Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện về tình trạng du lịch 0 đồng trên phạm vi toàn quốc
Chính phủ yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá toàn diện về tình trạng du lịch 0 đồng trên phạm vi toàn quốc và các tác động đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát việc chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nội dung quản lý thuế đối với hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam. Bộ VH-TT và DL chỉ đạo các sở du lịch tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các doanh nghiệp lữ hành để sớm phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bao gồm cả biện pháp thu hồi giấy phép hoạt động.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, viễn thông… để đề xuất các biện pháp quản lý đối với hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS, ví điện tử Alipay, Wechat pay, những ví điện tử phổ biến và được ưa chuộng đối với khách du lịch. Nghiên cứu xây dựng chính sách để các ngân hàng thương mại Việt Nam cung cấp các hoạt động thanh toán qua ví điện tử thay vì các đối tượng bán hàng cung cấp bất hợp pháp như hiện nay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ cho du khách nước ngoài, xử lý nghiêm các sai phạm về thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.
Cũng theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trung tâm mua sắm, các cửa hàng bán hàng cho khách du lịch về việc thực hiện các quy định về niêm yết nguồn gốc xuất xứ, giá cả, đơn vị định lượng của hàng hóa. Trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý, tịch thu hàng hóa, xử phạt theo quy định hiện hành; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Bộ Công an chỉ đạo cơ quan an ninh quản lý xuất nhập cảnh, công an địa phương quản lý chặt chẽ để ngăn chặn, trục xuất các trường hợp lao động chui, lợi dụng visa du lịch vào Việt Nam để ở lại kinh doanh, làm hướng dẫn viên bất hợp pháp.
Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá toàn diện về tình trạng du lịch 0 đồng trên phạm vi toàn quốc và các tác động đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh thành phố: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng và các địa phương xuất hiện nhiều đoàn khách du lịch chỉ đạo Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Ninh, TP Đà Nẵng và các địa phương liên quan phối hợp cùng với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền. Đồng thời tăng cường kiểm tra liên ngành đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành có liên quan đến tình trạng du lịch 0 đồng, các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, khách sạn, nhà hàng cho khách du lịch để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nếu xảy ra vi phạm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra, xử lý và công khai kết quả xử lý tại các điểm kinh doanh vi phạm.
Video đang HOT
Một số khách Trung Quốc làm hướng dẫn viên chui cho đoàn khách Trung Quốc
Trước đó, từ hồi tháng 5, báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng các dịch vụ thanh toán của Trung Quốc đã theo bước chân du khách xâm nhập vào thị trường Việt Nam và ngày càng phổ biến.
Tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã phát hiện du khách thanh toán qua máy cà thẻ chui, qua ngân hàng Trung Quốc thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc khách Trung Quốc cà thẻ trả tiền hơn 200.000 NDT qua máy POS bất hợp pháp
PHAN THẢO
Theo sggp
Khách Trung Quốc tính tiền chui tại Nha Trang: Trò tinh vi
Có người lạ vào, các cơ sở lập tức được báo động, cất giấu hết các thiết bị thanh toán di động. Khi đoàn kiểm tra vào thì không còn gì.
Những ngày qua, nhiều tờ báo phản ánh về tình trạng khách Trung Quốc thanh toán "chui" ở Nha Trang (Khánh Hòa), gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Theo phản ánh, thời gian qua trên các cửa hàng dọc tuyến đường trung tâm TP Nha Trang xuất hiện hàng loạt bảng thông báo chấp nhận thanh toán qua mã phản hồi nhanh, ví điện tử như: Alipay, Wechat Pay...
Báo Người lao động dẫn lời một hướng dẫn viên chuyên hướng dẫn khách Trung Quốc cho biết, nếu du khách Trung Quốc mua sắm, quẹt điện thoại bằng Wechat Pay liên kết với Vimo (đơn vị của Việt Nam) thì tiền sẽ chuyển từ Trung Quốc về cho Vimo.
Vimo sẽ chuyển cho các đối tác của mình là chủ cửa hiệu và thu phí dịch vụ. Tuy nhiên, nếu chính chủ cửa hàng có tài khoản ở Trung Quốc, khách mua sắm ở Nha Trang nhưng dòng tiền chảy ở Trung Quốc, trong nước không được hưởng lợi gì từ việc mua sắm này.
Ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, xác nhận với báo Pháp luật TP.HCM rằng, tại TP Nha Trang hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh dành cho khách Trung Quốc có dịch vụ thanh toán qua mạng di động trái phép. Dịch vụ chui này ngày càng nở rộ, nhất là từ khi xuất hiện tour du lịch 0 đồng của các đoàn khách lữ hành Trung Quốc.
NHNN chi nhánh Khánh Hòa đã chủ trì lập đoàn kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh với sự tham gia của công an tỉnh, chi cục quản lý thị trường... nhưng không bắt được quả tang việc thanh toán qua mạng di động trái phép. Lý do là các cơ sở có hoạt động thanh toán trái phép trên đối phó rất tinh vi.
Một cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Wechat Pay dành riêng cho khách Trung Quốc. Ảnh: NLĐ
Ví dụ khi xe chở đoàn khách Trung Quốc vào, bảo vệ thấy đúng biển số đã đăng ký thì cho vào. Đối với người Việt Nam hay xe không đúng biển số, họ không cho vào, yêu cầu xuất trình giấy tờ.
Khi thấy có người lạ, bảo vệ lập tức bấm nút báo động vào bên trong. Khi đó, bên trong nhanh chóng dọn dẹp đâu ra đó hết. Họ cất giấu hết các thiết bị thanh toán di động. Khi đoàn kiểm tra hay các lực lượng chức năng vào thì không còn gì hết.
"Những cơ sở này hoạt động như kiểu các quán "cơm tù" trước đây. Ngay sau khi xe vào thì họ kéo hàng rào đóng lại ngay. Hết giờ mới được ra", ông Đỗ Trọng Thảo nói.
Ông Thảo cho rằng nguyên nhân thứ hai khiến các lực lượng chức năng chưa bắt được trường hợp nào là máy POS (Point of Sale - tạm dịch là máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng) không dây của Trung Quốc rất nhỏ, gọn. Chỉ cần nghe bên ngoài báo động vào là những người bên trong lập tức cất giấu hết các máy này.
Những máy POS này được tháo rời ra để nhập khẩu trái phép vào Việt Nam, sau khi vào Việt Nam, họ mới lắp ráp lại, nhỏ gọn như chiếc điện thoại di động rồi sử dụng thanh toán di động.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản khẩn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về hoạt động chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép, một hình thức trốn thuế. UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là NHNN, có các giải pháp quản lý hoạt động thanh toán qua POS, Alipay, Wechat Pay... một cách hiệu quả để kịp thời xử lý đối với các trường hợp vi phạm và chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc các doanh nghiệp khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc với các tour giá rẻ qua các chuyến bay charter (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lũ hành) dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp này hình thành các chuỗi cửa hàng mua sắm dành cho du khách Trung Quốc để bù đắp lại chi phí.
Xuất hiện tình trạng một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, thanh toán "chui" qua POS, thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh (QR Code) dưới hình thức sử dụng điện thoại thông minh (smartphone).
Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh toán tiền thông qua POS rất khó khăn do máy có hình thức nhỏ gọn, dễ cất giấu và khó phân biệt đâu là máy hoạt động hợp pháp, đâu là máy hoạt động trái phép.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, việc thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh (QR code) dưới hình thức sử dụng điện thoại thông minh được thực hiện thông qua điện thoại di động của bên bán và bên mua nên việc kiểm tra, bắt quả tang đối với các trường hợp này là rất khó khăn và không có chứng cứ (không có hóa đơn, chứng từ).
Vì vậy, để kiểm soát các hoạt động thanh toán này cần phải có các giải pháp quản lý về công nghệ và các quy định pháp luật cụ thể đối với hình thức thanh toán này.
Theo thống kê của ngành du lịch Khánh Hòa, 7 tháng đầu năm nay tỉnh đã đón trên 1,6 triệu lượt du khách quốc tế; trong đó du khách Trung Quốc ước tính đạt trên 1 triệu lượt, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Minh Thái (Tổng hợp)
Theo baodatviet
Lúng túng quản lý du khách nước ngoài thanh toán qua mạng Xuất hiện hàng loạt cửa hàng phục vụ du khách nước ngoài chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử khi chưa được phép. Thời gian gần đây, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện hàng loạt cửa hàng phục vụ du khách nước ngoài, chủ yếu là du khách Trung Quốc, chấp nhận các hình thức thanh toán...