Chinh phục ’sống lưng khủng long’ rùng rợn
Cùng theo dõi hành trình chinh phục ’sống lưng khủng long’ trên đỉnh Tà Xùa của một phượt thủ.
Đường lên dãy Tà Xùa bắt đầu từ bản Tà Xùa (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Từ trung tâm huyện vào bản Tà Xùa là quãng đường dài chừng 7 km, nhưng để lên tới đỉnh cao nhất chỉ có một con đường đất độc đạo có độ dốc rất lớn là thử thách không dễ vượt qua dành cho bất kỳ ai muốn chinh phục.
Dãy Tà Xùa mọc lên sừng sững tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La, với ba đỉnh hợp thành một kỳ quan vô cùng hùng vĩ. Đỉnh cao nhất chính là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2.850m, tại đỉnh thứ hai hiện vẫn còn dấu tích của cột cờ cũ vốn được dựng từ thời Pháp thuộc.
Đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, nó giống như vạch nối tạo thành sống lưng của một con khủng long thời tiền sử. Có hai tuyến đường để bạn có thể chinh phục “cái sống lưng” ấy, một là đường từ bản Tà Xùa ngược lên và con đường thứ hai được bắt đầu từ Bắc Yên.
Video đang HOT
Rời bản Tà Xùa, khi con đường dẫn lên đỉnh Tà Xùa bắt đầu trở nên trơn và dốc thì cũng là lúc tới được bìa rừng. Có nhiều đoạn dốc dựng đứng, phải bấm cả tay chân lên mặt đất thì mới có thể bò lên được.
Thật may mắn vì đoàn chúng tôi đi vào thời điểm khô ráo, chứ nếu ướt mưa thì sẽ khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên kiểu thời tiết này được anh dẫn đường A Ku dự đoán là sẽ khó gặp biển mây.
Dọc đường chinh phục, đôi khi gặp phải nhiều đoạn có những vách đá nguyên khối nhô hẳn ra, tạo thành những vòm hang lớn, những người đi rừng nơi đây thường dùng để nghỉ đêm và cũng là nơi tránh mưa gió, sương lạnh.
Bạn sẽ đi qua một mỏm đá có hình dáng rất giống đầu rùa. Có rất nhiều đoàn chinh phục trước đây đã dừng chân chụp ảnh kỷ niệm tại nơi này. Chiếc đầu rùa này nằm ở độ cao 2.120m, cảm giác sẽ vô cùng lý thú khi gặp một “cụ rùa” trên núi như vậy.
Tà Xùa có rất nhiều hoa. Ngoài những loài hoa rừng phổ thông như đỗ quyên trắng, hồng, đỏ, lùn, táo mèo, bạch châu…là vô số những loài hoa dại phủ kín rừng, triền núi.
Những bông hoa dại thuộc họ cúc màu trắng, trải dài ngút ngàn nằm sâu trong thung lũng. Nghe đâu nó mới chỉ xuất hiện nơi đây khoảng chục năm, sau những vụ cháy rừng lớn.
Để tới được “sống lưng khủng long” phải mất tới hai ngày đi rừng. Bởi vậy chúng tôi đã cắm trại nghỉ đêm dưới gốc cây dẻ đang bung nở những đài hoa trắng đung đưa dưới ánh trăng mờ ảo.
Đêm trên núi, gió rừng gào thét thâu đêm. Và có lẽ bởi gió quá to nên sáng hôm sau trời khá quang đãng, biển mây trong niềm ngóng đợi của chúng tôi đã không có.
Vượt qua khu rừng với những thân cây khô cháy trụi là những vách đá dựng đứng. Đến đây, vì không có đường nối sang hai đỉnh bên cạnh nên bạn sẽ phải bám vào vách núi để đu sang. Tay bám đá, bám cây mà lần mò như những con thạch sùng treo mình trên sườn núi.
Từ đây chỉ có con đường chênh vênh, mỏng như sống dao nhưng lại vô cùng hùng vĩ – bởi vậy những người dân nơi đây đã ví nó tựa như sống lưng khủng long, vắt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Độ cao của sống lưng áng chừng 2.500m.
Để có thể đứng trên sống lưng gió lộng này, bạn phải bò, leo bằng cả tay, chân và phải lựa những lúc gió lặng mới có thể đến được. Thi thoảng những cơn gió như muốn thổi bay người, cả đoàn lại phải nằm rạp xuống. Nhìn lại đoạn đường gập ghềnh đã qua, chúng tôi vô cùng thích thú, với những trải nghiệm mới mẻ và đầy cảm xúc.
Theo 24h