Cho cá lồng ăn thêm cây mắm tôm, bắt toàn con to, kiếm thêm tiền tỷ
Chọn sông Kinh Thầy làm nơi khởi nghiệp với nghề nuôi cá lồng, ông Trần Đình ở phường Tân Dân, TP Chí Linh, (Hải Dương) đã gây dựng được trang trại nuôi cá quy mô lớn, thu lãi tiền tỷ mỗi năm. Đặc biệt, tỷ phú Trần Đình có bí quyết giúp cá lồng khỏe, mau lớn là cho cá ăn thêm cây mắm tôm.
Đem tiền tỷ “đổ” ra sông
Từng tham gia quân ngũ và có thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, tính bền bỉ, kiên cường đã hun đúc giúp anh Trần Đình mạnh mẽ hơn mỗi khi quyết định dấn thân với thử thách mới trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Trước khi trở thành tỷ phú nuôi cá lồng, anh Đình từng là làm đủ việc, đi khắp nơi để kiếm sống. Nhưng cuối cùng, dòng sông Kinh Thầy ở quê hương đã đánh thức khát vọng làm giàu với những ý tưởng và quyết định đầu tư táo bạo trong nghề nuôi cá lồng.
Khu nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy của gia đình anh Trần Đình nhìn từ Flycam. Ảnh: Nguyễn Chương.
“Cơ duyên” đưa anh Đình đến với nghề thủy sản đó là trong một lần nghe chuyện một người bạn phàn nàn nói về cước phí cao khi vận chuyển cá diêu hồng từ Nam ra Bắc bán. “Lúc đó khoảng cuối năm 2008, khi biết chuyện đó, tôi nghĩ trong đầu sao mình không mang loài cá này ra Bắc nuôi, chưa biết lãi lỗ thế nào nhưng chỉ cần lời 22.000 đồng/kg cước phí của bạn là mình đã thành công”, anh Đình kể.
Nghĩ là làm, đầu năm 2009, anh Đình bắt đầu tìm hiểu và xin địa phương cho đấu thầu mặt nước ven sông Kinh Thầy để nuôi cá thử nghiệm ngay. “Lúc đầu bỏ tiền tỷ ra sông nuôi cá, nhiều người cũng can ngăn bảo “đổ” tiền xuống nước khác gì mang muối bỏ biển, dễ thất bại nhưng tôi vẫn quyết làm”, anh Đình nhớ lại.
“Đoạn sông Kinh Thầy đoạn chảy qua Tân Dân có mặt nước rộng và thoáng, nguồn nước sạch và thủy triều lên xuống đều đặn, là điều kiện lý tưởng nuôi cá lồng. Người dân quen nuôi nhỏ lẻ, chưa ai nghĩ đến mô hình nuôi cá chuyên nghiệp để làm giàu nên mình bắt tay làm”, anh Đình cho hay.
Anh Trần Đình kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá trắm đen nuôi lồng trên sông Kinh Thầy. Anh Trần Đình cho biết, khu lồng cá nhà anh có những con cá to từ hơn 10kg đến 30kg…Ảnh: Nguyễn Chương.
Anh Đình kể, những ngày đầu do thiếu vốn, kinh nghiệm chưa có nên gặp rất nhiều khó khăn. Năm đầu tiên thử nghiệm thả nuôi 20 lồng, do thiếu kinh nghiệm nuôi, quản lý nên cá chết và hao hụt thiệt hại nhiều. Từ các năm sau, nhờ học hỏi kinh nghiệm, biết cách sử dụng thuốc phòng trị bệnh, chăm sóc nên cá ít hao hụt và lớn nhanh hơn.
Vừa nuôi cá, anh Đình vừa học nghề, anh vạch ra lộ trình và tìm mọi cách học hỏi kỹ thuật nuôi cá từ khắp nơi. Bài học nuôi cá đầu tiên là kinh nghiệm người dân địa phương đã nuôi theo cách truyền thống, cao hơn các diễn đàn chia sẻ kiến thức trên mạng internet.
Sau nhiều lần thất bại, năm 2011 anh Đình đã bắt đầu gặt hái được thành công và thu lãi tiền tỷ đều qua các năm. Khởi nghiệp với 20 lồng cá ban đầu, tiền lãi từ mỗi vụ cá được tái đầu tư nhân rộng các lồng nuôi và bổ sung các giống cá mới có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trang trại nuôi cá lồng của gia đình anh Đình đã phát triển lên tới 60 lồng cá với tổng trị giá tài sản gần 20 tỉ đồng.
Video đang HOT
Bí quyết nuôi cá khỏe
Hiện, trang trại của anh nuôi nhiều cá thương phẩm như cá điêu hồng, trắm đen, lăng, hô,… Kinh nghiệm của anh Trần Đình khi thu hoạch cá cũng khác người. Thường bà con nuôi cá lồng thu hoạch vào các tháng trước bão lũ như kiểu bán chạy lũ thì anh Đình lại thong dong mặc kệ, chờ mọi người bán hết anh mới xuất lồng theo kiểu nhỏ giọt, chứ không bán ồ ạt.
Anh Trần Đình và lao động tại bè cá luôn vệ sinh lưới, chuồng nuôi cá lồng, nhất là trong mùa mưa lũ, đảm bảo đàn cá phát triển tốt, khỏe mạnh…Ảnh: Nguyễn Chương.
“Làm gì cũng vậy, chăn nuôi con nào cũng thế, phải có cách làm riêng, khác người thì may ra mới cạnh tranh được, chứ cứ làm ăn theo phong trào thì dễ bị ép giá và thất bại lắm”, anh Đình giải thích.
Minh chứng rõ nhất là hiện toàn bộ 60 lồng cá đều đã đến tuổi bán, lái buôn ngày nào cũng gọi thúc giục nhưng vị chủ trang trại này vẫn làm ngơ. Anh Đình bảo: Dịp này mọi người cứ đua nhau bán đổ, bán tháo đi không khéo còn lỗ nặng chứ đừng nói đến chuyện lãi. Như cá của tôi đây, có con nặng hàng chục kg đến 30kg cũng cứ kệ, ai mua giá cao mới bán không cứ để ở lồng chăm chơi thôi.
Dù mùa lũ trên sông Kinh Thầy cũng dữ dội, nước chảy cuồn cuộn nhưng anh Đình cũng không sợ. Bởi các lồng cá đã được anh thiết kế rất chắc chắn. Bốn đầu lồng được anh buộc 4 bao cát to, xung quanh lồng anh siết phao thùng phi cứ nước chảy đi đâu lồng đi bơi theo tới đó, nâng dân thì lồng dân, cá vẫn cứ khỏe, bơi ầm ầm.
Để nuôi cá lồng hiệu quả, anh Đình cho biết: Cá nuôi ao đất và cá nuôi lồng có nhiều điểm khác nhau. Trong giai đoạn chuyển cá giống từ ao đất ra ương, nuôi ở lồng bè có sự khác nhau rất lớn về điều kiện môi trường nên cá dễ chết và tỷ lệ hao hụt thường cao. Bên cạnh đó, cần phải vệ sinh lồng bè thường xuyên, phòng bệnh cho cá định kỳ, kiểm tra lồng lưới tránh thất thoát cá.
Điêu hồng là 1 trong nhiều loài cá ngon được gia đình anh Trần Đình cơ cấu nuôi lồng trên sông Kinh Thầy. Ảnh: Nguyễn Chương.
Sau nhiều năm nuôi cá, mới đây anh Đình đã được địa phương định hướng và hỗ trợ chuyển hướng sang nuôi cá VietGAP, nói không với kháng sinh. Hàng ngày bên cạnh việc cho cá ăn bằng thức ăn sạch, anh Đình còn thường xuyên vệ sinh các lồng, tắm cá mỗi khi có nước lũ tràn về.
“Nhiều người nghe bảo cá dưới nước sao phải tắm nhưng đó là việc làm cần thiết. Bởi hiện nay nguồn nước sông đang thay đổi từng ngày, nghiêm trong hơn là mùa lũ về mang theo nhiều vi khuẩn có thể gây nguy hiểm cho đàn cá nên chúng tôi thường dùng một loại chế phẩm sinh học té xuống ao tắm cho cá tại các lồng. Bên cạnh đó, tôi còn dùng tỏi giã nát ngâm, ủ chua bỏ xuống cho cá ăn định kỳ nhằm phòng, kháng lại các bệnh, dịch nguy hiểm”, ông Đình chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Đình còn cho công nhân đi lượm hái lá, ngọn cây phân xanh (hay còn gọi là cây mắm tôm) mọc ở các triền đê đưa về giã nát lấy nước trộn với thức ăn khô đổ xuống cho cá ăn thường xuyên để phòng bệnh. Nhờ có phương pháp nuôi độc đáo, sản phẩm cá của anh Đình luôn đảm bảo chất lượng, thơm ngon nên được các nhà hàng lớn khắp trong tỉnh và Hà Nội đặt mua đều đặn với giá cao.
Gương làm giàu của anh Đình nổi tiếng khắp tỉnh Hải Dương. Mỗi năm, trang trại của anh đón rất nhiều đoàn khách đến học tập kinh nghiệm và sinh viên mới ra trường về thực tập. Có thể nói, mô hình nuôi cá lồng của anh giờ đây đã đứng nhất, nhì huyện về năng suất và lợi nhuận kinh tế.
Nhờ có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất nông nghiệp, anh Trần Đình đã được xã, huyện, tỉnh tặng nhiều giấy khen và Bằng khen. Anh Trần Đình là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được Hội đồng chung khảo bình chọn 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″ sẽ được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.
Theo Danviet
Mang loài "thủy quái" nhốt lồng trên sông Lô, nuôi không kịp để bán
Anh Vũ Tuấn Công, thôn Ba Luồng, xã Thái Hóa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đang nuôi 4 lồng cá chiên đặc sản (nhiều người gọi vui là thủy quái) trên sông Lô cho biết, so với nhiều loại vật nuôi khác thì nuôi cá chiên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bởi, cá chiên được xếp vào nhóm cá "ngũ quý hà thủy" (cá chiên, cá lăng, cá rầm xanh, cá anh vũ, cá bỗng). Với giá trên thị trường hiện nay dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, mỗi một lồng cá gia đình thu khoảng từ 50 - 60 triệu đồng...
Anh Công cũng chia sẻ thêm, nuôi cá lồng có nhiều ưu điểm như, có thể tận dụng được diện tích mặt nước tự nhiên, vật liệu làm lồng cá dễ kiếm, dễ làm, kỹ thuật nuôi đơn giản. Trong thôn hộ nào có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa, hộ nào ít vốn thì tận dụng những cây tre hoặc ống nhựa để làm lồng. Mỗi lồng có thể thả khoảng 100 con cá chiên, mỗi lứa nuôi từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg thì có thể xuất bán.
Người dân tham quan Hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Còn gia đình ông Đặng Hoài Hưng, tổ 7, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang đang nuôi 20 lồng cá các loại; trong đó chủ yếu là cá chiên, cá lăng... trên sông Lô, mỗi năm cho thu hơn 300 triệu đồng.
Ông Hưng cho biết, cá chiên và cá lăng là loài khá dễ nuôi, ít bị bệnh. Mỗi lứa nuôi từ 1 năm đến năm rưỡi, khi cá đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 đến 2 kg/con có thể xuất bán.
Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh ở Tuyên Quang đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng nguồn lợi từ điều kiện tự nhiên, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề phát triển ở nông thôn. Đặc biệt, thu nhập từ nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyên Văn Viêt, Quyền Giam đôc Sơ NN&PTNT tinh Tuyên Quang cho biết, nhằm phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết hướng tới nuôi cá đặc sản hàng hóa, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách cho vay vốn phát triển cá đặc sản để khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển mạnh số lượng lồng nuôi cá đặc sản trên sông, hồ thủy điện.
Đặc biệt định hướng phát triển lồng nuôi cá đặc sản có kích thước lớn (trên 100 m3) và xác định đây là bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và duy trì thương hiệu "ngũ quý" cá đặc sản của tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang thực hiện dự án nghiên cứu, lưu giữ, xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển các giống cá quý hiếm của địa phương có sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Tỉnh cũng thực hiện đề tài nghiên cứu và ứng dụng sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá đặc sản để bảo tồn quỹ gen quý hiếm của quốc gia; tiếp tục đầu tư xây dựng Trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Na Hang để cung cấp con giống cho các hộ nuôi .
Tận dụng chiều dài 255km sông chạy qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài 255 km, những năm qua người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm đã phát triển nuôi cá lồng đặc sản.
Nuôi cá lồng trên sông Lô, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Theo thống kê, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 1.087 lồng nuôi cá; trong đó 286 lồng nuôi cá đặc sản (cá chiên, lăng, bỗng...), tập trung ở các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang.
Với giá thành cao trung bình từ 450.000 - 500.000 đồng/kg cá, nuôi cá lồng đặc sản đang giúp người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm tỉnh Tuyên Quang nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có hơn 9 km sông Lô chảy qua địa bàn xã, tận dụng điều kiện thuận lợi này, năm 2006, một số hộ dân trong xã đã tổ chức nuôi cá lồng.
Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nuôi cá lồng với 135 lồng cá, tập trung chủ yếu ở 5 thôn: Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long để khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng.
Đặc biệt, năm 2016, hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa đã được thành lập và sản phẩm cá chiên của hợp tác xã đã được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP).
Anh Đặng Hoài Hưng, tổ 7, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, cho cá ăn. Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với phương châm "mỗi xã một sản phẩm" xã Thái Hòa chọn xây dựng thương hiệu cá Chiên Thái Hòa là sản phẩm thủy sản mũi nhọn của địa phương.
Tỉnh Tuyên Quang tập trung nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản đạt chất lượng; trong đó khuyến khích các hộ nuôi thủy sản, sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tập trung xây dựng thương hiệu cho các loại cá đặc sản; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.000 tấn; trong đó gần 800 tấn cá đặc sản. Đặc biệt, đến năm 2025 sẽ đạt gần 10.000 tấn; trong đó cá đặc sản là gần 1.500 tấn; đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.714 tấn; trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.144 tấn.
Theo Vũ Quang Đán (TTXVN)
Lai Châu: "Thả" 1 tỷ đồng xuống hồ thủy điện, kéo lên toàn cá ngon Được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều gia đình hội viên, nông dân ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư làm lồng thả cá, nuôi bò sinh sản... Từ 1 tỷ đồng tới 45 lồng cá Vượt gần 20km đường đèo dốc từ trung tâm huyện Nậm Nhùn, chúng tôi theo chân lãnh...