Cho phép “mang thai hộ”, cấm “đẻ thuê”?
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về việc có tiếp tục cấm mang thai hộ để sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình. Lâu nay nhu cầu mang thai hộ là có thật, pháp luật cấm thì người ta ra nước ngoài làm lén lút và âm thầm diễn ra.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm việc mang thai hộ vì khát vọng có con là quyền lợi chính đáng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên nếu nó bị biến tướng sang thương mại thì sẽ rất nguy hiểm vì sẽ sinh ra một cái nghề là nghề đẻ thuê và “có tiền mua tiên cũng được”, đi ngược lại truyền thống đạo lý. Nhiều ý kiến đưa ra nên cho phép “mang thai hộ”, nhưng lại cấm “đẻ thuê”. Thực chất của vấn đề là như thế nào?
Đẻ thuê vẫn âm thầm diễn ra
Chỉ cần một click chuột tìm kiếm dịch vụ đẻ thuê trên mạng, sẽ cho hàng triệu kết quả trong đó không thiếu những người phụ nữ vô sinh cần tìm một người mang thai hộ. Nickname hoahong…@yahoo đăng tải với nội dung: “Mình ở Hà Nội, cần tìm người đẻ thuê, giá cả thỏa thuận. Yêu cầu không bệnh tật, đã có con hoặc chưa có con. Ai biết ở đâu có dịch vụ đẻ thuê thì nhắn tin giúp mình nhé. Mình đang rất mong có em bé. Liên hệ mail: hoahong…@yahoo.com”.
Theo nghị định 96/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, từ ngày 15/12/2011, hành vi mang thai hộ có thể phạt tới 30 triệu đồng. Thế nhưng ngoài xã hội, để có được một mụn con quý giá, nhiều cặp vợ chồng vẫn quyết định tìm đến dịch vụ này. Cách đây không lâu, dư luận xã hội ồn ào lên bởi chuyện một đại gia đất Cảng bỏ tiền ra thuê người mang thai hộ với giá xấp xỉ 4 tỉ đồng bao gồm 1 căn nhà 3 tỉ và tiền mặt khoảng 700 triệu đồng, chưa tính đến những chi phí qua lại giữa hai bên. Người được “nhờ” mang thai hộ là một cô ca sĩ trẻ, được đánh giá là gái “lành” trong giới showbiz địa phương.
“Nghề” đẻ thuê từ lâu đã và vẫn tồn tại (Ảnh minh họa)
Cách đây không lâu, vụ 14 cô gái Việt Nam tham gia vào đường dây đẻ thuê tại Thái Lan một lần nữa làm nóng lên vấn đề nhạy cảm này – bởi lẽ nó được khui ra với tầm vóc quốc tế thế nhưng ngay ở trong nước, “nghề” đẻ thuê từ lâu đã và vẫn tồn tại – bởi một “thị trường” những người hiếm muộn khát con đâu đâu cũng có.
Theo tìm hiểu, hiện giá “cho thuê tử cung” dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí cả tiền tỷ. Ngoài ra mỗi tháng người nhờ đẻ thuê phải chu cấp tiền ăn uống, thuốc men, khám thai… Vì là dịch vụ chui nên mọi điều không ai dám chắc chắn 100%. Tất cả, từ sự hình thành đến việc an toàn cho sự sống của một sinh linh bé bỏng và kể cả tính pháp lý của hợp đồng… chỉ được “bảo chứng” bởi chữ “tín” giữa những người không quen biết. Nếu chẳng may, người đẻ thuê “lật kèo” thì cũng đành chịu. Biết kiện ai?
Tuy nhiên, thực tế cũng có những trường hợp mang thai hộ hoàn toàn mang tính chất nhân đạo vì có những người không có khả năng mang thai vì một lý do nào đó.
Nhiều ý kiến trái chiều
PGS-TS Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư cũng cho rằng: Chúng ta nên sửa luật và cho phép được mang thai hộ như Thái Lan đang thực hiện. Vì đây cũng là quyền của những cặp vợ chồng vì lý do nào đó họ không thể sinh con”. Thực tế cho thấy, khi luật pháp không cho phép, nhiều cặp vợ chồng vẫn làm trái luật khi thuê người mang thai hộ ngay tại Việt Nam hoặc sang Thái Lan thuê.
Video đang HOT
Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm việc mang thai hộ vì khát vọng có con là quyền lợi chính đáng của các cặp vợ chồng (Ảnh minh họa)
Bác sĩ sản khoa Phạm Thị Thanh Hà, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho rằng: Nhiều người phụ nữ bị dị dạng tử cung như không có tử cung, tử cung đôi, phải cắt bỏ tử cung, sức khỏe yếu, bị bệnh tim hoặc bệnh thận thì không thể mang thai. Tuy nhiên nhu cầu giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhu cầu có con vẫn là một nguyện vọng chính đáng. Để thực hiện nguyện vọng này, họ không có cách nào khác là phải nhờ người mang thai hộ. Nhưng các bác sĩ Việt Nam không dám làm vì sợ phạm luật. Chính vì vậy, những người có nhu cầu phải “dạt” sang nước khác để làm. Như vậy vừa tốn kém, vừa thất thoát ngoại tệ, mà vẫn không cấm được.
Tại Hội thảo quốc gia về sức khoẻ sinh sản và tình dục tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết kết quả điều tra gần 14.400 cặp vợ chồng đại diện cho 8 vùng sinh thái ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ vô sinh khá cao, với khoảng 700.000 – 1 triệu cặp vợ chồng (chiếm khoảng 7,7%) trong độ tuổi 15 – 49 tuổi.
TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Khoa Luật dân sự (Đại học Luật Hà Nội) – thành viên tổ biên tập sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình cho biết, qua các phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng nên chấp nhận mang thai hộ. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến chưa đồng tình mở rộng phạm vi người mang thai hộ mà chỉ chấp thuận nếu đó là chị em ruột thịt. “Đây là điều hợp lý bởi sẽ tránh được những vấn đề phát sinh phức tạp về tranh chấp đứa trẻ. Tuy nhiên, chưa thể mở rộng đối tượng những người được phép mang thai hộ bởi điều đó dễ gây phát sinh chuyện hợp đồng, kinh doanh”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép những trường hợp đặc biệt và nhân đạo, ví dụ như trường hợp các cặp vợ chồng vô sinh, người vợ không thể mang thai khi đó có thể nhờ chị, em gái… Còn nếu mang thai hộ mang tính chất thương mại sẽ bị cấm. Song phân biệt như thế nào là trường hợp nhân đạo và như thế nào là thương mại là hết sức khó khăn. Ban đầu có thể nhân đạo nhưng sau nhiều năm, người mang thai hộ có thể tống tiền hoặc “đòi” một phần tài sản mà đứa trẻ sẽ nhận được thì phải giải quyết như thế nào? Để tránh những rắc rối này, bà Hà Thị Thanh Vân – Phó Ban Chính sách pháp luật, TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam, đề nghị: Đối tượng mang thai hộ cần phải có quy định trước hết phải là người thân trong gia đình, sau đó mới tính tới người khác…
Một vấn đề đặt ra nữa là đứa trẻ có một người mẹ hay hai người mẹ. Tại Việt Nam, xét về nguyên tắc, người nào mang nặng đẻ đau sẽ là mẹ của đứa trẻ. Có thể xác định đứa con về mặt pháp luật và mặt sinh học. Là con sinh học của người mẹ có trứng. Còn theo luật, người mang thai là mẹ của đứa trẻ đó. Vì vậy, nếu cho phép mang thai hộ sẽ phải xác định lại khái niệm về quan hệ mẹ – con trong trường hợp này.
Thực tế đã cho thấy, mang thai hộ vẫn tồn tại và gây ra nhiều hậu quả pháp lý phát sinh không giải quyết được. Vì vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cần có những quy định cụ thể theo hướng cho phép mang thai hộ trong những trường hợp đặc biệt và cấm tuyệt đối việc “đẻ thuê”.
Luật sư Lê Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty Luật Thái An:
Cần phân biệt rõ thương mại và nhân đạo
Không chỉ vấn đề mang thai hộ mà rất nhiều vấn đề cần được sửa đổi trong Luật HNGĐ, và nếu không được sửa đổi sẽ gây những hệ lụy. Việc nhờ người mang thai hộ để có con là nhu cầu chính đáng của những cặp vợ chồng vô sinh. Ở nước ngoài mang thai hộ đã không còn xa lạ. Còn ở Việt Nam không cho phép nhưng nó vẫn diễn ra. Đã đến lúc chúng ta cần đưa vào luật nhưng cơ chế như thế nào, thực hiện như thế nào cho phù hợp, tránh những hậu quả mới là điều cần bàn đến. Lâu nay nhiều tranh chấp đã xảy ra khi người mang thai hộ không thực hiện đúng như cam kết nhưng các bên liên quan không thể làm gì vì không có luật. Vì vậy nếu được Quốc hội thông qua, pháp luật công nhận sẽ có cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng khi xảy ra tranh chấp.
Bên cạnh đó cần thiết phải quy định những trường hợp mang ý nghĩa nhân đạo mới được làm. Còn nếu nó bị biến tướng sang thương mại thì sẽ rất nguy hiểm vì sẽ sinh ra một cái nghề là nghề đẻ thuê. Phân biệt như thế nào giữa nhân đạo và thương mại là việc của cơ quan lập pháp. Nếu chế định mang thai hộ được thông qua, Quốc hội cần ban hành đồng bộ các luật sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan khác như: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… để điều chỉnh lại các nội dung có liên quan đến các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa người mang thai hộ và đứa trẻ, quyền thừa kế…
Theo 24h
"Mang thai hộ để duy trì nguồn gen quý"
Không còn khả năng sinh nở, chị H. chỉ còn biết trông vào cách tìm người mang thai hộ. "Nhưng giờ đây, pháp luật vẫn chưa cho phép, chưa có luật bảo vệ, mình lại sợ mất con lúc nào không hay. Mình từng chứng kiến trường hợp đẻ xong, người mang thai hộ không cần lấy tiền nữa, họ bế con chạy mất...", chị H đau xót nói.
Chế định cho phép mang thai hộ đã được đưa vào Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Hy vọng từ tuyệt vọng
Mỗi lần nhắc tới chuyện luật pháp sẽ cho phép mang thai hộ, chị H. (Hạ Hoà, Phú Thọ) lại lấy đó làm hy vọng để an ủi trước hoàn cảnh trớ trêu của gia đình mình.
Giống như bao bà mẹ khác, khi mang thai, chị H. những mong sẽ sinh ra được đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, vào ngày trở dạ tại bệnh viện tuyến huyện, trường hợp của H lại là ca sinh khó. Sau khi bà đỡ đưa được con ra thì người mẹ trẻ bị băng huyết phải chuyển lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Khi lên được tới nơi đã là quá muộn, các bác sĩ đành cắt bỏ dạ con để cứu lấy tính mạng người mẹ.
Đẻ mướn không còn là chuyện hiếm (Ảnh minh họa)
Sinh được đứa con trai nhưng chị H. cơ cực không để đâu hết khi cháu bé lên ba mà vẫn bé như cái kẹo, không biết đi chỉ bò lê lết với khung xương toàn thân cong gù, không phát triển được. Vợ chồng chị H. mang con hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, hỏi mãi bác sĩ mới kết luận cháu bị bệnh không hấp thụ Vitamin D, còi xương cấp độ cao.
Giờ đây, tháng nào vợ chồng chị H. cũng phải ôm con xuống Hà Nội để lấy thuốc điều trị lên tới tiền triệu. Trong khi đó, bác sĩ cho biết, nếu may mắn, thì tới năm 19 tuổi, con traichị H. mới biết đi nhưng cũng sẽ rất khó khăn...
Không còn khả năng sinh nở, chị H. chỉ còn biết trông vào cách tìm người mang thai hộ. "Nhưng giờ đây, pháp luật vẫn chưa cho phép, chưa có luật bảo vệ, không chỉ tốn kém mà mình lại sợ mất con lúc nào không hay. Mình từng chứng kiến trường hợp đẻ xong, người mang thai hộ không cần lấy tiền nữa, họ bế con chạy mất...", chị H đau xót nói.
Theo Luật sư Nguyễn Chiến (Liên đoàn Luật sư Việt Nam), việc pháp luật cho phép mang thai hộ là cần thiết bởi xuất phát từ nhu cầu bảo tồn nòi giống.
"Trường hợp gia đình có những vị giáo sư, chuyên gia giỏi... nhưng lại không có khả năng sinh con, lại càng cần được cho phép mang thai hộ để duy trì nguồn gen quý hiếm", Luật sư Chiến nói.
Ngược lại, nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn có nên đưa chế định mang thai hộ vào luật pháp hay không bởi rất khó kiểm soát những trường hợp phức tạp phát sinh, trong khi khung pháp lý của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.
Tuy nhiên, theo ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh TAND Tối cao, xây dựng chế định cho phép mang thai hộ sẽ gặp nhiều khó khăn, song không phải vì khó mà cấm mãi. "Có cấm thì người ta cũng vẫn cứ làm. Luật pháp không thể né tránh mãi được, chắc chắn sẽ có chuyện người dân lợi dụng chính sách mang thai hộ để thực hiện mục đích thương mại, song đó lại thuộc về câu chuyện hậu pháp luật", ông Tưởng nói.
Cho phép, hàng loạt luật sẽ phải sửa theo
Theo Luật sư Trịnh Anh Dũng, pháp luật hiện đang nghiêm cấm hành vi mang thai hộ trong mọi trường hợp.
"Nếu chế định mang thai hộ được thông qua, Quốc hội cần ban hành đồng bộ các luật sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan khác như: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự... để điều chỉnh lại các nội dung có liên quan đến các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa người mang thai hộ và đứa trẻ", Luật sư Dũng cho biết.
Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình lần này đã đưa chế định mang thai hộ vào Luật. Theo đó, hành vi mang thai hộ chỉ được phép khi có mục đích nhân đạo.
Nhiều ý kiến băn khoăn làm thế nào phân biệt mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay vì thương mại
Bà Bùi Thị Thanh Hằng (Khoa Luật- ĐH Quốc gia HN) cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, thiếu tính chuẩn xác. "Quy định chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm vì mục đích thương mại, nhưng Dự thảo lại không giải thích như thế nào là mục đích nhân đạo, như thế nào là mục đích thương mại? Trước mắt có vẻ nhân đạo nhưng sau nhiều năm, người mang thai hộ có thể "đòi" một phần tài sản mà đứa trẻ sẽ nhận được, thì sao?", bà Hằng phân tích.
Để tránh những rắc rối này, bà Hà Thị Thanh Vân - Phó Ban Chính sách pháp luật, TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam, đề nghị: Đối tượng mang thai hộ cần phải có quy định trước hết phải là người thân trong gia đình, sau đó mới tính tới người khác...
"Tôi đã từng chứng kiến trường hợp gia đình nhờ một cô gái 25 tuổi mang thai hộ. Sau đó, người chồng lại nảy sinh tình cảm với cô gái kia và nhất định không muốn ở với vợ mình. Vậy vấn đề đặt ra là ai sẽ là người có quyền được nuôi đứa bé. Người vợ (người cho trứng) hay người mang thai hộ?", bà Vân nói.
Ngoài ra, Dự thảo cũng cho phép, trong trường hợp chính đáng, người phụ nữ mang thai hộ có quyền quyết định về việc tiếp tục mang thai hộ hay không. "Trường hợp này, nếu pháp luật không quy định chặt chẽ, người mang thai hộ có thể đưa ra nhiều yêu sách kiểu "tống tiền" đối với bên nhờ mang thai với lý do, nếu không đưa thêm tiền sẽ tìm cách phá thai...", bà Vân nói.
Theo 24h
Cuộc sống các cô gái đẻ thuê ở Thái sau một năm về nước Trở về từ đường dây đẻ thuê giữa năm ngoái, Trâm thú thật với chồng để được tha thứ. Cuộc sống của cô đang trôi qua từng ngày ở quê lúa Kiên Giang với món nợ gần trăm triệu đồng. Cả tuần mưa liên tiếp, tiệm bách hóa ế ẩm, chẳng ai ghé mua thứ gì nên thu nhập chính của gia đình...