Chính thức tháo dỡ công trình “khủng” xâm hại di sản Tràng An
Sáng nay (30/3), Công ty CP Du lịch Tràng An chính thức bắt đầu tháo dỡ công trình “khủng” xây dựng trái phép xâm hại di sản Tràng An. Tốp thợ tháo dỡ lần lượt từng lan can cây cầu dài 510m với hơn 900 bậc thang xuyên vùng lõi di sản.
Khoảng 8h sáng nay (30/3), Công ty CP Du lịch Tràng An bắt đầu tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) vùng lõi di sản Tràng An. Từ đầu buổi sáng, lối vào khu “Tràng An cổ” được ngăn cấm và treo biển báo “khu vực tháo dỡ công trình vi phạm”.
Điểm doanh nghiệp thực hiện tháo dỡ công trình đầu tiên là cây cầu nối hai đỉnh trên núi Cái Hạ – nơi ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An gọi là đỉnh Huyền Vũ xưa kia vua Đinh lập đàn kính thiên.
Theo như cam kết của ông Son, việc tháo dỡ được tiến hành đảm bảo tuyệt đối về an toàn, đảm bảo cảnh quan môi trường và đúng tiến độ đề ra.
Công việc tháo dỡ được tiến hành rất khẩn trương, trong buổi sáng cả chục lan can, cột bê tông được hạ xuống. Theo tính toán của Công ty CP Du lịch Tràng A, trong ngày đầu tổ thợ tháo dỡ thủ công chỉ là phương án tạm thời. Những ngày tiếp theo doanh nghiệp này sẽ ký hợp đồng với những công ty tháo dỡ chuyên nghiệp để đúng tiến độ, đảm bảo cảnh quan, không xâm hại thêm vùng di sản.
Theo một lãnh đạo huyện Hoa Lư, trong ngày hôm nay huyện cũng đã thuê đoàn chuyên gia từ Hà Nội về khảo sát, bàn phương án tháo dỡ để việc thực hiện phá bỏ công trình xâm hại di sản được diễn ra đúng kế hoạch.
Trước khi bắt đầu tháo dỡ, nơi bị phá bỏ được che kín bởi tấm bạt đen khổ lớn. Việc che tấm bạt là để ngăn không cho bê tông, xi măng, sắt thép rơi vãi xuống núi, tránh làm mất mỹ quan, xâm hại thêm vào di sản.
Nhóm thợ thực hiện tháo dỡ công trình “khủng” trong ngày đầu tiên có khoảng chục người. Họ mang khoan đục bê tông, kìm cộng lực, bao bì, dây thừng… tiến hành phá bỏ từng lan can một của câu cầu dài 510m với hơn 900 bậc xuyên lõi di sản.
Trong khi khoan phá từng lan can cầu thang, nhóm thợ dùng bao xi măng đã qua sử dụng che chắn không cho xi măng rơi vãi, tung tóe.
Video đang HOT
Để phá được những khối bê tông cốt thép, tổ thợ dùng khoan đục xung quanh lan can cầu thang với đường kính hơn 20cm, sau đó dùng kìm cộng lực cắt lõi thép hai đầu mới có thể đưa từng thanh lan can ra bên ngoài. Những thanh lan càn này sẽ được đưa xuống núi bằng ròng rọc.
Như vậy sau gần một tháng kể từ khi báo Dân trí đăng bài đầu tiên phản ánh về công trình “khủng” xây dựng trái phép tại di sản Tràng An, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ VH,TT&DL, chính quyền tỉnh Ninh Bình và sự phản đối dữ dội của dư luận, Công ty CP Du lịch Tràng An chính thức bắt đầu tháo dỡ công trình sai phạm của mình.
Việc tháo dỡ công trình sai phạm sẽ được doanh nghiệp tiến hành từ ngày 30/3 đến 30/4/2018. Trong những ngày tháo dỡ công trình sai phạm của doanh nghiệp, chính quyền huyện Hoa Lư cũng như các cấp ngành của tỉnh Ninh Bình sẽ thường xuyên có mặt để giám sát, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng theo cam kết để đảm bảo an toàn, tránh xâm hại cảnh quan, đúng tiến độ.
Ghi nhận của PV Dân trí, trong buổi sáng đầu tiên doanh nghiệp tháo dỡ công trình, nhiều lãnh đạo Sở, ngành, chính quyền huyện Hoa Lư cũng đã có mặt tại hiện trường. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí cũng đã có mặt nơi nhóm thợ tiến hành tháo dỡ để ghi nhận và phản ánh sự việc.
Vì phải thực hiện trên núi cao cheo leo hiểm trở, với khối lượng công việc lớn nên nhóm thợ đã gặp không ít khó khăn. Điện được đấu nối từ dưới chân lên đỉnh núi để vận hành máy móc, việc vận chuyển rác thải xây dựng cũng phải được tính toán kỹ lưỡng. Trong ảnh, từng thanh lan can sau khi được tháo dỡ được để gọn gàng trên cây cầu xuyên lõi di sản chờ chuyển xuống núi.
Trong sáng đầu tiên doanh nghiệp tháo dỡ cầu thang lên xuống núi Cái Hạ, hàng chục người dân làm nghề chèo đò, bán hàng ở điểm du lịch Tràng An cổ cũng đến chứng kiến, nhiều người tỏ ra nuối tiếc khi công trình bị phá bỏ. Những sai phạm của Công ty CP Du lịch Tràng An kinh doanh du lịch trái phép ở điểm “Tràng An cổ” đang được đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Ninh Bình khẩn trương làm rõ.
Toàn cảnh nơi tháo dỡ công trình “khủng” xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An trong buổi sáng đầu tiên hủy bỏ công trình.
Thái Bá
Theo Dantri
Lập phương án tháo dỡ công trình "khủng" xâm hại di sản thế giới Tràng An
Hơn 500m tổng chiều dài đường lên xuống núi Cái Hạ với trên 900 bậc thang xây dựng trái phép, xâm hại di sản thế giới Tràng An sẽ bị tháo dỡ. Việc hủy bỏ công trình "khủng" được tính kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, giữ cảnh quan cho vùng lõi di sản.
Sáng 26/3, chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) tổ chức cuộc họp bàn phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình "khủng" xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An của Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm chủ tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên. Cuộc họp được thực hiện sau khi có chủ trương từ UBND tỉnh Ninh Bình và thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) họp lên phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình "khủng" xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An.
Ông Nguyễn Sĩ Trí, Bí thư Huyện ủy Hoa Lư chủ trì cuộc họp, đông đủ lãnh đạo huyện, các phòng ban chức năng cùng dự bàn phương án. Việc lên phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình "khủng" trong vùng lõi di sản Tràng An được huyện Hoa Lư xác định: Đây là công trình xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trọng bắt buộc phải tháo dỡ, thực hiện nghiêm đúng theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp, chính quyền huyện Hoa Lư thông tin, tổng chiều dài của bậc thang lên xuống núi Cái Hạ mà Công ty CP Du lịch Tràng An đã xây dựng trái phép sau khi khảo sát chính xác là 510m với hơn 900 bậc thang.
Ngoài xây dựng bậc thang lên xuống núi Cái Hạ trái phép, tại điểm "Tràng An cổ" do Công ty CP Du lịch Tràng An quản lý còn có một số hoạt động du lịch chưa được cấp phép như tự ý bán vé cho khách tham ngồi thuyền, sử dụng đội ngũ hướng dẫn viên trái quy định... Dịp này, chính quyền địa phương cũng sẽ xử lý luôn những sai phạm có liên quan này.
Sau khi báo Dân trí phản ánh về công trình "khủng" trái phép ở Tràng An, tỉnh Ninh Bình yêu cầu công ty CP Du lịch Tràng An đóng cửa, dừng đóng khách tại đường lên núi Cái Hạ nhiều ngày qua.
Bí thư Huyện ủy Hoa Lư cho hay, phải tháo dỡ vì công trình vi phạm nghiêm trọng. Các phương án tháo dỡ, cưỡng chế được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo các bước: Trước hết, chính quyền sẽ tuyên truyền vận động ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An tự giác tháo dỡ công trình vi phạm; nếu không đồng ý mới thực hiện việc cưỡng chế.
"Sáng ngày mai (27/3) tôi sẽ trực tiếp đến gặp gỡ ông Son để giải thích, tuyên truyền, vận động ông tự ý tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Nếu được sự đồng thuận của ông Son thì việc tháo dỡ công trình sẽ diễn ra thuận lợi, huyện sẽ có phương án hỗ trợ việc tháo dỡ làm sao cho đảm bảo an toàn, giữ được cảnh quan của vùng di sản", Bí thư huyện Hoa Lư cho hay.
Cũng theo người đứng đầu huyện Hoa Lư, đến thời điểm này, khả năng không phải cưỡng chế công trình sai phạm là nhiều hơn. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là phương án tháo dỡ, phải được xem xét kỹ lưỡng đúng chuyên môn, đảm bảo an toàn.
Sở Du lịch Ninh Bình cùng huyện Hoa Lư cắm biển báo, ngăn không cho du khách vào "Tràng An cổ" - điểm kinh doanh du lịch trái phép sáng 24/3/2018.
Về phương án tháo dỡ, khi thực hiện chính quyền huyện Hoa Lư sẽ xin ý kiến UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng. Việc tháo dỡ công trình sẽ phải được thực hiện bởi đội ngũ những người có chuyên môn, thậm chí phải thành lập hội đồng để việc tháo dỡ đảm bảo an toàn tuyệt đối và không xâm hại thêm vào di sản.
Phương án cưỡng chế công trình cũng được chính quyền huyện Hoa Lư tính đến, tuy nhiên đây vẫn là điều không mong muốn. Chỉ khi doanh nghiệp không tự giác tháo dỡ, chống đối, ngăn cản thì điều này mới xảy ra. Lúc này, phương án cưỡng chế được thực hiện theo cơ sở pháp lý cao nhất là kết luận của đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Ninh Bình.
Đối với những người dân làm nghề chèo đò tại bến thuyền "Tràng An cổ", chính quyền địa phương cũng đang tuyên truyền vận động, tìm cho họ công việc mới để đảm bảo cuộc sống. Thậm chí sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để họ có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp.
Những người dân lái đò phản đối việc cắm biển báo, ngăn không cho khách vào "Tràng An cổ" vì điều này ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ.
Trước đó, ngày 24/3, theo chỉ đạo của Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Ninh Bình, Sở Du lịch cùng UBND Hoa Lư đã thực hiện việc cắm biển báo, đồng thời ngăn không cho du khách vào tham quan "Tràng An cổ" - điểm kinh doanh du lịch trái phép, nơi có công trình "khủng" xây dựng trái phép xâm hại nghiêm trọng vùng lõi di sản Tràng An.
Việc làm này đã gặp phải sự ngăn cản của hàng chục người dân làm nghề chèo đò, bán hàng lưu niệm tại điểm du lịch "Tràng An cổ". Những người dân này cho rằng, việc cấm khách vào điểm du lịch đồng nghĩa với việc họ mất đi thu nhập, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì thế họ mong muốn chính quyền có phương án hợp lý, để trong thời gian thanh tra Công ty CP Du lịch Tràng An họ vẫn được chèo đò để đảm bảo cuộc sống.
Công trình "khủng" trái phép xâm hại di sản Tràng An sẽ bị tháo dỡ trong những ngày tới.
Thái Bá
Theo Dantri
Với công trình khủng sai phép, Tràng An có lọt vào "danh sách đen" của UNESCO thế giới? Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, với việc vào cuộc kịp thời của Bộ VH-TT&DL và Ủy ban UNESCO Việt Nam, cùng với báo cáo của chính quyền về việc sẽ phá bỏ triệt để công trình sai phạm trong vùng lõi của Khu di sản Tràng An, di sản này sẽ không bị lọt vào "danh sách đen" của...