Chính phủ chỉ đạo tập trung phát triển hệ thống tài chính vi mô
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để đảm bảo mục tiêu và các giải pháp về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020.
Tín dụng vi mô giúp nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo. Ảnh: TTXVN
Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam để xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền về hoạt động tài chính vi mô theo quy định của Quyết định 2195/QĐ-TTg.
Đồng thời khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành trước ngày 1/12/2015 các văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tổ chức tín dụng về hoạt động tài chính vi mô, theo hướng khuyến khích phát triển để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, phù hợp với hoạt động thực tế trong thời gian qua, tạo điều kiện để phát triển ở các vùng khó khăn, phục vụ người nghèo, cận nghèo.
Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng cơ chế lãi suất phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô, đảm bảo đủ bù đắp chi phí, phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận để góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý bất cập về quy định lãi suất của Bộ luật Dân sự đối với hoạt động tài chính vi mô.
Trước ngày 1/11/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về nguồn vốn đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô để cho vay người nghèo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho hoạt động tài chính vi mô theo hướng khuyến khích sự tham gia các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2015.
Video đang HOT
Hỗ trợ Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội tài chính vi mô theo hướng kế thừa các hoạt động hiện tại của mạng lưới tài chính vi mô tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thuế, phí, cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán phù hợp với hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2195/QĐ-TTg, phù hợp với qui định về chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư năm 2014; nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm vi mô.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô được cấp phép tiếp cận các nguồn vốn vay ODA hoặc vay trực tiếp từ nước ngoài, các nguồn vốn vay ưu đãi khác, được hưởng nguồn vốn dành cho xóa đói giảm nghèo từ các quỹ quốc tế tài trợ.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về tài chính vi mô để tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò của hoạt động tài chính vi mô đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi; tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các chương trình, dự án tài chính vi mô triển khai hoạt động trên địa bàn và mở rộng hoạt động ra các xã, huyện mới.
UBND các tỉnh, thành phố phân bổ hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn khác cho hoạt động tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn; tạo điều kiện về việc cơ sở vật chất (cấp đất xây dựng trụ sở, tiếp cận các chính sách ưu đãi của địa phương…) cho các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trên địa bàn.
Theo Hải Đăng
baodautu.vn
Khung pháp lý chung điều chỉnh hoạt động tài chính vi mô
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô (TCVM) của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo số liệu thống kê, hiện có 30 chương trình, dự án TCVM của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong, ngoài nước đang hoạt động tại 23 tỉnh, thành phố. Các chương trình, dự án TCVM đều thực hiện hoạt động TCVM với tên gọi là "Quỹ ...", "Hội ...", hoặc "Chương trình ...".
Hoạt động TCVM của các chương trình, dự án chủ yếu là cho vay với các khoản vay nhỏ, dưới 30 triệu đồng, được chia thành các gói sản phẩm từ thấp đến cao tính theo giá trị khoản vay, phù hợp với khả năng sản xuất, kinh doanh và khả năng tài chính của từng nhóm khách hàng, thấp nhất là 1,5 triệu đồng. Thời hạn cho vay chủ yếu là ngắn hạn và trung hạn đến 3 năm, phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Vốn hoạt động chủ yếu là vốn chủ sở hữu của chương trình, dự án.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Chương trình, dự án TCVM đã khẳng định sự cần thiết và vai trò của TCVM trong việc cho vay đối với cá nhân và hộ gia đình nghèo, có thu nhập thấp để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là cá nhân, hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, không có khả năng tiếp cận vốn vay của các NHTM, cá nhân, hộ gia đình ở các vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, do năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro chưa tương xứng với quy mô hoạt động ngày càng tăng, nhiều chương trình, dự án có quy mô lớn không đủ điều kiện để được cấp phép chuyển đổi thành tổ chức TCVM.
Bên cạnh đó, hệ thống khung pháp lý đối với hoạt động TCVM hiện nay chưa có sự đồng bộ để điều chỉnh hoạt động và quản lý, giám sát hoạt động của loại hình tổ chức hoạt động TCVM. Chưa có đơn vị đầu mối trong việc thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các chương trình, dự án TCVM.
Thực tế đòi hỏi cần có khung pháp lý chung điều chỉnh tổ chức, hoạt động của các chương trình, dự án TCVM. Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hoạt động của các chương trình, dự án TCVM.
Thành lập, đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô
Theo dự thảo, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước, tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thực hiện hoạt động TCVM phải thành lập chương trình, dự án. Các tổ chức nói trên chỉ được thực hiện hoạt động TCVM sau khi được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho phép.
Theo dự thảo, việc thành lập chương trình, dự án của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước để hoạt động TCVM thực hiện theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội và các quy định của pháp luật liên quan. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội thực hiện theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và các quy định của pháp luật liên quan.
Dự thảo nêu rõ, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được thành lập chương trình, dự án TCVM hoặc kể từ ngày sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước, tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải đăng ký hoạt động TCVM, việc bổ sung, sửa đổi nội dung hoạt động TCVM theo quy định với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có chương trình, dự án TCVM.
Trong thời hạn 30 ngày trước ngày khai trương hoạt động, chương trình, dự án TCVM phải thông báo công khai tại trụ sở của chương trình, dự án TCVM và thông báo trên đài phát thanh của địa phương về nội dung hoạt động, phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động, đối tượng phục vụ của chương tình, dự án TCVM.
Trước ngày khai trương hoạt động, chương trình, dự án TCVM phải có trụ sở làm việc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết, bảo đảm thuận lợi, an toàn cho hoạt động của chương trình, dự án TCVM.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên website của cơ quan này.
Tuệ Văn
Theo_Báo Chính Phủ
Tăng lương cán bộ, công chức, người lao động từ 2016 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ban hành quyết định phân công triển khai nghiên cứu và thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trong năm 2015. Về chính sách tiền lương đối với lao động trong doanh nghiệp, Phó thủ tướng giao Bộ LĐ - TB&XH trong quý 3.2015, nghiên cứu, rà...