Chìm phà ở Hàn Quốc, 284 người mất tích
Hàn Quốc chìm trong đau buồn sau vụ tai nạn đường thủy được xem là nghiêm trọng nhất nước này trong hơn 20 năm qua.
Lược đồ vụ chìm phà gần đảo Jeju – Đồ họa: Sơn Duân, ảnh nhỏ: AFP
Ngày 16.4, một chiếc phà chở 462 người, phần lớn là học sinh trung học, đã bị lật và chìm ngoài khơi bờ biển phía nam Hàn Quốc khi đang trên đường từ Incheon đến đảo Jeju. Một chiến dịch cứu hộ quy mô cực lớn đã được triển khai nhưng đến nay chỉ mới có 174 người được cứu, Yonhap dẫn lời giới chức Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cho biết. Bộ Nội vụ Hàn Quốc thông báo đã tìm được 4 thi thể, trong đó có một nam sinh, và vẫn còn 284 người mất tích (tính tới 0 giờ ngày 17.4, giờ VN – PV).
Theo Yonhap, chiếc phà mang tên Sewol chở 325 học sinh và 15 giáo viên của một trường trung học ở Ansan, phía nam Seoul cùng các thành viên hải đoàn và nhiều hành khách khác. Số học sinh nói trên đang tham gia một chuyến nghỉ mát dự tính kéo dài 4 ngày do trường tổ chức tại đảo Jeju. Khi còn cách đảo Byeongpoong khoảng 20 km thì phà phát tín hiệu cầu cứu lúc 8 giờ 58 phút sáng (giờ địa phương) và chừng 2 tiếng đồng hồ sau thì gần như chìm hẳn, chỉ còn nhô một phần mũi khỏi mặt biển.
Đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn vì thời tiết tại khu vực phà chìm khá thoáng đãng, biển cũng không động mạnh. “Chúng tôi sẽ bắt đầu điều tra nguyên nhân sau khi chiến dịch cứu hộ kết thúc”, Yonhap dẫn lời Thứ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Gyeong-og cho hay. Tuy nhiên, một số người sống sót đều kể rằng mọi chuyện đang bình thường thì họ nghe một tiếng động lớn “như trời giáng” và chiếc phà dài 146 m bắt đầu bị nghiêng. “Tất cả đều rất bình thường thì bỗng ầm một tiếng rồi trời đất nghiêng ngả. Mọi người hoảng loạn la hét, té ngã và tông vào nhau. Nhiều người bị hành lý đè trúng”, cô Cha Eun-ok run rẩy kể lại với Reuters. Từ các thông tin trên, nhiều người suy đoán rằng có thể phà tông trúng đá ngầm hoặc một tàu nào đó.
“Em muốn sống”
Ban đầu chính quyền tuyên bố cứu được 368 người nhưng sau đó thừa nhận có sai sót trong thống kê. Điều này cộng thêm nghi vấn về phản ứng sai lầm của nhân viên trên phà có thể biến vụ việc trở thành thảm họa đường thủy lớn nhất Hàn Quốc từ sau vụ chìm phà Seohae làm 292 người chết hồi năm 1993. Nhiều người sống sót khẳng định rằng khi phà bắt đầu nghiêng, nhân viên liên tục yêu cầu hành khách ngồi yên tại chỗ và không hề kêu gọi nhanh chóng thoát thân. “Đến lúc chúng tôi quyết định tự cứu bằng cách nhảy ra khỏi phà thì đã muộn. Nước tràn vào rất nhanh nên nhiều người gào thét bảo nhau phá cửa sổ để trèo ra ngoài nhưng rất khó khăn vì phà đã gần như lật ngang”, một hành khách tên Kim Song-muk kể với Đài YTN và nói thêm là ông chắc chắn vẫn còn nhiều người kẹt bên trong phà.
Video đang HOT
Quấn người trong tấm chăn tại trung tâm lánh nạn dã chiến trên đảo Jindo, nam sinh Lim Hyung-min thẫn thờ nhớ lại: “Các bạn em ngã dúi dụi vào nhau, nhiều bạn chảy máu. Em nhảy liều xuống biển và bơi một hồi thì được tàu cứu hộ vớt lên. Nước lạnh buốt nhưng em muốn sống”. Xung quanh Lim, các học sinh khác run rẩy vì lạnh và chưa hết sốc, có em nức nở gọi điện cho người thân. Một số phụ huynh kịp ra đến đảo Jindo thì nước mắt lưng tròng tìm con mình, theo Reuters. Nhiều người khác tập trung tại trường học ở Ansam kêu gào đòi giới chức nói rõ thông tin về con em. Một số người phẫn nộ ném chai nước vào các phóng viên cố tiếp cận họ.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Tổng thống Park Geun-hye nhanh chóng có mặt tại trung tâm điều hành chiến dịch cứu hộ. “Tôi vô cùng đau lòng khi thấy các em học sinh gặp phải bi kịch như thế này. Tôi muốn mọi người tập trung hết sức lực tìm được thêm người nào hay người đó”, Yonhap dẫn lời Tổng thống Park nói.
Hy vọng mong manh Hàn Quốc đang tiến hành một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn với sự tham gia của khoảng 40 tàu tuần duyên và quân sự, cùng hàng chục máy bay quân sự và trực thăng. AFP dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng cho biết khoảng 200 lính đặc nhiệm và thợ lặn của hải quân cũng đã được triển khai để tìm kiếm với sự hỗ trợ của tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard do Hạm đội 7 (Mỹ) phái tới. Hình ảnh chiếu trên truyền hình cho thấy các nhân viên cứu hộ cố giúp một số hành khách leo khỏi phà trong khi trực thăng vần vũ phía trên. Một số người trượt theo thân phà xuống nước và được vớt lên xuồng cứu hộ. Đến tối qua, các thợ lặn tiếp tục xuống tìm kiếm trong xác phà Sewol sau đợt đầu tiên không mang lại kết quả nào. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên thừa nhận công tác tìm kiếm gặp nhiều thách thức do phà chìm ở độ sâu 30 m với các luồng nước có tốc độ 8 km/giờ trong khi tầm nhìn rất hạn chế vì bùn đất dày đặc. Khu vực xảy ra tai nạn có nhiệt độ nước biển khoảng 12oC và con người chỉ có thể sống sót khoảng 2 giờ trong điều kiện như vậy. Giới chức cho biết họ hy vọng rằng có nhiều người được cứu bởi tàu cá hay tàu hàng và chưa kịp báo tin về.
Theo TNO
Phát hiện nhiều vật thể nghi vấn trong vùng tìm kiếm MH370 mới
5 máy bay trong sứ mệnh tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích tại vùng biển mới đã nhìn thấy nhiều vật thể mang nhiều màu sắc khác nhau trong đợt tìm kiếm ngày 28/3, giới chức Úc xác nhận.
Thông tin được Cơ quan an toàn hàng hải Úc (AMSA) công bố. Theo đó "Những hình ảnh của các vật thể trên đã được ghi lại và sẽ được phân tích trong đêm. Các vật này không thể được xác nhận hay loại trừ khỏi chuyến bay MH370 cho đến khi chúng được tìm thấy và thu lượm bởi các tàu", thông báo viết.
Một vật thể được phóng viên trên chiếc máy bay P3 của New Zealand chụp lại
AMSA cho biết một máy bay P3 Orion của không quân hoàng gia New Zealand đã nhìn thấy một số vật thể màu trắng hoặc có màu sáng cùng với một phao câu.
Thông tin về những vật thể này đã được một máy bay P3 Orion xác nhận, theo đó họ đã thấy vật thể đó cùng với 2 vật thể màu xanh nước biển hoặc màu xám hình chữ nhật đang nổi.
Thông báo cho biết thêm rằng một máy bay P3 Orion khác cũng đã nhìn thấy nhiều vật thể với những màu sắc khác nhau tại một vùng biển khác, cách khu vực tìm kiếm khoảng 546 km.
Một tàu tuần tra của Cơ quan hải giám Trung Quốc, tàu Hải Tuần 01, đang trong khu vực tìm kiếm sẽ tìm lại các vật thể này vào ngày mai (29/3).
Điều kiện thời tiết được dự báo sẽ phù hợp cho chiến dịch tìm kiếm.
Vẫn nằm trong hành lang ban đầu
Trong khi đó, trước nghi ngờ về khả năng đã có những sai sót trong việc xác định vùng tìm kiếm đầu tiên, sau khi AMSA hôm nay quyết định rời tới vùng tìm kiếm mới cách nơi ban đầu khoảng 1100 km về phía Đông Bắc, quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định, việc dịch chuyển này vẫn phù hợp với các hình ảnh được cho là xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh.
Giới chức Malaysia khẳng định vùng tìm kiếm mới vẫn nằm trong hành lang ban đầu
Theo lập luận của AMSA, dựa trên phân tích dữ liệu radar, máy bay thực ra đã bay nhanh hơn ước tính ban đầu, khiến nhiên liệu cạn nhanh hơn, đồng nghĩa với quãng đường tối đa máy bay có thể bay được về phía Nam Ấn Độ Dương sẽ ngắn hơn ước tính trước đó.
"Do nước biển dịch chuyển, vùng tìm kiếm mới có thể vẫn phù hợp với các vật thể khả nghi được nhận dạng qua các bức ảnh vệ tinh khác nhau trong tuần qua. Công việc đang tiến triển, và chúng ta có thể sẽ có thêm thông tin được sàng lọc hơn nữa", ông Hishammuddin khẳng định trong buổi họp báo chiều 28/3.
Tổng giám đốc Cục hàng không dân sự Malaysia Azharuddin Abdul Rahman cho biết hãng Boeing đã sử dụng một công thức toán phức tạp để tính toán tốc độ của máy bay, và rằng vùng tìm kiếm vẫn nằm trong hành lang được tính toán trước đây.
Trước phản ứng giận dữ từ thân nhân các hành khác Trung Quốc mất tích, ông Hishammuddin cũng lên tiếng nhắc nhở rằng, người Malaysia cũng đã mất nhiều thành viên gia đình trên chuyến bay MH370, chứ không riêng gì Trung Quốc.
"Tôi có thể tưởng tượng được họ đang trải qua điều gì, nhưng tôi chỉ muốn nói với các gia đình Trung Quốc rằng, không chỉ có họ đã mất hoặc đang tìm kiếm người nhà bị mất tích. Malaysia cũng đã mất nhiều thành viên gia đình, 14 quốc gia đều có người mất tích", Hishammuddin nói. "Điều quan trọng với họ là không nghe tất cả những thông tin đồn thổi có thể khiến cảm xúc lên cao hơn".
Vị Bộ trưởng cũng khẳng định Malaysia tiếp tục tập trung vào việc chăm sóc và hỗ trợ gia đình các hành khách của chuyến bay MH370, cũng như thành viên phi hành đoàn.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo dantri
MH370: Cuộc tìm kiếm khó khăn nhất trong lịch sử hàng không Cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 đã thu hẹp trong những ngày gần đây sau khi ảnh vệ tinh cho thấy mảnh vỡ nghi của máy bay ngoài khơi thành phố Perth (Úc). Nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng đây có thể là cuộc tìm kiếm khó khăn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại. Nơi các mảnh vỡ được tìm...