Chính phủ còn “nợ” báo cáo về xử lý người đứng đầu để xảy ra nợ đọng
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện có 3 địa phương đang còn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới cao, lên tới 150 tỷ đồng. Trong khi đó, Chính phủ hiện chưa có báo cáo về việc xử lý các vụ việc người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng trong quá trình thực hiện.
Sáng nay, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.
Cũng trong ngày hôm nay (30/10), Quốc hội bắt đầu 3 ngày hoạt động chất vấn với việc tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời câu hỏi đại biểu quan tâm.
Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Lê Hiếu
Trong đó, về việc thực hiện Nghị quyết số 32/2016 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp: Chính phủ đã ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, hoàn thành 17/23 nhiệm vụ theo kế hoạch; đã hoàn thành và ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã NTM và tiêu chí về xây dựng huyện NTM.
Phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản ở 3 cấp độ.
Video đang HOT
Số xã và huyện đạt chuẩn NTM đang vượt chỉ tiêu đề ra; chuỗi sản xuất nông sản an toàn được hình thành ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM đến nay có kết quả đáng khích lệ, 44 tỉnh đã cơ bản xử lý dứt điểm nợ đọng (thời điểm ban hành Nghị quyết 32, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình xây dựng NTM lên tới 16.000 tỷ đồng – PV).
Tuy nhiên, ông Phúc cho biết còn 3 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ chưa hoàn thành đúng tiến độ, 16 tỉnh còn nợ đọng cơ bản cao. Đặc biệt còn 3 tỉnh, thành phố có số nợ đọng cao, trên 150 tỷ đồng.
Chính phủ chưa có báo cáo về việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý dứt điểm các vụ việc người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động nguồn lực quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng trục lợi trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2017 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), giai đoạn 2916-2020, ông Phúc cho biết các hệ thống văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đến nay đã được ban hành tương đối đầy đủ, cơ bản bao quát hết các đối tượng, các công đoạn trong chuỗi thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới, triển khai đồng bộ, quyết liệt; việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn. Vấn đề tồn dư hoá chất, dư lượng thuốc BVTV, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng đã có lộ trình, giải pháp thực hiện dứt điểm.
Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt, kịp thời. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật được đổi mới; thực trạng đảm bảo an toàn nông sản từng bước được thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ, giải pháp chưa được thực hiện nghiêm túc, một số nội dung chưa được làm rõ, việc cập nhật Luật An toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương còn chậm; một số quy chuẩn còn đang được xây dựng nên gây khó khăn trong việc thực hiện; việc kiểm soát tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn nhiều hạn chế.
Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn phức tạp; việc giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số vụ tử vong do ngộ độc rượu, độc tố còn xảy ra.
Còn về việc quản lý phân bón, ông Phúc cho biết nhiều công việc hiện vẫn đang được Bộ Công Thương tích cực chuyển giao cho Bộ NN&PTNT quản lý để đưa về một đầu mối.
Theo Danviet
Bộ trưởng đang nói, người điều hành có nên ngắt lời vì hết giờ?
Tại một số phiên thảo luận của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, khi Bộ trưởng đang nêu ý kiến giải trình, tiếp thu bỗng bị chủ tọa ngắt vì hết giờ, điều này có nên hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giài trình trước Quốc hội (Ảnh Quốc hội).
Cụ thể tại phiên họp ngày 15.11, khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội về dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi), chủ tọa đã ngắt lời Bộ trưởng vì hết giờ. Tại phiên thảo luận ngày 22.11, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang giải trình cũng bị chủ tọa ngắt vì lý do tương tự, chưa kể tại các phiên họp Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, có một số Bộ trưởng tham gia giải trình.
Tại buổi họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, báo chí đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội: Việc các Bộ trưởng đang nói có nên ngắt lời vì hết giờ, việc ngắt như vậy khiến Bộ trưởng không trình bày hết các ý?
Ông Phúc cho biết, theo quy định nội quy kỳ họp Quốc hội làm việc có giờ, sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. "Trong quá trình làm cũng cần rút kinh nghiệm, các vị Bộ trưởng khi trả lời, giải trình cần cố gắng nói ngắn gọn, nếu không nhiều khi chủ tọa sẽ ngắt lời Bộ trưởng. Thông thường khi giải trình về dự án Luật hay vấn đề gì đại biểu Quốc hội cho ý kiến, Bộ trưởng cũng chỉ có khoảng 10 - 15 phút. Khi giải trình anh phải lựa chọn nội dung, vấn đề để tập trung nói tránh dàn trải, kéo dài thời gian", ông Phúc nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (người có 4 nhiệm kỳ liên tục làm đại biểu Quốc hội) cho rằng, để không bị ngắt, người nói phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định về thời gian, đã chủ động nói thì phải biết ngừng ở chỗ nào vì có đồng hồ ở phía trước.
Đại biểu Quốc cũng cho rằng, nếu trường hợp Bộ trưởng đang giải trình mà bị chủ tọa ngắt, báo chí, người dự họp nhìn vào có thể thấy có gì đó phản cảm, họ có thể đặt vấn đề liệu có sự thiếu tôn trọng. "Nhưng đặt vấn đề tôn trọng người đang nói cũng phải đặt vấn tôn trọng gần 500 đại biểu đang nghe. Tốt nhất người giải trình nên căn giờ để phát biểu và dừng lại đúng lúc", đại biểu Quốc nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, vấn đề là cách trả lời của các Bộ trưởng để phù hợp với thời gian và không bị ngắt. Khi Bộ trưởng phát biểu tiếp thu, giải trình phải có sự tổng hợp trên cơ sở ý kiến các đại biểu phát biểu.
"Cần chọn vấn đề trọng tâm, không nên nói những gì đã nêu trong hồ sơ, tài liệu. Chọn vấn đề mà các đại biểu thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau hoặc nhiều ý kiến tranh luận để phân tích, giải trình. Trong trường hợp cần thiết, nếu thấy có nhiều vấn đề cần tiếp thu giải trình, nhất là những vấn đề được các đại biểu đưa ra tranh luận, chủ tọa có thể thêm giờ cho Bộ trưởng nói để các đại biểu rõ. Thực tế có một số phiên họp người điều hành đã làm như vậy, nhiều buổi Quốc hội phải kéo dài thêm thời gian làm việc", đại biểu Hồng nói.
Theo Danviet
Sáng nay 30-10, Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ 8 giờ sáng nay 30-10, bắt đầu phiên chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Điểm mới là các đại biểu có thể tiến hành chất vấn đối với tất cả các thành viên Chính phủ và trưởng ngành. Từ 8 giờ sáng nay 30-10, theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV bắt...