Chính phủ đề xuất cho chuyển đổi giới tính
Sáng 12-5, Ủy ban Thường vụ QH họp cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, BLDS hiện hành và dự thảo Bộ luật lấy ý kiến nhân dân chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến nhân dân thì có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề chuyển đổi giới tính.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Bộ luật cần bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của Nhà nước ta đối với việc chuyển đổi giới tính để làm cơ sở cho luật khác sẽ quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cho phép việc chuyển đổi giới tính khi cần thiết, tạo điều kiện cho những người đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài về nước được cải chính hộ tịch và thực hiện các quyền nhân thân khác của mình; những người có nhu cầu và đủ điều kiện chuyển đổi giới tính phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai lại đề nghị không thừa nhận quyền này vì đây là vấn đề “phức tạp, nhạy cảm”, có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy chưa thể lường trước được đối với chính người có nhu cầu chuyển đổi giới tính và đối với xã hội.
Ông Cường cho biết, trên cơ sở ý kiến nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung khoản 3 vào Điều 36 dự thảo Bộ luật với hai phương án như sau:
Điều 36. Quyền xác định lại giới tính
Phương án 1: “3. Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật”.
Video đang HOT
Phương án 2: “3. Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”.
“Qua thảo luận Chính phủ thấy rằng, loại ý kiến thứ nhất là hợp lý”- Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết. Theo ông Cường, dù chưa có số liệu thống kê chính thức về những người đã chuyển đổi giới tính hoặc có nhu cầu chuyển đổi giới tính ở nước ta, nhưng được chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật, đang ngày càng gia tăng.
“Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép việc chuyển đổi giới tính, nên một số người đã ra nước ngoài thực hiện việc chuyển đổi giới tính, khi về nước không được cải chính hộ tịch và do đó gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan”- ông Cường cho hay.
Trong Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của một số Bộ, ngành, địa phương và qua một số hội thảo, tọa đàm trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y, sinh học đến từ Bộ Y tế, Tổng hội Y dược học Việt Nam cho rằng đã đến lúc nên bổ sung quy định mang tính chất chính sách chung của Nhà nước ta về vấn đề này trong BLDS.
Đức Minh
Theo_PLO
Đề xuất bổ sung quyền được chuyển giới trong Bộ luật Dân sự
Nói về quan điểm cần bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân vào trong Bộ luật Dân sự vì trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5/2015.
Báo cáo về những vấn đề lớn xin ý kiến UB Thường vụ để chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng nay, 23/12, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề cập quan điểm mới về quyền nhân thân.
Bộ trưởng Tư pháp phân tích, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về quyền nhân thân (từ Điều 24 đến Điều 51) theo cách thức liệt kê cụ thể các quyền nhân thân. Dự thảo Bộ luật quy định về quyền nhân thân (từ Điều 32 đến Điều 52), về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong Bộ luật hiện hành.
Tuy nhiên, dự thảo do Chính phủ xây dựng có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...). Dự thảo Bộ luật đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác theo quy định của luật (Điều 52) để bảo đảm hơn tính bao quát, dự báo của quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự.
Ông Cường cho biết, vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Bộ luật Dân sự không nên quy định theo cách liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân mà chỉ nên quy định những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự.
Theo loại ý kiến này, cần cân nhắc không quy định trong Bộ luật dân sự một số quyền nhân thân như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo...
Lý do đưa ra là, quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền nhân thân đã được ghi nhận đầy đủ trong Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản, do đó, không cần thiết và không nên quy định lại trong Bộ luật Dân sự. Việc chỉ quy định trong Bộ luật Dân sự những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự là phù hợp với tính chất, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Kinh nghiệm của một số nước cũng cho thấy, trong Bộ luật Dân sự thường chỉ quy định quyền nhân thân để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự.
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ Tư pháp soạn thảo: các quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải được ghi nhận đầy đủ và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.
Bộ trưởng Tư pháp lập luận, với vị trí là luật cơ bản của toàn bộ hệ thống pháp luật, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân về nhân thân mang tính quy tắc về pháp lý - chính trị. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự với tư cách là luật chung của hệ thống luật tư quy định những chuẩn mực ứng xử, quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự. Do đó, cần phải cụ thể hóa các quyền con người, quyền công dân về nhân thân được quy định trong Hiến pháp vào trong các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự.
Việc quy định cụ thể các quyền nhân thân là để tạo thuận lợi hơn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân vào trong Bộ luật dân sự vì trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu này. Ngày càng có nhiều người đã thực hiện việc chuyển giới ở nước ngoài về nước, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của những người này.
Về vấn đề này, ông Cường nhận định, việc nghiên cứu, xem xét giải quyết vấn đề thực tiễn này là cần thiết. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, phức tạp nên cần phải có thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9.
Trước mắt, để quy định của Bộ luật dân sự có tính bao quát, tạo điều kiện thuận lợi cho pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, Điều 41 dự thảo Bộ luật về quyền xác định lại giới tính.
Ông Cường phân tích, thay vì quy định cụ thể các trường hợp được xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự hiện hành thì chỉ ghi nhận một nguyên tắc chung. Theo đó, cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua về việc sửa Bộ luật cũng thể hiện nhiều đề xuất bổ sung quyền bí mật gia đình, đặt vấn đề quy định về quyền được chết, bổ sung quy định giải quyết tranh chấp dân sự xảy ra đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Một số quyền cụ thể như quyền về họ, tên (Điều 33), các đại biểu đề nghị quy định để quyền này không được ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc; đề nghị bổ sung quyền thay đổi họ tên, chữ đệm vào điều luật cho thống nhất.
Quyền xác định lại giới tính (Điều 41), nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc xác định lại giới tính trong trường hợp chuyển giới; quy định rõ người chưa thành niên, người thành niên có quyền xác định gới tính như thế nào...
P.Thảo
Theo Dantri
9 năm nữa chị ve chai nhặt được 5 triệu yên mới được nhận tiền? Chị mua ve chai nhặt được 5 triệu yên cần phải chờ thêm 9 năm nữa mới có thể nhận được tiền, trong trường hợp không có ai tranh chấp và chứng minh được mình là chủ sở hữu là ý kiến của chuyên gia. Theo những tin tức mới nhất trên báo VTV, vụ việc người mua ve chai nhặt được 5...