Cho dâu tây “ăn” trứng, sữa, chuối, cặp vợ chồng trẻ thu trái ngọt
Đó là trang trại dâu tây công nghệ cao Has Farm của vợ chồng anh Đào Duy Trường và chị Đoàn Thu Trà ở xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) mới được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến tham quan vào ngày 15.3.
Trang trại độc đáo
Vào những ngày này, vợ chồng anh Trường đang tấp nập đón khách vào tham quan, trải nghiệm hái dâu tây, ngắm, chụp ảnh hoa hồng. Theo tiết lộ của chủ vườn, thời điểm này có ngày trang trại tiếp đón trên dưới 500 lượt khách, số tiền thu về từ hoạt động này lên đến 25 triệu đồng/ngày.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ ba, bên phải) cùng đoàn công tác đến thăm mô hình trồng trọt tại trang trại dâu tây công nghệ cao Has Farm tại Cao Bằng ngày 15.3. Ảnh: Trần Quang
Để đạt thành công được như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng, đôi vợ chồng Đào Duy Trường (SN 1989) và Đoàn Thu Trà (SN 1991) đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ.
“Lúc mới cưới, dù đã có một trang trại hoa hồng ở Hà Nội nhưng tôi vẫn đã quyết định dồn hết vốn liếng mở thêm trang trại trồng hoa hồng và dâu tây tại quê vợ (xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng). Hai vợ chồng xác định ngay từ đầu là vừa làm vừa học và cần mẫn thử nghiệm nên ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn lắm” – anh Trường kể.
Sau hai năm chật vật với cây trồng mới, tháng 7.2017, vợ chồng anh Trường được địa phương xét duyệt cho đi tham quan học tập các mô hình trồng rau màu công nghệ cao tại Lâm Đồng. Sau chuyến tham quan trở về, vào tháng 9.2017 gia đình anh đã mạnh dạn vay thêm vốn để tiến hành xây dựng nhà lưới đầu tiên với diện tích 800m2 phục vụ việc trồng dâu tây.
Bên cạnh việc đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, vợ chồng anh Trường chọn lọc 2 giống dâu tây gồm giống của Hàn Quốc và Nhật Bản có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên và kỹ thuật chăm sóc tại Cao Bằng, cho năng suất, chất lượng cao nhất để đưa vào trồng. Tròn 1 năm khởi sự, vợ chồng anh đã sở hữu 7.000m2 trồng dâu tây (giống dâu Hàn Quốc, Nhật Bản) theo công nghệ hệ thống đường hầm Micro Tunnel và 5.000m2 trồng các hoa hồng. Mới đây, dâu tây đã cho thu hoạch cung ứng ra thị trường với giá 250.000 đồng/kg dâu Hàn, 350.000 đồng/kg dâu Nhật.
Theo chị Trà, điểm đặc biệt mang lại chất lượng cho sản phẩm của trang trại không chỉ nằm ở công nghệ nhà kính, giống… mà việc bón phân của nhà vườn cũng rất quan trọng. Theo quá trình chăm sóc, các công nhân của trang trại sẽ tiến hành bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh và sử dụng phân bò đã qua xử lý vi sinh để bón lót.
Video đang HOT
Chị Đoàn Thu Trà (vợ anh Trường) thu hoạch dâu tây tại trang trại của gia đình ở Cao Bằng.
“Trong quá trình trồng, trang trại sẽ sử dụng phân bón hòa tan của Thụy Điển tưới qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại. Hàm lượng phân được chúng tôi tính toán phù hợp với mỗi giai đoạn sinh trưởng của dâu tây. Ngoài ra, trang trại còn sử dụng các loại phân tự ủ lên men như phân đậu tương, trứng, sữa, chuối để bổ sung cho quả ngọt, thơm, tăng chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của quả” – chị Trà chia sẻ.
Mong được tiếp sức
Bên cạnh việc phát triển sản xuất, vợ chồng anh Trường đang phát dịch vụ du lịch nhà vườn rất thành công. Được biết, hàng năm có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm du lịch tại trang trại dâu tây công nghệ cao Has Farm, cùng với nguồn thu từ việc bán sản phẩm, vợ chồng trẻ này có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/năm.
Anh Trường cho biết thêm, dù mô hình đã có được thành quả ban đầu, nhưng gia đình anh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ cao, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Sản phẩm dâu tây sau khi được thu hoạch được vợ chồng anh Trường đóng gói, dán nhãn mác rất cẩn thận trước khi bán ra thị trường.
Đến tham quan, trò chuyện với vợ chồng anh Trường – chị Trà, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các cán bộ của đoàn công tác đánh giá rất cao hướng đi và cách làm sáng tạo của chủ vườn trong việc phát triển mô hình mới tại vùng núi khó khăn như Cao Bằng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Tại vùng khó khăn của Cao Bằng xuất hiện một mô hình trồng hoa hồng, dâu tây này là rất đáng quý. Mong rằng chủ vườn tiếp tục nỗ lực hơn nữa, mở rộng canh tác và áp dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng và thu nhập”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho trang trại này phát triển, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ về vốn, cơ chế chính sách và mặt bằng nhằm giúp các trang trại, nông dân làm ăn lớn hơn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng quan tâm phát triển hợp tác xã(HTX) ở các lĩnh vực đầu vào và lĩnh vực đầu ra cho dịch vụ, sản xuất; tích cực thực hiện các thủ tục xóa nợ khê đọng của HTX cũ, tạo điều kiện cho các HTX chuyển đổi sang hình thức mới; gắn phát triển HTX với xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa giá trị thương hiệu, chất lượng của các sản phẩm truyền thống, có lợi thế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Danviet
Xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, đáng sống
Ngày 24.2, tại huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An; Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị công bố và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025".
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các Chương trình Mục tiêu Quốc gia dự chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.
Huyện nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa và du lịch
Tại hội nghị, ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 4.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025".
Đề án có mục tiêu tổng quát là nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về "phát triển văn hóa gắn với du lịch", góp phần tạo sức lan tỏa trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo hội nghị.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể: "Đến 2025, kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 - 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện; hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí và được Thủ tướng Chính phủ công nhận "Huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch".
Ông Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhìn nhận, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, một số lĩnh vực mức độ đạt chuẩn của huyện Nam Đàn vẫn còn chưa cao. Đó là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, hệ thống giao thông kết nối, thu hút đầu tư chưa mạnh; liên kết trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều; việc triển khai chỉnh trang hệ thống đường dây điện, cáp viễn thông tiến độ còn chậm, ảnh hưởng đến cảnh quan và việc đảm bảo an toàn giao thông...
"Huyện cần nhanh chóng tập trung, khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung của Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt; tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện. Kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên doanh, liên kết trong sản xuất, nâng cấp hệ thống hạ tầng" - ông Thái Thanh Quý nói.
Ông Thái Thanh Quý lưu ý trong nông nghiệp, huyện Nam Đàn cần củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm; phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên các sản phẩm truyền thống ...
Nam Đàn- miền quê đáng sống
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí diểm xây dựng Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu đúng dịp tròn 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện những lời căn dặn trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho quê hương (ngày 21.7.1969) là "Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc" là vô cùng có ý nghĩa.
"Việc triển khai đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu, ngoài trách nhiệm còn là tình cảm thiêng liêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhắn nhủ, bên cạnh sự vào cuộc của các Bộ, ngành, sự chung sức của các doanh nghiệp, vai trò không thể thay thế được chính là tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và nhất là sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân thì mới sớm thành công.
Mô hình dưa lưới tại xã Nam Anh (huyện Nam Đàn).
Cũng tại hội nghị, Nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý: "Nam Đàn cần tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn, ưu tiên các di tích đã được xếp hạng cũng như khai thác giá trị Dân ca ví, giặm, nghề truyền thống để phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch...".
Tiếp thu những gợi ý đó, ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, với những bài học và kinh nghiệm thực tiễn 7 năm xây dựng huyện NTM, Đảng bộ và nhân dân Nam Đàn đặt ra quyết tâm chính trị cao nhất, quyết liệt nhất để xây dựng Nam Đàn trở thành miền quê đáng sống; xây dựng nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thu hút 9 dự án nghìn tỉ
Tại hội nghị, có 9 dự án được ký kết đầu tư với tổng giá trị hơn 1.800 tỉ đồng: Dự án Bến - bãi đỗ xe và Trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa cội nguồn tại Kim Liên; Khu du lịch Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Núi Chung; Dự án Hỗ trợ công trình Hồ sen dâng bác; Nhà máy giày dép da xuất khẩu tại cụm công nghiệp Vân Diên; Nhà máy xử lý rác thải Nam Đàn tại xã Khánh Sơn; Dự án bến - bãi đỗ xe và Trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa cội nguồn; Khu đô thị thương mại, khách sạn Nam Đàn COMPLEX; Nhà máy cấp nước sạch vùng Năm Nam; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư; Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh huyện Nam Đàn; Bãi đỗ xe và dịch vụ du lịch, thương mại tại chân núi Đại Huệ.
Theo Danviet
Nóng: Xoài Việt Nam chính thức sang Mỹ sau 10 năm đàm phán Hôm nay, ngày 18.2, đánh dấu một bước ngoặt mới cho trái xoài Việt Nam khi chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vậy là sau 10 năm đàm phán bền bỉ, xoài Việt đã chinh phục được một trong những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là loại quả thứ 5 của Việt Nam vào thị trường...