Chính phủ Thái Lan hối thúc cảnh sát bắt lãnh đạo biểu tình
Chính phủ Thái Lan ngày hôm nay (16/1) đã kêu gọi cảnh sát bắt giữ các lãnh đạo của cuộc biểu tình đang diễn ra, sau khi những người này đe dọa bắt giữ thủ tướng và làm tê liệt nhiều khu vực trung tâm Bangkok.
Ông Suthep Thaugsuban vẫn đang tự do đi lại dù bị truy nã
Các quan chức cho biết các cuộc biểu tình “đóng cửa” Bangkok, với mục tiêu buộc thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức, có vẻ đang mất dần sức hút khi số lượng người biểu tình trên đường ngày một giảm.
Lãnh đạo của phong trào chống chính phủ hiện vẫn tự do di chuyển khắp thành phố và có những bài phát biểu dữ dội cũng như nhận tiền quyền góp từ người ủng hộ, bất chấp đã có lệnh bắt giữ do vai trò của những người này trong cuộc bạo loạn làm 8 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Suthep Thaugsuban, người đứng đầu phong trào biểu tình hiện đối mặt với cáo buộc bạo loạn – về lý thuyết có thể bị xử tử hình – do có liên quan đến các cuộc biểu tình, cũng như một cáo buộc giết người do dính líu tới cuộc trấn áp của quân đội đối với phe đối lập, vốn khiến hàng chục người chết khi ông này còn là phó thủ tướng năm 2010.
“Trách nhiệm của cảnh sát là bắt giữ ông Suthep bởi ông ta bị truy nã vì tội bạo loạn, nếu không cảnh sát sẽ phải đối diện với cáo buộc có hành vi phi pháp”, phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul phát biểu sau cuộc họp với cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan.
Ông Surapong cho biết Suthep hiện được bảo vệ bởi khoảng 40 vệ sỹ riêng.
Video đang HOT
Một số nhà quan sát tin rằng vị chính trị gia kỳ cựu này ít có khả năng phải ngồi tù do ông được sự hậu thuẫn của các tổ chức trung thành với hoàng gia.
Cảnh sát trưởng Thái Lan Adul Saengsingkaew cho biết khoảng 7000 người biểu tình vẫn còn lưu lại trên đường phố trong sáng này, giảm so với con số 23.000 người của tối trước đó. Số người biểu tình có xu hướng tăng lên sau khi mọi người đi làm về.
“Nhiều người biểu tình đã trở về phương Nam”, Adul cho biết.
Dường như đã không còn ý tưởng nào về các mục tiêu mới, do hiện đã chiếm giữ tạm thời rất nhiều tòa nhà chính phủ chủ chốt, người biểu tình hôm nay đã tuần hành về phía cơ quan thuế của chính phủ.
Những người ủng hộ nữ thủ tướng Yingluck cho rằng các cuộc biểu tình đang đe dọa nền dân chủ mong manh, và muốn mọi mâu thuẫn được giải quyết bằng bỏ phiếu, nhưng phe đối lập vẫn đang tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2 tới.
Bà Yingluck hiện cũng đang đối mặt với một số rủi ro pháp lý, khi một ủy ban chống tham nhũng trong hôm nay sẽ ra phán quyết liệu có đưa ra hành động nào hay không sau những cáo buộc tham nhũng liên quan tới chương trình trợ giá gạo của chính phủ.
Theo Dantri
Chính phủ Thái Lan không hoãn bầu cử bất chấp biểu tình đẫm máu
Bất chấp các cuộc biểu tình rầm rộ của phe đối lập hòng phá hoại bầu cử, chính phủ Thái Lan ngày 26/12 tuyên bố sẽ không rời ngày bỏ phiếu, giữa lúc nhiều cảnh sát và người biểu tình chết và bị thương do đụng độ.
Theo hãng tin AFP, đợt bùng phát các cuộc xung đột dân sự mới càng làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng mà thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải đối mặt. Nhiều tuần qua, chính phủ của bà Yingluck đã bị rung chuyển bởi các cuộc tuần hành lớn trên phố, với mục tiêu loại trừ cái mà người biểu tình gọi là chế độ Thaksin, của anh trai và là người tiền nhiệm của bà Yingluck.
Người biểu tình ủng hộ phe đối lập đụng độ với cảnh sát Thái Lan
Trong ngày thứ Năm, cảnh sát đã phải dùng hơi cay và đạn cao su để trấn áp những người biểu tình ném gạch đá, nhằm ngăn chặn họ tiến vào một sân vận động, nơi các ứng viên bầu cử tập trung để đăng ký cho cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới đây.
Người biểu tình cáo buộc ông Thaksin tham nhũng, và cho rằng ông vẫn tiếp tục kiểm soát chính phủ của em gái dù đang sống lưu vong tại Dubai. Họ đã tuyên bố sẽ ngăn chặn cuộc bầu cử vào tháng 2 với lập luận nó sẽ chỉ khiến các đồng minh của ông Thaksin quay trở lại nắm quyền.
Theo các cơ quan cấp cứu, gần 100 người ở cả hai phe đã bị thương.
25 cảnh sát phải nhập viện, trong đó có 10 người trong tình trạng nghiêm trọng, một phát ngôn viên cảnh sát cho biết. Một cảnh sát đã chết vì bị trúng đạn.
"Nền dân chủ hiện tại ở Thái Lan đã bị bạo lực và những kẻ côn đồ bắt cóc. Thật đáng xấu hổ!", Sunai Phasuk, một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức quan sát nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York bình luận.
Giữa lúc bạo lực leo thang, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã đề xuất hoãn bầu cử không thời hạn.
Rất nhiều người biểu tình và cảnh sát đã bị thương
"Chúng ta không thể tổ chức những cuộc bầu cử tự do và công bằng theo hiến pháp trong tình cảnh hiện tại", thành viên ủy ban bầu cử Prawit Rattanapien khẳng định. Ông Prawit cùng nhiều người khác đã phải sơ tán khỏi sân vận động trên bằng trực thăng.
Tuy nhiên chính phủ Thái Lan ngay lập tức bác đề xuất này, khi nói rằng nó cũng sẽ không giúp giải quyết tình trạng bế tắc.
"Chính phủ tin rằng việc trì hoãn một cuộc bầu cử chỉ gây thêm bạo lực", phó thủ tướng Phongthep Thepkanjana phát biểu trên truyền hình. Ông lưu ý rằng, theo hiến pháp Thái Lan, một cuộc bầu cử nên được tổ chức trong vòng không quá 60 ngày sau khi quốc hội bị giải tán.
Đảng Dân chủ đối lập chính, những người chưa từng chiến thắng một cuộc bầu cử trong khoảng 2 thập niên qua đã tuyên bố tẩy chay.
Các cuộc nổi loạn trong vài tuần qua, với sự tham gia của hàng chục nghìn người, đã khiến 6 người thiệt mạng và gần 400 người bị thương. Đây là cuộc xung đột dân sự tồi tệ nhất kể từ năm 2010, khi hơn 90 dân thường thiệt mạng trong một cuộc trấn áp quân sự đẫm máu đối với những người ủng hộ ông Thaksin.
Theo Dantri
Nhà thủ lĩnh đối lập Thái Lan bị ném bom Căng thẳng chính trị ở Thái Lan tiếp tục gây quan ngại về nguy cơ bùng phát bạo lực sau nhiều vụ nổ súng và ném bom vào hôm qua. Người biểu tình chiếm một giao lộ lớn của Bangkok ngày 15.1 - Ảnh: Minh Quang Rạng sáng 15.1, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển nhà riêng của cựu Thủ tướng Thái...