao hàng lên cao nên tôi cũng phải bán giá cao. Ngày mai còn không có giá 400 nghìn đồng mà mua là cái chắc”.
Tại các chợ của Hà Nội, giá thịt lợn thăn, xương sườn đều tăng ở mức đáng kể: “Hôm qua thịt thăn, xương sườn thì chỉ 110 nghìn đồng/kg thì hôm nay tăng lên đến 140 nghìn đồng/kg rồi”- bác Lê Thị Thanh, Hoàng Mai cho biết.
Không chỉ thịt bò, thịt lợn tăng giá chóng mặt mà bia ngoại, rượu,…cũng tăng giá, sốt hàng trong những ngày cận Tết.
Anh Lê Quân (Hoài Đức- Hà Nội) năm nay quyết định mua bia Đức, bia Nhật về uống trong dịp Tết cho… “lạ”. Tuy nhiên, tối 26 âm lịch, anh ra nhiều cửa hàng chuyên bán rượu bia, bánh kẹo ngoại trên phố Hàng Gà thì được thông báo là tạm hết hàng. Anh đành lượn ra các cửa hàng trên phố Hàng Da mới mua được mấy loại bia nhưng đắt hơn từ 30-100 nghìn đồng so với mấy ngày trước đó.
“Hôm trước một két bia Asahi của Nhật có giá 485 nghìn đồng thì hôm nay hơn 500 nghìn nhưng vẫn khó mà mua được. Một két bia Đức giá cũng tăng vài chục nghìn mà cũng không mua được ngay vì hết hàng”- anh Quân nói.
Tại chợ Thành Công, chợ Châu Long, chợ Hoàng Mai sáng nay giá hoa quả cũng đắt đỏ. Giá một cân xoài thái 80 nghìn; Táo Úc: 170 nghìn; Táo Mỹ: 90 nghìn; Thanh Long: 40 nghìn; Sơ ri: 500 nghìn,…
Chị Đỗ Thị Thanh vừa mua một giỏ hoa quả với giá 800 nghìn đồng để đi biếu cho biết: “Giỏ hoa quả chỉ có một quả bưởi, quả táo, quả xoài và chùm nho,.. cũng lên tới 800 nghìn đồng. Mua cận tết quả thật là đắt đỏ”.
Đến nửa triệu một bó hoa
Video đang HOT
Giá hoa ly nửa triệu một bó
Tại chợ hoa Quảng Bá, Dịch Vọng, chợ Bưởi, giá hoa tươi sáng nay cũng tăng cao. Cụ thể, giá hoa ly dao động từ 550-700 đồng/chục bông.
Cô Nguyễn Thị Vân (Ba Đình, Hà Nội) chỉ vào hai bó hoa ly cho biết: “Riêng hoa ly tôi đã mua mất 1,1 triệu rồi. Nếu tính cả tiền hoa hồng, salem cắm cùng thì hai lọ hoa ngày tết cũng chạm hai triệu đồng”.
Giá không cao ngất ngư như hoa ly, các loại hoa khác như hoa lay-ơn, hoa thược dược, hoa cúc, hoa hồng cũng tăng nhẹ, dao động từ 30-70.000 đồng/chục; đào có giá từ 300-1 triệu/cành,…
Anh Hoàng Văn Vinh (Mê Linh, Hà Nội) trồng cả mẫu hoa cúc và hoa hồng năm nay cho biết: “Hoa năm nay chỉ ngang ngửa năm ngoái. Hy vọng mai ngày kia giá sẽ tăng thêm nữa”.
Sáng nay, giá rau, củ, quả cũng có mức tăng từ 10-30%… Chị Liên tại chợ Châu Long (Hà Nội) cho biết, từ nay đến 29 (âm lịch) Tết Nguyên đán, giá rau trên thị trường Hà Nội sẽ còn tăng nữa.
Tuy nhiên, theo chị Liên, dù giá rau có tăng nhẹ nhưng cũng không ăn thua vì lượng tiêu thụ vẫn ít: “Không biết ngày 28,29 có bán được nhiều hơn không chứ như mấy hôm nay thì không hơn gì ngày thường”.
Dạo qua các chợ Thành Công, Châu Long, Nhà Xanh… giá rau củ đã tăng lên trung bình mỗi loại từ 2.000- 4.000 đồng/kg. Su hào: 6.000 đồng/củ; súp lơ: 10.000 đồng/chiếc; khoai tây:15.000 đồng/kg; cà chua: 20.000 đồng/kg, nấm kim chi: 20.000 đồng/túi,…
Mặt khác, giá các loại đồ khô có mức tăng từ 10 – 20% do nhu cầu mua của người dân tăng. Nấm hương khô tăng từ 380.000 đồng/kg lên 430.000 đồng/kg, mộc nhĩ tăng từ 150.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg, măng khô giá dao động từ 150-250.000 đồng/kg,….
Các mặt hàng như bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt bí cũng có sức tiêu thụ khá lớn, giá cả tăng nhẹ từ 10-20% so với mấy ngày trước đây.
Theo Dân Trí
Xem người quê đi sắm Tết
Dân tự nuôi gà, tự mổ lợn nên chợ quê ngày Tết không bán nhiều thịt thà mà lại sôi động người mua lá gói bánh, người sắm bưởi, chuối về chưng mâm ngũ quả, hay tậu cuốc mới chuẩn bị cho mùa xuống đồng ra giêng...
Dưới đây là những hình ảnh Vnexpress.net ghi lại từ một chợ Tết chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km nhưng vẫn mang đậm chất quê truyền thống.
Thuộc địa phận xã Hiệp Thuận, Phúc Thọ (Hà Nội), chợ Dâu là chợ phiên họp vào các ngày 1, 4, 6, 9 trong tháng. Phiên chợ cuối tháng Chạp đông đúc, bởi người dân địa phương và các vùng lân cận đều tập trung đến đây sắm Tết.
Không có chỗ ngồi trong chợ vì quá đông, nhiều người bày hàng ngay trên triền đê, ngoài mặt đường xe cộ qua lại để bán.
Dừa nạo ra tới đâu bán hết tới đó, khiến người bán rất phấn khởi. Dừa nạo nấu cùng xôi gấc, xôi đỗ, hay thêm vào nhân bánh dợm - đều là những thứ được nhiều gia đình làm vào cuối năm nên món này khá đắt hàng.
Những người già nhanh tay chọn vỏ rễ (ăn cùng với trầu, cau) để mời khách tới chơi nhà dịp đầu năm.
Bác bán chè lam buồn thiu vì vắng khách. Đa số người dân trong vùng vẫn giữ nếp tự làm loại chè này đãi khách ngày đầu năm nên không mặn mà với hàng bày ngoài chợ.
Hàng dép nhộn nhịp người mua kẻ bán ngày cuối năm.
Cậu bé này hớn hở khi được mẹ mua cho đôi dép mới để đi chúc Tết.
Với quan niệm, năm mới sắm đồ mới, nhiều bà nội trợ không quên mua thêm đôi chiếu, chiếc rổ về thay cho đồ cũ ở nhà.
Đông đúc nhất vẫn là những hàng bán lá dong để gói bánh chưng. Là vùng quê còn đậm nét truyền thống, mỗi gia đình tại địa phương thường gói khá nhiều bánh, khoảng trên dưới 10kg gạo.
Những dãy bán dứa lộc, chuối xanh... thu hút đông đảo chị em tới chọn để trưng trên bàn thờ ngày Tết.
Bưởi cũng là thứ không thể thiếu trên mâm ngũ quả. Người dân quê ai cũng biết nhau nên người bán, người mua có thể ngồi "buôn" đủ chuyện trên trời dưới đất.
Người phụ nữ này nhanh tay chọn mua mật để kịp về làm nhân bánh gai. Ngoài làm nhân ngọt cho một số loại bánh, người dân địa phương còn dùng mật để chấm bánh tro.
Lá chuối tươi cũng được nhiều người mua về để gói các loại bánh như bánh tro, bánh dợm...
Thành phẩm sau một buổi đi chợ Tết của bác Liên là 2 kg lá chuối khô để gói bánh gai, hai cuộn lá dong gói bánh chưng và một tải đầy chuối, bưởi, miến.
Dãy lò rèn ngay cổng chợ rất đông khách. Tranh thủ ngày cuối năm, nhiều người mang cuốc, cào cũ ra chỉnh lại hoặc tậu chiếc mới, chuẩn bị cho vụ cày cấy sau Tết.
Bác Nguyễn Phú Tiếp luôn tay đập búa, mài dao vẫn không kịp làm cho khách. "Ở đây nhiều nhà vẫn thịt lợn ăn Tết, nên không thể thiếu bộ dao sắc", bác nói.
Theo VNEXpress
Teen "mù tịt" chuyện đi chợ bày mâm cỗ Tết Tết đến, teen cũng phải giúp bố mẹ đi chợ, nấu cỗ, bày mâm cơm. Thế nhưng độ hiểu biết của một số teen về cách làm mâm cơm cỗ Tết thì còn đáng báo động lắm... "Mâm ngũ quả" thì phải có... 5 quả ạ? Đó là câu hỏi rất ngây thơ của Hồng Trang - một teen girl 16t giúp mẹ...