‘Chờ ngày phim Việt thắng giải quốc tế cũng được khán giả xếp hàng đi xem’
Đó là mong muốn mà đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ trong buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ Liên hoan phim TP.HCM (HIFF).
Ông nhận định điện ảnh Việt cần nhiều thời gian để khép lại khoảng cách doanh thu giữa phim độc lập/nghệ thuật và phim thương mại. Muốn vậy, phải tạo được thói quen xem phim đa dạng cho người Việt, để phim Việt cùng nhau phát triển.
Chiều 16.11, buổi tọa đàm Phát triển Điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa, bài học từ Hàn Quốc và Pháp thuộc khuôn khổ Liên hoan phim TP.HCM đã được diễn ra. Hai diễn giả tại sự kiện là ông Kim Dong Ho, nhà sáng lập, cựu chủ tịch Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Busan, Chủ tịch danh dự của HIFF và ông Jeremy Segay, tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, thành viên Ban cố vấn HIFF. Tọa đàm cũng có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng nhiều nhà làm phim Việt có tiếng.
Các chuyên gia điện ảnh quốc tế và Việt Nam cùng ngồi lại để bàn về những lợi thế, thách thứ trong việc đưa điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của quốc gia. BTC
Cần tạo thói quen xem phim đa dạng ở khán giả Việt
Các chuyên gia nhận định điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của quốc gia. Những năm gần đây, thị trường phim Việt đã có nhiều điểm sáng đáng lưu ý. Theo dữ liệu từ tạp chí Screen International, năm 2010, ở Việt Nam có 90 phòng chiếu, tăng lên 1.100 phòng sau 9 năm. Trong 2019, ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong bốn nước có thị phần phim nội địa cao nhất, chiếm 29% tổng số tác phẩm phát hành trong nước. Những tác phẩm đạt doanh thu trăm tỉ đã không còn là chuyện hiếm hoi.
Năm nay, Việt Nam còn có một số tác phẩm khiến cộng đồng quốc tế bắt đầu chú ý, tiêu biểu là chiến thắng Camera D’or của đạo diễn Phạm Thiên Ân với Bên trong vỏ kén vàng ở Liên hoan phim Cannes 2023. Phim của Thiên Ân bán được 50.000 vé ở Pháp, đạt 400.000 USD doanh thu. “Nếu nhìn vào thành công này, những nhà làm phim quốc tế sẽ rất hào hứng mong gặp gỡ, kết nối với các tài năng đạo diễn Việt Nam”, ông Jeremy Segay nhận định.
Thế nhưng, câu chuyện xoay quanh niềm hứng khởi của người Việt dành cho những bộ phim độc lập, phim nghệ thuật đoạt giải thưởng quốc tế cũng là chủ đề mà các chuyên gia khách mời trong và ngoài nước lưu tâm. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đặt vấn đề: “Phim Việt đoạt giải, thắng liên hoan phim quốc tế công chiếu trong nước lúc nào cũng thất thu phòng vé, ấy là còn chưa kể đến có những phim còn không có điều kiện để ra rạp. Ví dụ như trường hợp của Bên trong vỏ kén vàng, đạt giải Camera D’or rất quý nhưng doanh thu trong nước đâu chỉ hơn 1,4 tỉ đồng. Hay như Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên, doanh số hơn 4 tỉ đồng đã được gọi là rất khả quan”.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn mong các liên hoan phim trong nước sẽ dần tạo được thói quen xem phim đa dạng ở khán giả Việt. BTC
“Ở bất kỳ thị trường phim ảnh nào cũng vậy, đều có nhóm khán giả của dòng phim thị trường (số đông) và khán giả của dòng phim nghệ thuật (số ít). Nhưng điều quan trọng là tại Việt Nam, giữa 2 nhóm khán giả này đang có sự khác biệt quá lớn. Nó dẫn đến tình trạng khoảng cách doanh thu giữa 2 nhóm phim này là quá xa. Đó cũng là một thách thức của điện ảnh nước ta”, ông nói thêm.
Video đang HOT
Theo quan điểm của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, việc công chúng thích xem phim giải trí hơn là chuyện rất bình thường. Giải trí cũng là một chức năng của điện ảnh nhưng ngoài ra nó còn có nhiều chức năng khác về thẩm mỹ. Vì vậy phải làm sao để khán giả ra rạp càng nhiều càng tốt và thúc đẩy tinh thần giao lưu giữa khán giả và người làm phim, tạo thói quen xem phim đa dạng cho người Việt. “Tôi mong một ngày phim Việt đoạt giải thưởng quốc tế về nước cũng có những dòng người xếp hàng đi xem”, ông nói.
Ông Jeremy Segay kỳ vọng Liên hoan phim TP.HCM là một trong những sự kiện góp phần kết nối điện ảnh Việt Nam và thế giới. BTC
Ông Jeremy Segay cũng nhìn thấy khoảng cách này giữa hai dòng phim ở Việt Nam. Tùy viên Nghe nhìn Khu vực Đông Nam Á tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đánh giá: “Tôi nghĩ cần phải tốn nhiều thời gian để thay đổi việc này. Bởi quan trọng là cần phải khuyến khích, tạo thói quen để khán giả Việt xem phim một cách đa dạng và cởi mở hơn, cho họ được tiếp xúc với nhiều thể loại điện ảnh, phim đến từ nhiều quốc gia. Trân trọng và tôn trọng sự đa dạng trong điện ảnh, tinh thần đó cần có trước để các dòng phim cùng nhau phát triển”.
Nỗ lực đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa
Các chuyên gia điện ảnh kỳ vọng Liên hoan phim TP.HCM 2024 là nguồn lực và cơ hội để dần dà tạo nên thói quen xem phim mới cho người Việt. Để khán giả Việt Nam được có những cơ hội thưởng thức mới, cho họ những hương vị lạ và tiếp cận đến đa dạng các thể loại ngôn ngữ điện ảnh. Ông Kim Dong Ho nêu ý kiến rằng các liên hoan phim trong nước phải thu hút nhà làm phim trẻ, cần tập trung vào việc đào tạo và hỗ trợ phát triển. Ban ngành cần giới thiệu nhiều tác phẩm đến văn hóa phim ảnh cho công chúng, đồng thời tăng cường phim chiếu trong liên hoan, tính toán chi tiết số lượng thiết bị để phục vụ khán giả.
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết các ban ngành đang nỗ lực tiến tới các chính sách bảo hộ cho phim Việt. BTC
Ông Kim Dong Ho được TP.HCM mời về Việt Nam để truyền đạt kinh nghiệm và giữ chức Chủ tịch danh dự của LHP HIFF 2024. BTC
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, TP.HCM đã đề ra một số nhóm giải pháp chính để hiến kế đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn bổ sung vào quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của TP.HCM những khu công nghiệp điện ảnh, tăng cường sự gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP.HCM với miền Tây và Đông Nam bộ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu trọng tâm đặc sắc cho TP.HCM, đầu tư vào hệ thống thiết chế văn hóa, hỗ trợ cho những nhà làm phim trẻ và đầu tư nhiều hơn cho dự án phim của người trẻ, tham mưu những đề án và cơ chế để hình thành quỹ phát triển điện ảnh.
Đặc biệt bà nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp cuối cùng là nghiên cứu xây dựng những cơ chế đặc thù về chính sách bảo hộ điện ảnh Việt để phát triển hoạt động sản xuất phim Việt Nam, ưu tiên cho việc chiếu phim Việt, ưu tiên thu thuế ở mức thấp đối với phim Việt Nam, có những chính sách chế độ ưu đãi thuế hoặc lãi suất thấp cho những nhà làm phim Việt, để tạo cơ chế khuyến khích, tạo động lực phát triển cho điện ảnh trong tương lai”.
Lễ khai mạc và trao giải Liên hoan phim quốc tế TP.HCM sẽ diễn ra vào tháng 4.2024. Liên hoan do UBND TP.HCM tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chủ trì, phối hợp các ban ngành. Sự kiện dự kiến gồm năm hạng mục tranh giải chính và các giải thưởng, dự kiến quy tụ 200 nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại sao khán giả Việt lại quay lưng với phim nghệ thuật?
Khán giả Việt có vẻ vẫn hờ hững với phim nghệ thuật khi bộ phim đoạt giải lớn tại LHP Cannes mới đây có doanh thu cực thấp khi ra rạp.
Mới đây, Bên Trong Vỏ Kén Vàng - đoạt giải Máy Quay Vàng (dành cho tác phẩm điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất) tại Cannes 2023 - chỉ thu vỏn vẹn hơn 1,2 tỷ đồng sau hai tuần (theo số liệu của Box Office Vietnam). Giải thưởng lớn tại một liên hoan phim danh giá như Cannes giúp phim khơi gợi sự tò mò từ đông đảo khán giả trong nước. Tuy nhiên, khi tác phẩm ra rạp, không nhiều người thực sự bỏ thời gian và tiền bạc ra để thưởng thức.
Đây cũng là dự án có doanh thu thấp nhất của làng phim Việt tính từ đầu năm nay dù nhận nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và những người quan tâm. Thành tích này còn kém cả những tác phẩm bị chê về nội dung như Khi Ta Hai Lăm, Biệt Đội Bất Ổn hay phim tài liệu Những Đứa Trẻ Trong Sương - thể loại vốn được nhận xét kén khán giả.
Cứ phim nghệ thuật là phải khó xem?
Nhiều người cho rằng phim nghệ thuật đạt giải thưởng danh giá tại các liên hoan vốn được mặc định là khó xem đối với khán giả. Đây là quan niệm tồn tại trên cả thế giới chứ không đơn thuần chỉ tại thị trường Việt Nam. Phim nghệ thuật (arthouse) thường là những tác phẩm chạm đến những vấn đề nghiêm túc thay vì giải trí, mang nhiều tính thử nghiệm hơn là một mặt hàng được mài giũa mềm mại để phục vụ mục đích thương mại. Chúng thể hiện rõ nét quan điểm nghệ thuật, tư tưởng mang tính cá nhân của người nghệ sĩ và thường chỉ hướng đến đối tượng người xem nhất định.
Trước Bên Trong Vỏ Kén Vàng, Việt Nam từng cho ra đời nhiều tác phẩm thuộc dòng nghệ thuật và có ít nhiều thành tích ở một số LHP quốc tế. Gần đây nhất là Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hay trước đó là Đảo Của Dân Ngụ Cư (Hồng Ánh), Đập Cánh Giữa Không Trung (Vũ Hoàng Điệp) hay Bi, Đừng Sợ (Phan Đăng Di). Các tác phẩm này có điểm chung là nhận về sự thán phục của giới làm nghề, nhưng không để lại nhiều dấu ấn tại phòng vé.
Trong buổi ra mắt Tro Tàn Rực Rỡ tại Hà Nội, đạo diễn gạo cội Bùi Thạc Chuyên chia sẻ với tôi không nên giữ suy nghĩ cứ phim art-house là khó xem. Đơn cử, Parasite - bộ phim từng lập cú đúp hai giải quan trọng nhất của LHP Cannes 2019 và Oscar 2020 - là một minh chứng cho việc một tác phẩm hoàn toàn có thể cân bằng ở cả hai yếu tố nghệ thuật và thương mại. Trên thế giới, đa phần giới làm phim cũng hướng tới sự hài hòa đó vì dù sao "cơm áo cũng không đùa với khách thơ".
Phim Tro Tàn Rực Rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Trong bài phỏng vấn với The-Talks, đăng vài ngày sau khi Parasite thắng lớn ở Oscar 2020, đạo diễn Bong Joon Ho chia sẻ quan điểm về xu hướng xem phim của khán giả đại chúng hiện nay. Dù đoạt hàng loạt giải thưởng danh giá về nghệ thuật, nhà làm phim Hàn Quốc tự nhận mình là một người làm "genre film" - những dự án mang nặng tính thể loại như khoa học - viễn tưởng, giật gân... thường bị quy chụp thiên về giải trí, mua vui thay vì tự nhận là một đạo diễn thể loại arthouse. Ông nói: "Tôi là một fan cuồng của genre film. Mặc dù thích phá bỏ hoặc bóp méo các quy ước về thể loại, và về cơ bản chúng tôi hoạt động trong ranh giới của thể loại. Những thể loại điện ảnh này có thể mang đến sự hào hứng rất riêng... Với Parasite, cốt lõi của câu chuyện là về sự phân biệt giàu nghèo. Vì vậy, bạn có thể nói ngay từ đầu nó đã mang nặng tính chính trị. Tuy nhiên, tôi không muốn bộ phim này trở thành một tác phẩm nghị luận xã hội đơn thuần".
Các tác phẩm trước đó của ông như Snowpiercer hay Okja đều thuộc dòng khoa học - viễn tưởng nhưng được lồng ghép nhiều thông điệp về chính trị - xã hội một cách dày đặc và nhận nhiều lời khen trên phương diện kỹ thuật, nghệ thuật. Nhiều người có thể tranh luận về việc Parasite chưa chắc đã là tác phẩm xuất sắc nhất của Bong Joon Ho. Tuy nhiên, quyết định tìm điểm cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật, giải trí phần nào trở thành yếu tố tiên quyết giúp đây trở thành dự án thành công nhất của đạo diễn Hàn Quốc, về cả mặt doanh thu lẫn hàn lâm.
Parasite từng lập kỷ lục phim Hàn có doanh thu cao nhất tại Việt Nam.
Nhà làm phim nghệ thuật cũng nên tự phá bỏ những "vỏ kén" của chính mình
Tham khảo các phản hồi của khán giả khi Bên Trong Vỏ Kén Vàng khi ra rạp, dù đa phần đều là ý kiến tích cực, rất ít người thực sự giải thích một cách cụ thể được nội dung bộ phim nói về điều gì. Câu chuyện theo chân nhân vật Thiện, một thanh niên chưa vợ con và kiếm sống bằng nghề dựng phim. Một ngày, anh tạm gác công việc để đưa đứa cháu Đạo về quê để hoàn tất các thủ tục mai táng cho người chị dâu xấu số qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Sau đó, anh quyết định lần tìm tung tích của anh trai Tâm - người đã bỏ xứ ra đi tìm cuộc sống mới từ lâu - để báo tin và gửi trả Đạo cho cha mình nuôi nấng.
Xét về đường dây câu chuyện, Bên Trong Vỏ Kén Vàng có đầy những sự bỏ ngỏ khó hiểu. Rốt cuộc, Thiện có tìm được Tâm hay không? Số phận Đạo sẽ ra sao? Thiện sẽ làm gì tiếp theo sau khi nhận ra cuộc gặp mặt với người vợ mới của anh trai chỉ đơn giản là một giấc mơ trưa trên hành trình long đong đầy mỏi mệt? Quá nhiều câu hỏi xuất hiện sau khi bộ phim đã kết thúc mà không có lời giải. Khán giả cũng chắc chắn đây không phải một tác phẩm sẽ có thêm hậu truyện để tiếp tục theo dõi số phận của các nhân vật sẽ đi về đâu.
Kịch bản Bên Trong Vỏ Kén Vàng chứa đựng nhiều triết lý về xã hội và tôn giáo. Đạo diễn Phạm Thiên Ân từng giải thích hình ảnh đặt cho nhan đề phim giống như vỏ bọc của con người trong xã hội, là những thứ lôi kéo họ vào một vòng tròn bất tận, cuộc chạy đua với tiền bạc, danh vọng. Con nhộng bên trong giống như linh hồn của một người. Tên các nhân vật trong phim cũng mang đầy tính biểu tượng. Thiện là đại diện cho lòng tốt, được miêu tả một cách nhợt nhạt, bị vấy bẩn bởi những thói quen tệ nạn và vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Tâm là linh hồn, thứ đã bỏ nhân vật chính ra đi từ lâu. Đạo là đức tin, thứ đến với Thiện và thôi thúc anh đi tìm lại những giá trị cốt lõi của cuộc đời mình.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân chọn cách tiếp cận những chủ đề này một cách rất ý nhị và tinh tế, bao bọc chúng kín kẽ và cẩn thận như chính cái tên của bộ phim. Trong buổi công chiếu ở TP.HCM, anh chia sẻ rằng nếu mọi người vượt qua được 1/3 phim thì sau đó sẽ rất cuốn hút. Vì vậy, Bên Trong Vỏ Kén Vàng không chỉ khó hiểu về mặt đề tài, ý tưởng. Tác phẩm được kể theo ngôn ngữ điện ảnh mới lạ và được nhận xét đầy tính thách thức người xem. Bộ phim dài ba tiếng với hàng loạt cú máy dài, những phân cảnh ít thoại, không nhiều diễn biến. Nhịp phim chậm và đôi khi khiến khán giả cảm thấy lê thê, bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định phô diễn các kỹ thuật làm phim. Thoại và diễn xuất không giúp nhiều trong việc phát triển câu chuyện, đôi chỗ mang nặng tính diễn giải hơn là dáng dấp của những của những cuộc đối thoại thông thường. Việc sử dụng đa phần các diễn viên không chuyên, thể hiện cảm xúc một cách rất tự nhiên, không có nhiều sự diễn cũng khiến không khí bộ phim càng như cô đặc lại, nhiều lúc không thấy thêm sự tiến triển gì về mạch truyện.
Sau khi Bên Trong Vỏ Kén Vàng ra mắt, nhiều người thường nhắc đến khái niệm "điện ảnh thuần khiết" là điểm sáng của tác phẩm. Ekip không pha trộn nhiều "trope" quen thuộc từ các thể loại hài, hành động, tình cảm để giúp phim dễ xem hơn. Thay vào đó, đạo diễn quyết định kể câu chuyện một cách chân chất, dùng những khoảng lặng và hình ảnh mang tính biểu tượng để khơi gợi suy nghĩ từ phía người xem. Tất nhiên, đây là những lựa chọn, quan điểm nghệ thuật đáng được tôn trọng của tác giả. Thế nhưng, phần nào chính nó trở thành "chiếc vỏ kén" giấu mất thứ "vàng" rực rỡ bên trong.
Bộ phim xứng đáng với những lời khen và giải thưởng nó đã đạt được. Nhưng đồng thời, nếu từ đầu đã tư duy bộ phim sẽ khó tiếp cận, việc nó không thu hút được đông đảo khán giả khi ra rạp thưởng thức cũng là điều dễ hiểu.
Đạo diễn Vinh Sơn: Có những dấu hỏi khi nghe tin về "Đất rừng phương Nam" Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - người làm nên phim truyền hình "Đất phương Nam" năm 1997 - chia sẻ quan điểm của ông về phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ở vị trí là người đi trước, cảm xúc của ông như thế nào khi xem phim điện ảnh "Đất rừng phương Nam" khi mà...