Chờ chồng ngủ say, rồi ra tay đoạt mạng
Tuần trước, một phụ nữ Trung Quốc đã ra hầu tòa vì sát hại người chồng vũ phu của mình. Vụ việc gây tranh cãi trong dư luận nước này, bởi một số đồng cảm với hoàn cảnh của bị cáo, số khác cho rằng hành vi giết người của cô ta quá tàn nhẫn, không thể dung thứ.
Bị cáo Trương (tóc ngắn) ôm con gái và người thân trong lúc phiên tòa tạm nghỉ
Trút hết căm giận, phẫn uất sau 14 năm chịu đựng
Tại phiên xét xử của Tòa án nhân dân trung cấp Khu tự trị dân tộc Di Sở Hùng (Vân Nam), bị cáo họ Trương thừa nhận hành vi sát hại chồng trong lúc anh ta đang ngủ vào tháng 4-2015. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, bị cáo đã tự thú với cảnh sát.
Trương bị buộc tội cố ý giết người, tuy nhiên trường hợp phạm tội của cô đang nhận được nhiều đồng cảm từ dư luận. Thậm chí, chính bố chồng của bị cáo còn nói với thẩm phán rằng ông tha thứ cho con dâu. “Cháu gái tôi đã mất cha, nó không thể lại mất mẹ nữa” – bố của nạn nhân cho biết, theo tờ Tin tức hàng ngày Vân Nam.
Về phía bị cáo, Trương cho biết, cô đã bị chồng đánh đập trong nhiều năm, kể cả lúc đang mang thai. Luật sư của Trương đề nghị tòa án khoan hồng đối với thân chủ, cho rằng vụ án mạng là do “bốc đồng và mang tính phản kháng hành vi bạo lực”.
Video đang HOT
Hôm xảy ra vụ án, cô và chồng cãi nhau sau khi anh ta uống rượu say mèm trở về nhà. Uất ức 14 năm bị bạo hành bỗng trào lên và Trương quyết định đợi chồng ngủ say rồi ra tay sát hại. Trương dùng búa và cờ lê đập nhiều nhát vào mặt chồng, trước khi dùng dao đâm nạn nhân hơn 40 nhát ở bụng, ngực và cắt bộ phận sinh dục. “Tôi chỉ muốn trả thù những năm tháng bị bạo hành. Tôi cảm thấy mình không thể sống nổi nữa, trừ phi hắn ta chết” – người phụ nữ 42 tuổi nói.
Trước đó, trong một bản bút lục, con gái đang học lớp 4 của cặp vợ chồng này cho biết, cha thường xuyên đánh mẹ, uống rượu xong, đánh càng thậm tệ, mà lại không cho mẹ khóc.
Phiên tòa xét xử bị cáo Trương diễn ra hôm 18-3 đã thu hút lượng lớn người tới dự, gồm các thẩm phán, kiểm sát viên từ Tòa án nhân dân Tối cao (SPC) và các tòa án địa phương, nhân viên xã hội từ các tổ chức bảo vệ phụ nữ, cũng như sinh viên trường luật.
Trần Mẫn, một nhà nghiên cứu ở Viện ứng dụng luật Trung Quốc, cũng có mặt tại phiên tòa với tư cách nhân chứng chuyên môn – người đủ kiến thức chuyên sâu để làm sáng tỏ một khía cạnh của vụ án. Ông Trần từng có nhiều nghiên cứu về tâm lý, pháp luật, các vấn đề xã hội và gia đình, đặc biệt là nạn bạo hành gia đình.
Quá trình xét xử Trương hiện chưa kết thúc. Được biết, với tội cố ý giết người, bị cáo có thể bị phán quyết án tử hình hoặc tù chung thân hay tù từ 10 năm trở lên. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, cũng phải thi hành án từ 3-10 năm.
Không hiếm trường hợp tương tự
Vụ án liên quan tới bị cáo Trương một lần nữa cho thấy tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này. Năm 2013, một trường hợp tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên khi luật sư và các nhà hoạt động vì phụ nữ phản đối kịch liệt án tử hình đối với một phụ nữ sát hại người chồng vũ phu.
Lý Yến, ở huyện An Nhạc (thành phố Tư Dương) cãi nhau với chồng vào đêm 3-11-2010. Người chồng đe dọa sẽ bắn cô bằng khẩu súng hơi và sau đó liên tiếp đá vào người cô. Người phụ nữ này phản kháng lại, trong lúc xô xát, cô vớ được khẩu súng và vô tình cướp cò bắn chết chồng. Quá sợ hãi, Lý chặt xác chồng, rồi ném các bộ phận cơ thể ra một phòng vệ sinh công cộng và một con đê, trước khi tâm sự với một người bạn. Người này sau đó đã báo cảnh sát.
Lý Yến bị Tòa án nhân dân trung cấp Tư Dương tuyên án tử hình và mất quyền kháng cáo lên tòa án Tứ Xuyên. Tuy nhiên, do làn sóng phản đối mạnh mẽ, vụ án của Lý Yến được xét xử lại tháng 6-2014. Đến năm 2015, sau nhiều cân nhắc, Tòa án nhân dân trung cấp Tư Dương quyết định giảm án tử hình thành tù có thời hạn, do nhận định rằng bị hại cũng có lỗi và bị cáo đã thành thật trong quá trình điều tra.
Theo một thống kê từ năm 2011 của Liên đoàn phụ nữ Trung Quốc, cứ 4 phụ nữ Đại lục thì có 1 người bị bạo hành gia đình.
Theo_An ninh thủ đô
Liên minh quân sự "ra tay"
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) một liên minh quân sự hùng mạnh đã mở rộng chiến dịch chống buôn người trên biển Aegean thuộc Địa Trung Hải nhằm góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư đang làm chao đảo cả châu Âu.
Tàu chiến của các nước EU phát hiện và cứu những người di cư trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ
vượt biển Aegean sang Hy Lạp
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 6-3 cho biết, liên minh quân sự này đang mở rộng chiến dịch ngăn chặn nạn buôn người vào châu Âu bằng việc triển khai các tàu chiến tới các vùng biển Aegean thuộc Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch của NATO cũng nhằm tăng cường thêm nỗ lực chống nạn buôn người di cư trên Địa Trung Hải mà Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai gần một năm qua.
Theo ông Stoltenberg, NATO triển khai các hoạt động do thám, giám sát, thu thập và chia sẻ thông tin với lực lượng bảo vệ bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp cũng như Frontex, giúp họ xử lý cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn, đồng thời cắt đứt các đường dây buôn lậu và buôn người. Nhóm tàu chiến của NATO ngăn chặn hoạt động buôn người trên biển Aegean do Đức dẫn đầu, hiện đã có các tàu chiến của Canada, Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch.
Dù được công bố chỉ một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ về khủng hoảng di cư tại Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở của cả NATO và EU, song quyết định trên của NATO thực ra đã được đưa ra sau khi các Bộ trưởng Quốc phòng của 28 nước thành viên EU ngày 11-2 vừa qua lên tiếng yêu cầu lập tức cử các tàu của liên minh quân sự này tới biển Aegean. Ngoài Đức, Canada, Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho biết, hiện Pháp đã thông báo gửi 1 tàu chiến, Anh cử 3 tàu chiến tham gia chiến dịch tuần tra trên biển của NATO để phát hiện các nhóm buôn người và ngăn chặn làn sóng người di cư.
NATO vào cuộc chống buôn lậu người di cư trên Địa Trung Hải cho thấy đây không đơn thuần chỉ là một cuộc khủng hoảng nhập cư với châu Âu mà còn là một vấn đề an ninh lớn với liên minh quân sự này tại một địa bàn chiến lược trọng yếu. NATO buộc phải "ra tay" khi nỗ lực của từng thành viên và cả EU chưa đủ để ngăn chặn hữu hiệu dòng người di cư đang ào ạt đổ từ Trung Đông, Bắc Phi vào châu Âu.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng nhập cư bùng nổ, biển Aegean là một tuyến đường nóng để hàng trăm nghìn người di cư sau khi tới Thổ Nhĩ Kỳ đi tiếp tới Hy Lạp, "điểm đến" đầu tiên trên hành trình tới "miền đất hứa" châu Âu. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), từ đầu năm đến nay, 125.819 người di cư cập bến các hòn đảo của Hy Lạp và trong số đó 321 người đã thiệt mạng khi qua biển Aegean. Nếu như lượng người di cư tràn đến châu Âu vào năm 2015 là hơn 1 triệu người, thì có tới hơn 850.000 người vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, trong đó đã có 805 người thiệt mạng trên vùng biển này.
Bản thân EU từ tháng 5-2015 cũng đã triển khai chiến dịch hải quân nhằm triệt phá các đường dây buôn người đang lôi kéo hàng nghìn người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu. Hàng chục tàu chiến cùng máy bay trực thăng của nhiều nước thành viên đã được huy động nhằm phát hiện, tấn công, bắt giữ và phá hủy các tàu của bọn buôn người tị nạn vào châu Âu, song dường như những nỗ lực ngăn chặn dòng di cư vẫn chưa ăn thua và chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Đúng là EU đang gặp khó. Vậy thì, liệu việc ra tay của NATO có giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng của châu Âu?
Theo_An ninh thủ đô
Án chung thân cho 2 kẻ nổ mìn nhà Giám đốc Công an tỉnh Bích nhận mìn từ Hòa rồi mang đến nhà ông Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên châm ngòi. Vụ nổ gây ảnh hưởng tới 62 hộ dân xung quanh. Hòa và Bích trước tòa. Trong hai ngày 25 và 26/2, tại Trại tạm giam T16-Bộ Công an, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa sơ...