Chiều Xuân: ‘Tôi không thiếu trách nhiệm như bà Diệp’
Trở lại màn ảnh nhỏ với vai bà Ngọc Diệp đồng bóng trong &’ Lời thú nhận của Eva’, NSƯT Chiều Xuân muốn khắc họa một mẫu nhân vật mới và khác lạ so với các nhân vật nữ giới quen thuộc từng xuất hiện trên màn ảnh.
- Các vai diễn trước đây của chị thường mang hình ảnh một người phụ nữ đôn hậu, nền nã, nhưng vai Ngọc Diệp trong “Lời thú nhận của Eva” lại khác biệt hoàn toàn. Cơ duyên nào đã đưa chị đến với vai diễn này?
- Khi được đoàn làm phim mời đến gặp gỡ và đọc tóm tắt nội dung mấy tập đầu, tôi đã thấy đây là một vai diễn thú vị và khác với những vai tôi đã diễn trên truyền hình. Tôi rất thích và nhập vai với một sự hứng khởi cao độ. Chỉ có một điều khó khăn là thường xuyên ba nhân vật – bà Hân, cô Diệp, bé San San (bà ngoại, mẹ và con trong nhà) phải diễn những trường đoạn tâm lý rất dài, lời thoại cũng rất dài mà phải thật thuộc thì diễn mới hay. Tuy nhiên, tôi đã có những người bạn diễn rất tuyệt vời. Sau những cảnh quay, tôi vẫn thường trêu chị Thanh Tú: “Thanh Tú ơi, Thanh Tú đáng yêu thế?”, chị Tú chỉ tủm tỉm cười và đáp: “Ừ, yêu lắm”. Đó là những khoảnh khắc rất thú vị khi tham gia bộ phim này.
NSƯT Chiều Xuân. Ảnh: X.C.
- Bản thân chị đánh giá thế nào về nhân vật Ngọc Diệp?
- Đây là một nhân vật rất mới mẻ, mang nhiều nét đáng yêu nhưng cũng có rất nhiều tật xấu một cách hồn nhiên. Bà là người nhiều tuổi nhưng mang tâm hồn trẻ thơ vì có một lối sống rất tự do. Đây là mẫu nhân vật rất mới so với những nhân vật nữ giới thường xuất hiện trên màn ảnh. Bà Ngọc Diệp mang nhiều nét tính cách trong con người nên cái khó là làm sao để khán giả chấp nhận. Trong xã hội hiện nay, có không ít bà mẹ đơn thân tự bươn chải trong cuộc sống và tự khẳng định bản thân. Tôi muốn khắc họa một nhân vật để khán giả có thể cảm thông và chia sẻ, thấy được cái hay, cái dễ thương cũng như những tật xấu của họ.
- Chị thấy mình có những điểm chung nào với nhân vật này?
- Tôi và Ngọc Diệp có rất nhiều cái giống nhau – vui vẻ, nhí nhảnh và khá chủ quan khi hay nghĩ rằng mình xinh đẹp và quyến rũ (cười). Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là tôi không sống thiếu trách nhiệm như bà Diệp.
- Mặc dù nhân vật Ngọc Diệp tạo được khá nhiều tiếng cười cho khán giả, một số khán giả cho rằng cho rằng vai diễn này của chị đã bị cường điệu quá mức. Chị nghĩ sao về điều này?
- Sau khi phim chiếu được hơn 10 tập, khán giả gặp tôi ngoài phố, trong nhà hát, ngoài chợ… đều hỏi tôi rất nhiều về nhân vật này, nào là bà Diệp sẽ ra sao với tình yêu cùng ông Vỹ ở lối sống đặc biệt ấy. Tôi cảm thấy khá hài lòng khi khán giả quan tâm tới nhân vật của mình đến vậy. Còn về vai diễn thì đúng là có ý kiến cho rằng nó hơi cường điệu quá. Nhưng ngoài đời khi gặp tôi, chưa thấy khán giả nào nhận xét với tôi như vậy.
Những ai hiểu về phương diện diễn xuất sẽ biết rằng Ngọc Diệp thuộc tuýp cá tính nhân vật mà nếu không diễn như vậy thì sẽ không thể cùng “tông” với thể loại phim như “Lời thú nhận của Eva”. Những gì tôi đã thể hiện trên màn ảnh là để khắc họa một cá tính nhân vật mà tác giả kịch bản đã viết nên, và cũng là hình ảnh nhân vật mà tôi muốn xây dựng.
Trong cuộc sống có rất nhiều người phụ nữ xinh đẹp, hiện đại, sống rất chân thành nhưng không may mắn tìm được hạnh phúc. Tất cả sự cường điệu mà tôi muốn nhấn mạnh là để khán giả tin rằng có một nhân vật xinh đẹp, hiện đại nhưng đáng thương và có cả phần kệch cỡm, ngốc nghếch như bà Diệp. Thường thì nhiều khán giả muốn xem một nhân vật nữ xinh xinh, ưa nhìn, có tính cách tốt đẹp, nhưng tôi không ngại làm nhân vật của mình xấu xí. Tôi cần khán giả cảm thông và đồng cảm với những nhân vật không được may mắn như vậy.
Video đang HOT
Ba nữ diễn viên chính trong “Lời thú nhận của Eva” – Phan Minh Huyền (San San), NSƯT Thanh Tú (bà Hân) và NSƯT Chiều Xuân (Ngọc Diệp) – vui vẻ trên trường quay. Ảnh: X.C.
- Vậy trong cuộc sống hàng ngày, chị đã bao giờ gặp phải những tình huống như bà Diệp trong “Lời thú nhận của Eva” chưa?
- Tôi gặp rất nhiều, nhất là lúc nào cũng phải giả đò để theo dõi từng bước đi của các con, rồi bị con phát giác. Hoặc như là lúc nào cũng thấy mình còn quá bé bỏng khi được gần bên mẹ, được mẹ nấu cơm cho ăn… Đôi khi cũng là những ảo tưởng về những con người, những cô nàng, những chàng trai tưởng như là rất tuyệt vời nhưng trên thực tế thì lại quá dở.
- Vậy theo chị, khi xây dựng câu chuyện về ba thế hệ phụ nữ trong một gia đình, thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm tới người xem là gì?
- Người phụ nữ đẹp và mạnh mẽ nhất khi họ biết quên đi những kỹ năng trí tuệ hay hình thức để sống với trái tim cao thượng. Câu này cũng rất đúng với quan niệm của tôi: Lời nói của trái tim chính là lời nói có sức mạnh lớn nhất.
- Tuổi đời đã ngoài 40 nhưng chị vẫn giữ được nét tươi trẻ, rạng ngời. Chị có thể chia sẻ về bí quyết giữ gìn sự thanh xuân?
- Tôi nghĩ cứ hồn nhiên, luôn yêu đời và yêu người hết mình thì sẽ luôn có cảm giác trẻ mãi không già.
NSƯT Chiều Xuân vẫn rất tươi trẻ dù đã ngoài 40. Ảnh: X.C.
- Hồng Khanh, cô con gái thứ hai của chị đã có thiên hướng nghệ thuật từ rất sớm, mới học lớp 1 nhưng đã đi chụp hình mẫu và biết cách tạo dáng chuyên nghiệp. Chị có hướng con mình đi theo con đường nghệ thuật như cha mẹ?
- Với Hồng Khanh, cô thứ hai, chắc tôi sẽ phải dành nhiều thời gian để chăm chút cho cháu trong con đường nghệ thuật. Bởi vì cháu tự nhiên bộc lộ khả năng cảm thụ và cảm nhận về âm nhạc, phim ảnh và những sự kiện xảy ra trong cuộc sống một cách rất rõ nét. Nhưng giờ cũng là quá sớm để nói về việc này. Chỉ biết rằng tôi rất vui vì hai con Hồng Mi, Hồng Khanh đều là những cô bé rất nhạy cảm về nghệ thuật. Cả hai cô gái của tôi đều cảm nhận cuộc sống với rất nhiều cảm xúc dành cho những gì diễn ra hàng ngày. Đó là điều quan trọng nhất.
- Giờ đây ngoài là một diễn viên, chị còn được biết đến với vai trò là một nhà sản xuất, nhà phát hành phim. Cảm giác của chị thế nào khi tham gia vào một tác phẩm nhưng lại đứng sau ống kính?
- Cảm giác rất thú vị, như thể mình đang đóng một phim hành động, trinh thám mà đôi lúc không biết cái kết đầy bất ngờ đang chờ đợi mình nó sẽ ra sao. Những vai trò mới của tôi có rất nhiều vất vả, nỗi buồn nhưng cũng có thật nhiều niềm vui lớn lao.
- Chị từng tham gia đóng cả phim truyền hình, phim điện ảnh và kịch nói. Sau nhiều năm trong nghề, chị cảm thấy mình thích lĩnh vực nào nhất?
- Mọi việc đều phụ thuộc vào câu chuyện, kịch bản có hay hay không, có đáng nói không, chứ điều quan trọng nhất không phải là sân khấu, màn ảnh rộng hay màn ảnh nhỏ. Bất cứ loại hình nghệ thuật nào mà ở đó tôi có thể đem đến những điều thú vị, những cảm xúc đẹp, những trăn trở cho khán giả thì tôi đều yêu nó.
NSƯT Chiều Xuân và cô con gái út Hồng Khanh. Ảnh: X.C.
- Chị đang đóng vai chính trong bộ phim truyền hình mới “Đồng tiền muôn mặt”, chị có thể chia sẻ gì về bộ phim này?
- Hơn một tháng nay, tôi cứ bay đi, bay về giữa Hà Nội và Đà Lạt để hoàn thành “Đồng tiền muôn mặt” của hãng phim Chợ Lớn. Trong phim, tôi vào vai bà Lam, con dâu một gia đình “danh gia vọng tộc”, nổi tiếng về làm rượu vang gia truyền và các sản phẩm mứt trên Đà Lạt. Cuộc đời của bà gắn liền với thân phận làm dâu, nhiều trách nhiệm, nặng tình thương yêu nhưng cũng có quá nhiều cay đắng khi sống trong một gia đình có nhiều sóng gió trên thương trường và tham vọng của từng thành viên trong nhà.
Khung cảnh và thời tiết Đà Lạt thật tuyệt đẹp, mơ mộng nhưng công việc thì lúc nào cũng có niềm vui và sự vất vả của nó. Cuối tháng 6, phim sẽ được phát ở HTV9. Tôi cũng cảm thấy rất thú vị khi có mặt trên sóng của cả hai kênh VTV3 và HTV9 cùng một lúc.
Theo VN Express
Danh hài số 1: "Bắc Xuân Bắc, Nam Hoài Linh"
Trò chuyện với phóng viên Giáo dục Việt Nam, NSƯT Chí Trung khẳng định, nếu có cuộc bình chọn diễn viên hài xuất sắc nhất thì ở miền Bắc anh sẽ bỏ phiếu cho Xuân Bắc, còn miền Nam là danh hài Hoài Linh.
"Tôi chỉ xếp thứ... 14"
- Dạo này khán giả ít thấy Chí Trung xuất hiện trong các chương trình hài?
NSƯT Chí Trung: Tôi vẫn xuất hiện trên VTV3 trong chương trình "Thư giãn cuối tuần" ở góc phố của bơm và phô. Còn trong các chương trình như "Xả xì choét" ở Hà Nội 1 thì bản chất là không được mời chứ không phải kiêu căng, mặc dù tôi rất muốn tham dự cùng các em như Vân Dung, Tự Long, Quang Thắng...
Chí Trung trong vai diễn Táo giao thông trong chương trình Gặp nhau cuối năm.
Tôi là người rất dễ tính trong việc nhận lời mời diễn các chương trình hài nhưng lại cũng hơi khó tính trong việc chọn kịch bản để xuất hiện trước khán giả. Vì thế ngay từ đầu, tôi đã nói với các anh chị làm chương trình là có cái gì hay hay, hợp với Chí Trung thì hãy mời để Trung đỡ phải từ chối. Giờ tôi có tuổi rồi, "thầy già con hát trẻ", ở độ tuổi nào thì nên nói vấn đề đấy cho phù hợp, không thể nào già rồi, tóc hoa râm rồi mà vẫn làm những trò nhí nhố. Tất nhiên nó vẫn đem lại hệ quả là tiếng cười tức thì nhưng về lâu dài thì đó là tiếng cười lệch lạc.
- Trong số các gương mặt của làng hài phía bắc, anh thích diễn viên nào nhất?
Tôi thích Xuân Bắc. Bắc diễn hài rất thông minh và có tính nhân văn. Ngoài ra còn có Vân Dung, Quang Thắng, Hiệp gà, Thành Trung. Tôi thích họ vì họ diễn rất có duyên, còn tôi thì xem như "cháo cuối nồi" rồi.
- Anh sẽ bình chọn cho ai nếu có cuộc thi để tìm ra diễn viên hài xuất sắc nhất?
Cũng giống như các chương trình bình chọn qua tin nhắn, tôi nghĩ kết quả cuộc thi không thể hoàn toàn chính xác mà cũng chỉ tương đối. Riêng cá nhân tôi, tôi sẽ bình chọn cho Xuân Bắc ở miền Bắc và Hoài Linh ở miền Nam.
Chí Trung bình chọn cho Xuân Bắc ở miền Bắc, Hoài Linh ở miền Nam.
- Có bao giờ anh nghĩ sẽ tự "bỏ phiếu" cho mình không?
Không. Tôi rất tâm đắc với câu "ở đời phải biết mình là ai" của anh Lê Hùng trong vở "Những người chữa bệnh nói nhiều". Biết mình làm được gì nữa và không làm được gì nữa sẽ giúp chúng ta khỏi vất vả bởi tham vọng của chính mình. Nói thật là ở Hà Nội tôi chỉ xếp thứ 14 thôi.
- Nếu khán giả nhất quyết bình chọn anh là nghệ sĩ hài xuất sắc nhất anh có nhận không?
Tôi không "mù màu". Tôi là một nghệ sĩ và cũng là một người đạo diễn những chương trình hài nên không thể "điên" như thế được. Vẫn là câu nói "ở đời phải biết mình là ai". Như vậy thì mình sẽ thấy thanh thản hơn nhiều.
Diễn hài khó thành Nghệ sĩ Nhân dân
- Cha anh, NSND Quý Dương, từng nhận xét là do chiều cao không lý tưởng và bắt đầu béo tròn nên anh không còn phù hợp với vai chính và không lên phim được nữa. Ông còn cho rằng giờ anh làm hài nhiều hơn mà hài thì không được đánh giá cao. Có phải vì thế mà đến giờ vẫn chưa có một cuộc bình chọn nào để vinh danh nghệ sĩ hài xuất sắc nhất không?
Đúng là hài không được đánh giá cao trong cả danh xưng, phong tặng, bởi thế tôi muốn lên NSND là rất khó. Chính kịch thì dễ hơn rất nhiều. Nhưng đấy là cách nhìn của bố tôi thôi bởi thực tế có rất nhiều nghệ sĩ chính kịch muốn được khán giả lăng xê, tung hô, nhiều tiền và đắt show như diễn viên hài mà không được.
Chí Trung: Người diễn viên hài trên sân khấu, chỉ 1 phút khán giả không cười thì 1 phút đó có thể dài bằng thế kỉ.
Mỗi người đều có sở trường và sở đoản vì vậy khán giả và những nghệ sĩ chính kịch đừng coi thường các diễn viên thành công bên hài. Như NSND Trần Tiến có vai nghiêm túc duy nhất là "Nguyễn Trãi ở Đông Quan". Khi khen ông trong vai diễn này, người ta nói: "Trần Tiến đóng Nguyễn Trãi mà vẫn hay ghê" chứ không phải "Trần Tiến đóng Nguyễn Trãi hay ghê". Tức là mặc định trong đầu khán giả Trần Tiến vẫn là một diễn viên của những vai hài.
- Các tiểu phẩm hài bây giờ gặp phải rất nhiều phản ứng của khán giả khi sử dụng nhiều ngôn từ dung tục. Phải chăng bây giờ đó là cách để các đạo diễn và các diễn viên hài lấy tiếng cười của khán giả?
Tôi thấy không có ngôn từ bậy nào trong kịch bản hài cả vì kịch bản được duyệt qua rất nhiều khâu. Những từ đó chỉ xuất hiện với sự cao hứng của người diễn viên, sự dễ dãi của người đạo diễn và sự buông thả không kiểm soát được của người biên tập.
Tôi rất bận nên cũng ít xem các tiểu phẩm hài trên truyền hình nhưng tôi chỉ muốn nói là làm hài khó lắm, càng làm càng khó, càng làm càng đuối. Hài cũng giống như bát phở ăn 1, 2 lần thì ngon nhưng càng ăn nhiều càng chán dù có chế biến theo cách nào đi nữa. Đấy là nỗi khổ của tất cả những người làm hài khi rất muốn làm tác phẩm hay cho khán giả nhưng khả năng có hạn.
Điều này tôi cũng gặp trên sân khấu kịch nhưng có khác với truyền hình một chút. Với kịch, hôm nay anh làm hay khán giả sẽ thích ngay, nhưng ngày mai anh có thể sẽ "chết" ngay trên sân khấu nếu không bắt được tiếng cười của khán giả. Vì thế hài trên sân khấu không được quyền dở, trong khi truyền hình thì cứ làm xong bắn thẳng lên sóng rồi nếu dở thì bịt mắt, bịt tai.
Người diễn viên hài trên sân khấu, chỉ 1 phút khán giả không cười thì 1 phút đó có thể dài bằng thế kỉ.
- Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo giaoduc.net.vn
NSƯT Bảo Quốc: Duyên nghề đến từ vai đóng thế Sinh ra trong gia đình có truyền thống cải lương, nhưng Bảo Quốc lại không thích ca hát một chút nào, vậy mà vinh quang nghề nghiệp lại đến với ông chỉ từ một vai đóng thế. Ngày khởi nghiệp định mệnh Nghệ sĩ Bảo Quốc sinh năm 1949, là một trong những diễn viên gạo cội của hài kịch Việt Nam. Tuy...