Chiêu trò mới của các hãng game Trung Quốc tại Việt Nam
Đứng trước những khó khăn, không ít NPH game online Trung Quốc đã có những biến tướng trong việc hoạt động.
Kể từ khi có những thông tin liên quan đến việc các nhà phát hành game online Trung Quốc bị truy quét tại Việt Nam, cộng đồng game thủ đã có những phản ứng vô cùng tích cực khi thấy những nhà phát hành với cung cách làm việc và phục vụ game thủ không được như mong muốn buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn kể trên nhằm về phía các nhà phát hành game Trung Quốc tại Việt Nam như 37Wan hay Koram Game, các nhà phát hành này đã và đang có những hướng đi mới, hay nói đúng hơn là những biến tướng trong việc khai thác dịch vụ game online tại Việt Nam.
Những bước đi đầu tiên của cơ quan quản lý
Đối với những game thủ không theo dõi diễn biến của sự việc này, vào khoảng đầu tháng 08 vừa qua, thanh tra Bộ TT & TT đã yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ internet chặn tất cả các tên miền và máy chủ truy cập truy cập đến 4 game online của Công ty TNHH Koram Games Hồng Kông chưa được cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp phép, gồm: “Tam quốc tranh hùng” (“Phong vân Tam quốc”), trang chủ pvtq2.com; “Phi tiên”, trang chủ phitien.com; “Tuyệt đỉnh tam quốc”, trang chủ 3quoc.com; “Tiên cảnh”, trang chủ tiencanh.com. Toàn bộ máy chủ của 4 game online này được đặt tại Mỹ (IP:119.81.23.100).
Bên cạnh NPH Koram Games Hồng Kông đã bị “sờ gáy”, Thanh tra Bộ TT&TT xác định trên thị trường hiện có ít nhất 4 công ty nước ngoài đã vào Việt Nam, cung cấp hàng chục trò chơi trái phép vào lãnh thổ Việt Nam thông qua một số tổ chức, cá nhân Việt Nam, trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cũng như quản lý nhà nước của Việt Nam. Trong thời gian tới lần lượt những đơn vị này sẽ tiếp tục bị truy quét.
Rõ ràng, những bước đi đầu tiên của các cơ quan quản lý đối với hành vi cung cấp game online trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam như thế này. Những hành vi như thế này vừa khai thác cộng đồng game thủ Việt về mặt tài chính, khi những người chơi game quyết định nạp tiền vào những tựa game online do các NPH Trung Quốc.
Video đang HOT
Những nhà phát hành không rõ danh tính luôn luôn là mối đe dọa đối với bất kỳ game thủ nào khi tựa game vì một lý do nào đó mà đóng cửa một cách đột ngột mà không có bất kỳ chính sách bồi thường rõ ràng nào. Làm việc như vậy chẳng khác nào lừa đảo. Và những chiêu trò của các nhà phát hành Trung Quốc đang có dấu hiệu biến tướng.
Biến tướng thành các cổng game
Mặc dù đã được đưa ra phân tích từ khoảng giữa năm nay, thế nhưng hiện tại, theo nguồn tin riêng của GameK, ngày càng có nhiều nhà phát hành game online Trung Quốc đã và đang hợp tác với các cổng phát hành game tại Việt Nam để phát hành những game mới, dĩ nhiên là không có giấy phép, cũng như không có cả tên tuổi nhà phát hành thực sự. Nói cách khác, những tựa game này được mở cửa không khác gì những game online “lậu”.
Trao đổi với một đại diện NPH nội địa thì “ngoài Myw ra còn không ít cổng game khác cũng được lập ra với mục đích trên”. Đứng trước chiêu bài khôn ngoan trên, các NPH nhỏ lẻ tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị “xóa xổ” vì ai cũng biết khả năng đầu tư tiền bạc của NPH Trung Quốc là lớn hơn nhiều. Họ sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để truyền thông, kinh doanh game cũ theo kiểu chộp giật rồi nhanh chóng đóng cửa để xoay sang game mới, khiến thị trường hỗn loạn và xuống cấp.
Chưa dừng lại ở đó, chiêu bài này còn khiến cho các nhà phát hành game Trung Quốc rất dễ “phủi tay” loại bỏ hoàn toàn hệ quả nếu bị lực lượng chức năng “sờ gáy”. Mọi trách nhiệm sẽ bị đổ hết lên đầu của cổng phát hành game trung gian kể trên, đơn giản vì những cổng game này đảm nhiệm từ việc phát hành đến cả chức năng thanh toán cho các nhà phát hành game Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là, những cổng game tại Việt Nam rất có thể sẽ trở thành bia đỡ đạn cho các NPH Trung Quốc nếu bị họ thuyết phục bằng khoản phần trăm ăn chia béo bở. Sau khi thu được lợi nhuận, với túi tiền đầy căng, các NPH này cũng ôm tiền ra đi không hẹn ngày trở lại kèm theo nụ cười mãn nguyện khi ‘làm cỏ’ được rất nhiều game thủ Việt nhẹ dạ cả tin.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu
Một lần nữa, trách nhiệm của các cơ quan quản lý việc phát hành game online ở Việt Nam lại được quan tâm. Về phần game thủ, một kinh nghiệm được đưa ra là chúng ta rất cần phải tỉnh táo trước những tựa game online đã và đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, để có thể chọn ra cho mình những tựa game, những nhà phát hành thực sự chăm lo tới cộng đồng game thủ, thay vì những nhà phát hành làm ăn kiểu “chộp giật” và chỉ lo tới lợi nhuận.
Theo VNE
Những mối nguy rình rập game thủ Việt trong tháng 08
Những mối nguy hiểm cũng đã và đang rình rập cộng đồng game thủ Việt trong tháng 08 bắt nguồn từ những game online 'lậu'.
Như đã phân tích trong bài viết trước đây, khoảng thời gian tháng 08 sẽ là thời điểm vô cùng ảm đạm đối với làng game online Việt Nam. Cụ thể hơn, khi những game online đình đám, những quân bài chủ lực của các nhà phát hành đã được tung ra trong tháng 07, và sức hút của chúng chắc chắn sẽ còn kéo dài tới tận tháng 08 này.
Chính vì lý do đó, khi những tựa game cao cấp (xét theo mặt bằng chung tại Việt Nam) sẽ đi vào open beta vào khoảng tháng 8, và khi sức nóng của chúng vẫn còn, game thủ vẫn đang tập trung với tựa game họ ưa thích, thì việc phát hành game online mới cùng thể loại sẽ là một hướng đi cực kỳ rủi ro cho bất kỳ nhà phát hành nào.
Đại diện các nhà phát hành game online Việt Nam khi được trao đổi đều có tâm sự chung là không có chiến lược ra mắt game online mới, chất lượng cao hay được đầu tư đắt tiền trong tháng 08. Từ đó họ đành phải nhường khoảng thời gian này cho những sản phẩm bậc trung, và dĩ nhiên, là những game online lậu (private server).
Từ đó, những mối nguy hiểm cũng đã và đang rình rập cộng đồng game thủ Việt trong tháng 08, khoảng thời gian mà nếu xét theo tháng 7 âm lịch hay được gọi "tháng cô hồn" này.
Game private và những nguy cơ
Một số người cho rằng, việc tiếp nối thành công của tháng 07 với việc tiếp tục tung ra những tựa game online mới đình đám và có thể là bom tấn hơn trong tháng 08 là điều cần thiết. Tuy nhiên để có thể chắc chắn thành công với những tựa game được đầu tư nhiều tiền bạc và công sức quảng bá, hơn ai hết chính các nhà phát hành cũng hiểu rõ ràng rằng không nên tiếp tục tung ra game online mới ngay trong tháng 08.
Và đó cũng chính là lý do chúng ta thường ít được chiêm ngưỡng những cái tên vô cùng hot xuất hiện trong những bài viết điểm qua những game online sẽ được phát hành tại Việt Nam trong tháng 08. Trong khi tháng 07 khiến game thủ "đếm không xuể" những tựa game chất lượng, sau đó bận tìm hiểu xem mình hợp với tựa game nào, thì thời gian vài ngày qua, chúng ta chỉ có được thông tin về những webgame tầm trung mở cửa tại Việt Nam trong tháng.
Đó chính là khi private server lên ngôi và tận dụng khoảng thời gian ảm đạm này để tìm cho mình cộng đồng người chơi. Đối với những server được cộng đồng game thủ mở ra để thỏa mãn niềm đam mê với những tựa game online, thì hầu hết đều trở thành địa chỉ cho cộng đồng hâm mộ tựa game này.
Tuy nhiên đối với những nhà phát hành giấu mặt muốn tung game online của họ ra dưới dạng private server, game không phép, thì thực sự đó là những mối nguy đang rình rập game thủ Việt Nam.
Phòng tránh tình trạng "tiền mất tật mang"
Thật đáng tiếc một điều, làng game Việt đã có không ít những trường hợp nhà phát hành ôm tiền chạy trốn sau khi đã "bòn rút" đủ của cộng đồng game thủ Việt. Điều đáng tiếc ở đây là, một số lượng không nhỏ game thủ Việt Nam vẫn còn quá nhẹ dạ khi gửi trọn niềm tin vào những nhà phát hành không rõ tên tuổi, để rồi sau khi mất toàn bộ số tiền đã đầu tư vào game mà không được đền bù chút nào mới giật mình nhận ra vố lừa của nhà phát hành nọ mặc dù rất sơ sài nhưng không ít người mắc bẫy.
Chính vì thế, kinh nghiệm dành cho các game thủ Việt khi tìm đến những private server như những món ăn mới lạ bao gồm: Kiểm tra rõ ràng danh tính của nhà phát hành, cụ thể hơn là trang contact, nơi số điện thoại và thông tin liên lạc của NPH này được cung cấp. Kế đến, game thủ cũng nên ghé qua trang diễn đàn, mục báo lỗi và phản hồi để xem đội ngũ trợ giúp làm việc có như ý muốn hay không.
Một khi đã biết mình đang chơi một tựa game lậu, thì tốt nhất là game thủ hoàn toàn không nên bỏ tiền để nạp vào game, mua đồ cho nhân vật của mình. Có thể bạn sẽ mất công cày kéo thêm đôi chút, nhưng như vậy sẽ khiến cho bản thân có cảm giác yên tâm hơn, vì dù sao những private server hầu như không có bất kỳ cam kết nào đối với các game thủ. Một lần nữa GameK xin chúc các bạn có được trải nghiệm game online như ý muốn.
Theo VNE
Quay lại với game cũ là một xu hướng mới Việc quay về chơi lại những game cũ, có chỗ đứng và uy tín lâu năm đang là một lựa chọn hay cho nhiều người chơi. Nếu ngồi điểm lại, dường như trong 3 năm qua, có rất ít tựa game gây được tiếng vang trên thị trường nước nhà. Có lẽ, việc xuất hiện quá nhiều webgame đã làm loãng không khí...