Chile đạt thỏa thuận lịch sử hướng tới thay thế Hiến pháp thời độc tài
Dự kiến Chile tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 4/2020 về 2 vấn đề lớn, trong đó có việc liệu có muốn thay thế bản Hiến pháp hiện hành hay không.
Các đảng phái chính trị tại Chile vừa đạt thỏa thuận lịch sử tại Quốc hội nhằm tiến hành trưng cầu dân ý vào năm sau về việc soạn thảo Hiến pháp mới thay thế bản Hiến pháp có từ thời nhà lãnh đạo độc tài Augusto Pinochet.
Quốc hội Chile. Ảnh: Teller Report.
Bước đi này được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng xã hội đang kéo dài gần 1 tháng qua tại nước này.
Sau nhiều giờ tranh luận tại Quốc hội, liên minh chính phủ cánh hữu của Tổng thống Sebastian Piera và các đảng đối lập chính đã ký “Thỏa thuận vì hòa bình và Hiến pháp mới”, trong đó dự kiến tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 năm sau. Người dân sẽ được hỏi về 2 vấn đề lớn, là liệu có muốn thay thế bản Hiến pháp hiện hành hay không, và nếu có thì văn bản mới nên được soạn thảo như thế nào.
Video đang HOT
Bộ trưởng Nội vụ Gonzalo Blumel nhấn mạnh: “Thỏa thuận đạt được là bước đi đầu tiên mang tính lịch sử và là nền tảng cho một xã hội, một ngôi nhà mới cho tất cả mọi người. Và tại đó, người dân sẽ đóng vai trò lãnh đạo.”
Theo kết quả một cuộc khảo sát do tổ chức Cadem công bố hồi đầu tháng 11 này, có tới 87% người dân Chile ủng hộ cải cách hiến pháp.
Chile rơi vào tình trạng rối ren xã hội từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm sau đó phát triển thành làn sóng phản đối những bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội. Các hành vi quá khích của người biểu tình đốt phá, cướp bóc và đụng độ với cảnh sát xảy ra hằng ngày.
Các vụ đụng độ gần 1 tháng qua đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và gần 10.000 người bị bắt giữ. Trước tình hình đó, chính phủ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp.
Trong một nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng, đầu tháng 11 này, chính phủ của Tổng thống Sebastian Piera đã tiến hành cải tổ và công bố một loạt biện pháp, trong đó có luật đảm bảo mức lương tối thiểu không dưới 467 USD/tháng.
Được thông qua năm 1980 trong một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi dưới thời chính quyền quân sự, Hiến pháp hiện hành đã trải qua nhiều lần sửa đổi. Ngay sau thông báo về bản thỏa thuận mới đạt được, Sở giao dịch chứng khoán Santiago đã phản ứng tích cực, tăng 8,09% và đồng peso đã tăng giá mạnh ( 3,2%) sau ba phiên giảm điểm liên tiếp kể từ hôm 12/11./.
Thu Hoài/VOV1 (tổng hợp)
Chính phủ Chile thông báo sửa đổi Hiến pháp
Chính phủ Chile đã chấp nhận một trong những đòi hỏi của người biểu tình trong suốt 3 tuần qua khi ngày 10/11 thông báo chấp thuận "mở đường cho một bản Hiến pháp mới" thông qua một hội đồng soạn thảo.
Biểu tình ở Santiago, Chile vào ngày 8/11/2019. (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Nội vụ Chile Gonzalo Blumel tuyên bố cho biết: "Chúng tôi đã đồng ý mở đường cho một Hiến pháp mới. Chúng tôi tin rằng đó là một công việc mà chúng tôi phải làm để nghĩ cho đất nước mình". Theo Bộ trưởng Blumel, Hiến pháp mới sẽ do một hội đồng lập hiến soạn thảo và sau đó sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý.
Thông báo trên được ông Blumel đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Sebastian Pinera và các nhà lãnh đạo của các đảng cánh hữu và trung hữu vốn không ủng hộ thay đổi Hiến pháp thi hành từ thời chính quyền nhà lãnh đạo Pinochet giai đoạn 1973 - 1990.
Công thức tốt nhất cho sự thay đổi này là triệu tập một hội đồng lập hiến dựa trên "sự tham gia rộng rãi của người dân, sau đó sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý phê chuẩn thứ hai" - ông Blumel nói thêm tại Santiago.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do tổ chức Cadem công bố hồi đầu tháng 11 này, có tới 87% người dân Chile ủng hộ cải cách Hiến pháp.
Trả lời phỏng vấn trên tờ nhật báo El Mercurio ngày 9/11, Tổng thống Sebastian Pinera lưu ý bản Hiến pháp hiện tại, có hiệu lực từ năm 1980, đã trải qua hơn 200 thay đổi trong hơn 40 điều khoản. Trong số các thay đổi được đề xuất, đáng chú ý là "một định nghĩa tốt hơn về quyền con người và cách thực thi" các quyền này. Ông Pinera nêu rõ những sửa đổi cũng làm rõ "nghĩa vụ của nhà nước" và thiết lập "các cơ chế tham gia tốt hơn" của công dân.
Chile rơi vào tình trạng rối ren xã hội từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm, sau đó phát triển thành làn sóng phản đối những bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội.
Trước tình hình đó, chính phủ nước này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp./.
Khánh Linh (Theo AFP, Reuters)
Theo cpv.org.vn/
Chile tan hoang sau bạo lực giữa cảnh sát với người biểu tình Bạo lực lan rộng tại nhiều thành phố lớn ở Chile sau khi chính quyền Tổng thống Sebastian Pinera ban bố một loạt biện pháp siết chặt an ninh chống người biểu tình. Tình trạng bạo lực tiếp tục xảy ra tại các thành phố ở Chile trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Sebastian Pinera không tỏ ra nhượng bộ. Hôm 8/11,...