Chiếu xạ hàng nông sản tại Hà Nội: Rộng đường cho vải thiều xuất ngoại
Sau khi phía đối tác Australia đồng ý cho vải thiều chiều xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Nguyên tử Việt Nam (Bộ KHCN), ngày 23.6, lô vải thiều đầu tiên hơn 3 tấn được Công ty TNHH Sản xuất thương mại Rồng Đỏ chiếu xạ tại đơn vị này để xuất khẩu sang Australia.
Đây là tín hiệu vui cho quả vải của Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính trên thế giới.
Chất lượng tốt, đầu ra thuận lợi
Đến các xã của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vào thời điểm này, đâu đâu chúng tôi cũng thấy tràn ngập vải thiều. Các xe máy, xe thồ chở đầy ắp vải thiều chín đỏ au chen chúc nhau nối dài khắp tuyến đường thuộc xã Phương Sơn, huyện Lục Ngạn.
Ông Trần Văn Nam ở xã Giáp Sơn cho biết, năm nay gia đình ông chăm sóc trên 300 cây vải thiều, thời tiết bất thuận nên sản lượng giảm nhiều nhưng chất lượng quả to đều, đẹp hơn nên được giá cao hơn. “Dù ít vải nhưng vụ này vợ chồng tôi vẫn phấn khởi vì vải đẹp, thương lái Trung Quốc vào tận vườn mua hết với giá cao trên dưới 35.000 đồng/kg, chứ không như các năm trước ít khách lại chọn, lựa phân loại nhiều, giá rẻ” – ông Nam chia sẻ.
Nông dân thu hoạch vải thiều chính vụ tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Trần Quang
Theo ông Giáp Văn Thành – Tổ trưởng Tổ sản xuất vải thiều xuất khẩu thôn Kép 1, xã Giáp Sơn, năm nay sản lượng giảm nhưng các hộ trồng vải thiều xuất khẩu ở thôn đều bán được vải dễ dàng, giá cao nên bà con rất phấn khởi.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2016, tổng diện tích vải thiều của tỉnh là 30.000ha, giảm 1.000ha so với năm 2015, nguyên nhân do chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015, do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi. Trong đó, vải thiều chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn, chiếm 17,7%; vải thiều chính vụ 107.000 tấn, chiếm 82,3%. Sản lượng vải thiều tập trung ở huyện Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn…
Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho rằng: “Năm nay, các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đã được sở, ngành của tỉnh chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Vào vụ thu hoạch, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua vải thiều”.
Theo ông Phượng, nhìn chung chất lượng vải năm nay cao hơn những năm trước. Tính riêng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là 12.560ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao. Huyện Lục Ngạn hiện đã được phía Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản lượng vải GlobalGAP dự kiến khoảng 1.000 tấn, đảm bảo điều kiện xuất sang các thị trường khó tính Mỹ, Australia…
Giảm 16 triệu đồng/tấn vì chiếu xạ tại Hà Nội
Video đang HOT
“Vừa qua phía Australia đã đồng ý cho vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương được chiếu xạ ở Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội trước khi xuất sang nước này. Đây là một tin vui, bởi việc chiếu xạ trực tiếp tại Hà Nội tiết kiệm được khoảng 16 triệu đồng/tấn so với chiếu xạ trong Nam sẽ tạo động lực thu hút các doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu quả vải nhiều hơn so với các năm trước” – ông Vũ Đình Phượng nói.
Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, đến thời điểm hiện tại bà con trên địa bàn các xã đã bước vào vụ thu hoạch vải thiều chính vụ được nhiều ngày, ước tính sản lượng đạt khoảng trên dưới 20.000 tấn, còn khoảng hơn 40.000 tấn nữa sẽ thu hoạch đến 20.7.
Tại Hải Dương, diện tích vải thiều năm 2016 là 11.000ha, sản lượng dự kiến đạt 36.000 tấn. Chất lượng vải thiều năm nay cao hơn bởi người dân tích cực áp dụng KHKT tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Bà Vũ Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, hàng năm sản lượng vải của tỉnh đạt khoảng 50.000 tấn. Hiện nay, tỉnh có hơn 100 điểm thu mua với 10 doanh nghiệp lớn chuyên sơ chế, đóng gói mặt hàng vải thiều để xuất đi các thị trường…
Hải Dương đang tập trung tiêu thụ vải tại thị trường trong nước, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM và khu vực miền Nam. Ngoài thị trường nội địa, vải thiều Hải Dương đã đến được thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore và đang mở rộng sang thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản và EU.
Ông Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT) cho hay: Chiều 23.6 Cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội xử lý lô vải đầu tiên cho Công ty Rồng Đỏ (TP.HCM) xuất khẩu đi Australia. “Công tác kiểm dịch, chiếu xạ và các thủ tục liên quan cho lô vải thiều 1,2 tấn này sẽ xong trong ngày và nếu chuyển lên máy bay đi thẳng sang Australia thì vào sáng mai, muộn nhất là vào chiều 24.6 vải thiều sẽ có mặt tại thị trường Australia” – ông Thành khẳng định.
Là đơn vị chuyên làm dịch vụ cho các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả trong nước, bà Đặng Thị Thanh Hải – Phó Giám đốc Công ty CP Quốc tế Logistic Hoàng Hà chi nhánh Hà Nội cho biết, công ty đang làm dịch vụ cho 4 công ty, doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều trong nước, trong đó có 2 đơn vị lớn là Công ty Rồng Đỏ và Công ty Ánh Dương Sao (đều ở TP.HCM).
“Phía Australia vừa có văn bản chấp nhận Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội chiếu xạ vải thiều của Việt Nam xuất sang nước này. Đây là tín hiệu đáng mừng cho quả vải của Việt Nam giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm được khá nhiều chi phí xuất khẩu, đồng thời tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp khác tham gia vào xuất khẩu quả vải” – bà Hải nhấn mạnh.
Theo Danviet
Người Hà Nội đã được ăn vải thiều Bắc Giang chính hiệu
"Từ đây lên Lục Ngạn rất gần mà người Hà Nội không được ăn vải chính gốc thì thật thiệt thòi".
Sáng nay (24/6), tại sân trước Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) đã chính thức diễn ra "Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang"
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã vào chính vụ. Với sản lượng ước đạt trên 130.000 tấn, tỉnh Bắc Giang đang tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rộng khắp.
Theo đó, "Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang" được tổ chức tại Hà Nội trong 7 ngày, từ 24-30/6. Qua chương trình, người dân Thủ đô có cơ hội tiếp cận với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn chính hiệu.
Có mặt tại sân trước Siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để mua vải thiều chính gốc, ông Lê Như Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết ông rất chú trọng đến nguồn gốc của quả vải. Cũng theo ông Hưng, vải Lục Ngạn nếu chín đúng vụ nó rất đỏ và không bị sâu đầu, cùi vải trong và mọng, ăn ngọt và thanh.
"Từ đây lên Lục Ngạn rất gần mà người Hà Nội không được ăn vải chính gốc thì thật thiệt thòi. Tôi hy vọng những năm tới, vải Lục Ngạn về xuôi nhiều hơn, chất lượng cao hơn và giá cả hạ hơn một chút", ông Hưng nói.
Sản phẩm vải thiều được bán tại đây cũng như các điểm khác ở Hà Nội là vải thiều chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đóng gói trong túi lưới, có tem mác có thể truy xuất được nguồn gốc.
Tuần lễ vải thiều tại Hà Nội tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân kinh doanh các mặt hàng hoa quả gặp gỡ giao lưu, tìm kiếm đối tác.
Chương trình cũng thúc đẩy thương hiệu vải thiều tại thị trường nội địa. Năm nay, người dân Hà Nội đã chính thức được mua vải thiều chất lượng cao mà không lo mua phải vải trôi nổi trên thị trường.
Những quả vải thiều chín đỏ được bó thành từng chùm, mỗi chùm khoảng 3kg. Có hai loại vải với mức giá lần lượt là 35.000 đồng/kg và 45.000 đồng/kg.
Chưa đến giờ khai mạc chương trình nhưng nhiều người ở Hà Nội đã tìm đến mua vải thiều. Có người mua cả thùng vải.
Để quảng bá sản phẩm, Ban tổ chức đã bố trí các cô gái trong trang phục áo bà ba đứng bán hàng, tạo cảm giác thân thiện. Hệ thống cân điện tử hiện đại được đặt tại các gian hàng.
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) rất nổi tiếng, ăn có vị ngọt thanh, cùi dày.
Sản lượng vải của quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 15 vùng được cấp mã số của riêng huyện Lục Ngạn ước đạt trên 1.000 tấn, phục vụ cho việc xuất khẩu sang các thị trường mới, có yêu cầu cao như Mỹ, Úc, EU.
Theo đại diện BTC cho biết, hướng chính là tiêu thụ ở thị trường trong nước với khoảng 60% (chủ yếu là các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế), còn xuất khẩu 40%, trong đó, ngoài thị trường truyền thống lớn là Trung Quốc còn xuất sang một số thị trường mới như ASEAN, Mỹ, Úc, châu Âu.
Người dân được ăn thử vải thiều để đánh giá chất lượng của vải.
Niềm vui của người dân Thủ đô khi được mua vải thiều Lục Ngạn chính hiệu.
Theo Danviet
Vải thiều vào Nam giảm, nhà phân phối không lo ế hàng Do sản lượng giảm, lượng vải thiều vào Nam năm nay cũng giảm nhiều so với những năm trước, các đơn vị phân phối không lo xảy ra tình trạng ùn ứ nguồn hàng, giá giảm... Thông tin đưa ra tại buổi kết nối tiêu thụ vải thiều tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ngày 20.6. Riêng tỉnh Bắc Giang...