Chính thức từ Quốc hội: Chưa đưa việc tăng vốn cho “Big 4″ ngân hàng vào nghị quyết
Như vậy, hướng bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho nhóm ngân hàng này đã có thông tin từ diễn đàn Quốc hội.
Ảnh minh họa.
Sáng nay (11/11), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2020, trong đó có nội dung về việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Ông Thanh cho biết, quá trình góp ý dự thảo nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.
Liên quan đến nội dung này, tại cả hai kỳ họp Quốc hội trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đều kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Tại báo cáo trước thềm kỳ họp này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.
Video đang HOT
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).
Mặc dù chưa thực hiện giải pháp như đề nghị của Thống đốc, nhưng nghị quyết của Quốc hội vẫn đưa ra yêu cầu liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Cụ thể, định hướng từ Quốc hội nêu yêu cầu tiếp tục triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, quyết liệt xử lý các ngân hàng yếu kém; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong quá trình xử lý nợ xấu; tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng; phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại và thanh toán điện tử.
Cùng đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Như vậy, về vấn đề bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho “ Big 4″ ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) trước mặt vẫn chưa thể thực hiện.
Theo đó, dự kiến hai trường hợp là Agribank và VietinBank sẽ gặp khó khăn trong tăng vốn điều. Agribank hiện 100% vốn nhà nước, đang xúc tiến kế hoạch cổ phần hóa. VietinBank thì hiện đã sử dụng hết các giới hạn về tăng vốn như tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm tối đa, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được lấp đầy.
Còn Vietcombank và BIDV, hai thành viên này đã lần lượng tăng vốn điều lệ thành công thời gian gần đây; trong đó BIDV vừa thực hiện chào bán xong 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và thu về khoản thặng dư lớn cùng vốn điều lệ tăng thêm.
MINH ĐỨC
Theo bizlive.vn
Hơn 40 nghìn tỷ nợ thuế không còn khả năng thu hồi
Dù ngành thuế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ thuế, nợ đọng, cưỡng chế nợ, song đến nay số nợ thuế không còn khả năng thu hồi vẫn lên gần 40.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Luật Quản lý thuế 2019, từ 1/7/2020, người nộp thuế đang bị cưỡng chế thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8. Ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết này tại Nghị trường.
Được biết, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 10/2019 gần 83.400 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng trên 9% so với thời điểm 31/12/2018.
Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 43.543 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền nợ thuế. Số này giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 12,4% so với thời điểm 31/12/2018.
Đáng chú ý, tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 39.848 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ.
Số nợ này đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 6% so với thời điểm 31/12/2018.
Tổng Cục Thuế cho biết, lũy kế tính đến cuối tháng 10/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2018 đạt 27.667 tỷ đồng, bằng 71,4% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018.
Để xử lý thu hồi nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 04/CT-BTC chỉ đạo cơ quan thuế các cấp và gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng thuế.
Trong đó, Chỉ thị đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp xây dựng phương án xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn quản lý. Đồng thời, Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm và cụ thể các giải pháp trong việc thu hồi, xử lý nợ đọng thuế.
Trước đó, Tiền Phong có bài viết: Xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Nguy cơ mất trắng hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Ngày 27/8, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp cuối năm nay theo trình tự thủ tục rút gọn.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ đọng của các nhóm đối tượng này đến nay khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế hơn 17.000 tỷ đồng, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp gần 12.000 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, tổng số tiền nợ không có khả năng thu hồi sẽ được xóa khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, còn số nợ gốc không được xóa.
"Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa", Tổng cục Thuế cho hay.
TUẤN NGUYỄN
Theo Tienphong.vn
Xử lý tiền thuế nợ: Doanh nghiệp, người nộp thuế và cơ quan quản lý đều được lợi Dự thảo Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đang được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch...