Chính phủ quyết tâm giữ kinh tế ổn định
Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong báo cáo sẽ được Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp Quốc hội khai mạc sáng nay (20/5).
Tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước luôn là chủ đề quan tâm của đại biểu Quốc hội và thu hút được sự chú ý của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Tại kỳ họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Theo đó, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2012, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đã có thêm 1 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt, còn 4 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP; chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng.
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế Quý 1 đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiềm chế, giá cả thị trường khá ổn định… Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ là: Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tăng tổng cầu cho nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại; Bảo đảm an sinh xã hội, giảm tai nạn giao thông và thực hiện tốt các biện pháp thông tin tuyên truyền.
Video đang HOT
Không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại là một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra cho những tháng còn lại của năm 2013
Theo Chương trình kỳ họp, với khoảng thời gian làm việc là 26,5 ngày, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thảo luận về báo cáo nói trên của Chính phủ, đồng thời, sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, trong đó Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội 17 gồm 14 chương, 128 điều tập trung sửa đổi các quy định về sở hữu toàn dân đối với đất đai; về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai và thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước đối với đất đai; về chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tài chính đất đai và giá đất; về chế độ sử dụng đất; về đấu giá quyền sử dụng đất; về công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch quyền sử dụng đất; về giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Với những nội dung cơ bản nói trên, Dự thảo Luật lần này tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định giá đất do Nhà nước quy định phải bảo đảm nguyên tắc theo mục đích sử dụng đất đai tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập; cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau thì có mức giá như nhau…
9 Dự án Luật còn lại dự kiến được thông qua trong kỳ họp này là Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, Luật Hòa giải cơ sở, Luật phòng, chống khủng bố, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số dự án luật khác, trong đó có Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu, hoàn chỉnh bản Dự thảo Hiến pháp và đưa ra công bố lấy ý kiến của nhân dân.
Theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, tính đến hết ngày 30/4 đã có hơn 26 triệu lượt góp ý của nhân dân về Dự thảo, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân, phân loại và hệ thống hóa thành những loại ý kiến, những nhóm vấn đề nổi lên, đề xuất các phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, Dự thảo trình Quốc hội lần này cơ bản giữ bố cục như Dự thảo đã công bố lấy ý kiến nhân dân, đồng thời đã được tiếp thu, chỉnh sửa cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến trên cơ sở ý kiến của nhân dân ở hầu hết các chương, điều của Dự thảo.
Cùng với việc thông qua hoặc cho ý kiến về các Dự án Luật quan trọng nói trên, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng như: Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giải đoạn 2006 – 2012; Báo cáo về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vòng biên giới Việt Nam – Lào.
Theo vietbao
Ban Đối ngoại TW góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ngày 19/3, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn thể cán bộ công chức trong cơ quan lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.
Các ý kiến đóng góp bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo sửa đổi Hiến pháp những điểm mới trong dự thảo đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và thực tiễn đặt ra cho đất nước trong giai đoạn mới, đảm bảo sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Dự thảo đã bổ sung làm rõ quyền con người và quyền công dân
Đặc biệt, dự thảo đã bổ sung làm rõ quyền con người và quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cũng như đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là những điểm đặc biệt ưu việt của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.
Là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại, Ban Đối ngoại Trung ương đã có nhiều ý kiến đi sâu góp ý về các điều khoản liên quan đến đối ngoại.
Các ý kiến thống nhất cho rằng Dự thảo phần đối ngoại đã có một số điểm bổ sung, sửa đổi rất quan trọng, phù hợp với sự phát triển tư duy về đối ngoại của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng được lợi ích của đất nước.
Một số ý kiến cũng cho rằng Hiến pháp cần thể chế hóa rõ hơn những quan điểm quan trọng của Đảng về đối ngoại đã được xác định tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011), như quan điểm "vì lợi ích quốc gia dân tộc" hay chủ trương "tích cực và chủ động hội nhập quốc tế", hoặc xác định rõ hơn những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đối ngoại.
Hội nghị cũng nhấn mạnh, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, Ban Đối ngoại Trung ương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thông tin kịp thời và đầy đủ cho bạn bè quốc tế về mục đích, nội dung sửa đổi Hiến pháp, đồng thời đấu tranh với các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng việc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp chuyển đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo vietbao
"Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là mắc kế địch" Việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ về bản chất chính trị, vai trò, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là phù hợp. Báo điện tử Dân Việt giới thiệu bài viết của Trung tướng, phó giáo sư - tiến sỹ Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng,...