Chinh phục núi lửa Bromo, ‘nàng tiên phẫn nộ’ tại Indonesia
Núi lửa Bromo nằm trong vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru, với độ cao 2.329m, cách thành phố Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java, 120km về phía Nam, và cách thủ đô Jakarta 750km về phía Đông.
Núi lửa Bromo vẫn còn đang hoạt động nên toàn bộ bề mặt được bao phủ bởi một màu xám tro của nham thạch. Theo ghi nhận của hướng dẫn viên địa phương và người dân bản địa, lần phun trào gần đây nhất của Bromo vào khoảng cuối năm 2019.
Để tiếp cận khu vực chân núi, du khách sẽ vượt qua một quãng đường xuyên sa mạc cát nóng. Thảm thực vật xanh tươi ở những ngọn núi xung quanh khu vực núi lửa Bromo tạo nên bức tranh thiên nhiên tương phản đẹp hút hồn.
Du khách cần phải trang bị chu đáo về sức khỏe, mặt nạ phòng độc, người dẫn đường… bởi đường dến núi lửa Bromo khá khó đi, nhiều đoạn phải sử dụng xe jeep di chuyển.
Anh Đặng Đoàn Sang, vừa chinh phục đỉnh Bromo, chia sẻ hành trình của anh xuất phát từ Bali và mất khoảng 450km để đến được chân núi Bromo. Sau đó, 23:00 giờ tiếp tục đi xe thêm 2 giờ để đến điểm cắm trại ngắm toàn cảnh đêm Bromo ở ngọn núi đối. Cả đoàn hạ trại ngủ qua đêm và 4:00 giờ dậy ngắm bình minh và 8:00 giờ sáng lên xe jeep di chuyển khoảng 45 phút nữa để đến điểm trekking lên đỉnh núi.
Anh Sang cho biết, để ngắm đỉnh núi đẹp nhất thì chính là lúc bình minh. Du khách có thể lựa chọn ở lại những homestay dưới chân núi rồi 3:00 giờ sáng bắt đầu đi xe lên điểm ngắm bình minh nhưng lên tới nơi sẽ có rủi ro bị tắc đường do nhiều xe đi cùng một lúc trong khi đường đèo khá hẹp chỉ vừa chỗ cho 2 ô tô tránh nhau.
Khi lên tới nơi, du khách sẽ phải chen chúc xếp hàng để có được góc chụp ảnh đẹp. Khi đi qua sa mạc cát nếu thấy quá mệt, du có thể đi dịch vụ ngựa của người dân địa phương, họ còn chụp ảnh miễn phí cho du khách nên cũng là một trải nghiệm đáng thử.
Video đang HOT
“Tại điểm cắm trại ngắm bình minh, ban ngày thì nhiệt độ khá cao nhưng đêm ở đây nhiệt độ hạ đột ngột và rất lạnh, chỉ còn khoảng 7-8 độ C. Nằm trên nền đất dù đã được lót tấm giữ nhiệt và mặc ấm, túi ngủ đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy lạnh thấu xương, bù lại sáng dậy khi mặt trời ló dạng mình được ngắm toàn cảnh ngọn núi lửa hùng vĩ từ từ hiện ra giữa biển mây đẹp vô cùng”, anh Sang chia sẻ.
Người trải nghiệm đến đây được khuyến cáo cẩn thận khi ngắm miệng núi lửa bởi sức nóng hừng hực, có thể “nuốt chửng” bất kỳ vật gì rơi xuống.
Khi đã lên trên đỉnh núi, du khách sẽ thấy khó thở do lượng oxi thấp, mùi rất khó chịu từ khí SO2 và nhiều du khách không chịu được đã phải xuống núi. Du khách cũng được cảnh báo không nên leo trèo, tự ý chạy nhảy hay đi quá xa đề phòng nguy hiểm.
“Mình gọi vui Bromo là “nàng tiên phẫn nộ”, vì lên tới đỉnh núi sẽ nghe thấy những thanh âm kì lạ từ miệng núi lửa, nghe như tiếng gào thét, kết hợp với những cột khói trắng bốc lên khiến cho núi vừa đẹp ma mị như một nàng tiên, vừa đáng sợ vì nàng ta có thể phẫn nộ và phun trào bất cứ khi nào”, anh Sang nói.
“Cái tên Bromo có nghĩa là thần của các vị thần, tới ngày lễ hội người dân sẽ dâng dê, gà, đồ ăn lên và thả vào miệng núi để cầu an, cầu may. Trên núi có những bức tượng thần núi lửa nhỏ để du khách và người dân khấn bái. Mình nghĩ đây là một địa điểm linh thiêng và chúng ta cũng nên có những sự tôn nghiêm và trang trọng nhất định khi tới đây”, anh Sang chia sẻ.
Đỉnh Bromo, nơi phàm - thiêng một cõi
Trong khoảng 1.500 núi lửa đang hoạt động trên Trái đất, Bromo thuộc số ít có thể rong chơi ngay miệng núi lửa mà vẫn bình an trở về.
Chinh phục Bromo, một hành trình đủ dài về mặt khoảng cách, đủ 'phê' bởi cảm giác mạnh, và quá dư kỷ niệm để nhớ về.
Ở xứ vạn đảo Indonesia, núi Bromo nằm ở miền đông Java, chỉ cao 2.392m, trơ trụi, trọc lóc, bụi mù mỗi khi gió lùa, xấu toàn diện, nhưng nổi tiếng hàng đầu trong tổng số 27.886 ngọn núi (đã được đặt tên) trên toàn cõi Indonesia. Và ở Indonesia, hình ảnh Bromo di chuyển khắp nơi, bởi nó được in trên tờ tiền mệnh giá 5.000 Rupiah.
Ở góc tiếp cận khác, trong tín ngưỡng Hindu giáo tại Indonesia, Bromo là đỉnh núi được lấy tên theo một trong tam thần cao cả nhất của tôn giáo này, đó là vị thần sáng tạo Brahma (hai vị còn lại là Shiva - thần hủy diệt và Vishnu - thần bảo hộ). Đỉnh núi Bromo được người Hindu giáo ở Indonesia, đặc biệt là 9 ngôi làng quanh ngọn Bromo thuộc tộc người Tengger xem là ngọn núi thiêng, là ngôi nhà thần Brahma ngự trị.
Về chốn thiêng
Trong huyền tích Hindu giáo, núi Meru là trung tâm của vũ trụ, là nơi các vị thần tối cao ngự trị, đỉnh núi cao nhất ở Java tên là Semeru với 3.676m được cho có nguồn gốc từ núi thiêng Meru mà đặt thành. Hướng về núi thiêng Semeru ở miền đông Java, cũng là cung đường đến Bromo, đích đến cho chuyến du ngoạn tìm về ngôi nhà vị thần Brahma huyền thoại.
Toàn cảnh núi lửa Bromo (lòng chảo bốc khói trắng) nhìn từ đỉnh Penanjakan, đỉnh Semeru cao nhất ở phía xa.
Đường đến Bromo còn được mệnh danh là cung đường hành hương của những người theo Hindu giáo. Và ở bất kỳ cung đường hành hương nào còn tồn tại trên thế giới, không bao giờ là một hành trình đơn giản. Bromo cũng vậy, sức hấp dẫn khiến người tìm về Bromo mê mẩn, ấy là diện kiến dung nhan đen nhẻm bụi cát của ngọn núi này khi bình minh lên.
Để đến Bromo cho kịp Mặt trời ló dạng, hành trình bắt đầu khoảng 12 giờ khuya từ Surabaya - thành phố lớn thứ hai ở đất nước vạn đảo, sau gần 5 giờ xe chạy là chạm đến Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru với tổng diện tích lên đến 5.250 hecta, nơi có quần thể núi lửa bao gồm Bromo, Kursi, Watangan, Widodaren, Semeru... bốn hồ nước và 50 dòng sông, cùng một biển cát đen kỳ lạ được hình thành sau các đợt phun trào núi lửa. Để diện kiến Bromo, khách lữ hành phải băng qua biển cát đen bằng những con xe Zeep địa hình lên đỉnh Penanjakan (2.770m).
Vùng bình nguyên đẹp ngoạn mục với cánh đồng cát đen do nham thạch phun trào từ núi lửa Bromo.
Đường lên núi cao dần, cũng là lúc nhiệt độ xuống thấp, cái lạnh cùng gió núi ngấm buốt thấu xương khiến cho người co quắp trong khi hai hàm răng lộc cộc khua bộ gõ; lại thêm những bơ phờ, ngơ ngác vì mất ngủ làm cho những gương mặt gặp gỡ trên hành trình du ngoạn Bromo không một chút háo hức hay tí gì sáng sủa. Hơn 5 giờ sáng, hàng trăm con người chen chúc nhau nhìn về vầng hồng le lói phía chân trời nơi hướng núi Bromo để chờ đợi điều kỳ diệu xảy đến, ấy là toàn cảnh Bromo cách đó gần 4km theo đường chim bay.
Thế nhưng miền thiêng Bromo ít khi chiều lòng người, khi thì mây mù mịt, lúc chỉ he hé mở, hiếm hoi mới có những ngày đẹp để dung nham Bromo tỏ hiện một cách hoàn hảo. Âu cũng là trải nghiệm thú vị, để mỗi người khi đón bình minh với Bromo, dẫu có quay trở lại, chẳng bao giờ gặp khung cảnh cũ.
Kề miệng tử thần
Đổi lấy hành trình nhọc nhằn, vất vả, thời khắc đón bình minh với Bromo chỉ kéo dài vài phút, rồi lữ khách ai nấy lại lục tục xuống núi, băng ngược trở lại biển cát đen đến chân núi Bromo để làm chuyến chinh phục mới. Trời đã tỏ, mới thấy hành trình đêm qua vào miền bình nguyên đẹp ngoạn mục. Từng chiếc xe Zeep địa hình vun vút lao vào biển cát, tung bụi mờ, với tiền cảnh là đỉnh Batok 2.470m sừng sững, sườn núi tạo thành các nếp dọc phủ đầy mảng xanh nổi bật trên biển cát Tengger - được bảo vệ từ 1919 (trong khi Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru hình thành từ 1982).
Du khách ngược xuôi trên đường lên đỉnh Bromo.
Biển cát đen dẫn lối đến chân núi Bromo, nơi tụ tập đông người bản xứ làm dịch vụ cho thuê ngựa đưa người lên miệng núi lửa. Người bản địa ở đây là người Tengger, tín ngưỡng là Hindu giáo, họ sống gắn bó với Bromo mà không hề sợ dù biết rằng núi lửa vẫn đang hoạt động, bởi niềm tin thần Brahma sẽ che chở cho cuộc sống bình an.
Ở góc độ khác, những lớp tro bụi của nham thạch qua các lần phun trào lại là nguồn dinh dưỡng tốt cho đất đai để người Tengger phát triển nông nghiệp, đặc biệt là gieo trồng các loại rau củ quả. Thế nên từ bao đời, người Tengger sống dựa vào Bromo, và khi du lịch ngày càng phát triển, sức hấp dẫn của Bromo là nguồn thu đáng kể cho người Tengger làm du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển, ăn ở.
Miệng núi lửa Bromo vẫn thầm thì nhả khói.
Càng đến sát chân núi Bromo, khung cảnh thật ấn tượng, những vết nứt gãy, những hố sâu trồi sụt liên hoàn, tất cả được phủ một màu đen của cát, thoảng trong không khí là mùi hăng hắc của lưu huỳnh bốc lên từ lòng núi lửa, cảm giác như đang đi về một miền đất chết hơn là chốn thiêng phàm trần.
Nấc thang dài với 250 bậc nối lên đỉnh núi ở đoạn dốc nhất khiến cho hành trình đến miệng Bromo thêm dễ dàng. Từ trên đỉnh Bromo, một vùng cảnh quan ngoạn mục mở ra, với miệng núi lửa khổng lồ như cái phễu, đáy là một lỗ đen hun hút, phả lên từng đụn khói trắng cùng chút hơi nóng ùa về. Đứng kề miệng núi lửa, chỗ có che chắn, chỗ không, lớp cát dưới chân cảm giác như lao xao, không độ bám, khiến gối chùn như muốn chôn chân tại chỗ.
Du khách tụ tập trên đỉnh Penanjakan cao 2.770m để đón bình minh trên đỉnh núi Bromo.
Nếu hành trình lên đỉnh Penanjakan để ngoạn cảnh toàn Bromo lúc bình minh mang lại cảm giác của vẻ đẹp kỳ quan thiên nhiên, thì khi đứng trước miệng Bromo, cảm giác của sợ hãi, của xám xịt màu chết chóc xâm chiếm, con người trở nên thực sự bé nhỏ. Đường mòn độc đạo quanh miệng núi lửa chỉ có rào chắn một đoạn ngắn, càng đi xa, đường nhỏ dần, lữ khách cũng thưa vắng.
Lối đi ngăn cách đôi bờ, bên là dốc xuống chân núi với người ngựa xe nườm nượp cõi phàm trần, bên là vực sâu dẫn lối vào lỗ đen núi lửa của cõi thiêng - ngôi nhà thần Brahma, khiến từng bước chân trên con đường mong manh ấy kéo theo đủ trải nghiệm của run sợ, của nhỏ bé kiếp người, của những dòng suy nghĩ đan xen, của sự tập trung cao độ, bởi chỉ một sơ sểnh lọt xuống cõi phàm hay trượt chân vào miền thiêng thánh, đời sẽ sang trang.
Rồi cũng đến lúc trở về chân núi, đứng nhìn lại đỉnh Bromo đằng xa, hít căng lồng ngực làn gió mát rượi, một cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm, kèm chút tự hào sau những phút giây đầy xúc cảm khi chinh phục Bromo ùa về, lòng thầm nhủ: Bromo, sẽ có ngày trở lại!
Đông Java du ký - hòn đảo xinh đẹp Nhắc đến đất nước Indonesia, người ta thường nghĩ ngay đến thủ đô Jakarta hay hòn đảo Bali xinh đẹp thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, nhưng ít ai chú ý đến vùng đất Đông Java (một tỉnh thuộc phía Đông đảo Java) của xứ sở vạn đảo, nơi nổi tiếng với nhiều ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động và...