Chợ cá lớn nhất Ninh Thuận trong đêm chạy bão Kirogi
Rạng sáng 19/11, trước khi bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, các tiểu thương chợ cá Đông Hải đã hối hả họp chợ.
Chợ cá Đông Hải (TP Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) hối hả họp chợ từ 0h. Sau khi có chỉ thị cấm biển, đây được cho là phiên chợ cuối trước khi bão Kirogi đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ.
Các tàu thuyền của ngư dân vào đậu kín cảng. Trên bờ, thương lái vẫn bày bán hàng nghìn khay cá tươi rói vừa được đưa vào bờ từ tối hôm trước.
Cá thu được đóng gói trong thùng xốp được chuyển đến chợ bán lại cho các đầu mối.
Theo các thương lái, cá thu sau khi đánh bắt, được bỏ vào thùng xốp cho đá đông nên còn rất tươi. Đây là một trong những loại cá ngon nhất ở cảng cá này.
Video đang HOT
Ngoài các tiểu thương buôn bán sỉ, chợ cá còn là nơi tập trung người dân TP Phan Rang – Tháp Chàm và khách du lịch ghé thăm, mua lẻ. “Sáng nay chúng tôi về lại TP HCM để tránh bão nên tranh thủ ghé chợ mua ít con cá tươi về làm quà”, một nữ du khách mua cá tại chợ nói.
Chợ cá sinh hoạt vào sáng sớm còn là nơi mưu sinh của hàng chục người phụ nữ, gắn bó lâu đời với nghề “cửu vạn muối cá”. Mỗi đêm họ kiếm được từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Đá được xay ra để ướp cá, vận chuyển đi các chợ trên địa bàn tỉnh. Phần lớn cá ở đây được chở đi cung ứng cho thị trường trong tỉnh và TP Đà Lạt.
Bà Lan ngồi trầm ngâm vì phiên chợ có vẻ ế hơn mọi ngày do các thương lái sợ bão vào, bán không được hàng. “Tôi buôn bán ở đây cũng lâu lắm rồi, mỗi khi nghe bão cũng sợ lắm nhưng cố gắng bán vì mối hàng đã đặt trước”, bà Lan nói.
Thức suốt đêm để giao dịch, nhiều thương lái tại bến cá thỉnh thoảng phải nhâm nhi ly cà phê để qua cơn buồn ngủ. “Thường chúng tôi thức đến 6h, khi chợ tan thì bắt đầu về nhà ngủ đến trưa. Nghề quen vậy rồi, có nhiều lúc cũng mệt mỏi nhưng cũng phải chấp nhận chứ biết sao giờ”, chị Hương, một thương lái tâm sự.
Ngoài việc buôn bán, các chị còn kiêm luôn làm “lao động” như bóc mực, làm cá… “Những lúc tranh thủ ngồi lại tám thấy cũng vui, xua tan mệt mỏi, buồn ngủ”, chị Hoa (giữa) nói.
Cô gái trẻ mà các thương lái hay gọi tên thân mật Bé Ba làm nghề cửu vạn được 4 năm nay. Cô kể từng lên TP HCM đi học nhưng do nhà nghèo phải quay về với bến cá mưu sinh.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để phòng tránh những thiệt hại do bão Kirogi gây ra đã cấm biển từ hôm qua. Tại 3 cảng Ninh Chữ, Đông Hải và Cà Ná đã có hàng nghìn tàu thuyền vào trú ẩn.
Đến sáng nay, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự kiến áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào Ninh Thuận vào trưa nay với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 6.
Phước Tuấn
Theo VNE
TPHCM cấm tàu thuyền ra khơi, xuất bến từ 1 giờ sáng ngày 19/11
Để đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu nhà hàng, tàu cánh ngầm, tàu du lịch hoạt động trên sông, trên biển và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 14 gây ra, từ 1 giờ ngày 19/11, TPHCM cấm các phương tiện xuất bến.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 14 và có tên quốc tế là Kirogi. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 10h ngày 19/11, vị trí tâm bão ở ngay trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Bắc, 150km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 14. (Ảnh: NCHMF).
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Từ sáng sớm mai (19/11) vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh.
Để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và hạn chế thấp nhất thiệt do bão 14 gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động thủy sản.
Sở Giao thông vận tải TP, Cảng vụ Hàng hải TP và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1 giờ, ngày 19/11 cho đến khi có lệnh mới.
Bên cạnh đó, thông báo đến các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của bão số 14 để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão số 14.
Tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển.
Quốc Anh
Theo Datri
Người dân Nam Trung Bộ chạy bão Damrey Một ngày trước khi bão đổ bộ vào đất liền, người dân Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận hối hả chằng chống nhà cửa, buộc tàu thuyền, rời khỏi đảo... Khánh Hòa - nơi tâm bão Damrey đang hướng vào - sáng nay thời tiết khá tốt. Tuy nhiên, trước cơn bão lớn sắp đổ bộ, người dân ở địa phương này khá...