Chính thức thu phí sử dụng đường bộ từ 1-1-2013
Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn quy định thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Theo đó, khoảng 35 triệu xe máy và 1,5 triệu ô tô sẽ phải đóng phí sử dụng đường bộ với mức từ 50 nghìn đồng đến 12,5 triệu đồng/năm, tùy loại, từ 1-1-2013.
Các địa phương khó có thể quản lý hết được xe máy để tổ chức thu phí
Theo báo cáo của Bộ GTVT với Thủ tướng Chính phủ khi xây dựng Nghị định 18/2012/NĐ-CP, việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đồng thời sẽ bãi bỏ thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước; đối với các trạm chuyển quyền thu phí, trạm thu phí BOT sẽ giữ thu đến khi hoàn vốn đầu tư sẽ xoá bỏ.
Do tính chất nhạy cảm của quy định mới bởi đối tượng chịu tác động chiếm hơn 1/3 dân số cả nước nên Thông tư số 197/2012/TT-BTC mới được Bộ Tài chính công bố hôm qua 30-11, dù đã ban hành trước đó nửa tháng (ngày 15-11-2012). Theo Thông tư số 197, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (gọi chung là ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (gọi chung là mô tô). Mức phí đối với xe mô tô loại dung tích xi lanh dưới 100cm3 từ 50 -100 nghìn đồng/năm, loại trên 100cc từ 100-150 nghìn đồng/năm.
Với ô tô, thông tư quy định mức thu 1,56 triệu đồng/năm với xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân; 2,16 triệu đồng/năm với xe đăng ký tên doanh nghiệp, tổ chức, với xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng lượng dưới 4.000kg. Các mức thu tăng dần với ô tô chở người trên 10 chỗ ngồi cũng như các loại xe tải, xe rơ mooc, xe chuyên dụng có trọng lượng lớn hơn, với mức thu cao nhất là 12,46 triệu đồng áp dụng với xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên. Tiếp thu đóng góp của các đơn vị liên quan, Thông tư điều chỉnh không thu phí với xe đạp điện cũng như xe máy của hộ nghèo.
Căn cứ mức thu phí trên, HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với môtô của tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Khi thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí theo quy định ban hành.
Video đang HOT
Về phương thức nộp phí đối với ô tô, thông tư của Bộ Tài Chính cho biết, với xe ô tô dân sự trong nước, phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Theo đó, đến mỗi kỳ đăng kiểm, chủ xe mang xe đến đăng kiểm, nộp phí, lệ phí đăng kiểm (nếu có) và nộp phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm. Cơ quan đăng kiểm dán Tem đăng kiểm tương ứng với chu kỳ đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.
Theo ANTD
Thu phí đường bộ: Lo ngại phí chồng phí?
Từ đầu năm 2013 sẽ thu phí Bảo trì Đường bộ, khi đó chỉ những trạm thu phí của nhà nước bị loại bỏ, nhưng những trạm thu phí BOT và trạm đã bán quyền vẫn thu bình thường cho tới khi hết hợp đồng. Điều này dẫn tới hiện tượng phí chồng phí.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT khi thu phí Bảo trì Đường bộ, 14 trạm thu phí đường bộ của nhà nước (nộp ngân sách) sẽ dừng hoạt động. Tuy nhiên vẫn còn 30 trạm thu phí BOT, chưa kể trạm thu phí đã được bán quyền thu cho tư nhân và trạm thu phí để hồi vốn đường cao tốc (như Cầu Giẽ-Ninh Bình của Tổng Cty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam- VEC) vẫn tồn tại trên cả nước.
Như vậy, người dân đã nộp phí Bảo trì Đường bộ rồi nhưng vẫn phải trả phí khi đi qua đường có các loại trạm này.
Chiều 2/12, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Do ngân sách nhà nước eo hẹp, nên phải thu hút vốn đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư-thu phí-chuyển giao).
Khi doanh nghiệp bỏ tiền ra làm đường thì họ phải có thời gian để hoàn vốn. Chính vì còn tồn tại những trạm thu phí này, nên khi xây dựng mức phí đã tính đến, để giảm bớt không để người dân phải chịu thiệt".
Còn nhiều trạm thu phí BOT nên phí Bảo trì đường bộ không thể thu mức cao. Ảnh: Đức Nam.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khi được hỏi vấn đề trên cũng tán đồng quan điểm cần thu hút đầu tư dạng BOT vì nhà nước không có đủ kinh phí.
"Vì vẫn tồn tại 30 trạm thu phí BOT nên mức phí Bảo trì Đường bộ được tính toán giảm đi. Việc tồn tại hình thức BOT là bình thường, các nước trên thế giới đều làm thế", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, điều ông Hùng quan ngại chính là trong cơ cấu của hình thức BOT. "Cơ cấu của những dự án hạ tầng giao thông BOT có thu hồi vốn, trả lãi vay ngân hàng, lợi nhuận và thu phí bảo trì đoạn đường BOT.
Liệu phần thu phí bảo trì đoạn đường BOT có mâu thuẫn với phí Bảo trì Đường bộ mà nhà nước thu hay không. Việc này, bộ chức năng cần xem xét.
Chưa kể, Thủ tướng vừa đồng ý về chủ trương tăng mức thu phí đường bộ có lộ trình tăng (từ 1,5 đến 3,5 lần so với hiện nay) từ nay đến năm 2016. Tôi nghĩ, nhà nước nên hỗ trợ kinh phí một số dự án BOT cần thiết để giảm thu của người dân".
Thực ra, ngay chính Nhà nước cũng đang "đau đầu" với việc làm sao thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lợi nhuận từ lĩnh vực này hiện không còn hấp dẫn.
Viễn cảnh của những con đường quốc lộ là dù người dân đã đóng Quỹ Bảo trì Đường bộ, nhưng trạm thu phí (sẽ không nhiều người hiểu trạm BOT khác trạm thu phí nhà nước-PV) lại dày đặc.
Tới đây, ngay việc mở rộng tuyến đường QL1A thành 2-4 làn đường và nâng cấp mặt đường sẽ có đầu tư BOT tham gia. Không biết, các bộ chức năng sẽ tính toán thế nào để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư (BOT) với người dân (đặc biệt những đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách).
Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định mức thu phí Bảo trì Đường bộ. Theo đó, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.
Với ôtô (xe dưới 9 chỗ), mức thấp nhất là 130.000 đồng/ tháng cao nhất 1,04 triệu đồng (xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn). Việc đóng phí của ô tô sẽ chu kỳ đăng kiểm.
Với xe máy: 50.000 đồng/năm cho xe dưới 100cc xe dung tích trên 100cc áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương. Chủ xe máy nộp thông qua UBND xã, phường, thị trấn.
Cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh giảm mức thu phí với xe rơ-moóc, sơ mi-rơ moóc xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng trọng tải (dự thảo quy định bằng 70%). Ngoài ra, bổ sung việc không thu đối với xe máy điện, miễn thu phí đối với xe máy của các hộ nghèo.
Theo 24h
Phí xe máy: Không thể thu được "Việc thu phí bảo trì đường bộ là cần thiết, nhưng nên tính toán cho kỹ về mức thu và thời điểm thu. Khi dân không chấp hành, quy định đó sẽ bị phá sản. Tôi khẳng định là không thu được phí của xe máy. Gần 40 triệu người dân đang sở hữu xe máy, khó làm lắm", ông Bùi Danh Liên...