Chính sách tiền tệ trong vòng xoáy bất ổn
Căng thẳng Trung Đông leo thang, giá vàng tăng vọt, USD lao dốc, kinh tế toàn cầu có nguy cơ đi vào khủng hoảng… Rất nhiều biến động xảy ra trên thị trường tài chính toàn cầu ngay đầu năm mới 2020 đang thách thức cơ quan điều hành về chính sách tỷ giá.
Bối cảnh kinh tế, địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách tỷ giá.
Còn nhớ, cũng vào thời điểm này năm 2019, giá vàng vọt lên 50 triệu đồng/lượng, chủ yếu do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Bước sang năm 2020, chưa kịp vui mừng vì thương chiến Mỹ – Trung hạ nhiệt, thì ngay tuần đầu năm mới, thế giới đã rúng động bởi căng thẳng Mỹ – Iran leo thang. Ngay lập tức, giá vàng leo dốc thẳng đứng, USD và các đồng tiền chủ chốt trên thế giới biến động liên tục. Trong nước, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 24 VND/USD so với ngày đầu năm.
Bối cảnh kinh tế, địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách tỷ giá. Song kinh nghiệm điều hành khéo léo của cơ quan quản lý tiền tệ những năm qua phần nào đem lại sự yên tâm cho người dân và nhà đầu tư.
Không chỉ năm 2020, mà suốt hai năm vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu luôn căng thẳng cao độ một phần do tác động của thương chiến Mỹ – Trung, phần khác do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 4 lần (năm 2018), sau đó lại giảm lãi suất 3 lần (năm 2019), làn sóng cắt giảm lãi suất và phá giá đồng nội tệ lan rộng kéo theo nguy cơ chiến tranh tiền tệ toàn cầu, căng thẳng Mỹ – Iran lên cao, giá vàng thế giới nhiều phen tăng vọt trong khi thị trường chứng khoán nhiều quốc gia liên tục sụt giảm…
Video đang HOT
Trong bối cảnh thế giới biến động khôn lường, thị trường tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá trong nước vẫn giữ được ổn định. Sự biến động của giá vàng không còn khiến tỷ giá chao đảo như 10 năm trước. Chính sách điều hành tiền tệ uyển chuyển và linh hoạt trong ngắn hạn, kiên định trong dài hạn đã giúp thị trường ngoại hối trong nước nói riêng, nền kinh tế vĩ mô nói chung những năm vừa qua ổn định, là điểm sáng của nền kinh tế.
Bên cạnh kinh nghiệm điều hành, một yếu tố nữa khiến thị trường ngoại hối trong nước có khả năng đứng vững trong năm 2020 là Việt Nam hiện có một “tấm nệm” rất an toàn khi có trong tay gần 80 tỷ USD dự trữ ngoại hối – một con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Với mức dự trữ ngoại hối này, Việt Nam chứng tỏ được với nhà đầu tư về khả năng giữ ổn định thị trường không chỉ bằng chính sách kiên định, mà chính bằng nguồn lực thực sự. Vì vậy, bất chấp thế giới biến động, vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam, người dân và doanh nghiệp vẫn tin tưởng gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa điều hành tỷ giá năm 2020 dễ thở hơn năm 2019.
Thứ nhất, điều hành tỷ giá là vô cùng phức tạp, bởi việc này không chỉ phụ thuộc diễn biến đồng USD hay giá vàng trên thế giới, mà còn phụ thuộc vào các biến số như cán cân thanh toán, cán cân thương mại, các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, sự chu chuyển vốn… Nếu căng thẳng Trung Đông leo thang, thương chiến Mỹ – Trung chuyển biến xấu, kinh tế toàn cầu đi xuống, thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, Việt Nam hiện nay là vẫn nằm trong danh sách 9 quốc gia bị Mỹ “theo dõi khả năng thao túng tiền tệ”. Mặc dù các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhiều lần làm việc với đối tác để cung cấp thông tin, chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ, nhưng việc chưa được Mỹ đưa ra khỏi danh sách trên vẫn là rủi ro lớn.
Thứ ba, tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Chưa kể, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 và đầu năm 2021, kinh tế thế giới có thể có thêm những thay đổi bất lợi.
Những yếu tố khó lường trên buộc Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra nhiều kịch bản để ứng phó. Lối điều hành chính sách tiền tệ bình tĩnh, linh hoạt, dự liệu được những khó khăn có thể gặp phải không chỉ tạo niềm tin cho thị trường trước mắt, mà còn góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong trung và dài hạn. Chính vì vậy, yếu tố tiên quyết trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hiện nay là phải tiếp tục duy trì được sự ổn định vĩ mô này. Còn với đối ngoại, mục tiêu số 1 trong năm 2020 là phải chứng minh được với các đối tác rằng, Việt Nam hoàn toàn không thao túng tiền tệ để loại bỏ bớt rủi ro với nền kinh tế.
Hà Tâm
Theo Baodautu.vn
3 khoản chi được sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2019/TT-NHNN về quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định các khoản chi dùng tiền từ Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia bao gồm: Thứ nhất là cho vay hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp sự cố ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đầu mối phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tài chính - Kế toán và các đơn vị có liên quan trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chi.
Thông tư 36/2019/TT-NHNN về quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia có hiệu lực từ 20/2/2020. (Ảnh minh họa: KT)
Thứ hai là chi cho vay đối với các TCTD tham gia hệ thống thanh toán để hỗ trợ hệ thống thanh toán trong trường hợp gặp sự cố đe doạ đến việc đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán và an toàn hệ thống ngân hàng.
Thứ ba là chi các khoản phát sinh khác liên quan đến thực hiện chính sách tiền tệ đã được Thủ tướng phê duyệt: Đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có đề xuất này phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản lấy ý kiến Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.
Thông tư 36/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/02/2020./.
Theo PV/VOV.VN
Số liệu thị trường tiền tệ tháng 11 năm 2019 Thị trường tiền tệ tháng 11 năm 2019 Tháng 11/2019, tỷ giá VND/USD có diễn biến giảm nhẹ so với cuối tháng trước. Cụ thể, ngày 29/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 23.162 VND/1 USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.200 VND/1USD và...