Chính sách đối ngoại Duterte có thể là nhân tố khó lường nhất ở Biển Đông
Mỹ và Nhật Bản sẽ ngày càng cố gắng thúc đẩy Việt Nam trở thành một đối tác an ninh khu vực ở Biển Đông.
Bangkok Post ngày 5/10 có bài xã luận đáng chú ý về chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tờ báo nhận định, không còn nghi ngờ gì nữa, ông Rodrigo Duterte là “cầu thủ chủ chốt” tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cục diện Biển Đông.
Tờ báo viết: “Chưa có gì được thiết lập cho đến nay, nhưng nhà lãnh đạo Philippines đã thay đổi chiến lược của Manila trong đầu ông.
Các cuộc đối đầu với Trung Quốc về quyền sở hữu bãi cát ngầm tranh chấp và một số đảo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) có thể sẽ kết thúc.
Philippines, tiếp theo là Việt Nam và sau đó là các nước khác trong khu vực có thể buộc phải chấp nhận để cho Trung Quốc thực hiện được mục tiêu kiểm soát hầu hết Biển Đông.
Ngược lại, ông Duterte có thể đề nghị (Bắc Kinh) khai thác chung trong một khu vực giới hạn.”
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: zeenews.india.com.
Đó là quan tâm và nhận định của Bangkok Post.
Dù chẳng có cơ sở nào để nói Philippines, Việt Nam và các nước khác chấp nhận để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nhưng việc Bangkok Post đặt khả năng này ra cũng là một tham chiếu để chúng ta tìm hiểu lập trường, suy nghĩ của các nước ASEAN không yêu sách ở Biển Đông như Thái Lan.
Bình luận về chính sách đối ngoại của ông Rodrigo Duterte, Bangkok Post nhận xét:
“Đó là một sự chuyển đổi chính sách táo bạo và không ai lường trước được.
Khi làm như vậy, ông Rodrigo Duterte đã không chỉ quyết định thoát khỏi quan hệ đồng minh lâu dài với Hoa Kỳ, mà còn đưa ra những cách thức tầm thường để thực hiện nó.
Ông đã nhục mạ Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông đã tuyên bố cuộc tập trận chung Mỹ – Philippines trong tuần này, Phibex 33 là tập trận cuối cùng.
Sẽ không phải là một ý tưởng tốt cho các nhà lãnh đạo ASEAN ngay lập tức làm việc với Rodrigo Duterte để thay đổi các quyết định đó.
Cho dù các cuộc tập trận chung là hữu ích, bởi sự hiện diện của Hoa Kỳ với các cuộc diễn tập cùng các nước trong khu vực, làm cho Biển Đông an toàn hơn.
Ông Rodrigo Duterte dường như bị kẹt giữa cái tôi của mình với trách nhiệm cá nhân trước đất nước Philippines, cũng như trách nhiệm với khu vực.
Video đang HOT
Việc giết hàng loạt nghi phạm ma túy không qua xét xử và đơn phương bỏ rơi chính sách lâu dài của ASEAN là hai mặt của một đồng xu.
Ông Rodrigo Duterte đang đẩy các bên tới bờ vực của sự đảo lộn kế hoạch mà chẳng phục vụ cho lợi ích của ai trong khu vực.”
Còn xã luận trên tờ The New York Times ngày 5/10 cũng than phiền, hầu như không một ngày nào trôi qua mà Tổng thống Rodrigo Duterte không tìm ra cách thức mới để “đầu độc” mối quan hệ Philippines – Hoa Kỳ.
The New York Times viết: “Được đánh giá cao trong các cuộc thăm dò, ông Duterte, một nhà lãnh đạo với những phát ngôn thô tục và tính khí bốc đồng, đã được so sánh với Donald Trump.
Có vẻ ông đang quyết tâm cải tổ chính sách đối ngoại của Philippines, như những gì ông đã làm về đối nội. Khi làm điều này, ông có thể không chỉ làm suy yếu quan hệ Philippines với Hoa Kỳ.
Mà ở quy mô rộng hơn, điều đó còn có nguy cơ gây bất ổn ở châu Á vốn đã bị đe dọa bởi những nỗ lực ngày càng hung hăng của Bắc Kinh hòng độc chiếm Biển Đông.
Tuy nhiên cho đến nay, các phụ tá cao cấp của ông Duterte (Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng) vẫn đảm bảo với các quan chức Mỹ rằng, quan hệ hai nước không có gì thay đổi.
Và mặc dù ông Rodrigo Duterte nỗ lực tán tỉnh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn ngăn chặn ngư dân Philippines vào đánh cá trong ngư trường truyền thống của họ ở Biển Đông (Scarborough).
Cho đến nay, chính quyền Obama đã nhanh chóng tái khẳng định cam kết duy trì liên minh với Philippines, trong khi đưa ra những nhận xét về nhân quyền với ông Duterte.
Tuy nhiên để quản lý mối quan hệ Mỹ – Philippines hiện tại lại không hề dễ dàng, bởi tính cách thất thường của ông Rodrigo Duterte.
Hy vọng rằng trong thời gian tới ông sẽ làm dịu những ý tưởng này của mình. Nhưng rất nhiều thiệt hại có thể xảy ra cho đất nước ông và mối quan hệ Mỹ – Philippines trong lúc chờ đợi (một sự đổi thay từ Duterte).”
Báo Philippines nêu đánh giá những tác động ảnh hưởng đến Việt Nam từ nhân tố chính sách đối ngoại của ông Duterte
Báo Philippines Daily Inquirer ngày 4/10 dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức Fitch Ratings cho biết, chính sách đối ngoại “độc lập” của chính quyền Duterte không nên bị xem thường hay đánh giá thấp.
Nó có thể làm suy yếu “đáng kể” ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực. Báo cáo của Fitch Ratings cho biết:
“Chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rõ ràng rời bỏ Mỹ và ngả về Trung Quốc, có thể làm giảm đáng kế ảnh hưởng địa chính trị của Washington ở châu Á, vào đúng thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Kết quả là, Mỹ và Nhật Bản sẽ ngày càng cố gắng thúc đẩy Việt Nam trở thành một đối tác an ninh khu vực ở Biển Đông.
Sự hiện diện của Philippines trong đội ngũ không chính thức do Mỹ dẫn đầu ở châu Á nhằm cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã không còn được đảm bảo.
Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tiếp tục củng cố yêu sách của họ ở Biển Đông thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo (phi pháp) có khả năng trở thành các tiền đồn quân sự, và có lẽ bằng cả cách tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trong tương lai gần.
Bắc Kinh coi Philippines là mắt xích quan trọng trong cái gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” chạy từ miền Nam Nhật Bản qua Đài Loan xuống Biển Đông mà Mỹ xây dựng trong Chiến tranh Lạnh để “vây” Liên Xô, Trung Quốc.
Vì vậy nếu Philippines rời khỏi liên minh với Mỹ sẽ là một đòn nặng giáng vào chiến lược “chuỗi đảo thứ nhất” của Washington.
Ngay cả khi Philippines trung lập hơn cũng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.
Rodrigo Duterte đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận kể từ tháng trước khi công khai nguyền rủa Mỹ và EU.
Và ông ngày càng nhấn mạnh sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập, thúc đẩy quan hệ ấm áp hơn với Trung Quốc, và có thể cả Nga nữa.
Rodrigo Duterte là một nhà lãnh đạo của chủ nghĩa dân túy đã lên như diều trong năm 2016.
Ông không phải thành viên xuất thân từ tầng lớp thượng lưu thân Mỹ trong chính trị truyền thống của Philippines.
Vì vậy những biến động của “nhân tố” Rodrigo Duterte có thể tạo ra những nguy cơ về chính trị.
Thứ nhất, giọng điệu chống Mỹ của ông có thể đẩy Philippines xa Mỹ, hoặc gia tăng nghi ngờ của Washington về độ tin cậy của đồng minh này, bất chấp ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Do đó Washington sẽ phải tìm kiếm một đồng minh khác trong khu vực, và ứng viên khả dĩ nhất có thể là Việt Nam.
Tuy nhiên Việt Nam trong nhiều thập kỷ đã theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập với các cường quốc, hơn cả những gì Philippines đang làm.
Vì vậy không chắc Việt Nam sẽ ký một hiệp ước liên minh chính thức với Mỹ.
Nếu Rodrigo Duterte “khéo léo” cân bằng quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc, ông có thể ngày càng bị cả 2 siêu cường này lôi kéo, thông qua các lời hứa tăng cường hợp tác kinh tế, quốc phòng, tăng cường ý thức độc lập của Manila.
Duterte không chống Nhật Bản, nhưng lập trường ngả về Trung Quốc một cách lộ liễu của ông có thể làm tăng những nghi vấn trong (giới hoạch định) chính sách ngoại giao Tokyo.
Ông Rodrigo Duterte thăm Trung Quốc vào ngày 19-20/10, trước khi sang thăm Nhật Bản từ 25 đến 27/10. Hai chuyến thăm này sẽ cung cấp thông tin rõ ràng hơn về lập trường của Manila với Bắc Kinh và Tokyo.
Đối với Nga, một quốc gia khác mà ông Rodrigo Duterte tuyên bố muốn có quan hệ gần gũi hơn, Moscow chỉ có tác dụng rất hạn chế trong khu vực Đông Nam Á.
Duterte có thể tính đến quan hệ với Nga như một con đường để truyền thông điệp đến Hoa Kỳ rằng, ông sẵn sàng chơi với các nước chống Mỹ như một phần của chiến lược đối ngoại tái cân bằng.
Ngoài ra, Duterte có thể tính đến Nga như một hàng rào cân bằng với chính Trung Quốc, vì nguy cơ bất hòa giữa Trung Quốc với Philippines sau này không phải không còn.”
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhận định, chiến lược đối ngoại của chính quyền Duterte là “không may” cho Philippines. Ông khuyến cáo:
“Họ nên xem lại những gì họ gọi là một chính sách đối ngoại “độc lập”. Nó không phải một trò chơi có tổng bằng không.
Bạn có thể theo đuổi tình hữu nghị với một quốc gia khác mà không cần phải hy sinh mối quan hệ hữu nghị trong nhiều năm, với những nước đã giúp đỡ chúng ta.”
Người viết cho rằng, đánh giá của Fitch Rating trong bản báo cáo được Philippines Daily Inquirer trích dẫn là rất đáng lưu tâm, tham khảo.
Điều này cho thấy chiến lược đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế, không dựa vào nước này để chống nước kia, xử lý các tranh chấp và khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của các siêu cường ở Biển Đông và những tình huống cụ thể, cần chuẩn bị sẵn sàng những giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Giải pháp ấy chỉ có được khi đặt lợi ích tối cao, hợp pháp của quốc gia dân tộc cùng nguyên tắc thượng tôn pháp luật lên trên hết.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tránh được những tình huống mà dân gian vẫn nói, “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.
Chính luật pháp quốc tế đương đại kết hợp với thái độ thiện chí, khách quan, cầu thị, sẵn sàng đối thoại mới có thể giúp các nước như Việt Nam, Philippines và ngay cả Singapore, vượt qua được thách thức do hoạt động cạnh tranh địa chính trị của các siêu cường gây ra.
Theo Giáo Dục
Philippines chính thức ngừng tập trận với Mỹ trên Biển Đông
Ngày 7.10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông đã thông báo với quân đội Mỹ rằng các kế hoạch tuần tra và tập trận hải quân chung với Mỹ ở Biển Đông đã bị hoãn theo ý của tân Tổng thống Rodrigo Duterte.
Theo Bộ trưởng Lorenzana, Tổng thống Duterte muốn ngừng 28 cuộc tập trận chung thường niên giữa Philippines với Mỹ. Trước đó, ông Duterte khẳng định muốn cuộc tập trận đang diễn ra giữa hai bên sẽ là cuộc tập trận chung cuối cùng trong nhiệm kỳ 6 năm của ông vì ông muốn giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Tổng thống Duterte.
Bộ trưởng Lorenzana còn cho biết 107 binh sĩ Mỹ đang tham gia hoạt động điều khiển các máy bay không người lái do thám lực lượng phiến quân Hồi giáo sẽ được yêu cầu rời khỏi khu vực miền Nam Philippines khi Manila đạt được những khả năng thu thập thông tin tình báo này trong tương lai gần.
Trước đó, khi đánh dấu 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố: "Tôi sẽ chia tay với Mỹ". Không chỉ thế, ông Duterte còn có những phát ngôn khiếm nhã, không tôn trọng Tổng thống Mỹ Obama và một số quan chức ngoại giao của Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, thật nguy hiểm nếu quan hệ đồng minh Mỹ- Philippines tan rã dưới thời ông Duterte. Nếu điều này xảy ra, vị thế an ninh của Mỹ ở Đông Á sẽ bị suy yếu nghiêm trọng.
Một Philippines thuộc quỹ đạo của Bắc Kinh hay Moscow sẽ làm suy yếu khả năng của Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo Danviet
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tiết lộ lý do Tổng thống Duterte nói muốn cắt đứt với Mỹ Để "chữa cháy", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm nay 5/10 nói rằng việc Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố muốn chấm dứt liên minh quân sự với Mỹ có thể là do ông chưa được cung cấp thông tin thỏa đáng về mối quan hệ này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: Reuters) Tổng thống Philippines Duterte đầu tuần này tuyên bố,...