Chiến tranh 1979: Tướng Lương vạch trần sự bịa đặt trắng trợn
Nói đến clip về chiến tranh xâm lược VN năm 1979 trên Hoàn cầu thời báo, tướng Lương cho rằng đó là một sự xuyên tạc lịch sử.
Lời tòa soạn: Mới đây Tờ Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc trắng trợn tung clip tái hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn được truyền thông nước này gọi là: Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương (Ảnh: Tuấn Nam)
Liên quan đến clip này là những con số và sự đánh giá về mức độ tinh nhuệ của cả hai phía.
Để hiểu rõ hơn về những thông tin trong cuộc chiến tranh năm 1979 đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương về vấn đề này.
Thiếu tướng Lê Mã Lương
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương là người từng lăn lộn, chiến đấu tại những nơi ác liệt nhất ở biên giới phía Bắc trong 8 năm (1979 – 1987). Đó là vị tướng nổi tiếng với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”. Ông được phong Anh hùng LLVTND khi 21 tuổi.
PV: Thưa Thiếu tướng, là người trực tiếp tham gia cuộc chiến này, Thiếu tướng có suy nghĩ gì khi Hoàn Cầu thời báo tung ra 1 clip trắng trợn xuyên tạc lịch sử như vậy?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Rõ ràng nội dung về cuộc chiến trên Hoàn Cầu thời báo là một sự xuyên tạc lịch sử, không có cơ sở thuyết phục vững vàng.
Người viết bài này chắc chưa được nghe kể về cuộc chiến. Và nếu có người kể thì chắc người kể cũng không phải người trong cuộc mà chỉ dựa vào tài liệu nào đó không chính xác nên viết không đúng.
Nội dung clip trên Hoàn Cầu thời báo nói về cuộc chiến năm 1979 nhưng lại chủ yếu viết về chiến trường ở Lạng Sơn và một góc Lào Cai (khu vực Hoàng Liên Sơn liên quan đến sư đoàn 316).
Ngay cả việc nói rằng tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của quân đội Việt Nam cùng hàng trăm khẩu pháo, hàng trăm xe ô tô cũng là những con số bịa đặt.
Đó là một tổng kết không dựa trên cơ sở nào. Nó thể hiện đúng với bản chất tuyên truyền của TQ: “Biến nhỏ thành lớn, biến không thành có”. Khi đọc bài viết này những người trong cuộc thấy buồn cười.
Các mũi tấn công Việt Nam của quân Trung Quốc tháng 2/1979
PV: Họ có nói rằng: “Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng.
Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết…
Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát”.
Thiếu tướng nghĩ như thế nào về những nhận định này?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Họ nói Trung đoàn anh hùng là trung đoàn nào? Họ viết tuyên truyền mà thiếu cơ sở nên không thuyết phục được người nghe. Cách viết rất chung chung, thiếu sự hiểu biết.
PV: Còn chi tiết Việt Nam thả thuốc độc xuống những khu vực có nước thì sao, thưa ông?
Video đang HOT
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Chi tiết này hoàn toàn là bịa đặt. Và nếu có việc thả thuốc độc thì chính người TQ thả chứ không phải người Việt Nam. Nhiều con sông chảy từ TQ sang VN.
Họ đi đâu cũng tàn phá rất khủng khiếp. Quân TQ đi trước thì đội dân binh đi sau. Đó hầu hết là những người Hoa ở VN được TQ “dụ” trở về. Đội dân binh đó rất thông thổ, đi đường mòn để tiến sâu vào VN.
TQ tận dụng họ. Lực lượng này giống như đội quan bát nháo, “vơ bèo vạt tép”. Họ vào trong nhà dân Việt Nam, có thể thứ gì lấy được là họ lấy. Đối với những thứ không lấy được thì họ đập phá.
Một điển hình về đập phá đó là khi tôi lên Thư viện Lào Cai nằm trên một sườn núi. Khi quân TQ vào thư viện đã lấy sách và xé, quẳng trắng xóa suốt một khoảng trước thư viện cho đến dưới chân đồi.
Nhìn cảnh tượng đó tôi bỗng cảm thấy những kẻ đó vừa hèn hạ, vừa vô học đến mức nào. Mình xót nhưng mình cũng thấy được những dân binh của TQ ngày đó như thế nào.
Họ đang ca ngợi quân TQ tinh nhuệ nhưng thực tế họ đang bóc trần những hành động thô bỉ, những việc làm vô nhân đạo và vô văn hóa của quân TQ ngày đó.
Bệnh viện huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2/1979 (Ảnh tư liệu)
PV: Họ nói đây là cuộc chiến phản kích tự vệ. Ông nghĩ sao về cách gọi tên này của họ?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Cuộc chiến phản kích tự vệ ư? Nói thế thì đến đứa trẻ con cũng không thể chấp nhận.
Tại sao lại là phản kích tự vệ? Quân đội VN có đánh quân đội TQ bao giờ đâu mà họ đưa 60 vạn quân xâm lược 6 tỉnh miền Bắc, phá tan các thị xã lớn của các tỉnh biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh cho đến tận Lai Châu.
Năm thị xã ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã bị phá tan. Những sự phá hoại này đã gây ra một hậu quả về kinh tế rất lớn đối với VN.
Như vậy, nói chính xác thì VN mới là nước phản kích tự vệ.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh
Trong cuộc chiến biên giới năm 1979, Trung Quốc đã đưa quân tới tận sông Kỳ Cùng, gây ra nhiều đau khổ cho nhân dân Việt Nam, nhưng nay họ lại tuyên truyền sai sự thật một cách trắng trợn rằng họ chỉ tự vệ.
PV: Ông có đánh giá gì về quân Trung Quốc ngày đó?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Tôi thấy rất lạ. Lạ ở chỗ quân Giải phóng TQ không phải được giáo dục để làm như vậy. Họ đã có những hành động không tương xứng với tên của họ.
Họ có thể đặt mìn để phá tất cả: cầu, cống và cả những cây to ở ven đường. Không thể tưởng tượng được đó lại là hành động của một đội quân giải phóng, một đội quân của nhân dân TQ, một quân đội do Đảng Cộng sản TQ lãnh đạo.
Họ nói họ tinh nhuệ nhưng qua thực tế chiến đấu cho thấy đó là điều hết sức buồn cười. Trong khoảng 1979-1987 đến 1990, quân đội TQ là quân đội với trang bị thấp kém nhiều so với VN.
PV: Vậy còn quân Việt Nam khi đó thì sao thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, chúng ta tiếp quản được một lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật rất mạnh.
Nếu ngày đó TQ mà mang máy bay sang không chiến với VN thì họ sẽ bị thua. Với những trang bị kỹ thuật, trình độ không chiến, kinh nghiệm và bản lĩnh của phi công Việt Nam thì TQ làm sao đánh được.
Quân đội Việt Nam ngày đó là một quân đội vừa thoát li ra khỏi cuộc chiến 30 năm ấy với nhiều kinh nghiệm về tổ chức hiệp đồng binh chủng.
Không những vậy, chúng ta còn làm chủ phương tiện kỹ thuật đồng thời với bản lĩnh chỉ huy của những người chỉ huy các cấp cùng hành động chiến đấu anh hùng của những người lính.
Tất cả đều đã được thừa hưởng, tích lũy khi họ được trải qua cuộc chiến 30 năm với Mỹ.
Sau này nhiều người mới hiểu vì sao TQ không dám đưa máy bay sang không chiến với VN.
Nếu so với về vũ khí và kinh nghiệm tổ chức chiến đấu thì quân đội VN khi đó hơn quân đội TQ một bậc.
(còn nữa)
Một số nội dung trong clip xuyên tạc lịch sử, hiếu chiến của Hoàn Cầu thời báo:
Cánh quân phía bên trái cũng anh dung vượt qua rào cản phòng ngự của quân đội Việt Nam, thọc sâu vào căn cứ ở hậu phương của quân địch (quân đội Việt Nam).
Quân Việt Nam ở Đồng Đăng bị biến thành ba ba trong rọ, bị cắt đứt đường lui. Trung đoàn Anh hùng của Việt Nam lâm vào cảnh mọc cánh cũng khó thoát.
Khi chiến tranh nổ ra, những khu vực có nước ở Việt Nam đều bị quân đội nước này thả thuốc độc vào. Nhiều khi, để giải quyết vấn đề nước uống, binh sĩ (Trung Quốc) đã phải hy sinh tính mạng của mình.
Cái gọi là đơn vị Anh hùng của Việt Nam mau chóng bị quân đội Trung Quốc dọa cho trợn mắt há miệng. Thi thể lính Việt Nam chết trận phải dùng đến 17 xe tải mới chở hết…
Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam.
Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng.
Theo Trí Thức Trẻ
Tàn tích của cuộc chiến tranh biên giới 1979
Thị trấn Đồng Đăng đã hồi sinh, nhưng đống đổ nát của pháo đài Đồng Đăng vẫn nằm lại trên đỉnh đồi như lời nhắc nhở về một thời.
Nằm trên một ngọn đồi ở phía Nam thị trấn Đồng Đăng, pháo đài Đồng Đăng là một chứng tích lịch sử đặc biệt của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Nằm ở một vị trí chiến lược cách cửa khẩu Việt - Trung 2km, pháo đài là một hệ thống lô cốt rất vững chắc do Pháp xây dựng từ năm 1939 đến năm 1941 để không chế một khu vực rộng lớn tiếp giáp với biên giới Trung Quốc.
Pháo đài được thiết kế phức tạp với nhiều tầng, phần nổi là những cụm lô cốt kiên cố với lỗ châu mai nhô lên trên đỉnh đồi, trong khi phần chìm là một hệ thống tầng hầm gồm nhiều phòng chức năng như phòng họp, phòng ngủ, nhà bếp, nhà kho...
Trong thời gian chống thực dân Pháp, pháo đài Đồng Đăng là một cứ điểm bất khả xâm phạm. Nhiều lần quân dân ta đánh chiếm pháo đài nhưng đều không thành. Mãi đến năm 1944 - 1945, lợi dụng Nhật đảo chính Pháp, quân dân ta được lệnh khởi nghĩa mới chiếm được pháo đài. Tuy nhiên, sau khi Pháp quay trở lại đô hộ nước ta năm 1946, chúng đã chiếm lại pháo đài.
Trong chiến dịch Biên giới 1950, quân Pháp thua trận phải rút chạy về xuôi theo đường đường số 4. Đến thị trấn Đồng Đăng, chúng đã dùng thuốc nổ để phá hoại pháo đài nhằm không cho quân ta chiếm giữ một cứ điểm quan trọng. Tuy nhiên, do được thiết kế rất kiên cố nên pháo đài chỉ bị hư hỏng nhẹ.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, khu vực pháo đài Đồng Đăng được giao cho một đơn vị Công an vũ trang (C5) của Công an tỉnh Lạng Sơn bảo vệ (đơn vị này ngày nay được gọi là đại đội C1 thuộc phòng cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Lạng Sơn).
Vào thời điểm trước khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, có trên 100 chiến sĩ thuộc Đại đội 5 Công an vũ trang Lạng Sơn được bố trí tại đây.
Ngày 17/2/1979, khi quân Trung Quốc đồng loạt nổ súng xâm lược, hàng trăm người dân Đồng Đăng chạy lên đây trú ẩn và cùng các chiến sĩ C5 chiến đấu, lo công tác hậu cần.
Trong những ngày đầu cuộc chiến, nhờ vị thế hiểm yếu của pháo đài, quân ta đã đánh bật hàng chục đợt tấn công của địch hòng chiếm lấy cao điểm, tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Sau hơn một tuần giáo chiến, do lực lượng bị tổn thất, các chiến sĩ C5 phải rút dần vào trong pháo đài. Địch đã tiếp cận đường hầm, đặt thuốc nổ giật sập cửa vào hầm ngầm, dùng lựu đạn cay thả xuống hầm qua các lỗ thông hơi, dùng cả súng phun lửa phun vào các ngách hầm.
Trong hàng trăm người dân và chiến sĩ cố thủ trong pháo đài, chỉ có 6 người sống sót thoát ra được sau đó. Những người còn lại đều chết ngay trong lòng pháo đài.
Dù kết thúc trong đau đớn, cuộc chiến ở pháo đài Đồng Đăng đã giúp cầm chân quân Trung Quốc khi tiến về thị xã Lạng Sơn, gây nên những tổn thất to lớn cho đội quân xâm lược.
Sau khi chiếm được pháo đài Đồng Đăng, quân Trung Quốc đã dùng 10 tấn thuốc nổ để phá hệ thống lô cốt này. Tuy nhiên, số thuốc nổ này chỉ làm sập được phần trên cùng của lô cốt, còn hệ thống hầm gầm vẫn nguyên vẹn.
Sau gần 4 thập niên, thị trấn Đồng Đăng đã hồi sinh, nhưng đống đồ nát của pháo đài Đồng Đăng vẫn nằm lại trên đỉnh đồi hoang vu như lời nhắc nhở về một giai đoạn đau thương trong lịch sử.
Theo Kiến Thức
Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình, chính sách với láng giềng không đổi Thời gian xảy ra vụ giàn khoan 981, truyền thông Trung Quốc đưa tin Tập Cận Bình đã đến thăm 1 đơn vị quân đội, thúc giục binh lính phải "sẵn sàng chiến đấu". Đặng Tiểu Bình cho rằng Trung Quốc chưa đủ sức làm lãnh đạo thế giới, nhưng phải bảo vệ cái gọi là "lợi ích quốc gia". Chính Đặng Tiểu...