Chính quyền TP Hà Nội nên xin lỗi dân
Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc * Chỉ xử lý những cán bộ cấp phòng của Sở Xây dựng là không thỏa đáng
Chiều 23-3, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”.
GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ rằng ông đã đi đến khoảng 30 nước trên thế giới và nhận thấy không nhiều thủ đô rộng và đẹp như Việt Nam bởi có nhiều hồ và cây xanh. Thế nhưng, trong những năm qua, chúng ta đã lấp rất nhiều hồ và khi mưa, tại Hà Nội đã từng ngập đến tận bụng và đầu người – điều mà ngày trước rất ít khi xảy ra. Còn bây giờ, về vụ chặt 6.700 cây xanh (chiếm 1/7 cây xanh toàn TP Hà Nội), GS Nguyễn Lân Dũng ví von: “Tôi tưởng tượng cái đầu tôi mà 1/7 tóc rụng đi thì thành hói và sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt của mình… Tôi nghĩ việc Hà Nội không quan tâm đến ý kiến của nhà khoa học, người dân là điều rất khó hiểu”.
GS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại buổi hội thảo
TS Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam, cho biết ông đã lấy mẫu cây vừa trồng lại trên phố Nguyễn Chí Thanh đem về nghiên cứu và khẳng định chắc chắn đó là cây mỡ chứ không phải cây vàng tâm. Cây mỡ có bộ lá thưa, không thích hợp ở đường phố đô thị, khả năng chết rất cao bởi thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. GS Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng không nên quan tâm hàng cây trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ hay vàng tâm bởi cả 2 loại cây này đều không phù hợp.
Luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội) khẳng định: Luật Thủ đô do chính Hà Nội đề xuất, xây dựng để Quốc hội thông qua đã có điều khoản cấm chặt phá cây xanh, trừ trường hợp bất khả kháng. Qua nghiên cứu, ông Hải nhận định việc chặt phá cây xanh vừa qua còn không được cấp phép, thực hiện không theo luật lệ nào.
Video đang HOT
GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng việc chặt cây khiến dư luận phản ứng vừa qua xuất phát ngay từ việc xây dựng đề án, duyệt đề án bởi đề án này thiếu những cơ sở khoa học, tính thực tiễn cũng như tính pháp lý. “Tôi cho rằng lãnh đạo Hà Nội nên nhận lỗi với người dân vì làm việc này phản khoa học và không được người dân đồng thuận” – ông Đăng bày tỏ.
Từ những việc làm vội vã, thiếu khoa học trong việc triển khai đề án cải tạo, thay thế cây xanh Hà Nội, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm của cả những cá nhân đề xuất chủ trương này chứ không chỉ là kiểm điểm như Hà Nội đang làm. Ông cũng không đồng tình với việc thanh tra do các cơ quan của Hà Nội tiến hành. Dẫn điều 14 Luật Thủ đô, ông Dũng nói điều luật này quy định nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh; còn việc muốn lập quy hoạch thiết kế đô thị của 4 quận quan trọng trong nội thành, theo quy định tại điều 10 Luật Thủ đô thì phải trình Thủ tướng xem xét quyết định. “Thanh tra hiện không phải là việc của Hà Nội bởi vì Hà Nội là thủ đô của cả nước. Vụ chặt cây không chỉ là bức xúc của riêng của người dân Hà Nội mà còn là của người dân cả nước. Việc thanh tra nên do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quyết định” – GS Nguyễn Lân Dũng nêu ý kiến. Cùng quan điểm, TS Phạm Đức Bảo (Trường ĐH Luật Hà Nội) nói thêm: “Vi phạm này phải được xử lý thỏa đáng. Việc xử lý phải đúng với hậu quả từ chặt hạ cây xanh để lại. Nếu chỉ xử lý trách nhiệm của mấy ông cấp phòng của Sở Xây dựng thì không thỏa đáng”.
Bài và ảnh: Văn Duẩn
Theo_Người lao động
4000 tỷ đồng mua máy tính bảng: GS Nguyễn Lân Dũng bắt lỗi
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng với tình hình thực tế của nước ta hiện nay, việc triển khai đề án 4000 tỷ đồng mua máy tính bảng mà Sở GD&ĐT TP.HCM đưa ra hoàn toàn chưa phù hợp.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, trên thế giới, hiện rất nhiều nước đã thực hiện việc đưa iPad vào phục vụ học tập, xây dựng một lớp học thông minh với sự tương tác cao.
Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế nước ta hiện nay, ông Dũng cho rằng, đề án 4000 tỷ đồng mua máy tính bảng làm sách giáo khoa điện tử là chưa phù hợp. Cụ thể, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 3 điểm hạn chế sau:
Thứ nhất, chúng ta chưa hoàn thành việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 29. Dự kiến đến 2020 mới áp dụng đại trà chương trình và sách giáo khoa mới.
Chưa có chương trình, sách giáo khoa, chưa xác định được phương pháp dạy và học chuẩn thì việc đưa thiết bị dạy học điện tử vào là điều bất cập, là một sự cải cách ở phần ngọn khi chưa có phần gốc.
Hơn nữa, Thủ tướng đã quyết định sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, vậy chúng ta sẽ đưa bộ sách nào vào chương trình điện tử này? Không thể đưa tất cả các bộ sách giáo khoa vào cùng một lúc, mà nếu phải chọn thì biết chọn bộ nào?
Thứ hai, đất nước còn nghèo, chúng ta không nên lãng phí dù chỉ một đồng. Rất nhiều nơi trên đất nước vẫn ngày ngày xảy ra tình trạng học sinh đi bộ hàng chục km đến trường, có nơi còn phải học hai lớp tráo đầu đuôi trong một phòng (!).
Những học sinh miền núi thiếu thốn từng quyển sách, quyển vở, ngay cả mái nhà, cánh cửa cho ra hồn vẫn chưa đạt. Nhiều nơi học sinh lội suối đến trường học... Chưa kể, đồng lương giáo viên còn bèo bọt, đời sống bấp bênh...
Mức sống ở TP.HCM tuy có khá hơn nhiều nhưng nếu chúng ta cứ vung tiền xây dựng những đề án đắt đỏ như vậy thì sẽ ngày càng gây nên tình trạng mất cân bằng trong giáo dục giữa các vùng miền.
Ngay ở TP.HCM nhiều hộ gia đình vẫn còn nghèo, đời sống vẫn còn rất khó khăn. Mỗi dịp đầu năm học vẫn phải đối mặt với rất nhiều lo lắng về vấn đề tiền bạc.
Tiền ngân sách thì cũng là tiền của dân, còn nếu huy động từ trong dân với mức mỗi gia đình một máy tính bảng từ 3-5 triệu đồng, cộng với khoản bảo dưỡng thường xuyên nữa thì cũng là một gánh nặng không hề nhỏ.
Nếu một gia đình có hai con cùng vào cấp 1 thì việc lo kinh phí càng tốn kém. Nếu lấy tiền từ ngân sách Nhà nước thì cũng không thỏa đáng vì đất nước còn nghèo, còn nhiều việc cần chi quan trọng hơn, cấp bách hơn.
Thứ ba, hiệu quả của đề án số hóa này chưa rõ ràng. Chúng ta chưa có những chương trình thí điểm đã vội triển khai đồng bộ thì sẽ rất khó đạt hiệu quả, dễ xảy ra nhiều lãng phí công sức và tiền bạc.
Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ việc học sinh lớp 1, 2, 3 học trên máy tính bảng sẽ đạt hiệu quả hơn so với học bằng các phương pháp khác. Hơn nữa, các em còn quá nhỏ, việc bảo quản các thiết bị đắt tiền là không dễ dàng.
Người thầy có vai trò rất quan trọng, bởi thầy cô không chỉ là dạy chữ mà còn dạy người, nhất là ở bậc tiểu học. Ở các nước, máy tính bảng cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, vai trò của người thầy là không thể thay thế.
Hơn nữa, đưa máy tính bảng vào thì đội ngũ giáo viên phải thành thạo về công nghệ, có thể xử lý khắc phục những lỗi của máy tính. Học sinh nhỏ tuổi rất hiếu động, hoàn toàn có thể nghịch ngợm dẫn đến nhanh chóng hỏng hóc thiết bị.
Thậm chí, nhiều học sinh khi có máy tính bảng trong tay sẽ dễ dẫn đến việc mải chơi game, phụ thuộc nhiều vào máy tính bảng và quên mất việc tương tác với cuộc sống bên ngoài.
Ngoài ra, sách in thì không thể bỏ đi hoàn toàn. Ngay ở nhiều nước phát triển tuy đã số hóa sách giáo khoa nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn được sách in. Bởi sách in còn giúp học sinh tương tác với bài học bằng nhiều phương thức khác nhau.
Theo Thanh Hùng/Báo Infonet