Chợ “độc” ở Đà Thành: Chợ bán chim
PV đã nhiều ngày đêm lăn lộn ở những chợ bán hàng “độc” tại miền Trung. Thật ra, chợ hàng “độc” không có gì ghê gớm, bởi ở những khu chợ ấy chỉ bán duy nhất một mặt hàng. Ai cần thì cứ đến đó vô tư mua và bán.
Không biết những khu chợ bán hàng “độc” duy nhất là chim rừng ấy hình thành từ lúc nào, chỉ biết ở đó có những bà, những chị, những cô trẻ măng chỉ chuyên bán… chim cho khách. Và tôi là khách hàng duy nhất đến chợ chim này để ngắm chứ không mua vì tôi không đủ sức nuôi.
Mua chim… đi anh!
Chợ hàng “độc” chỉ bán duy nhất một mặt hàng chim rừng để nuôi làm cảnh tụ tập trên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ, cạnh bệnh viện Quân y 17, thuộc phường Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Đây có thể nói là chợ bán hàng “độc” là chim lớn nhất Đà Thành từ trước đến nay mà tôi thấy.
Vừa dựng xe bên vỉa hè, 3 cô gái không biết trẻ hay già, xấu hay đẹp do choàng khăn kín mặt để chống nắng chạy ra đon đả mời chào: “Mua chim đi anh. Anh thích loại chim nào? Chim to, chim nhỏ, chim mới ra ràng… loại chi cũng có, miễn là anh thích!”.
Thấy khách lạ, mấy chú chim nhảy tứ tung trong chiếc lồng sắt hình vuông. Chị bán chim hỏi: “Anh mua loại chim nào? Chào mào, sáo sậu…? Ở đây, chị em tui bán đủ tất cả các loại chim. Anh thích con nào thì cứ chọn tui bán mở hàng giá rẻ cho…”.
Gánh hàng bán chim của các cô, các chị trên vỉa hè Đà Thành
Thấy tôi săm soi những chú chim rừng và lấy máy ảnh ra chụp, mấy chị bán chim tưởng tôi là kiểm lâm hay nhà báo đi kiểm tra chợ chim tụ họp trên vỉa hè này, nên bấm nhau cảnh giác. Một chị bán chim bên cạnh lên tiếng than thở: “Chụp chi nhiều rứa anh hè. Tụi em dân quê không việc làm nên mới đi bắt chim chở ra đây bán kiếm tiền nuôi con mà…”.
“Ở quê mùa nắng không biết làm chi kiếm tiền nuôi con ăn học, nên mấy ông chồng tranh thủ lên rừng bắt chim, còn chị em tụi tui chở ra phố bán. Khổ lắm anh à, mấy ngày ni bị đuổi hoài bán đâu có được…”. Chị bán chim tên Phương kể khổ khi tôi hỏi tại sao chủ các hàng bán chim toàn là phụ nữ, con gái? Thì ra các cô, các chị đi bán chim – là thứ mà những người chồng săn bắt được sau nhiều ngày đêm lặn lội ở rừng sâu.
Phố hàng chim ở Đà Nẵng
Video đang HOT
Hầu hết những chủ hàng chim bày bán trên vỉa hè hay chở lang thang khắp các nẻo đường phố Đà Nẵng chủ yếu là dân quê Quảng Nam. Nhiều chị bán chim than thở về cảnh đoạn trường của nghề bán chim. Nhưng cũng nhờ nghề này, nhiều gia đình có của ăn, của để, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Giàu nhờ chim
Với 4 sào ruộng khoán nước trời, nhưng 7 người trong gia đình anh Lê Lâm ở Quế Châu, huyện Quế Sơn, Quảng Nam vẫn sống sung túc đủ đầy. So với nhiều gia đình ở mãnh đất khó nghèo này, gia đình anh Lâm thuộc hàng “đại gia” của làng.
Nhiều người đến tìm mua chim
Hỏi bí quyết làm giàu, anh Lâm bảo chẳng có chi, chỉ khá hơn bà con hàng xóm ở vùng đất khó là quý lắm rồi. Bí quyết để đủ ăn, nuôi con ăn học đàng hoàng, theo tiết lộ của vợ chồng anh Lâm, là nhờ… chim!
Anh Lâm kể, nhà có 4 sào ruộng nước trời, nuôi thêm mấy con heo, anh giao cho vợ. Mình anh quanh năm suốt tháng ở trên rừng đi bắt chim về cho vợ tranh thủ chở ra Đà Nẵng bán kiếm tiền.
“Cách đây chục năm, chim rừng nhiều vô kể, nào chào mào, sáo sậu, chích choè về vườn nhà anh làm tổ đẻ con… chẳng ai thèm bắt. Tôi nhặt được chú chim chích choè bị rơi từ tổ xuống đất đem về nuôi. Khi lớn, con chim hót rất hay. Bỗng một hôm có người bạn từ Đà Nẵng đến chơi, thấy con chim nên chết mê, chết mệt năn nỉ tôi bán và mua cho bằng được”, anh nói.
Anh bảo nếu thích thì cứ lấy, cho bao nhiêu thì tuỳ! Người bạn mua được con chim quý nên mời anh ra quán nhậu một trận tẹt ga rồi còn nhét vào túi anh cục tiền.
“Lúc bạn nhét cục tiền vô túi sau khi chào từ biệt lên xe về Đà Nẵng, tui cứ nghĩ cục tiền lẻ. Về nhà, bà vợ tui trố mắt kinh ngạc khi đếm đi đến lại được 5 triệu đồng – thời đó tương đương 1 cây vàng. Tui không tin con chim chích choè tui nhặt đem về nuôi lại có giá cao như vậy. Kể từ đó tui nghĩ mình đi bắt chim rừng nuôi đem bán, và nghề chim đến với vợ chồng tui cũng được hơn 7 năm rồi… ” – anh Lâm tâm sự.
Bắt đầu từ con chim đầu tiên bán được tiền triệu ấy, vợ chồng anh Lâm bám theo nghề săn bắt, nuôi và buôn bán chim rừng. Bất kể ở đâu có tổ chim mấy đứa trẻ tìm được là anh đến hỏi mua cho bằng được về chăm sóc rồi đem bán.
Chợ bán hàng “độc” là chim
Anh bảo chim rừng có nhiều loại, đắt nhất là chích choè than, khướu, sáo sậu, hoạ mi (chim chiền chiện). Để bán được giá, anh phải cất công đi săn tìm chim non đem về nuôi tập hót rồi mới đem bán. Còn nếu săn được chim mẹ thì giá thấp hơn.
Từ nghề săn chim và bán chim cảnh này, anh Lâm tiết lộ mỗi tháng anh kiếm cũng được hơn 15-20 triệu đồng. Nếu trúng mánh, săn được chích choè than, hay khướu con đem về nuôi đến khi biết hót thì vô giá. Tuỳ khách mua, nếu họ thích có con hơn chục triệu đồng.
Nhiều nông dân vùng quê khó nghèo ở các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn trở thành “đại gia” làng nhờ chim.
Thành “râu” – một “đại gia” chim chốn Đà Thành nói rằng nghề nuôi chim, buôn chim này cũng lắm công phu. Để kiếm được tiền nhờ buôn chim việc đầu tiên phải biết chơi chim và mê chim. Đó là bài học đầu tiên khi tôi lọ mọ tìm hiểu và tham gia vào thế giới của “đại gia” chim nơi đất Đà Thành này.
Theo 24h
Giới trẻ Đà thành "sốt" với thú vui mới
Mua chuột hamster về làm cảnh - đó là thú vui mới của giới trẻ Đà Nẵng thời gian gần đây.
Thú vui mới này của giới trẻ Đà thành muộn hơn thú chơi chuột cưng của giới trẻ Hà và Sài thành. Nhiều thanh niên cho rằng, nó giúp giảm stress. Những người lớn tuổi nên chấp nhận thú vui đó của giới trẻ.
Mê mẩn với thú chơi... chuột
Buổi tối, dọc trên cầu Sông Hàn và các phố trung tâm thành phố Đà Nẵng, có rất nhiều người bán chuột bạch - Hamster. Theo quảng cáo của người bán, loài chuột này có nguồn gốc tại Hà Lan và châu Phi, được nuôi để làm cảnh. Loại chuột hamster nhỏ, màu trắng, hay ngủ ngày, có thể làm trò nên rất "được lòng" giới trẻ. Loài chuột làm cảnh này được rao bán từ 40 - 100 nghìn đồng/ con tùy theo loại.
Theo tìm hiểu của PV, đây là thú vui xuất hiện khá lâu tại Hà Nội và Sài Gòn, và mới đây, đã du nhập về Đà Nẵng khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú, lạ lẫm... Trên một diễn đàn dành cho những người yêu loại chuột này của các bạn sinh viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, có các cuộc thảo luận khá sôi động, các bạn truyền nhau kinh nghiệm mua chuột, nuôi chuột thế nào và nhiều người cho rằng, đây là thú vui rất "lạ" nên nhiều bạn trẻ rất sốt sắng với món quà này. Chuột hamster sống và phát triển tốt trong điều kiện nuôi. Vì thế, việc sở hữu một chú chuột trong nhà không phải là điều khó, vì chuột chỉ ăn cơm, gạo và uống nước.
Chuột hamster được bán trên cầu sông Hàn, Đà Nẵng
Trần Hạnh An, sinh viên Đại học Đà Nẵng chia sẻ: "Sinh nhật em, cậu bạn thân bật mí là sẽ dành cho em nhiều bất ngờ. Khi mở quà ra, em thật sự thấy vui khi nhận được món quà là một chú chuột bạch nho nhỏ, hiền lành, trông như một nắm bông vậy, em thấy rất thích thú với món quà này, nó khác hẳn với việc nuôi một con cún ồn ào, hiếu động, hoặc một con mèo hay cào cấu vì em có thể nuôi con chuột này trong phòng mình".
Hạnh An cũng cho biết, ở Đà Nẵng đã có rất nhiều hội yêu chuột bạch ra đời. Với những tiêu chí nhỏ xinh, dễ nuôi, chuột bạch đã trở thành con vật được giới trẻ rất "cưng". Hàng loạt chuyên mục về cách nuôi chuột hamster được giới trẻ Đà Nẵng lập ra trong các diễn đàn (forum) về vật nuôi, thậm chí có hẳn những diễn đàn của các bạn học chuyên Sinh dành riêng cho loài chuột này.
Cẩn thận... rước bệnh
Anh Minh, chủ cửa hàng chuột trên phố Lê Duẩn, Đà Nẵng cho biết: "Có rất nhiều người đến cửa hàng mua chuột về nuôi, chủ yếu là giới trẻ và những người đam mê động vật. Nhiều khách du lịch vào thành phố Đà Nẵng cũng mua về làm quà cho trẻ nhỏ ở gia đình. Nhiều khi khách mua nhiều, chúng tôi vẫn phải đặt hàng từ Vũng Tàu, Cần Thơ, Nha Trang... về bán". Tuy nhiên, số lượng bán vẫn chưa nhiều nên một số khách du lịch có nhu cầu phải lên mạng đặt hàng từ TP.HCM.
Được sự hướng dẫn của các bạn sinh viên ở Đà Nẵng, tôi được đăng nhập vào một trang web... để "mục sở thị" thị trường bán chuột online. Tại đây, có rất nhiều lời rao bán chuột hamster, mỗi loại chuột được rao bán theo từng mức giá khác nhau. Theo đó, giá loại chuột hamster panda (gấu trúc) đốm thường dao động chỉ từ 80.000- 120.000 đồng/con.
"Quý tộc" nhất vẫn là loại chuột lông "xù" mang ánh kim có giá 320.000 đồng/con. Đi kèm với đó là các loại phụ kiện phong phú để nuôi hamster: Riêng lồng (được các teen âu yếm gọi là nhà) cũng có dăm ba loại, giá từ 55.000-320.000 đồng/chiếc các loại thức ăn đồ chơi cho chuột hamster. Lượng chuột nhập về được chủ hàng rao với số lượng lên đến hàng trăm con, đủ để cả bán lẻ lẫn bán buôn.
Lý giải về sự bùng phát xu hướng chơi và bán chuột hamster tại Đà Nẵng, nhiều bạn trẻ cho rằng, khi các trò chơi cũ đã nhàm chán thì việc tặng nhau chuột cũng rất thú vị. Cảm giác nuôi một con chuột nhỏ xinh trong nhà, được chăm sóc, quan tâm đến nó, thấy rất là "lạ".
Tuy nhiên, bên cạnh thú chơi chuột hamster, các chuyên gia thú y cho rằng, chuột hamster (phần lớn nguồn gốc ở Hà Lan và châu Phi) có tuổi thọ 2-2,5 năm, đẻ 3 tháng một lứa, mỗi lứa 4-5 con, tốc độ sinh sản này thuộc diện nhanh và nhiều. Nếu lọt ra môi trường, chúng có thể phá hoại môi trường, cây cối, rau màu.
Cục Thú y cũng khẳng định, chuột hamster là loại động vật gặm nhấm, thích ăn hạt ngũ cốc và sinh sản rất nhanh. Chúng cũng lây truyền một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như dịch hạch, xoắn khuẩn. Đặc biệt, các giống chuột cảnh như hamster hiện đang được bày bán ngoài thị trường hoàn toàn không có giấy phép nhập khẩu, hàng chủ yếu được nhập lậu về bằng các đường tiểu ngạch. Vì thế nhiều người lo ngại rằng, chuột hamster đang được bày bán tràn lan trên thị trường Đà Nẵng hiện nay chưa qua kiểm soát dịch bệnh. Và nếu loài chuột này mang dịch bệnh lây lan cho các loài động vật khác hoặc gây bệnh cho người thì rất nguy hiểm.
Theo 24h
Bà trùm đòi nợ thuê gây kinh hãi Đà thành Dưới trướng quy tụ đám thuộc hạ hơn 30 đối tượng thuộc diện "tiền án, tiền sự nhiều hơn tiền mặt", Bùi Công Hổ, biệt danh là "Hai lúa" (SN 1966, ngụ tổ 21, phường Bình Thuận, quận Hải Châu), trùm xã hội đen tại TP. Đà Nẵng liên tục tác oai tác quái. Chỉ trong thời gian ngắn, "Hai lúa" trực tiếp...