Chính thức lựa chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn
Quốc hội đã chính thức lựa chọn 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành trong số danh sách 5 người dự kiến để trả lời chất vấn tại Quốc hội, đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành được chọn trả lời chất vấn kỳ này
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 14/11/2013.
- Thưa ông, nhiều ý kiến băn khoăn rằng, vì sao nhiều Tư lệnh trong các lĩnh vực “ nóng” lại không được chọn để trả lời chất vấn trong kỳ này?
Đoàn thư ký kỳ họp đưa ra danh sách các Bộ trưởng để xin ý kiến Đại biểu Quốc hội về thành viên Chính phủ trả lời chất vấn dựa trên 3 nguyên tắc: Thứ nhất là trên cơ sở phiếu xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội, thứ hai là trên cơ sở ý kiến kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp về các vấn đề bức xúc, cử tri và nhân dân quan tâm; thứ ba là ưu tiên các Bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ giờ chưa có dịp trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Qua tổng hợp ý kiến Đại biểu Quốc hội, đoàn thư ký đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đến nay đã lựa chọn 4 vị Bộ trưởng, trưởng ngành trong số danh sách 5 người dự kiến để trả lời chất vấn tại Quốc hội, đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Đây cũng là 4 vị đại diện cho đầy đủ các khối kinh tế, xã hội và tư pháp.
- Việc chọn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao để chất vấn lần này phải chăng xuất phát từ những vụ việc xét xử oan sai vừa qua, nhất là vụ mới đây ở Bắc Giang đối với ông Chấn, thưa ông?
Có lẽ trong quá trình các Đại biểu Quốc hội hỏi sẽ có nội dung đó, nhưng chất vấn Chánh án không chỉ có nội dung về việc oan sai, mà còn những việc như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tòa án…
Video đang HOT
- Vừa rồi dư luận rất bức xúc trước những vụ việc tiêu cực xảy ra ở ngành y, vậy vì sao đoàn thư ký không đưa Bộ trưởng Y tế vào danh sách chất vấn kỳ này?
Khi đưa danh sách các vị bộ trưởng, trưởng ngành xin ý kiến thì phải dựa trên câu hỏi chất vấn. Bộ trưởng Y tế có số câu hỏi không nhiều, xếp thứ tự chỉ đứng thứ 7, thứ 8 thôi cho nên không đưa vào danh sách 5 vị Bộ trưởng để Đại biểu Quốc hội lựa chọn 4 vị.
- Thưa ông, lần này cách thức chất vấn có gì khác với với những kỳ trước?
Kỳ này có đổi mới là thời gian chất vấn từ 2,5 ngày tăng lên 3 ngày, trong đó có 1 buổi Phó thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp 3, 4,5, sau đó các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường. Đây là một điều rất mới, trước nay chưa thực hiện.
- Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn. Vậy kỳ này thì sao, thưa ông?
Bao giờ cũng thế, cứ đến cuối năm, Thủ tướng sẽ có báo cáo về những ý kiến tập hợp qua các vị Bộ trưởng trả lời. Thủ tướng phát biểu và sau đó sẽ trực tiếp trả lời chất vấn nếu có Đại biểu đặt câu hỏi. Hiện nay, đã có 5 câu hỏi chất vấn bằng văn bản tới Thủ tướng, xoay quanh vấn đề kinh tế thôi.
- Vì sao phiếu xin ý kiến không có mục để Đại biểu Quốc hội đề nghị danh sách Bộ trưởng khác trả lời chất vấn, thưa ông?
Có chứ. Có nhiều đại biểu đề nghị thêm danh sách đưa vào chất vấn như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng… nhưng mỗi Bộ trưởng chỉ từ 2 – 4 phiếu đề nghị thôi, trong khi đó các vị kia đều trên 80% ý kiến phản hồi đề nghị.
Xin cảm ơn ông.
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Nỗi lo trở lại nhà tù của ông Chấn là có thật!
Chân lý chỉ có một. Một vụ án không thể tái thẩm cũng đúng mà giám đốc thẩm cũng... đúng? Chẳng lẽ không chỉ án dân sự mà cả những vụ án hình sự cũng có tình trạng như lời Cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương là "xử thế nào cũng được"?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đã có nhiều ý kiến tranh cãi phải áp dụng thủ tục tái thẩm hay giám đốc thẩm cho vụ án oan sai ở Bắc Giang mà nổi lên là chủ trương rất khác nhau của hai chuyên gia đầu ngành, những người đã và đang giữ trọng trách tại hai cơ quan hàng đầu của đất nước về lập pháp và tư pháp.
Đó là quan điểm của ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội và ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 7/11, ông Khiển nói: "Bộ luật Hình sự đã quy định việc điều tra chứng minh bị can có tội là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không chứng minh được thì phải tuyên bố họ vô tội. Giờ đã tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai rồi thì phải minh oan cho người ta theo đúng trình tự thủ tục: kháng nghị giám đốc thẩm để hủy bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm, minh oan và đền bù. "Không thể gộp 2 vụ làm một để cho rằng đó là tình tiết mới và tiến hành tái thẩm. Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình "lách" để lấp liếm đi cái sai của mình trước đó".
Tuy nhiên cũng trên bài báo trên, ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao lại cho rằng việc xét xử tái thẩm thực hiện khi có tình tiết mới mà tòa không biết, tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Ở đây, có sự xuất hiện nhân vật Lý Nguyễn Chung và khả năng phạm tội của Lý Nguyễn Chung - dù tòa chưa tuyên - là khá rõ ràng. Tình tiết mới này làm thay đổi bản chất vụ án cho nên phải tái thẩm.
Cùng quan điểm tái thẩm với ông Bình là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trần Độ.
Như vậy có thể đặt giả thiết, nếu ông Vũ Đức Khiển được giao nhiệm vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Chủ nhiệm UB Lập pháp Quốc hội và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao là các chức vụ tương đương) thì vụ án Nguyễn Thanh Chấn sẽ được đề nghị giám đốc thẩm?
Hiện tại, ông Chấn đang rất lo lắng cho số phận pháp lý của mình, bởi lẽ theo kháng nghị bản án đã được hủy nhưng chưa có phán quyết cuối cùng về việc ông được vô tội.
Trong khi hiện nay, tất cả các điều tra viên đều không công nhận họ ép cung như lời tố cáo của ông Chấn. Nếu như việc ép cung đã xảy ra thì việc "tái dàn dựng" một kịch bản khác cũng có thể xảy ra. Cách đây 10 năm, khi còn trẻ, chưa có chức, có quyền mà họ còn "dàn dựng" trắng trợn như thế thì giờ đây đã có tuổi, nhiều kinh nghiệm và trong đó nhiều người hiện đang có chức, có quyền thì việc "dàn dựng" nếu có, sẽ tinh vi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sự giám sát của Quốc hội và của nhân dân, oan sai không thể một lần nữa đổ lên đầu công dân lương thiện Nguyễn Thanh Chấn.
Từ diễn đàn này, chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng để đến cùng để bảo vệ chân lý.
Xin ông Chấn hãy yên tâm!
Song về cá nhân, mình vẫn day dứt một câu hỏi: Vậy thì việc xử giám đốc thẩm như quan điểm của Nguyên Chủ nhiệm UB Luật pháp Quốc hội là đúng hay xử tái thẩm theo quan điểm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao là đúng?
Chân lý chỉ có một. Một vụ án không thể tái thẩm cũng đúng mà giám đốc thẩm cũng... đúng? Chẳng lẽ không chỉ án dân sự mà cả những vụ án hình sự cũng có tình trạng như lời Cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương là "xử thế nào cũng được"?
Theo Dân trí
Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn Trao đổi với báo giới sáng nay 12.11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã chốt danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. ảnh minh họa Trước đó, đoàn thư ký kỳ họp đã gửi văn bản xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự kiến danh sách 5 bộ trưởng...