Chính thức chấm dứt thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG
Ngày 18/12, Tổng công ty Viễn thông Mobifone và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu ( AVG) đã ký thỏa thuận hủy bỏ, chấm dứt và thanh lý giao dịch mua bán cổ phần của Mobifone tại AVG.
Chính thức chấm dứt thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG
Đến thời điểm hiện tại, Mobifone đã thu lại toàn bộ số tiền liên quan đến dự án, bao toan vôn nha nươc tai doanh nghiêp. Tổng số tiền Mobifone đã thu thu lại là hơn 8.775 tỷ đồng, trong đó gồm số tiền gốc mà Mobifone đã thanh toán cho việc mua 95% cổ phần AVG là hơn 8.445 tỷ và các chi phí khác.
Ngoài ra, Mobifone cũng đã trả lại 344.660.000 cổ phần cho các cổ đông của AVG.
Trước đó, vào ngày 13/3/2018, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, nhóm cổ đông và Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc Mobifone đã có cuộc họp, trao đổi về việc chấm dứt hợp đồng mua AVG với nguyên tắc: nhóm cổ đông Mobifone thống nhất việc chấm dứt hợp đồng; Mobifone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông; nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền Mobifone đã thanh toán cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan.
Cũng theo thoả thuận giữa hai bên, nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần AVG cũng sẽ hỗ trợ Mobifone khoản lãi số tiền đã thanh toán theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng do Mobifone chỉ định, cũng như các chi phí hợp pháp liên quan đến thực hiện giao dịch mà Mobifone đã chi trả; đồng thời không phạt 8% giá trị hợp đồng vi phạm và không đòi bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ đã cho công bố toàn văn kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Kết luận đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Mobifone trong thương vụ, thể hiện ở các khâu: đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án.
Những vi phạm này đã dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ thương vụ mua 95% cổ phần AVG đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông của Mobifone, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Tổng công ty này.
Video đang HOT
Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an cũng bị Thanh tra Chính phủ xác định chịu một phần/một phần lớn trách nhiệm trong thương vụ này.
Ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Ngày 23/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an bắt đầu tiếp nhận toàn bộ hồ sơ thương vụ này để tiến hành xử lý hậu thanh tra.
Liên quan đến vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
Đức Hoàng
Theo vietnamfinance.vn
Lộ diện đại gia 9x chi 66 tỷ mua cổ phần ngân hàng của Bầu Kiên
Trong đợt chào bán hơn 100 triệu cổ phần ngân hàng VietBank của gia đình Bầu Kiên, đã xuất hiện một nhà đầu tư cá nhân sinh năm 1994 dự chi 66 tỷ đồng để "ôm" 6,6 triệu cổ phần ngân hàng này.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) của gia đình Bầu Kiên dự kiến sẽ phát hành hơn 100,7 triệu cổ phần, tương ứng nguồn vốn cần huy động gần 1.007,2 tỷ đồng.
Mục đích nhằm huy động tiền để mua, nhận chuyển nhượng bất động sản là tòa nhà Lim II số 62A đường Cách Mạng Tháng Tám, P.6, Q.3, TP.HCM (trị giá 500 tỷ đồng); kinh doanh, đầu tư trái phiếu và duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước (507,19 tỷ đồng).
Ngân hàng của gia đình Bầu Kiên đang bán vốn tại ngân hàng này để đầu tư bất động sản.
Kết quả, VietBank đã chào bán thành công hơn 84,3 triệu cổ phần. Trong số đó, hơn 73 triệu cổ phần đã được các cổ đông ngân hàng đăng ký mua và nộp tiền; hơn 11,35 triệu cổ phần được đăng ký mua qua các công ty chứng khoán; 6,6 triệu cổ phần còn lại được mua bởi một cổ đông cá nhân ngoài ngân hàng.
Được biết, số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong khoảng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Và người mua cá nhân đó là một đại gia 9X: ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp, sinh năm 1994.
Với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phần, ông Hiệp dự kiến chi gần 66 tỷ đồng để mua 6,6 triệu cổ phần VietBank, tương đương 2% vốn điều lệ ngân hàng. Đây là tỷ lệ gần tương đương với số cổ phần Bầu Kiên đang nắm giữ (2,035%).
Được biết, ông Hiệp là chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp như công ty CP Đầu Tư THT Phú Trì, công ty TNHH Đầu tư 29A Phú Trì, công ty TNHH Đầu tư NDC Phú Trì và công ty CP Đầu tư Phú Trì. Các doanh nghiệp này đều có địa chỉ nằm tại 02 Thi Sách - phường Bến Nghé - quận 1 - TP.HCM.
VietBank được biết đến là một trong những ngân hàng thuộc nhóm nhỏ của hệ thống, được thành lập bởi những cổ đông từng có gắn bó với ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và vợ chồng Bầu Kiên là một trong những cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Bầu Kiên đã rục rịch thoái vốn khỏi ngân hàng này.
Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua, Bầu Kiên đăng ký thoái toàn bộ 66.132 cổ phần với mệnh giá 1 triệu đồng (tương đương 6,61 triệu cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng), tương đương 2,035% vốn điều lệ VietBank. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 21/8 đến 21/9 theo phương thức chuyển nhượng cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết.
Đây là lần thứ 2 vị đại gia này đăng ký bán lượng cổ phần VietBank. Hồi giữa tháng 8, ông cũng đã đăng ký bán nhưng không thành công do chưa thực hiện xong thủ tục lưu ký chứng khoán theo quy định.
Trước đó, từ ngày 24-25/7, ba thành viên trong gia đình ông Kiên là bà Nguyễn Thúy Lan, ông Đào Văn Kiên và bà Nguyễn Thúy Hương đã thoái tổng cộng 6% vốn tại nhà băng này.
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ Bầu Kiên hiện là thành viên HĐQT và sở hữu gần 15 triệu cổ phần (theo mệnh giá 10.000 đồng), tương 4,6% vốn điều lệ của VietBank.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2018 do VietBank vừa công bố, ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, quá nửa lợi nhuận này lại đến từ hoàn nhập dự phòng trong kỳ. Lợi nhuận thuần từ kinh doanh trong quý 3 chỉ đạt 42,5 tỷ đồng, tăng 184% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng đạt hơn 54 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của VietBank đạt hơn 301,6 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 9 tháng đầu năm 2017 và vượt so với chỉ tiêu đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên là 248 tỷ đồng.
Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản của VietBank đạt 46.574 tỷ đồng, tăng gần 5.500 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Tín dụng của ngân hàng đạt 32.330 tỷ đồng, tăng 12,6% so với số đầu kỳ.
Đáng chú ý, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng khá mạnh tới hơn 40% với 544 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, được biết tới với biệt danh "Bầu Kiên" hay "Kiên đầu bạc" là thành viên sáng lập của ACB. Ông cũng từng là lãnh đạo tại hàng loạt công ty như công ty Thể thao ACB, công ty Thiên Nam, công ty CP du lịch Chợ Lớn, công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu, công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam...
Bầu Kiên là thành viên HĐQT ACB từ năm 1994, và cùng người thân sở hữu rất nhiều cổ phần tại ngân hàng này. Đến trước khi thôi nhiệm, vợ chồng ông và ba người em vẫn nắm giữ 9,71% cổ phần của ACB.
Bầu Kiên cũng từng có cổ phần trong các ngân hàng lớn khác như Eximbank, Kiên Long bank, Vietbank, Đại Á, Techcombank.
Tháng 8/2012, bầu Kiên bị cơ quan cảnh sát điều tra bộ Công an bắt giữ để làm rõ hành vi "cố ý làm trái", liên quan đến các hoạt động kinh tế. Với 4 tội danh lừa đảo, trốn thuế, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái, bầu Kiên bị tuyên án 30 năm tù giam trong phiên sơ thẩm 2014 và bị tuyên án giữ nguyên án sơ thẩm trong phiên phúc thẩm ngày 6/9/2014.
Minh Minh
Theo nguoiduatin.vn
Đế chế sở hữu Louis Vuitton chi 3,2 tỷ USD thâu tóm tập đoàn khách sạn Belmond Tập đoàn hàng hóa xa xỉ của Pháp LVMH - đế chế sở hữu hơn 70 thương hiệu như: Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs... ngày 14/12 thông báo đã đạt được thỏa thuận mua lại tập đoàn khách sạn cao cấp Belmond với giá khoảng 3,2 tỷ USD (tương đương 2,8 tỷ euro). Đế chế sở hữu Louis Vuitton chi hơn...