Chinh phục miền biên viễn Pu Si Lung
Núi Pu Si Lung ( Lai Châu) với đỉnh cao hơn 3.000m là ngọn núi cao nhất án ngữ nơi biên giới Việt – Trung. Ngọn núi hoang sơ ở vùng đất biên viễn này đầy bí ẩn và quyến rũ với những người ưa khám phá.
Đỉnh Pu Si Lung nằm ở tận cùng của vùng núi Tây Bắc, lại thuộc địa phận do biên phòng quản lý, nên không hề dễ dàng để tiếp cận. Lên lịch trình kỹ càng, liên hệ trước với các cơ quan chức năng, mang theo giấy giới thiệu, chúng tôi tự tin lên đường chinh phục đỉnh Pu Si Lung.
Phần 1: Xuyên cầu vồng thác Tác Tình và nắng Lai Châu.
Ô Quý Hồ
Thời tiết càng sáng càng nắng đẹp và chúng tôi đã được trải qua một bữa tiệc mây trên đèo Ô Quý Hồ. Dù đã từng đi qua nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thấy nhiều mây giăng đến vậy trên con đèo nằm trong nhóm “tứ đại đèo miền Bắc” này. Mây bồng bềnh tuôn tràn liên tục từ khắp nơi đổ về thung lũng Ô Quý Hồ khiến những bản làng, ngôi nhà bỗng chốc tan biến đi như bị lũ cuốn vậy.
Hành trình bắt đầu từ bản Ô Quý Hồ tới đỉnh đèo của chúng tôi bỗng chốc trở thành trò chơi đuổi bắt. Lúc thì đoàn xe xuyên vào mây, cái lạnh tê tái cùng tầm nhìn hạn chế khiến chúng tôi không thể đi nhanh. Ấy vậy rồi, bỗng chốc mây lại tan loãng ra để lại khoảng trời xanh thẳm với tia nắng ấm áp chói chang sau tán cây. Từ đây có thể nhìn thấy rõ dãy núi Hoàng Liên trùng điệp kéo dài tít tắp. Những ngọn núi tựa vào mây, ôm lấy mây một cách trìu mến.
Vượt qua đèo Ô Quý Hồ dài 50km, chúng tôi từ Lào Cai sang địa phận Lai Châu. Khí hậu thay đổi rõ rệt từ cái lạnh của Sa Pa chuyển sang cái nắng gió hanh hao của Lai Châu.
Mặt trời trên cao, le lói qua những đám mây lảng bảng trên dãy Hoàng Liên hùng vĩ, chiếu rọi những ray nắng kỳ ảo. Qua ngã ba Bình Lư, rẽ phải là chúng tôi tới con đường rộng thênh thang chạy qua thị trấn Tam Đường. Trên đường đi, dễ thấy những khóm hoa dã quỳ nở rực rỡ trong nắng. Một khung cảnh vàng rực rỡ là phần thưởng hết sức bất ngờ với chúng tôi.
Video đang HOT
Thác Tác Tình
Trước khi tới Lai Châu, tôi được một người bạn trong nhóm đi Ngũ Chỉ Sơn chia sẻ một khung hình tuyệt đẹp về một ngọn thác có tên là thác Tác Tình.
Cuối thị trấn Tam Đường có một đường bê tông nhỏ rẽ phải vào sâu trong vùng núi Bình Lư. Nhìn từ xa đã thấy dòng nước đổ từ trên cao xuống như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian hùng vĩ của núi rừng. Tuy quãng đường không dài, chỉ chừng 3km nhưng vắng người và không hề có biển báo chỉ dẫn nên chúng tôi đã bị đi quá đôi chút.
Thác Tác Tình hay còn gọi là Tắc Tình, là một địa điểm thu hút du lịch của tỉnh Lai Châu. Theo tiếng Dao, “tác” có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống mỏm đá nhô ra từ vách núi thẳng đứng (vách núi này có độ cao chừng 100m so với mặt đất); “tình” có nghĩa là nước từ trên thác đổ xuống tạo thành một vũng nước trên mặt đất (giống như một hồ nhỏ).
Để xe dưới mái hiên một nhà dân ven đường, chúng tôi đi theo những bậc thang lát bằng đá để lên ngọn thác. Sau chừng trăm bậc thang rất dốc, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng dòng thác đổ từ trên cao xuống một hồ nước trong veo. Mùa này nước không nhiều, chảy mạnh mẽ và hùng vĩ như những hình ảnh tôi thấy nhưng bù lại nước trong xanh và dưới cái nắng đông ấm áp chúng tôi còn được thấy cầu cồng dưới chân thác.
Nắng đẹp Lai Châu
Mải chơi ở thác Tác Tình, phải tới giữa trưa, chúng tôi tới thành phố Lai Châu. Thời tiết quả thực quá tuyệt vời, trời nắng đẹp với tầm nhìn trong veo. Đi trên các con đường mà có thể thấy rõ những dãy núi hùng vĩ dưới nền mây trắng trời xanh thẳm.
Ăn xong bữa trưa, chúng tôi quyết định tranh thủ đi tham quan khu trung tâm, khu hành chính của tỉnh và hoàn toàn bị choáng ngợp trước vẻ đẹp nơi đây. Khu trung tâm có lối kiến trúc Pháp hiện đại pha nét cổ điển được xây mới đồng bộ, đường xá thông thoáng rộng rãi.
Quảng trường Nhân dân và Trung tâm Hội nghị văn hóa của tỉnh bề thế, tọa lạc trên nền đồi cao ráo, thoáng đãng với cảnh quan tuyệt đẹp, bên cạnh là những thảm cỏ xanh và xa xa là khu dân cư được quy hoạch đồng bộ. Công trình hợp khối nổi bật trong sắc xanh của núi rừng, trời xanh và mây trắng trong veo.
Khung cảnh tuyệt đẹp là thế khiến chúng tôi không khỏi phấn khích, thích thú chụp hình và thậm chí người bạn tôi còn ngẫu hứng thể hiện vài pha nhào lộn. Tuy vậy chúng tôi cũng không có quá nhiều thời gian mà phải quay lại Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu như đã hẹn.
Ngay khi tới Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, chúng tôi vào làm thủ tục trình báo không quá phức tạp vì đã liên hệ trước và có giấy công tác từ cơ quan. Anh Thuần phòng trực ban tác chiến trao tờ giấy giới thiệu còn tươi màu mực cho tôi và không quên dặn dò chu đáo một số thứ kèm lời chúc an toàn.
(còn tiếp)
Theo iHay
10 nét quyến rũ mang thương hiệu du lịch Sa Pa
Sa Pa có nhiều điểm du lịch dù quen thuộc và nổi tiếng từ lâu nhưng vẫn làm mỗi du khách khi đặt chân đến lại có một cách cảm nhận riêng.
Núi Hàm Rồng: Quan sát thị trấn từ chòi cao 1.800 m trên đỉnh Hàm Rồng là một trải nghiệm thú vị mà bất cứ ai đến Sa Pa cũng nên thử. Những con đường, khách sạn, khu du lịch bỗng nhỏ bé dưới chân bạn. Trên núi, bạn còn được ngắm nhiều vườn hoa đủ sắc màu và len qua những khe đá nhỏ ở vườn Thạch Lâm. Ảnh: Gavin Whit
Nhà thờ đá Sa Pa: Nhà thờ Đá Sa Pa xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương. Ảnh: Marty Windle
Bản Cát Cát: Từ trung tâm thị xã Sa Pa đến Cát Cát chỉ 2 km. Đây là bản lâu đời của người Mông còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng hoa, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Đặc biệt, nơi đây còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không bảo tồn nguyên vẹn. Ảnh: Vũ Quang
Thung lũng Mường Hoa: Nằm cách thị trấn Sa Pa 10 km về phía đông nam, Mường Hoa là điểm đến hấp dẫn những bước chân lãng du đến với miền sơn cước. Thật không mấy khó khăn để nhận ra Mường Hoa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi, du khách sẽ bị hút hồn ngay bởi nét hữu tình của cảnh đất trời hội tụ tại đây. Ảnh: Black Baron93
Bản Tả Phìn: Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Dao đỏ và H'Mông, nằm ven thị trấn Sa Pa. Con đường vào bản men theo sườn núi quanh co bên những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Những cây đào, cây mận ven đường nở hoa rực rỡ trong cái rét miền sơn cước như đón chào du khách. Ảnh: Ngaymua
Cầu Mây: Sa Pa có cây cầu làm bằng mây vắt ngang dòng suối Mường Hoa thơ mộng. Từ đường lớn, muốn đến cầu Mây, bạn có thể đi theo con đường mới với nhiều dốc và khúc cua. Cây cầu nổi tiếng làm bằng dây mây này là điểm đến được du khách rất yêu thích. Ảnh: Chickenmoutain1981
Thác Bạc: Trên đường đi Lai Châu, bạn sẽ gặp thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao 200 m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Đi thêm 3 km nữa từ thác Bạc, bạn đến với địa danh Đỉnh Đèo. Nơi đây có tầm nhìn đẹp lên Fansipan, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư. Ảnh: Tran Duc Khoi
Cổng trời: Ra khỏi thị trấn Sa Pa, đi theo hướngbBắc khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng điệp với những bóng nắng chạy dài, thoắt ẩn thoắt hiện. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Ảnh: Phuong
Đỉnh Ô Quy Hồ: Cùng nằm trên đường đi Lai Châu, qua thác Bạc và thác Tình Yêu bạn sẽ được ghé thăm đỉnh đèo Ô Quy Hồ, một trong tứ đại danh đèo của núi rừng phía Bắc. Đứng trên đỉnh đèo bạn sẽ nhìn thấy những con đường uốn lượn nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Cạnh đó là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ. Ảnh: Quân Alek
Tuyết: Ai đến Sa Pa mùa đông cũng mang trong mình một "giấc mơ tuyết trắng". Nhiều du khách muốn được vo tròn từng cục tuyết trong tay rồi ném nhau như lũ trẻ nước ngoài, được nhìn những hạt tuyết rơi đậu trên lá cây, trên mái nhà, tựa như trong một bộ phim Hàn Quốc quay vào mùa đông. Bạn có thể được thỏa mãn khi đến thăm Sa Pa vào những ngày lạnh nhất. Ảnh: Hachi8
Theo VNExpress
Khách du lịch lên Sapa ngắm băng tuyết Để kịp ngắm được những giọt băng bao phủ cây cỏ, hàng trăm du khách không quản ngại đường đồi núi hiểm trở lên Sapa ngay trong đêm và có mặt kịp thời lúc sáng sớm. Sáng 17/12, đỉnh Ô Quy Hồ tràn ngập cảnh băng bao phủ. Hai bên đường xuất hiện nhiều người từ thị trấn Sapa đi ôtô, xe máy...