Chile: Chấn động do biểu tình
Thế giới chưa hết ngỡ ngàng vì cuộc bạo động tại London (Anh) thì một lần nữa lại rúng động trước làn sóng biểu tình quy mô lớn của người dân Chile đòi chính phủ cải cách giáo dục.
Biểu tình đã biến thành bạo lực trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô Santiago và nhiều thành phố khác ở Chile khi khoảng 150.000 học sinh, sinh viên xuống đường đòi chính phủ cải cách hệ thống giáo dục công lập. Một số người quá khích đã đốt xe hơi, tràn vào các cửa hàng cướp bóc và tấn công cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải dùng hơi cay và vòi rồng để trấn áp. Đến nay đã có gần 300 người biểu tình quá khích bị bắt và hơn 20 cảnh sát bị thương sau các vụ đụng độ.
Sinh viên Chile biểu tình đòi cải cách giáo dục.
Các cuộc biểu tình tại Chile đã tăng đáng kể từ khi Tổng thống thuộc cánh hữu đầu tiên của Chile Sebastian Pinera nhậm chức và tuyên bố cắt giảm các chi phí giáo dục trên phạm vi rộng vào đầu năm nay. Vì thế, giới giáo viên, sinh viên, học sinh và nhân viên ngành giáo dục trên khắp đất nước Chile đã liên tiếp xuống đường đòi chính phủ đầu tư hơn nữa cho giáo dục; đồng thời phản đối chính sách tư hữu hóa đang diễn ra… Trong 9 cuộc biểu tình gần đây, 914 người đã bị bắt, 260 cảnh sát và 36 dân thường bị thương, hơn 130 sự cố bạo lực, gây thiệt hại vật chất lên tới hàng triệu USD.
Chile là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Mỹ Latin; nhưng cũng là đất nước có khoảng cách giàu – nghèo lớn nhất trong khu vực và có rất ít trường đại học công. Quốc gia Nam Mỹ này chỉ dành khoảng 4% ngân sách cho lĩnh vực giáo dục, thấp hơn so với mức đề xuất của UNESCO là 7%. Đất nước hình quả ớt này có khoảng 3,5 triệu học sinh các bậc cơ sở và 1 triệu sinh viên đại học – cao đẳng. Luật hiện hành của Chile quy định các tỉnh và thành phố phải tự trang trải chi phí cho giáo dục phổ thông đang khiến nhiều địa phương không kham nổi. Các trường đại học tư có lợi nhuận cao lại không chịu tái đầu tư để cải thiện chất lượng đào tạo như luật định. Trong khi đó, hầu hết sinh viên đều muốn chi phí cho ngành giáo dục được phân bổ hợp lý hơn bởi họ đang phải vay nợ để được học tại các trường đại học tư nhân. Gánh nặng tài chính, đặc biệt là tại cấp đại học vẫn do các gia đình tự gánh vác, trong khi chất lượng trường công ngày càng sụt giảm so với các cơ sở tư nhân. Một người biểu tình nói với phóng viên hãng AFP: “Tôi biểu tình vì hai đứa con của tôi sẽ phải chìm trong nợ nần suốt đời nếu chúng muốn đi học đại học”.
Để dàn xếp các cuộc biểu tình, hồi tháng 7, Tổng thống Chile S.Pinera đã đề xuất dự án hỗ trợ mới mang tên “Thỏa thuận lớn toàn quốc về giáo dục” (GANE), trong đó cung cấp khoản ngân sách lên tới 4 tỷ USD. Tuy nhiên, Tổng thống S. Pinera cũng bác bỏ yêu cầu quốc hữu hóa hệ thống giáo dục của những người biểu tình. Không chấp nhận đề xuất của Tổng thống S. Pinera vì cho rằng tính hiệu quả của 4 tỷ USD về lâu dài là không đáng kể nên làn sóng biểu tình ngày một dâng cao. Manuel Soto, một người biểu tình từ đại học Santiago nói: “Chính phủ không lắng nghe chúng tôi, chúng tôi muốn một hệ thống giáo dục mới ở Chile và các đề xuất của chính phủ không giải quyết được những gì chúng tôi mong đợi. Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ đưa ra một giải pháp tốt hơn cho hệ thống giáo dục”.
Làn sóng biểu tình đã gây ảnh hưởng đáng kể tới vị thế của Tổng thống Chile S. Pinera khiến uy tín của ông giảm xuống mức thấp nhất so với bất kỳ vị Tổng thống Chile nào kể từ năm 1990 (chỉ còn 30%).
Trong bối cảnh làn sóng biểu tình đang biến thành bạo động trên diện rộng, ngày 12-8, Tổng thống S. Pinera đã phải ban hành Luật Bảo đảm chất lượng giáo dục. Theo đó, chính phủ cam kết miễn phí giáo dục đại học cho 40% sinh viên nghèo và sẽ tiếp tục nâng con số này lên. Tổng thống S. Pinera khẳng định luật mới này là một bước tiến quan trọng nhằm minh bạch hóa hệ thống giáo dục và cải thiện chất lượng giáo dục trong các trường công. Chưa có dấu hiệu làn sóng biểu tình tại Chile sẽ chấm dứt; nhưng người dân hy vọng đất nước sẽ có một thời kỳ lắng dịu sau khi Luật Bảo đảm chất lượng giáo dục được thực thi.
Theo Hà Nội Mới