Chớ chủ quan khi trẻ hẹp bao quy đầu
Thấy con trai 3 tuổi kêu ngứa và đau vùng kín, chị Lan (Thanh Trì, Hà Nội) để ý thì thấy đầu “cậu nhỏ” của cháu sưng to và có mủ.
Đi khám chị ngỡ ngàng khi biết nguyên nhân là bé bị viêm do hẹp bao quy đầu. Những bé trai bị viêm nhiễm bao quy đầu do hẹp cơ quan này không hiếm. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Phòng khám Nam khoa, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho hay ông từng khám và xử lý cho nhiều bệnh nhi rơi vào tình huống tương tự. Nhiều trẻ khi bác sĩ lộn bao quy đầu ra, có rất nhiều cặn bẩn bên trong.
Ngoài ra, một số bố mẹ tự nong bao quy đầu cho con nhưng không đúng cách, khiến tình trạng nặng thêm. Mới đây nhất, 12h đêm một cặp vợ chồng đưa con từ Thanh Xuân tới nhà riêng bác sĩ, nhờ lộn lại bao quy đầu cho trẻ vì mẹ làm quá tay khiến “cậu nhỏ” của bé căng tím, cháu gào khóc không ngừng vì đau.
Mỗi lần tắm cho con, mẹ có thể nong dần bao quy đầu cho bé. Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc cho biết, khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, tức là bao quy đầu không kéo tuột xuống được do có tình trạng dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu. Trong 3-4 năm đầu, do dương vật to ra, lớp bề mặt da bong ra, tích tụ lại thành chất bợn nằm bên dưới da quy đầu, giúp bao quy đầu tách dần khỏi quy đầu. Nhờ những lần dương vật cương khi buồn tiểu, khi ngủ mà bao quy đầu tự tuột hẳn xuống được. Khi trẻ được 3 tuổi, 90% bao quy đầu tuột xuống được. Chỉ có không tới 1% người lớn trên 16 tuổi bị hẹp bao quy đầu thật sự.
Video đang HOT
Bố mẹ có thể phát hiện con bị hẹp hay không bằng cách vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước ra sao. Nếu tia nước nhỏ như cái kim, bé khó tè, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã tích lại thì chắc chắn bé bị bệnh này.
Hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to, gây viêm nhiễm. Đây còn là một trong những nguyên nhân gây ung thư dương vật.
Bác sĩ Bắc cho biết, trước đây người ta thường đợi đến khi trẻ lớn xem hiện tượng hẹp bao quy đầu có tự hết không, rồi mới xử lý. Nhưng hiện nay, các bác sĩ nhi khoa và nam khoa khuyến cáo nên chủ động lộn sớm cho trẻ để chăm sóc tốt bộ phận sinh dục cho bé.
Việc can thiệp sớm giúp cho các mẹ có thể kéo bao quy đầu của bé xuống một cách dễ dàng để vệ sinh hằng ngày, tránh việc nước tiểu và chất cặn bã đọng lại ở khoang giữa quy đầu và da quy đầu, gây nên viêm nhiễm mạn tính, viêm đường tiết niệu, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn. Ngoài ra việc giải quyết hẹp bao quy đầu còn giúp cho dương vật của bé phát triển một cách thuận lợi, tránh được hiện tượng lún dương vật – tình trạng rất hay gặp ở nhiều trẻ.
Theo bác sĩ, mặc dù có rất nhiều lợi ích nhưng việc can thiệp vào bao quy đầu cho trẻ phải tuân thủ theo nguyên tắc “ít sang chấn”, ưu tiên dùng các thuốc chống viêm và duy trì lộn hàng ngày để da dương vật giãn da một cách tự nhiên, chứ không nên dùng panh kéo hoặc cắt bao quy đầu ở trẻ nhỏ.
Thời điểm nong lộn bao quy đầu thích hợp nhất là khi trẻ dưới một tuổi vì giai đoạn này da quy đầu của các bé mỏng, độ đàn hồi cao, miệng bao quy đầu chưa phát triển thành mảng xơ nên sẽ đáp ứng với biện pháp nong lộn tốt hơn. Ngoài ra vào thời điểm này trẻ chưa biết xấu hổ, cảm nhận chưa rõ ràng nên việc nong lộn sẽ dễ dàng hơn do trẻ không kháng cự mạnh và ít để lại sang chấn về tinh thần.
Tại nhà, bố mẹ cũng có thể nong dần bao quy đầu cho con bằng cách: Khi bé 5-6 tháng, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, mỗi lần một chút, ngày hôm sau tăng hơn ngày hôm trước, để bao quy đầu rộng dần và có thể trượt lên trượt xuống khỏi bao quy đầu một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian tình hình không cải thiện hoặc do miệng bao quy đầu quá hẹp thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Thường bác sĩ chỉ cần nong và tách phần da quy đầu bị hẹp rồi hướng dẫn gia đình tiếp tục chăm sóc bé sau đó. Trẻ lớn 5-6 tuổi trở lên vẫn bị tật này thì thường phải can thiệp bằng cắt da bao quy đầu.
Bố mẹ không nên kéo phần da quy đầu quá mạnh, làm bé bị đau, hoặc khi đã kéo tụt xuống thì nhanh chóng phải kéo da bao quy đầu trở lại để da quy đầu phủ kín như trạng thái bình thường, nếu không có thể dẫn đến biến chứng thắt nghẽn da phần này. Nếu chẳng may gặp tình huống trên, bố mẹ phải đưa bé đến bệnh viện cấp cứu sớm.
Theo VNE
Cắt bao quy đầu giảm nguy cơ nhiễm HIV?
Một nghiên cứu mới cho thấy, cắt bao quy đầu sẽ làm thay đổi hệ sinh thái của vi khuẩn cư ngụ ở dương vật, điều này giải thích nguyên nhân tại sao nó có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và những bệnh do virus khác.
Ở Mỹ, thủ thuật cắt bao quy đầu thường được thực hiện sau khi đứa trẻ chào đời vài ngày, hiện thủ thuật này vẫn đang vấp phải nhiều tranh cãi. Trong đó, một số nhà khoa học không ủng hộ việc cắt bao quy đầu cho rằng điều này sẽ gây giảm độ khoái cảm tình dục.
Nhưng nghiên cứu được công bố trên Tạp chí mBio đã giải thích được vì sao thủ thuật này giúp đàn ông ít có khả năng lây nhiễm HIV hơn so với những người khác, điều mà trước đó giới khoa học vẫn còn mơ hồ. Lance Price, một nhà dịch tễ học di truyền tại Đại học George Washington ở Washington và cộng sự đã thực hiện định lượng vi khuẩn cư ngụ trong "của quý" của những người đàn ông đã và chưa cắt bao quy đầu.
Ở Mỹ, thủ thuật cắt bao quy đầu thường được thực hiện sau khi đứa trẻ chào đời vài ngày
Kết quả cho thấy ở những người đàn ông Uganda đã cắt bao quy đầu thường có ít sự đa dạng về vi khuẩn ở dương vật. Một năm sau khi cắt bao quy đầu, sự hiện diện của những loài vi khuẩn kỵ khí sống trong vùng kín đàn ông đã giảm xuống, trong đó có những loại vi khuẩn có khả năng gây viêm nhiễm không được tìm thấy. Một số vi khuẩn hiếu khí lại tăng lên.
Theo các nhà khoa học, có thể là do trước khi cắt bao quy đầu các vi khuẩn đã kích hoạt các tế bào miễn dịch có tên là Langerhans. Sau đó, các tế bào này đã ứng phó với HIV bằng cách đưa chúng tới tế bào T của hệ miễn dịch. Nhưng thật không may, HIV lại phát triển và sinh sản ngay bên trong tế bào T, vì vậy, việc tế bào Langerhans trình diện virus với tế bào T dường như làm tăng thêm khả năng xâm nhiễm chứ không hề giảm đi.
Vì vậy, khi số lượng các loài vi khuẩn kỵ khí bị giảm xuống, số lượng tế bào Langerhans được kích hoạt cũng giảm theo giúp nguy cơ nhiễm trùng xuống thấp.
Theo H.Trang (Người lao động)
Dấu hiệu phát hiện ung thư dương vật Tôi 53 tuổi, nghe nói ung thư dương vật là bệnh hay gặp ở tuổi này. Xin bác sĩ hướng dẫn cách phát hiện bệnh sớm và cho biết những yếu tố thuận lợi dẫn tới bệnh này. Trả lời: Ung thư dương vật là một bệnh hay gặp, chiếm 6-8% tổng số các loại bệnh ung thư. Bệnh hay gặp ở các...