Cho nước ngoài thuê đất vàng giá bèo
Một góc hoang tàn của công viên Hoàng Gia – Ảnh: Bích Ngọc
Một khu đất vàng bên bờ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được cho thuê trong 49 năm với nhiều ưu đãi, nhưng sau gần 20 năm dự án vẫn chỉ là một công viên ngổn ngang.
Năm 1994, Chính phủ có quyết định cho Công ty kinh doanh XNK Hồng Gai và Công ty liên doanh TNHH quốc tế Hoàng Gia (tên gọi cũ của Công ty Hoàng Gia, Đài Loan), thuê 27,4 ha đất, gồm: 8,6 ha đất, 8 ha bãi biển và 10,8 ha mặt nước thuộc P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh. Theo dự án được phê duyệt, đây sẽ là khu thương mại và công viên ven biển 5 sao được cho là “độc nhất vô nhị” tại Hạ Long.
Nhưng sau 18 năm, những công trình hiện đại chưa thấy đâu, một vài hạng mục đã được xây dựng đang xuống cấp nghiêm trọng. Khu nhà hàng Vây Cá xập xệ hiện là bếp nấu cơm công nghiệp Nhà bảo tàng cổ vật… giờ trở thành nhà kho chứa bàn ghế gãy, mục. Cỏ dại mọc lút gối, rêu mốc, bụi bặm phủ khắp nơi trong khu công viên…
Video đang HOT
Phản cảm nhất là những ngôi nhà chừng 100 m2 bỏ hoang. Theo quy hoạch, đây sẽ là các cửa hàng cao cấp cho thuê. Tuy nhiên, đa số những “cửa hàng cao cấp” này mới xong phần thô, trổ các ô cửa trống hoác. Chỉ vài căn được phết thêm chút sơn trắng bên ngoài, bên trong vẫn là nền đất.
Bà Ngô Thị Hạnh, 65 tuổi, tổ 1, khu 6, P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long, bức xúc: “Công viên này giờ chỉ có một ít cửa hàng cho thuê đang hoạt động gần khu chợ đêm. Còn lại, phần lớn bị bỏ hoang từ rất lâu rồi, chẳng có người trông coi. Người dân lẫn du khách không ai dám vào đó đi dạo vì rất mất vệ sinh. Buổi tối không có đèn đóm, nơi đây là chỗ tụ tập của các thành phần xã hội phức tạp”.
Năm 2005, Công ty liên doanh TNHH quốc tế Hoàng Gia đổi thành Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia. Năm 2007, theo giấy phép đầu tư sửa đổi, quyền đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư nhà nước đã được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 14% cổ phần, và cho đến nay thì chỉ còn 13%.
Với tư cách cổ đông sáng lập nước ngoài, ông Nguyễn Chính Nghĩa (Juen Cheng I), quốc tịch Đài Loan, nắm giữ gần 60% cổ phần, còn lại là các cổ đông phổ thông khác (đa số có quốc tịch Đài Loan).
Sau nhiều lần xin gia hạn và điều chỉnh giấy phép đầu tư, trong khi hình hài công viên chưa thấy đâu thì năm 2002, Bộ Kế hoạch Đầu tư khi đó lại ra quyết định có nội dung: Chuẩn y việc tăng vốn đầu tư, vốn pháp định và kéo dài thời hạn hoạt động của Công ty liên doanh TNHH quốc tế Hoàng Gia. Theo đó, thời hạn hoạt động của công ty liên doanh là 49 năm (thay vì 35 năm như dự án ban đầu), tức năm 2043 mới kết thúc.
Công ty này cũng được miễn tiền thuê đất đến hết tháng thứ 7 của năm thứ 27 (thời gian miễn thuế đất là 26 năm 7 tháng), tức là đến năm 2022 liên doanh này mới phải nộp tiền thuê “đất vàng”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Hoàng Gia, kiêm người đại diện phần vốn góp của SCIC trong liên doanh này vẫn khẳng định: “Công viên Hoàng Gia đang hoạt động bình thường. Các hạng mục vẫn đang tiếp tục và không có công trình nào bị dừng. Chúng tôi đang hợp tác với Công ty Truyền thông Xanh, thuộc Tập đoàn Kiếm Hồ Sơn, Đài Loan để xây dựng phương án khai thác với hàm lượng văn hóa chiếm đa số”.
Thực tế là từ năm 2008, Công ty Hoàng Gia đã lên kế hoạch hợp tác kinh doanh với tập đoàn Kiếm Hồ Sơn, nhưng sau 4 năm, nói như ông Nam là: “Đối tác vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát để lập phương án”.
Ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Hoàng Gia, cho rằng: “Giai đoạn 1995 – 2005, phải thấy rằng dự án Hoàng Gia đã có một vai trò lịch sử, đây là dự án đầu tiên của ngành du lịch Quảng Ninh kinh doanh theo mô hình mới và có đóng góp cho du lịch Quảng Ninh”. Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận: “Vì một số lý do nên hiện việc đầu tư vào dải công viên ven biển Hoàng Gia đúng là đang bị chậm trễ”.
Theo TNO
Áo ngực chứa chất lạ bán giá 7.000 đồng
Những áo ngực bị tạm giữ đều có xuất xứ Trung Quốc. Chủ hàng cho biết, giá mua vào 7.000 - 25.000 đồng một cái, bán ra 25.000 - 70.000 đồng.
Ngày 6/11, Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ cho biết, sau hai ngày kiểm tra chợ đêm ở phường Tân An (quận Ninh Kiều) đã phát hiện trên 300 áo ngực có chứa chất lạ tại 3 sạp hàng. Đó là túi dung dịch màu trắng sữa và những hạt đen hút kim loại như nam châm. Chủ hàng cho biết những áo ngực Trung Quốc này mua vào 20.000 - 25.000 đồng và bán ra 65.000 - 70.000 đồng một cái.
Tại Vĩnh Long, đến chiều 5/11, lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ khoảng 3.000 áo ngực có chứa dung dịch và những hạt lạ. Số hàng này phát hiện tại chợ Phước Yên (xã Phú Qưới, huyện Long Hồ) và chợ đêm TP Vĩnh Long. Theo tiểu thương chợ Phước Yên, áo ngực Trung Quốc mua vào với giá chỉ 7.000 - 10.000 đồng một cái, bán ra 25.000 đồng.
Mẫu chất lạ và những viên màu trong áo ngực đã được gửi đi kiểm nghiệm, phân tích để có cơ sở xử lý số hàng tạm giữ.
Theo VNE
Trái cây Trung Quốc tràn về quê Bị người tiêu dùng ở các TP quay lưng vì lo ngại nhiễm nhiều hóa chất độc hại, gần đây, đủ loại trái cây Trung Quốc đã tràn về vùng thôn quê. Sau khi nho Trung Quốc ồ ạt tràn về miền Tây, gần đây, một số loại trái cây Trung Quốc khác như lựu, xoài, táo... cũng được bày bán đầy đường....