Chính phủ Australia bị chỉ trích vì tiêm vaccine Covid-19 quá chậm
Chính phủ Australia đang bị dư luận nước này chỉ trích về tiến độ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa dịch Covid-19 khi mà đến nay, tốc độ tiêm vaccine của nước này chỉ xếp thứ 90 trên thế giới.
Australia bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 từ tháng 2 vừa qua và đặt mục tiêu sẽ cung cấp vaccine cho 4 triệu người dân vào cuối tháng 4 này. Tuy nhiên, tiến độ triển khai đến nay là rất chậm khi chỉ có hơn 840.000 liều vaccine đã được cung cấp cho người dân.
Theo nhận định của Giáo sư trợ giảng Bill Bowtell, chuyên gia tư vấn chính sách y tế chiến lược của Đại học New South Wales, tốc độ tiêm chủng của Australia hiện xếp thứ 90 trên thế giới, cùng thứ hạng với Bolivia và Albania.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt khẳng định, chương trình tiêm vaccine sẽ vẫn tiếp tục trong khi cơ quan y tế điều tra về trường hợp đông máu. (Ảnh: Sarah Matray)
Theo Giáo sư Bowtell, tính đến hôm nay (6/4), có đến 97% người dân Australia chưa được tiêm vaccine Covid-19 trong khi loại virus gây bệnh này đang biến đổi nhanh hơn so với tốc độ tiêm chủng của Australia và đây là một tình huống rất nghiêm trọng. Cũng theo Giáo sư Bowtell, các vấn đề về phân phối và cung ứng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc triển khai vaccine chậm tại Australia.
Video đang HOT
Phe đối lập tại Australia ngày hôm nay cũng chỉ trích Chính phủ về việc chậm triển khai chương trình tiêm chủng. Theo ông Mark Butler, Người phát ngôn y tế của Công đảng, chỉ 3% người trưởng thành tại Australia được tiêm vaccine là quá chậm nếu so sánh với con số 60% tại Anh và 40% tại Mỹ. Tuy nhiên, ông Butler cũng thừa nhận, Australia đang kiểm soát tốt dịch bệnh và không phải giải quyết tình huống dịch bệnh cấp bách như tại Mỹ hoặc các quốc gia châu Âu.
Australia hiện có nguồn cung vaccine khá tốt khi hãng dược CSL của nước này cho rằng, có thể sản xuất 1 triều liều vaccine AstraZeneca mỗi tuần. Tuy nhiên, việc phát hiện một trường hợp đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca tại thành phố Melbourne vừa qua có thể sẽ khiến người dân do dự và gián tiếp góp phần làm chậm tiến độ tiêm chủng của Australia./.
Australia đối mặt với nguy cơ thiếu hụt vaccine nhập khẩu từ EU
Quyết định hạn chế xuất khẩu của EU đã phản ánh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vaccine của AstraZeneca trên toàn khối, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tiêm phòng của Australia.
Tiêm vaccine cho người dân tại Sydney. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nguồn tin Chính phủ Australia ngày 6/4 cho biết Liên minh châu Âu (EU) quyết định không cấp phép xuất khẩu 3,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca sang Australia và nước này nhiều khả năng sẽ không nhận được 400.000 liều vaccine theo đúng hạn trong cam kết.
Quyết định hạn chế xuất khẩu của EU đã phản ánh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vaccine của AstraZeneca trên toàn khối, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch tiêm phòng của Australia, vốn đã bị chậm 83% so với tiến độ đề ra.
Australia hiện mới nhận được 300.000 liều vaccine của AstraZeneca và dự kiến sẽ được nhận thêm 400.000 liều vào cuối tháng 4. Nguồn tin giấu tên cho biết nhiều khả năng số vaccine này sẽ không được chuyển đến đúng hạn.
[New Zealand và Australia nối lại hoạt động đi lại miễn cách ly]
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định vaccine bị giao chậm là nguyên nhân khiến nước này không thể tiến hành tiêm chủng theo đúng kế hoạch. Đầu tháng 1/2021, Australia dự kiến sẽ nhận được 3,1 triệu liều vaccine, song số hàng này đã không được chuyển đến như kế hoạch.
Trong khi đó, một người phát ngôn của EU khẳng định liên minh mới chỉ bác bỏ một trong tổng số 491 đơn đề nghị xuất khẩu vaccine kể từ khi tăng cường kiểm soát các hoạt động xuất khẩu vào cuối tháng 1/2021. Hiện có 7 đề nghị đang được EU xem xét. Người phát ngôn từ chối xác nhận liệu đề nghị xuất khẩu vaccine sang Australia có đang trong quá trình xem xét hay không.
Số vaccine của AstraZeneca sản xuất tại châu Âu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nỗ lực tiêm phòng của Australia trong giai đoạn đầu, trước khi nước này có 50 triệu liều vaccine được sản xuất bởi CSL Ltd - một công ty trong nước.
Tuy nhiên, lệnh hạn chế xuất khẩu mới nhất của EU đã khiến Australia gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, vốn đã bị chậm hơn so với nhiều quốc gia khác do Australia có số ca mắc tương đối thấp. Cho đến nay, Australia mới chỉ tiêm phòng được cho khoảng 670.000 người, thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 4 triệu người đến cuối tháng 3/2021.
Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn số liệu mới nhất từ Hệ thống giám sát tiêm chủng quốc gia của Australia (AusVaxSafety) cho thấy 50% số người Australia được tiêm vaccine của AstraZeneca có nguy cơ chịu các tác dụng phụ nhẹ và 25% cần phải nghỉ ở nhà sau khi tiêm liều đầu tiên. Phần lớn các triệu chứng đều nhẹ và xuất hiện trong thời gian ngắn.
Kể từ khi Australia triển khai chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào ngày 22/2 vừa qua, AusVaxSafety đã theo dõi mức độ an toàn của hai loại vaccine do Pfizer/BioNTech và AstraZeneca sản xuất thông qua các cuộc khảo sát bằng tin nhắn điện thoại và thư điện tử gửi tới những người được tiêm chủng. Dữ liệu thu được bao gồm phản hồi sau 3 ngày tiêm liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca và 3 ngày đến 8 ngày sau khi tiêm vaccine của Pfizer.
Trong số 112.319 phản hồi nhận được đến ngày 28/3 vừa qua, 49,7% số người được hỏi cho biết có ít nhất một triệu chứng nhẹ. Trong số 31.786 người được hỏi sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca tính đến ngày 31/3, khoảng 66,67% xác nhận đã bị tác dụng phụ, trong đó 25,4% phải nghỉ làm hay nghỉ học trong một thời gian ngắn, chủ yếu là 1 ngày. Chỉ có 1,8% số người được hỏi đã phải đi gặp bác sĩ hoặc tới phòng cấp cứu sau khi tiêm chủng.
Đối với vaccine của AstraZeneca, mệt mỏi là tác dụng phụ phổ biến nhất (53,8%), tiếp theo là nhức đầu, đau nhức cơ hoặc cơ thể và đau chỗ tiêm. Khoảng 34,9% số người được tiêm loại vaccine này cho hay họ có cảm giác ớn lạnh, số người bị sốt hoặc đau/nhức khớp lần lượt chiếm 29,5% và 27,8% .
Trong khi đó, tỷ lệ xuất hiện các tác dụng phụ sau khi tiêm liều đầu tiên vaccine của Pfizer thấp hơn so với vaccine của AstraZeneca, với 36,3% số người được hỏi cho biết có ít nhất một tác dụng phụ và 4,3% phải nghỉ làm hay nghỉ học trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, tỷ lệ những người được tiêm liều Pfizer thứ hai có các tác dụng phụ không mong muốn gần tương đương với tỷ lệ được tiêm liều AstraZeneca đầu tiên, với 60,7% cho biết có ít nhất một tác dụng phụ và 22,4% phải nghỉ làm hay nghỉ học.
Phó Giám đốc nghiên cứu lâm sàng và dịch vụ tại Trung tâm Giám sát và Nghiên cứu Tiêm chủng Quốc gia Australia Nick Wood khẳng định các loại tác dụng phụ và tỷ lệ người được tiêm chủng có các tác dụng phụ trên phù hợp với kết quả thử nghiệm lâm sàng của hai loại vaccine. Điều này sẽ giúp người dân bớt lo lắng nếu trải qua những tác dụng phụ trong vòng 24 đến 48 giờ đầu tiên sau khi tiêm.
Cuộc đua giữa Bali và Phuket Nền kinh tế của các điểm đến nổi tiếng này chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại quá sớm được các chuyên giá cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi nhiều quốc gia đang áp dụng việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại để phòng chống làn sóng mới của Covid-19,...