Chờ đón các thương vụ M&A ngân hàng trong 2016
Mùa ĐHCĐ ngân hàng gần kề cũng là thời điểm để thị trường, nhà đầu tư, cổ đông nghe ngóng về các thương vụ sáp nhập, hợp nhất (M&A) trong lĩnh vực này.
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho hay là sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính mới có thể cạnh tranh trên thị trường, còn không sẽ phải M&A.
Do đó, tâm điểm các thương vụ M&A năm nay vẫn là việc nhà băng lớn sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ. Trong đó, phải kể đến những nhà băng có cùng dáng dấp chủ sở hữu. Vì thế, dù tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2015, HĐQT Saigonbank đã trả lời cổ đông rằng không có việc sáp nhập vào một ngân hàng khác mà cụ thể là Vietcombank như thông tin lan truyền, nhưng với kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng thất bại năm qua và nợ xấu vẫn là một thách thức khiến nhà băng này phải đối mặt với bài toán M&A thời gian tới.
Hiện vốn điều lệ của Saigonbank chỉ ở mức hơn 3.000 tỷ đồng. Nhà băng này chưa công bố kết quả hoạt động cả năm 2015, song chỉ tiêu lợi nhuận năm qua khá thấp.
Một trong những cổ đông lớn của Saigonbank chính là Vietcombank và cả hai nhà băng này đã từng có đề nghị lên NHNN về việc sáp nhập.
Một lãnh đạo NHNN cũng từng cho biết, cơ quan này đã đồng ý về mặt chủ trương, nhưng quyền quyết định vẫn từ hai bên ngân hàng. Nhưng sau đó, các nguồn tin đưa ra, do cổ đông lớn của Saigonbank chính là Thành ủy (UBND TP. HCM) không đồng ý cho Saigonbank sáp nhập Vietcombank.
Cùng với thương vụ Saigonbank – Vietcombank chưa thành, cặp đôi ABBank – DongA Bank cũng từng dấy lên thông tin sẽ về chung một nhà trước khi DongA Bank rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN trong tháng 8/2015. Đến nay, ABBank vẫn chưa có động tĩnh nào cho kế hoạch M&A.
Video đang HOT
Trong khi trước đó, lãnh đạo DongA Bank cho hay, ABBank đã có lời đề nghị với DongA Bank về việc M&A và giữ lại thương hiệu. Còn Tập đoàn Kinh Đô (dự kiến rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank) cũng âm thầm rút lui khỏi DongA Bank sau khi nhà băng này rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Ngoài Saigonbank, hiện thị trường có ít nhất 5 NHTM vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng (Kienlongbank, VietA Bank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, VietBank). Nhưng trong số này chưa có nhà băng này đề cập đến chuyện sẽ sáp nhập, hợp nhất vào nhà băng khác, trừ Nam A Bank đã không thành trong thương vụ sáp nhập Eximbank như đồn đoán. Tuy nhiên, ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank từng lên tiếng khẳng định, Nam A Bank không nắm cổ phiếu nào của Eximbank và Ngân hàng không có chủ trương M&A, đồng thời đang từng bước đẩy mạnh quá trình tự tái cấu trúc bằng nội lực.
Năm 2015, Nam A Bank đã nỗ lực tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, song do thị trường khó khăn, nên chưa thể đạt mức kỳ vọng. Tuy nhiên, lợi nhuận Nam A Bank trong 2 năm gần đây tăng trưởng khá bền vững khi đạt 242 tỷ đồng trước thuế trong năm 2014 và ước đạt 360 tỷ đồng trong 2015 theo như kế hoạch ĐHCĐ đưa ra.
VietA Bank cũng chưa thể hoàn thành kế hoạch nâng cao năng lực tài chính từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 – 4.000 tỷ đồng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhà băng này đang trong quá trình tái cấu trúc bằng chính nội lực, củng cố và đẩy mạnh xử lý nợ…
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, năm 2016 các NHTM phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các NHTM quy mô vốn còn thấp. Bởi các thông lệ quốc tế đã được đưa ra nên bắt buộc các NHTM nhỏ phải tăng cường tiềm lực mới có thể đáp ứng được và tạo sức mạnh cho mình trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một khó khăn hơn. Tuy nhiên, để phát triển lành mạnh thì nguồn vốn tăng thêm cũng phải thực chất, còn nếu tăng vốn bằng vốn ảo thì sớm muộn cũng sẽ gặp khó khăn. Điều đó có nghĩa, vấn đề sở hữu chéo trong thời gian tới sẽ được kiểm soát rốt ráo hơn.
Lộ trình thoái vốn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã chấm dứt từ ngày 1/2/2016, nhưng đến nay vẫn còn nhiều nhà băng chưa thể thoái vốn và NHNN cũng chưa gia hạn. Các thông tin đang hướng về mùa ĐHCĐ ngân hàng chuẩn bị được triển khai và một số thương vụ M&A cũng bắt đầu lộ diện trong kỳ ĐHCĐ năm nay.
Năm 2015, một số thương vụ sáp nhập chính thức được NHNN thông qua và tiến hành nhanh chóng như: MHB sáp nhập vào BIDV; MDB sáp nhập vào MaritimeBank; PG Bank vào VietinBank; SouthernBank sáp nhập vào Sacombank. Có thể nói, đây là những thương vụ M&A được tiến hành nhanh nhất kể từ đề án tái cơ cấu ngành được triển khai.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vì sao vốn ngoại vẫn thận trọng vào ngân hàng nội?
Các nhà đầu tư nước ngoài khá thận trọng khi lựa chọn ngân hàng trong nước để rót vốn do còn nhiều vấn đề chưa được minh bạch. Mặt khác, quy định tỷ lệ góp vốn tối đa là 30% đã hạn chế tiếng nói quyết định và quyền phủ quyết của họ.
Bên cạnh những ngân hàng đã thu hút vốn ngoại thành công, cũng có không ít nhà băng thất bại trong đàm phán gọi vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính, tránh M&A hay bị mua lại 0 đồng. Đứng đầu danh sách ngân hàng yếu kém, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đã được Chính phủ cho phép bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để tái cấu trúc. Tuy nhiên, việc gọi vốn không thành công và GPBank phải bán lại cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với giá 0 đồng, cổ đông bị trắng tay.
Được biết, NHNN đã giới thiệu Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB của Singapore) vào khảo sát tại GPBank. Hai bên đã đàm phán và gần hoàn tất các quy trình. Nhưng cuối cùng, chỉ còn một nhóm cổ đông GPBank không đồng ý về giá cổ phiếu, nên OUB ra đi. Sau đó, NHNN giới thiệu tiếp Hongleong Bank (Malaysia) tìm hiểu GPBank, nhưng sau 3 tháng khảo sát, tập đoàn này cũng ra đi.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, trong mắt nhà đầu tư ngoại, lĩnh vực tài chính - ngân hàng luôn hấp dẫn, nhưng không vì thế mà họ vào bằng mọi giá. Với những nhà băng nhỏ, hoạt động yếu kém, nhà đầu tư ngoại khá thận trọng, dù được mở 100% room.
Trước khi quyết định rót vốn, nhà đầu tư nước ngoài phải tính toán xem khả năng vực dậy và tăng trưởng trong tương lai của nhà băng đó ra sao. Mặt khác, yếu tố quan trọng và quyết định trong đầu tư của họ chính là sự minh bạch, cho dù ngân hàng đó có tỷ lệ nợ xấu cao.
Trước khi rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN giữa tháng 8/2015, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã đàm phán với một số tập đoàn tài chính nước ngoài, với kỳ vọng nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và xử lý được các khoản nợ xấu lớn.
Trong 2 quý đầu năm 2015, đã có 2-3 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm hiểu DongA Bank. Trong số đó, có một quỹ đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư đã tìm hiểu để mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trước đó. Thế nhưng, khi hai bên chưa đi đến thống nhất cuối cùng, thì DongA Bank đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Tại Sacombank, sau khi ANZ ra đi và chuyển nhượng phần vốn nắm giữ 9,7% lại cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), HĐQT Sacombank từng trình cổ đông thông qua kế hoạch bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên đến nay, khi Eximbank chuẩn bị thoái 9,7% vốn, Sacombank vẫn chưa triển khai được kế hoạch gọi vốn ngoại, nâng cao năng lực tài chính.
UOB trước đây là cổ đông ngoại nắm giữ 20% vốn của Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank). Nhưng sau khi SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, tỷ lệ này đã giảm đi đáng kể. Trên thị trường còn xuất hiện thông tin, OUB sẽ tính đến chuyện rút lui.
Nếu OUB rút lui thì cũng giống trường hợp Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) giữ 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MeKong Bank), nhưng đã nhanh chóng chia tay khi nhà băng này phải sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank). Sau khi chia tay Mekong Bank, FFH cho biết, sẽ tìm kiếm ngân hàng Việt Nam khác để đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì.
Với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), sau khi chia tay đối tác ngoại là Tập đoàn Oversea Chinese Banking Corporration (OCBC, Singapore) cuối năm 2013, ngân hàng này đã ra sức tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng chưa thành công. Lãnh đạo VPBank cho biết, tỷ lệ chào bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của VPBank theo quy định là 30%. Thời điểm thực hiện vào quý IV/2015 và năm 2016 tùy vào việc xin chấp thuận của các cơ quan nhà nước và đàm phán với đối tác.
Theo chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa, do ngân hàng là một ngành đặc thù và việc nhà đầu tư ngoại có sẵn sàng rót vốn còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như: chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng tốt và nét tương đồng văn hóa giữa 2 doanh nghiệp... Vì vậy, mấy năm qua, không ít nhà băng nội chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài.
Theo Vân Linh
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vì sao BIDV 'phủ sóng' truyền thông 2015? Trong năm 2015, BIDV trở thành điểm nhấn truyền thông của ngành ngân hàng với tần suất xuất hiện liên tục trên báo chí. Đặc biệt, đây là ngân hàng có tỷ lệ tin xấu ở mức thấp nhất trong TOP 3 ngân hàng. Ngân hàng có ít tin xấu nhất Theo thống kê và phân tích của Media Tenor - Công ty...