Chợ hàng rong của ông Năm Hấp
Người lấn đất công thì nhiều vô kể nhưng người lấy đất hương hỏa nhà mình ra cho người khác sử dụng chắc chẳng có mấy người như ông Năm Hấp.
Ngõ nhà tôi dăm năm nay trở thành một cái chợ cóc. Đầu tiên chỉ vài hàng rau chạy công an, bảo vệ dạt vào ngõ, rồi thêm hàng thịt, một hàng kiếm được chỗ là sẽ có thêm hai ba hàng, sau đến hàng cá, rồi hàng hoa quả, hàng quà bánh, hàng khô…
Tất nhiên phiền phức, hai ô tô đi ngược chiều cũng có thể gây tắc đường chỉ bởi cái chợ cóc ấy. Một người mua dừng xe máy, rồi một người khác dừng gần cạnh, là ô tô không đi được. Một ô tô không đi được, là hai ô tô không đi được, cứ thế. Sau 12 giờ trưa, hàng họ xong xuôi, xe máy chất bao chất thùng lên, người bán hàng vù vù chạy về quê (họ đều ở quê) thì ngõ mới phong quang trở lại.
Nói như vậy để biết tôi không phải người bênh vực việc bán hàng rong.
Ông Năm Hấp và một tiểu thương buôn bán cá ở chợ. VNE
Tôi cũng mong phố xá rộng rãi đẹp đẽ, mong không tắc đường ngay cả khi chưa ra khỏi ngõ mỗi ngày.
Nhưng, có chợ cóc họp trước cửa mói biết, một cái chợ con con ấy là chỗ kiếm ăn của nhiều người ở quê lắm. Trong bán kính 20-30km, đi ra khỏi nhà từ nửa đêm và trở về nhà lúc xế trưa, vất vả để kiếm chút tiền nuôi gia đình, mơ ước có một khoảng đất con con chừng 1 mét vuông để ngồi nửa ngày với họ là mơ ước cực kỳ to tát.
Ngồi mà được yên lành, không phải đuổi chạy như vịt còn là ước mơ cao siêu hơn nữa.
Tôi đã nhìn những người bán rong nép mình vào mái hiên hay bậc thềm bé xíu của một ngôi nhà. Chủ một gia đình nào đấy trong ngõ thương tình cho họ ngồi trước cửa, hay kê bàn bán hàng, với họ là một cái ơn. Không phải cho ngồi không, mà cho ngồi có thu tiền, vẫn là cái ơn.
Thế nên, việc ông Lý Văn Hấp,”Năm Hấp”, ở phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) vì thương những người bán hàng rong chạy ngược chạy xuôi mỗi ngày nên đã bỏ vốn tu sửa mảnh đất hương hỏa rộng 800m2 của gia đình thành khu chợ tạm cho những người bán hàng rong, chắc chắn là việc rất hiếm.
Video đang HOT
Ông Năm Hấp trò chuyện cùng tiểu thương ở chợ
Nói về sự ra đời của khu chợ cho người bán hàng rong, ông Năm Hấp chia sẻ: “Những năm 2007, khu đường Lê Trọng Tấn – Kênh 19/5 được cải tạo, xây bờ kè, mở đường thông thoáng thì dân cư về đây sinh sống nhiều. Chỗ này lại gần khu công nghiệp nên có nhiều người đến đây bán rong. Mỗi lần lực lượng phường kiểm tra, họ nháo nhào đẩy xe, kéo sạp chạy”.
Theo ông “Năm Hấp”, biết là sai nhưng vì nghèo nên nhiều người cứ phải bám vỉa hè. Ông Năm Hấp quyết định dành chừng ấy đất để đưa những người bán hàng rong vào họp chợ. Việc này vừa hỗ trợ địa phương sắp xếp lại trật tự lòng lề đường và cũng giúp những người mua bán hàng rong có nơi có chỗ mưu sinh.
Hiện nay, khu chợ của ông có khoảng 20 gian hàng bán rau, cá, thịt… Nhiều người nhờ vào khu chợ của ông buôn bán nên đủ trang trải cho cả gia đình ổn định.
8 năm rồi, nếu không có “chiến dịch” dọn dẹp vỉa hè đang lan rộng ở các địa phương trong khi những người dân sống bám vỉa hè đang trong tình trạng nhốn nháo khắp toàn quốc và giải pháp đưa ra từ phía chính quyền hầu như chưa có, người ta mới nhớ ra câu chuyện cảm động của ông.
Người lấn đất công thì nhiều vô kể, từ năm mười phân ranh giới đến những con số khổng lồ đất dự án hàng nghìn vạn ha, không ai kiểm soát được. Nhưng người lấy đất hương hỏa nhà mình ra cho người khác sử dụng chắc chẳng có mấy.
Có điều, làm người tốt không dễ! Cũng có người bảo ông Năm Hấp tốt một cách “có điều kiện” chỉ vì khoản tiền 30.000 đồng ông thu của tiểu thương mỗi ngày. Nhưng nếu không có số tiền ấy, làm sao có thể duy trì hoạt động của chợ, có điện có nước, xây được nhà kho hay nấu những bữa ăn từ thiện? Nếu để tiểu thương chạy rong, kiếm không nổi một mái hiên để nép mình lúc nắng lúc mưa, lúc bị đuổi, bị tịch thu hàng hóa, số tiền họ phải mất một ngày sẽ còn gấp bao nhiêu lần?
Ngay trong ngõ nhà tôi, cái chợ cóc bé xíu, bị đuổi hàng ngày mà vẫn tồn tại, nhiều khi tôi cũng ước tôi, hoặc ai đó, có một khoảng đất con con để họ, những người bán hàng rong, có một chỗ ngồi, để họ bày những mớ rau nhà trồng, con cá bắt từ ao nhà hay những đồ tự sản tự tiêu không đáng mấy tiền.
Chỗ ấy, chẳng thể trong những trung tâm thương mại lớn mà vắng hoe. Cứ sống cạnh một cái chợ cóc thì hiểu dân mình, cả người bán người mua, đều nghèo lắm. và vì nghèo thế, nên cái nếp tùy tiện khó mà thay đổi được trong một sớm một chiều.
Theo Danviet
Cụ ông tự lấy đất mở chợ cho người bán hàng rong ở Sài Gòn
Thấy những người bán hàng rong trên vỉa hè thường bị cơ quan chức năng đuổi, ông Năm Hấp (quận Tân Phú, TP HCM) bèn bỏ đất, làm sạp để họ có chỗ bán buôn ổn định.
Ở góc đường Kênh 19/5 - T1 (quận Tân Phú) có khu chợ nhỏ không tên. Mọi người thường quen gọi là chợ ông "Năm Hấp". Những người bán trong chợ đều có tiền thân bán hàng rong vỉa hè.
Khu chợ do ông Lý Văn Hấp (70 tuổi, quận Tân Phú) mở ra. "Chợ này do tôi dùng đất hương hỏa của gia đình mở ra vào năm 2009. Tôi gọi đây là chợ hàng rong, vì người bán nào cũng từng mưu sinh trên vỉa hè", ông "Năm Hấp" - biệt danh thân thương mà mọi người dành cho ông - cười.
Nói về sự ra đời của khu chợ cho người bán hàng rong, ông chia sẻ: "Những năm 2007, khu đường Lê Trọng Tấn - Kênh 19/5 được cải tạo, xây bờ kè, mở đường thông thoáng thì dân cư về đây sinh sống nhiều. Chỗ này lại gần khu công nghiệp nên có nhiều người đến đây bán rong. Mỗi lần lực lượng phường kiểm tra, họ nháo nhào đẩy xe, kéo sạp chạy, có vụ chết người do lòng lề đường bị lấn chiếm".
Họ làm sai luật nhưng vì nghèo nên cứ phải bám vỉa hè nên ông rất thông cảm. Qua sự góp ý của UBND phường Tây Thạnh, ông dành khoảng 800 m2 đất để đưa những người bán hàng rong vào họp chợ. "Việc này vừa hỗ trợ địa phương sắp xếp lại trật tự lòng lề đường và cũng giúp những người mua bán hàng rong có nơi có chỗ mưu sinh", ông chia sẻ.
Để có khu chợ cho người bán hàng rong, ông Năm Hấp làm nền bêtông, mắc điện, lắp nước... với chi phí thời điểm năm 2009 là 50 triệu đồng. "Sau này tôi lại mua thêm tôn, sắt để dựng mái che, chứ ban đầu bà con phải che dù buôn bán", ông cho biết.
Hiện nay, khu chợ của ông có khoảng 20 gian hàng bán rau, cá, thịt... "Ngày xưa tôi bán rau ở vỉa hè đường Kênh 19/5, cứ vài ba bữa lại bị thu đồ, mất hết vốn. Thấy ông Năm vận động vô chợ là tôi ưng liền hà. Chợ này cũng gần mặt tiền lại có khách quen nên bán được lắm", chị Bùi Thị Trang (40 tuổi, quê Quảng Ngãi) chia sẻ.
Chị Ngô Thị Diệu (41 tuổi, quê Trà Vinh) nhờ bán cá nên đủ trang trải cho cả gia đình. "Ngày xưa mấy lần bị phường đuổi đẩy mất cả vốn, bố Năm phải cho mượn tiện để buôn cá lại", chị nói. Ở khu chợ, các tiểu thương đều gọi ông Hấp với cái tên "bố Năm".
Để duy trì hoạt động của chợ, trả tiền điện nước, vệ sinh, mỗi ngày ông thu của tiểu thương 30.000 đồng tiền phí. Số tiền thu dư ông dành một phần nấu những bữa ăn từ thiện. Ông còn xây một nhà kho để tiểu thương cất đồ đạc.
Mỗi ngày, ông Năm Hấp đều ra chợ thăm hỏi tiểu thương. Vốn bản chất vui tính, mỗi câu chuyện của ông đều khiến mọi người vui vẻ.
Hôm nào thấy người khỏe khoắn, ông luôn sẵn sàng phụ giúp người bán dọn hàng. "Ông ấy 70 tuổi mà rất khỏe", các tiểu thương nhận xét.
Khu chợ nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Đến trưa, tối khi các tiểu thương đã dọn hàng, ông cùng vợ lại ra thu dọn, vệ sinh.
Ông từng làm các chức vụ như Phó bí thư Đoàn phường, Phó chủ tịch phường (năm 1978 - 1988), Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân... Khi về hưu, con cái ra ở riêng thì ông cùng vợ ở riêng một căn nhà. Nói về tương lai khu chợ, ông cho biết sẽ duy trì lâu dài nhất có thể.
Quỳnh Trần
Theo VNE