“Chiến tranh lạnh” gián điệp kinh tế
Báo cáo tình báo của Mỹ đã cho rằng Trung Quốc hoạt động “năng nổ” nhất về lĩnh vực gián điệp kinh tế mạng, theo sau là Nga.
Cho đến giờ phút này, các cơ quan tình báo Mỹ vẫn luôn liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích quốc gia. Trong một diễn biến khiến nhiều người tưởng rằng Chiến tranh lạnh dường như vẫn chưa chấm dứt, báo cáo tổng hợp từ 14 cơ quan tình báo của Mỹ khẳng định những cuộc tấn công mạng liên tu bất tận từ tình báo Trung Quốc và Nga, hợp tác với giới tin tặc, đã nuốt chửng phần lớn kết quả nghiên cứu công nghệ cao cũng như dữ liệu phát triển của người Mỹ để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế của mình.
Đồng minh cũng can dự
Tờ Wall Street Journal đưa tin Văn phòng Quản trị phản gián quốc gia (ONCIX) ngày 3.11 đã trình lên Quốc hội Mỹ một bản báo cáo có nhan đề Foreign Spies Stealing US Economic Secrets in Cyberspace (tạm dịch Gián điệp ngoại quốc ăn cắp bí mật kinh tế của Mỹ qua mạng). Đây là một trong những lần hiếm hoi Mỹ lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc và Nga là đối tượng tình nghi tấn công các website kinh tế của họ.
Theo dõi tấn công tin tặc tại nhà thầu quân sự Mỹ Lockheed Martin – Ảnh: Reuters
Theo ONCIX, hàng chục tỉ USD đã bốc hơi khỏi nền kinh tế Mỹ hằng năm vì những đòn tấn công tin tặc liên tục vào hệ thống máy chủ của các cơ quan chính phủ nước này. Tình trạng thất thoát bí mật thương mại, công nghệ và quyền sáng chế trên ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế Mỹ bị sức ép nghiêm trọng, và buộc Washington cuối cùng phải điểm mặt từng đối tượng một trong nỗ lực tăng cường sự hợp tác phòng thủ giữa chính phủ và các tổ chức, theo Giám đốc ONCIX là Robert “Bear” Bryant.
Báo cáo nêu rõ các cơ quan tình báo nước ngoài, những tổ chức và các cá nhân đã gia tăng nỗ lực đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ trong thời gian từ 2009 đến 2011. Một số thủ phạm được xác định là đồng minh của Mỹ như Israel và Pháp, nhưng chủ yếu các cuộc tấn công đều xuất phát từ Trung Quốc, trong khi hoạt động tình báo kinh tế của Nga diễn ra kín kẽ hơn, nhưng không kém phần dày đặc. Khẳng định hoạt động gián điệp kinh tế là mối đe dọa chiến lược về dài hạn và trên phạm vi liên bang, Giám đốc ONCIX Bryant qua đó nhấn mạnh rằng: “Các nước như Trung Quốc và Nga, thông qua các cơ quan tình báo, đang tấn công vào nghiên cứu và phát triển của chúng ta”.
Dù khẳng định sự tàn phá nghiêm trọng của các hoạt động điệp báo mạng, Giám đốc Bryant cũng phải thừa nhận rằng rất khó để xác định được giá trị tổn thất trên thực tế khi một thông tin kinh tế bị lộ. Báo cáo cũng ghi nhận tổng giá trị nghiên cứu và phát triển của Mỹ vào khoảng 400 tỉ USD/năm. Nhưng để có cái nhìn tương đối, có thể xem xét ví dụ cụ thể sau. Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Tác chiến mạng, tướng Keith Alexander, từng tiết lộ một công ty Mỹ đã thất thoát đến 1 tỉ USD tính trên phương diện quyền sáng chế trong vòng vài ngày. Tờ Washington Post dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao giấu tên cũng đã đưa ra một vài trường hợp tấn công mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính trong 6 năm qua: nghiên cứu về thuốc trừ sâu trị giá 100 triệu USD của hãng Dow Chemical; nghiên cứu về công thức hóa chất trị giá 400 triệu USD của hãng DuPont; dữ liệu độc quyền 600 triệu USD của Motorola; 20 triệu USD tiền công thức sơn của Valspar. Còn theo báo cáo ONCIX, đến 6 trong 7 vụ án điệp báo về kinh tế trong năm tài chính 2010 tại Mỹ có liên quan đến đầu mối tại Trung Quốc.
Nga im lặng, Trung Quốc phản đối
Video đang HOT
Trong lúc Điện Kremlin chưa có phản hồi chính thức về báo cáo trên, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Vương Bảo Đông đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ, khẳng định Trung Quốc phản đối trước bất kỳ hình thức hoạt động xâm nhập mạng phi pháp. Trong một cuộc khảo sát an ninh mạng của Trung Quốc hồi năm 2009, 89% tỏ ra lo ngại rằng Mỹ có thể xâm nhập vào mạng máy tính của các tổ chức kinh tế nước này. Tuy nhiên, ngay lập tức chính quyền Mỹ cũng ra tuyên bố rằng chính sách của họ không hề cho phép thực hiện những hành động trộm cắp thông tin qua mạng.
Giới chuyên gia cho biết dữ liệu thất thoát một phần là do các công ty không tăng cường khả năng phòng thủ trước những đòn tấn công mạng. Việc thu thập được từng vụ tấn công tin tặc là điều khá khó khăn vì hầu hết các tổ chức ít khi chia sẻ thông tin sau khi trở thành nạn nhân, khiến chính phủ Mỹ không kịp đưa ra những cảnh báo cần thiết cho các đối tượng có liên quan. Xu hướng tội phạm mạng tăng mạnh cũng phản ánh thực tế trong thế giới ảo: phòng thủ còn khó gấp bội so với tấn công. Bất cứ trong cuộc chiến nào trên internet, phần lợi thế luôn thuộc về tin tặc.
Theo Thanh Niên
'Gián điệp' kinh tế thời @
Bất ngờ thấy thị trường xuất hiện sản phẩm có mùi vị, thành phần, kiểu dáng... giống y chang mặt hàng thực phẩm đang hút khách của cơ sở mình, bà giám đốc quyết tung tiền thuê thám tử tìm hiểu đối thủ cạnh tranh.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm với bí quyết gia truyền của nhà bà Liên tại TP HCM đang "phất" như diều gặp gió. Công việc làm ăn thuận lợi, dây chuyền công nghệ hiện đại được bà mạnh dạn đầu tư, nhà xưởng mở rộng đến cả nghìn mét vuông...
Bỗng một ngày bà giám đốc bất ngờ triệu tập cuộc họp gấp trong ban lãnh đạo thông báo trên thị trường vừa xuất hiện sản phẩm mới giống hệt kiểu dáng, mùi vị... sản phẩm mà gia đình bà giữ độc quyền công thức pha chế. Cho rằng không thể ai khác lại biết "bí mật gia truyền" này, bà Liên muốn tìm hiểu thực hư đối thủ cạnh tranh. Đích thân nữ doanh nhân tìm đến văn phòng thám tử đặt vấn đề.
Một thám tử đang tác nghiệp.
Hai thám tử nhiều kinh nghiệm Hưng và Mạnh được cử thâm nhập cơ sở "cạnh tranh" với doanh nghiệp của bà Liên. Nhưng kế hoạch xin vào đây làm công nhân của họ thất bại khi chủ cơ sở từ chối, bảo không có nhu cầu tuyển dụng.
Sau khi dò la bên ngoài, Mạnh và Hưng được biết trong giờ sản xuất (từ sáng đến trước 6 giờ chiều) khu vực này "nội bất xuất ngoại bất nhập". Hết giờ làm, hơn 100 công nhân mặc đồng phục trắng đồng loạt ra về. Quy trình sản xuất được ông chủ "lệnh" cấm tiết lộ ra bên ngoài...
"Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi lên phương án làm quen một nữ công nhân", Mạnh kể lại.
Chọn "giờ đẹp", sau cú cố tình va chạm nhẹ vào cô gái vừa tan ca làm việc, hai thám tử luống cuống xin lỗi, chăm sóc tận tình "người đẹp"... Họ quen nhau từ đó. Hưng điển trai nên được bố trí tranh thủ tình cảm của nữ công nhân.
"Tôi dặn Hưng khi "nhập vai" phải đặt công việc lên hàng đầu. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào không được lợi dụng tình cảm của cô gái để làm chuyện không hay"...", sếp của Hưng cho biết.
Sau hơn một tháng đi lại, Hưng đã chiếm được thiện cảm của thiếu nữ, nhờ cô xin được vào làm tại cơ sở chế biến thực phẩm này. Cậu thám tử với dáng vẻ thư sinh bảo hôm nào về mắt cũng sưng húp vì phải bóc vỏ cả đống hành củ. Ở đây, các biện pháp an ninh được thắt chặt, luôn có người giám sát nên thời gian đầu nhiều lần Hưng có ý định ghi hình nhưng không thực hiện được.
6 tháng làm việc ở đây, Hưng lân la làm quen được với nhiều công nhân và hiểu khá rõ về công đoạn sản xuất... Tận dụng nhiều cơ hội, "điệp viên kinh tế" này cũng thực hiện được các nhiệm vụ được giao...
Từ đó, các thám tử phát hiện "công thức độc quyền" chế biến thực phẩm cùng quy trình công nghệ sản xuất của doanh nghiệp bà Liên đã bị một người thân tín của bà đánh cắp, bán với giá 1 tỷ đồng.
Mỗi vụ việc, các thám tử thường bàn với nhau các phương án.
Nhiều thám tử cho biết, những đơn đặt hàng như trên họ thường xuyên nhận được khi trên thị trường hàng nhái "ăn theo" các sản phẩm có uy tín đang gia tăng.
Ông chủ một hãng sản xuất bình nóng lạnh có uy tín ở miền Bắc nhận được phàn nàn của một ca sĩ nổi tiếng về hàng vừa mua đã hư hỏng. Kiểm tra tại nhà khách hàng, ông phát hiện sản phẩm danh ca này sử dụng là hàng nhái. Không để ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, ông quyết định tìm hiểu "kẻ bôi xấu" thương hiệu của mình.
Nhận hợp đồng của khách hàng, cả chục thám tử được tung ra những tuyến phố có nhiều cửa hàng bán thiết bị phòng tắm như Cát Linh, Trường Chinh.. và cả các trung tâm điện máy để dò la. Một lớp tập huấn tìm hiểu về sản phẩm được mở cấp tốc.
Vào vai nhà thầu xây dựng cần số lượng lớn bình nước nóng lắp cho công trình, thám tử Đông đã tiếp cận một tổng đại lý... Dần dần xâm nhập, anh phát hiện người bán thường trà trộn hàng nhái vào hàng thật.
"Vỏ bình nhìn ngoài thì khó phân biết nhưng chất lượng linh kiện bên trong thì khác hẳn. Dây đồng bé hơn, ốc vít trông sáng loáng nhưng chất lượng rất kém...". Đông cho biết.
Sau cả tháng tìm hiểu, cuối cùng nhóm thám tử cũng lần ra được nơi sản xuất hàng nhái với các phụ kiện rẻ tiền được nhập lậu từ Trung Quốc... Sự việc được báo nhà chức trách để xử lý ổ cung cấp hàng rởm này.
"Hàng nhái khá nguy hiểm. Không ai biết trước những chiếc bình nước nóng đó có rò điện làm giật chết người hay không? Ngoài vấn đề thù lao, chúng tôi quyết tâm lật tẩy những hành vi gian lận", một thám tử trực tiếp tham gia "phá án" nói.
Thái Thịnh
Theo VnExpress
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.