Chính quyền hỗn loạn sau bài phát biểu về virus corona của TT Trump
Các quan chức Mỹ ở nước ngoài thậm chí không biết họ có được phép về nhà hay không, trong khi đội ngũ của tổng thống ở Nhà Trắng cũng bối rối về bài phát biểu.
Bài phát biểu Phòng Bầu dục tối 11/3 của Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng làm dịu những lo ngại về sự lây lan của virus corona.
Thay vào đó, nó gây ra sự hoảng loạn và hoang mang, không chỉ với các thị trường, khách du lịch Mỹ và các nhà lãnh đạo quốc tế mà còn trong chính quyền của ông.
Hai quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Daily Beast rằng các nhân viên và nhà ngoại giao ở nước ngoài chưa chuẩn bị cho thông báo của tổng thống và đã phải nháo nhào tới tận sáng 12/3 để tìm hiểu xem công việc và việc đi lại của họ sẽ bị ảnh hưởng thế nào.
“Đó là sự hỗn loạn hoàn toàn”, một nhà ngoại giao nói. Họ không biết liệu có phải quay trở lại Mỹ ngay lập tức hay cần phải cách ly trong hai tuần sau khi đến hay không.
Các nhà ngoại giao và các nhân viên Mỹ khác ở nước ngoài không biết liệu họ có thể về thăm gia đình của họ ở Mỹ hay không.
“Chúng tôi chẳng biết gì cho đến sáng hôm sau”
Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục vào tối 11/3, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ cấm du khách từ châu Âu vào Mỹ trong 30 ngày nhưng không nêu rõ chi tiết về kế hoạch đó sẽ được triển khai như thế nào hoặc nếu người Mỹ vẫn có thể đi đến khu vực.
Ông cũng không cho các quan chức châu Âu biết trước, nói rằng tình hình đòi hỏi phải hành động vội vàng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trên truyền hình toàn quốc từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng tối 11/3. Ảnh: Getty.
Kết quả là sự nhầm lẫn. Một quan chức khác của Mỹ cho biết đã nhận được các cuộc gọi từ các đối tác châu Âu yêu cầu làm rõ chính xác những gì tổng thống đang hạn chế liên quan đến việc đến và đi từ các nước châu Âu.
Tối 11/3, các quan chức Mỹ ở nước ngoài cho biết họ vẫn chưa rõ chính xác tuyên bố của ông Trump sẽ được thực hiện thế nào. Ngoại trưởng Mike Pompeo chưa cập nhật cho các đại sứ quán với bất kỳ hướng dẫn hoặc ghi chú nào về các biện pháp phòng ngừa.
“Tôi đã quen với cách làm việc của chính quyền này, chúng tôi chẳng được biết gì cho đến sáng hôm sau”, một quan chức khác của Mỹ cho biết.
Ngay cả các quan chức bên trong Nhà Trắng cũng bối rối. Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Trump, các trợ lý và các quan chức chính quyền của Nhà Trắng đã tìm cách đính chính, làm rõ hoặc sửa đổi trực tiếp các phần chính trong bài phát biểu Phòng Bầu dục của ông Trump, tức tốc liên lạc với nhau để tìm hiểu những gì đã xảy ra.
Trong bài phát biểu, tổng thống khẳng định rằng những hạn chế du lịch mới sẽ “áp dụng cho lượng giao dịch và hàng hóa khổng lồ”, một quan chức chính quyền tuyên bố gần như ngay lập tức rằng nó sẽ không áp dụng cả cho các cá nhân hoặc giao dịch.
Ông Trump cũng đề cập rằng các công ty bảo hiểm y tế “đã đồng ý bỏ tất cả khoản phí khám chữa bệnh bắt buộc”, tuyên bố khiến các công ty bảo hiểm sức khỏe bối rối.
Và lệnh cấm đi lại của ông Trump được khái quát là áp dụng cho các kiện hàng lớn vào lục địa châu Âu, sau đó được đội truyền thông của Nhà Trắng làm rõ rằng chính sách đã miễn trừ một số quốc gia ngoài vương quốc Anh.
Không được đổ lỗi cho tổng thống
“Chúng tôi đang lãng phí thời gian dọn dẹp những thứ mà chúng tôi hoàn toàn không cần phải làm ngay bây giờ. Và chúng tôi không được phép thừa nhận rằng bất kỳ điều gì trong số đó là lỗi của tổng thống”, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump cho biết.
Việc đính chính trên truyền thông diễn ra vào đêm khuya và sau đó tiếp tục vào ngày 12/3 khi các quan chức cấp cao tổ chức nhiều cuộc họp kín vào đầu giờ chiều để tìm cách sửa chữa những thông tin sai lệch và những khẳng định không chính xác mà ông Trump đưa ra trong bài phát biểu được chuẩn bị của mình.
Bài phát biểu được cố vấn chính sách nhập cư của Nhà Trắng Stephen Miller và con rể của tổng thống, Jared Kushner cùng chấp bút.
Hành khách hy vọng thay đổi chuyến bay của họ đến Mỹ chờ đợi trong hàng dài tại sân bay Amsterdam Schiphol ở Hà Lan sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hạn chế mới đối với các chuyến đi từ châu Âu. Ảnh: Getty.
Bảy quan chức chính quyền Trump mô tả với Daily Beast phản ứng điên cuồng để ngăn chặn hậu quả từ bài phát biểu của ông Trump, điều có thể làm thị trường thêm bất ổn hoặc gây hoang mang cho người Mỹ, trong và ngoài nước, các đối tác thương mại quốc tế và các quốc gia đồng minh.
Sự hỗn loạn chỉ làm tăng thêm sự thất vọng mà các quan chức cấp cao của chính quyền Trump cảm thấy trong tuần này khi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đang lan rộng.
“Tổng thống Donald Trump đã có hành động táo bạo để đối phó virus corona. Các bước mà Tổng thống công bố liên quan đến châu Âu bảo vệ người dân Mỹ, ưu tiên cao nhất của chúng tôi và là một phần trong nỗ lực toàn diện nhất để đối phó với virus trong lịch sử hiện đại”, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter hôm 12/3.
Hôm 11/3, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos viết: “Ngay từ ngày đầu tiên, ông Donald Trump đã thực hiện cách tiếp cận mạnh mẽ, chưa từng có để chống lại virus corona. Hành động quyết đoán của ông ấy, bao gồm các bước bổ sung được công bố tối nay, sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của virus này và giữ an toàn cho nhiều học sinh, phụ huynh và cộng đồng hơn”.
Bộ trưởng Y tế Alex Azar cũng ca ngợi “những bước đi táo bạo mới” của ông Trump, trong khi lên án những người “chỉ trích các bước đi quyết đoán của tổng thống ngay từ đầu dịch bệnh”.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng nhanh chóng tán thưởng “cách tiếp cận toàn chính phủ chưa từng có” của tổng thống.
Sự sắp xếp các nguồn lực truyền thông của chính phủ liên bang để cung cấp luồng tuyên bố gần như liên tục, các bài đăng trên mạng xã hội và các thông cáo báo chí phù hợp với cá tính của tổng thống được coi là công việc nội bộ bên trong chính quyền bình thường như bao công vụ khác.
Nhưng đối với các cựu quan chức của Nhà Trắng, đó là điều bất thường đáng kinh ngạc.
Tommy Vietor, người phát ngôn Nhà Trắng trong cuộc khủng hoảng cúm lợn năm 2009, cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ không bao giờ cho phép tổ chức họp báo theo cách áp đặt và đầy những lời khen như vậy về ông.
“Ông muốn nhóm của mình thường xuyên đưa ra thông tin nhanh, dựa trên cơ sở khoa học, ngay cả khi đó là tin xấu”, ông Vietor nói.
“Chúng tôi không bao giờ được yêu cầu truyền thông về nỗ lực phản ứng ‘tuyệt vời’ của ông Obama. Trọng tâm của ông ấy là quản lý vấn đề thực tế và nếu chúng tôi có thể làm điều đó, dư luận về phản ứng sẽ theo sau”, ông nói thêm.
Sân bay Los Angeles vắng vẻ sau lệnh cấm của TT Trump
Sân bay LAX tại Los Angeles vắng vẻ sau khi Tổng thống Trump ra lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ.
Theo news.zing.vn
Ai tư vấn Tổng thống Donald Trump 'cấm cửa' 26 nước châu Âu?
Lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 26 nước châu Âu được Tổng thống Donald Trump đưa ra sau màn tranh cãi quyết liệt giữa những cố vấn cấp cao của ông.
Donald Trump ngồi trong Phòng Bầu Dục chuẩn bị cho bài phát biểu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống, lắng nghe các cố vấn tranh luận về nguy cơ lệnh "cấm cửa châu Âu" có thể khơi mào cho một cuộc suy thoái toàn cầu.
Các chuyên gia y tế tỏ ra rất kiên quyết. Cách tốt nhất để làm chậm quá trình lây lan của virus corona là "câu giờ" bằng việc cách ly với châu Âu, đồng thời hi vọng virus sẽ yếu đi một cách tự nhiên khi thời tiết ấm lên. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống, phản đối quyết liệt, cho rằng việc đó sẽ khiến nền kinh tế phải trả giá đắt.
Ông Trump để họ tranh luận thêm một lúc cho tới khi cảm thấy đã nghe đủ. Vị Tổng thống tách một vài cố vấn vào văn phòng nội các, yêu cầu họ phải lập ra một bản kế hoạch mà tất cả mọi người cùng ủng hộ. Các cố vấn trở lại với sự đồng thuận trong đề xuất hạn chế di chuyển. Trump quyết định sẽ thông báo đến toàn thể đất nước vào giờ vàng.
Ông Trump công bố lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 26 nước châu Âu.
Đây được coi là khoảnh khắc quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, thời điểm các cử tri sẽ quyết định xem liệu ông có xứng đáng được tái đắc cử hay không.
"Chúng ta sẽ chiến thắng hoặc thất bại chính tại đây", một trong hai nhân vật có mặt ở Phòng Bầu dục hôm đó nhận định. Một người khác tin rằng nếu bây giờ thị trường chứng khoán tụt dốc so với khi ông Trump nhậm chức thì những tuyên bố về việc giữ ổn định nền kinh tế sẽ đổ vỡ hoàn toàn.
Nếu các cử tri cũng có chung quan điểm như vậy, phát biểu hôm thứ Tư không thể giúp ông Trump tăng thêm cơ hội kéo dài nhiệm kỳ của mình.
Chỉ số S&P 500 tụt gần 10% trong ngày thứ Năm, đánh dấu mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ sau sự kiện Ngày thứ Hai đen tối năm 1987, kể cả khi Cục Dự trữ Liên bang có động thái quyết liệt bằng việc tăng cường thanh khoản cho thị trường và mở rộng hoạt động mua bán trái phiếu chính phủ.
Bài phát biểu hôm qua vốn là báo cáo mà ông Trump đã hứa sẽ công bố với toàn thể đất nước về kế hoạch đối phó với đại dịch. Nó được đưa ra sau một ngày dài với những cuộc họp ở Nhà Trắng, kết thúc bằng quyết định ban bố lệnh hạn chế di chuyển từ 26 quốc gia châu Âu. Nhưng theo sau lệnh cấm này, những biện pháp về mặt kinh tế mà vị Tổng thống Mỹ đưa ra lại quá ít ỏi và mơ hồ.
Bài phát biểu 10 phút của ông Trump được soạn nháp vội vàng và chỉnh sửa vào phút chót bởi chính vị Tổng thống và cố vấn cấp cao của ông, Stephen Miller ngay sau khi một cố vấn khác rời khỏi căn phòng. Bản nháp cuối cùng được đưa vào chiếc máy nhắc chữ có hai lỗi lớn và ông Trump lại vô tình thêm vào một lỗi nữa.
Video: Ông Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 26 nước châu Âu.
Vị Tổng thống nói với toàn thể nước Mỹ rằng " chúng ta sẽ chặn toàn bộ di chuyển từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày". Điều đó không chính xác.
Theo chi tiết của lệnh cấm được công bố vào buổi tối cùng ngày, những quy định chỉ chặn người nước ngoài từng ở châu Âu trong vòng 14 ngày gần nhất nhập cảnh vào Mỹ. Ông Trump lại bị vấp một lần nữa trong đoạn về việc hoạt động vận tải hàng hóa sẽ không bị gián đoạn, thay vào đó ông nói nhầm thành hoạt động thương mại sẽ bị hạn chế.
Ông Trump cũng nói rằng việc xét nghiệm và điều trị Covid-19 đều được bảo hiểm chi trả, nhưng điều này đã bị chính các doanh nghiệp bảo hiểm bác bỏ.
Nhưng phần quan trọng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong bài phát biểu lại không bắt nguồn từ ông Trump mà chính là những chuyên gia y tế, đứng đầu bởi Deborah Birx, người được bổ nhiệm làm Đại sứ phòng chống AIDS của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bà đã đưa ra một luận cứ chi tiết về việc có bao nhiêu trường hợp nhiễm bệnh mới phát hiện ở Mỹ bắt nguồn từ châu Âu. Nếu lệnh cấm được ban hành sớm hơn, sự bùng nổ dịch bệnh ở Mỹ có thể được giới hạn ở một vài bang. Bộ trưởng Y tế và các vấn đề nhân sinh Alex Azar ủng hộ bà.
Mnuchin phản đối kịch liệt, cho rằng không ai cân nhắc tới những tổn thất có thể gây ra cho nền kinh tế vốn đã chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra quyết định có lẽ là khó khăn nhất trong nhiệm kỳ này.
Sáng hôm sau, khi thị trường chứng khoán tụt dốc, Trump nói với các phóng viên rằng: "Tôi đã đưa ra một quyết định rất khó khăn. Dù có tác động tới thị trường hay không, nó vẫn rất quan trọng, nhưng không quan trọng bằng chuyện sống chết. Tôi phải đưa ra quyết định và nói thật lòng, những người có chuyên môn đã khen ngợi điều đó. Đó là việc mà tôi phải làm. Các bạn sẽ thấy kết quả tốt vì nó".
Tính đến chiều thứ Năm, Mỹ có hơn 1.300 trường hợp nhiễm Covid-19 ở ít nhất 46 bang.
MINH NGỌC (Nguồn: Bloomberg)
Theo vtc.vn
'Virus Vũ Hán' và cuộc tranh luận giới chuyên gia y tế muốn tránh Bất chấp khuyến nghị của các quan chức y tế, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đang đang sử dụng thuật ngữ "virus Vũ Hán", châm ngòi thái độ phân biệt chủng tộc và đổ lỗi. Cái tên Covid-19 là một danh từ y khoa thuần túy chỉ dịch viêm phổi gây ra do virus corona vào năm 2019. Đó chính xác là...