“Chiến tranh tàu vỏ trắng” ở Biển Đông, Trung Quốc hung tợn bắt nạt Đông Nam Á
Trong bài phân tích mang tựa đề Cuộc chiến tranh tàu vỏ trắng tại Biển Đông trên tạp chí Mỹ The National Interest , nhà nghiên cứu Koh Swee Lean Collin tại Singapore đã nêu bật tính chất ồ ạt và hung tợn của đội tàu tuần duyên Trung Quốc so với các nước Đông Nam Á.
Theo ông Koh Swee Lean Collin, trên lý thuyết thì lực lượng tuần duyên được xếp vào diện bồ câu, trái với Hải Quân luôn gắn liền với khái niệm chiến tranh. Thế nhưng, bồ câu nhiều khi cũng biến thành diều hâu, khi một quốc gia có một quan điểm khác về cách sử dụng các phương tiện này. Trung Quốc nằm trong trường hợp đó, và một loạt sự cố trên Biển Đông trong những năm gần đây là bằng chứng cho thấy là tàu vỏ trắng có thể trở thành hung dữ, trong lúc hải quân thì lại tương đối ôn hòa hơn.
National Interest so sánh thực lực của lực lượng tuần duyên của Trung Quốc với lực lượng cảnh sát biển của bốn nước Đông Nam Á thường xuyên là nạn nhân của Trung Quốc: Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Ghi nhận đầu tiên là tính chất hùng hậu của hạm đội tàu trắng Trung Quốc, mang tên chính thức là hải cảnh, tức là cảnh sát biển, hậu thân của các lực lượng Hải Giám và Ngư Chính, so với các đội tàu yếu hơn nhiều của các đối thủ Đông Nam Á tại Biển Đông.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng không cân sức này là thái độ thờ ơ trước đây của các chính phủ Đông Nam Á đối với các lực lượng trên biển, đặc biệt là tuần duyên, thể hiện qua việc dành ngân sách quá ít cho ngành này. Phải chờ cho mãi đến những năm 2000 mới thấy những thay đổi đầu tiên, khi khu vực chứng kiến một sự bùng lên của nạn cướp biển, cũng như tình trạng tội phạm hàng hải xuyên quốc gia.
Để đối phó, các nước bắt đầu thành lập các cơ quan chuyên trách: Cơ quan thực thi pháp luật hàng hải Malaysia (MMEA) được thành lập vào năm 2005, trong lúc Indonesia đổi tên cơ quan điều phối của mình thành BAKAMLA vào năm 2014. Tại Việt Nam, lực lượng Ngư Chính mới thành lập đã góp mặt cùng với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hình thành năm 2013.
Trên nguyên tắc, các cơ quan cảnh sát biển có nhiệm vụ giảm bớt gánh nặng cho lực lượng Hải Quân trong thời bình, và tạo điều kiện cho việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, được ghi trong Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Tuy nhiên, theo dữ liệu trong bản báo cáo Cán cân Quân sự 2016 (Military Balance 2016), so với con số 326 tàu của hải cảnh Trung Quốc (trong đó có cả trăm tàu có khả năng tuần tra trên biển khơi), lực lượng cảnh sát biển của các nước Đông Nam Á có quy mô khiêm tốn hơn nhiều.
Video đang HOT
Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hăng đâm va tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vụ khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014
Tàu thuyền của cảnh sát biển Đông Nam Á chủ yếu cũng chỉ bao gồm các loại hoạt động ven bờ, thiếu trang bị, có thể đủ để chống tội phạm lặt vặt trên biển, nhưng hầu như bất lực khi phải chống lại những đối thủ to lớn hơn, được trang bị tốt hơn, trong một môi trường xa bờ.
Cuộc đối đầu hôm 19/3 giữa hai lực lượng hải cảnh Trung Quốc và Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia là minh chứng cụ thể về những giới hạn mà lực lượng tuần duyên Đông Nam Á đang gặp phải.
Chuyên gia Singapore đã nêu bật tính chất yếu kém của lực lượng cảnh sát biển tại 4 quốc gia Đông Nam Á được cho là đang có quan tâm đến vấn đề bảo vệ vùng biển của mình.
Lực lượng tuần duyên BAKAMLA của Indonesia chỉ có hơn một trăm chiếc tàu trực thuộc nhiều cơ quan cấp dưới khác nhau. Vấn đề là đại đa số những phương tiện này chỉ thích hợp cho các hải vụ gần bờ hay ven biển mà thôi, chẳng hạn như chiếc tàu ngư chính Hiu-011, đã can dự vào sự cố với tàu Trung Quốc hôm 19/3 vừa qua. Indonesia chỉ có không đầy mười chiếc tàu có khả năng tuần tra ngoài biển khơi.
Hải quân Indonesia vẫn còn được huy động vào các nhiệm vụ cảnh sát, nhưng số lượng tàu hoạt động được ngoài khơi xa chẳng thấm vào đâu so với diện tích quá lớn của quần đảo Indonesia khổng lồ. Dẫu sao thì chỉ có ba trên tổng số 7 chiếc tàu hải quân Indonesia là túc trực tại vùng quần đảo Natuna, còn phần lớn công việc thực thi luật pháp thì được giao cho cơ quan BAKAMLA thiếu phương tiện.
Tại Malaysia tình hình khá hơn một chút. Hạm đội của cơ quan MMEA có khoảng 190 chiếc tàu. Thế nhưng cũng chỉ có hai tàu có khả năng bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Malaysia ngoài khơi xa, và các chiếc tàu này đều đã khoảng 30 tuổi. Tóm lại, Malaysia có quá ít tàu vỏ trắng.
Chính vì lý do đó mà trong sự cố South Luconia Shoals tháng 9/2013, hải quân Malaysia là lực lượng đầu tiên phản ứng với sự xâm nhập của Trung Quốc. Rõ ràng là cơ quan MMEA rất cần các phương tiện hoạt động ngoài khơi xa, nhưng 7 chiếc tàu mới được đặt gần đây sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mối đi vào hoạt động, và sẽ không đủ cho vùng biển rộng lớn của Malaysia.
Lực lượng tuần duyên Philippines thì cũng chỉ có 72 chiếc tàu, trong đó có 5 chiếc đủ sức đi biển. Do đó, lực lượng hải quân Philippines phải gánh vác trách nhiệm thực thi luật pháp trên Biển Đông, với hệ quả là bị Trung Quốc làm nhục.
Tại bãi cạn Scarborough vào tháng 4/2012, tàu tuần duyên Trung Quốc, dù nhỏ hơn, đã ngăn cản được không cho tàu hải quân Philippines BRP Gregorio del Pilar bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Kể từ đó, cảnh sát biển Trung Quốc canh giữ thường trực vùng bãi cạn này, trong lúc Manila tránh đưa tàu hải quân đến can thiệp.
Rõ ràng là lực lượng tuần duyên Philippines đã bị đối thủ Trung Quốc đè bẹp, và như vậy, đã mặc nhiên nhường quyền kiểm soát bãi Scarborough cho Bắc Kinh.
National Interest đánh giá Việt Nam trong tư thế khá hơn, với lực lượng cảnh sát biển có gần năm mươi tàu, bao gồm hơn mười chiếc có thể hoạt động ngoài khơi xa. Tuy nhiên, Việt Nam đã thực sự cảm nhận sâu sắc sự thiếu hụt phương tiện của mình nhân cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu HD-981 với Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 7/2014.
Trước hết, do việc tàu của mình thuộc loại nhỏ, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thiếu độ bền cần thiết để bám trụ tại hiện trường, và vì vậy cần phải được liên tục luân phiên để duy trì một sự hiện diện thường trực của Việt Nam. Chẳng hạn, tàu tuần tra ngoài khơi xa của Trung Quốc có khả năng bám trụ bằng hai chiếc tàu Việt Nam luân phiên thay thế nhau. Về cơ bản, năng lực bảo vệ bờ biển của Việt Nam đã bị căng ra đến mức tối đa khiến cho các phương tiện phải làm việc quá mức.
Trung Quốc có vẻ tự tin về thành công tại Biển Đông. Tính toán của họ đã đạt kết quả. Không những không có nước Đông Nam Á nào có lực lượng tuần duyên nào đông và mạnh, đủ sức đáp trả thách thức đội tàu trắng của Trung Quốc, mà các nước đó lại phải tránh triển khai lực lượng Hải quân, vì biết rằng về mặt này, họ cũng thua kém.
Theo National Interest, Bắc Kinh chủ trương xây dựng một lực lượng hải cảnh quy mô lớn, bảo đảm năng lực bình định khu vực cũng như tạo ra một vùng phòng thủ cho Trung Quốc.
Theo VietTimes
Tàu tuần duyên khổng lồ Trung Quốc đe dọa khu vực
Với việc triển khai hai tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tàu hải cảnh "Quái thú" số hiệu 3901 của Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tàu Hải cảnh 2901 và Hải cảnh 3901 mà Trung Quốc chuẩn bị triển khai có lượng giãn nước lên tới 10.000 tấn, lớn hơn cả tàu tuần dương lớpTiconderoga của hải quân Mỹ và tàu Shikishima nặng 6.500 tấn của Nhật Bản, hai con tàu vốn được coi là tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, trang mạng Asia Sentinel hôm 22/1 cho biết.
Hai tàu mới này không trang bị quá nhiều vũ khí. Theo các bức ảnh được đăng tải tới nay, các con tàu trên đều không có tháp pháo. Tuy nhiên, hỏa lực không phải yếu tố khiến chúng trở nên đáng sợ, thay vào đó kích cỡ của chúng mới là điều khiến người ta phải cảnh giác, bình luận viên Todd Crowell nhận định.
Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, từng tuyên bố các tàu này có thể đâm chìm một tàu 9.000 tấn mà không bị hư hại gì. Nếu thông tin trên là chính xác thì tàu hải cảnh mới của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa đối với các tàu hải quân thông thường của Mỹ và Nhật Bản.
Tàu chiến đấu ven biển USS Forth Worth của hải quân Mỹ hiện đóng tại Singapore, thực hiện sứ mệnh tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, chỉ có lượng giãn nước là 1.200 tấn. Một chiến hạm như Forth Worth hoàn toàn có thể tự phòng vệ trong tình huống xảy ra va chạm với tàu Trung Quốc nhưng phải nổ súng trước.
Dùng tàu đâm va từ lâu đã là chiến thuật được Bắc Kinh sử dụng trong các tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông. Hồi năm 2011, một tàu đánh cá lớn của Trung Quốc cũng va chạm với tàu tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tàu tuần duyên thực chất không phải chiến hạm. Nếu muốn trang bị vũ khí, chúng thường được gắn súng máy hay có thể là súng tầm trung gắn trên boong.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Nhật tố tàu vũ trang Trung Quốc đi vào lãnh hải Một tàu tuần duyên Trung Quốc có vũ trang ngày 26.12 đã đi vào vùng biển mà Nhật Bản cho là lãnh hải của nước này, theo lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Tàu tuần duyên Trung Quốc tại biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 22.12 - Ảnh: Reuters Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhau...