Chiến sự Ukraine đến chiều 13.6: Ukraine bị đẩy khỏi trung tâm Severodonetsk
Nga đã đẩy được lực lượng Ukraine ra khỏi trung tâm thành phố Severodonetsk ở tỉnh Luhansk thuộc vùng Donbass, đồng thời phá hủy 2 trên 3 cây cầu duy nhất nối Severodonetsk với các địa phương lân cận.
Một binh sĩ Ukraine bên trong xe tăng tại tỉnh Donetsk ngày 11.6. Ảnh REUTERS
Severodonetsk sắp bị cô lập
Theo CNN, quân đội Ukraine ngày 13.6 thừa nhận lực lượng nước này đã bị đẩy lùi khỏi trung tâm thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk ở miền đông Ukraine sau nhiều tuần giao tranh dữ dội với Nga.
Tỉnh trưởng Luhansk Serhiy Haidai cũng nói trong đêm, Nga đã thành công một phần ở thành phố Severodonetsk, “đẩy lùi binh sĩ của chúng tôi khỏi trung tâm và tiếp tục phá hủy thành phố của chúng tôi”. Ông Haidai nói thêm rằng lực lượng Nga đang “tập trung thêm thiết bị” để bao vây Severodonetsk và thành phố gần đó Lysychansk. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng Ukraine đang tranh giành “mỗi mét” ở Severodonetsk.
Tỉnh trưởng Luhansk cho biết thành phố Lysychansk cũng đang bị Nga pháo kích, khiến một bé trai 6 tuổi thiệt mạng. Nga chưa phản hồi cáo buộc này.
Theo Reuters, ông Haidai cũng nói lực lượng Nga đã phá hủy cây cầu thứ hai trong số ba cây cầu bắc qua sông Siverskyi Donets nối Severodonetsk với thành phố Lysychansk. Nếu cây cầu cuối cùng bị phá hủy, Severodonetsk sẽ bị cô lập và người dân sẽ không thể tiếp tục dùng ô tô để rời thành phố.
Hàng trăm dân thường ở Severodonetsk cũng đang trú ẩn trong nhà máy hóa chất Azot của thành phố, gợi nhớ đến tình hình ở thành phố Mariupol vài tháng trước, nơi hàng trăm người bị mắc kẹt nhiều tuần liền trong nhà máy thép Azovstal.
“Khoảng 500 dân thường vẫn ở trong khuôn viên của nhà máy Azot tại Severodonetsk, 40 người trong số đó là trẻ em. Quân đội Ukraine thỉnh thoảng có thể sơ tán được vài người”, tỉnh trưởng Haidai cho biết.
Ukraine xuất khẩu lương thực qua đường Ba Lan, Romania
Theo Reuters, Ukraine đã mở 2 tuyến xuất khẩu ngũ cốc sang Ba Lan, Romania nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu và đang tìm thêm tuyến thứ 3, dù các tuyến này gặp tình trạng nút thắt cổ chai.
Video đang HOT
Phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào ngày 12.6, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Senik nói Ukraine đang đàm phán với các nước Baltic để có thêm tuyến xuất khẩu lương thực thứ 3.
Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 4 thế giới và có khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc đang lưu kho tại lãnh thổ do nước này hiện kiểm soát. Ukraine vẫn đang tìm cách xuất khẩu ngũ cốc qua các tuyến đường bộ, đường sông và đường sắt.
Ukraine kêu gọi phương Tây cấp thêm vũ khí
Theo CNN, Ukraine đang kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng trước hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng quốc phòng ở Brussels (Bỉ) vào ngày 15.6.
“Nói thẳng ra – để kết thúc xung đột, chúng tôi cần có số vũ khí hạng nặng tương đương với Nga”, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine, cho biết trên Twitter ngày 13.6.
Ông Podolyak nói rằng Ukraine cần 1.000 pháo cỡ nòng 155 mm, 300 hệ thống phóng nhiều tên lửa (MLRS) 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.
NATO sẽ tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cùng với các bộ trưởng và quan chức đồng minh từ Thụy Điển, Phần Lan, Georgia và Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ) vào ngày 15.6.
Ngày 12.6, hãng tin Interfax của Nga đưa tin tên lửa hành trình của Nga đã phá hủy một kho lớn chứa vũ khí của Mỹ và châu Âu trong tỉnh Ternopil ở miền tây Ukraine. Trong khi đó, tỉnh trưởng Ternopil cho biết tên lửa bắn từ biển Đen vào thành phố Chortkiv đã phá hủy một phần cơ sở quân sự và làm 22 người bị thương. Một quan chức địa phương cho biết không có vũ khí nào được cất giữ ở đó.
Cùng ngày 12.6, Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết trên Facebook rằng tướng Valeriy Zaluzhny, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine, đã nói chuyện với tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, và nhắc lại yêu cầu cung cấp các hệ thống pháo hạng nặng hơn.
Tổng thư ký NATO khuyên Ukraine nhượng bộ Nga?
Trong chuyến thăm Phần Lan ngày 12.6 và gặp Tổng thống Sauli Niinisto để bàn về kế hoạch gia nhập NATO của nước này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg được cho là đã nói về xung đột Ukraine rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng đi kèm những thỏa hiệp, bao gồm về lãnh thổ.
“Hòa bình là có thể. Câu hỏi duy nhất là bạn sẵn sàng trả mức giá nào để có hòa bình? Bao nhiêu phần lãnh thổ, bao nhiêu sự độc lập, bao nhiêu chủ quyền bạn sẵn sàng hy sinh vì hòa bình?”, đài RT của Nga dẫn lời ông Stoltenberg.
Ông Stoltenberg không gợi ý Ukraine nên chọn phương án nào mà chỉ nói rằng “tùy vào người trả mức giá cao nhất đưa ra phán quyết”. Tổng thư ký NATO cũng cho biết phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để củng cố vị thế của Kyiv khi thỏa thuận được đàm phán.
Các tuyên bố này không xuất hiện trong thông cáo của NATO và chưa có hãng tin phương Tây nào trích dẫn. Hiện Ukraine chưa phản ứng trước các phát biểu trên.
Cựu thủ tướng Nga nói xung đột có thể kéo dài 2 năm
AFP ngày 13.6 dẫn lời ông Mikhail Kasyanov (64 tuổi), người đầu tiên nhậm chức thủ tướng Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, cho biết ông dự đoán xung đột ở Ukraine có thể kéo dài đến 2 năm và Ukraine bắt buộc phải giành chiến thắng.
“Nếu Ukraine sụp đổ, các nước Baltic sẽ là mục tiêu tiếp theo”, ông Kasyanov nói và nhận định kết quả của cuộc xung đột cũng sẽ quyết định tương lai của Nga.
Cựu thủ tướng Kasyanov cho biết ông “hoàn toàn không đồng ý với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng không nên khiến Nga mất mặt”. Ông Kasyanov cũng bác bỏ những lời kêu gọi Ukraine nhượng lại lãnh thổ để chấm dứt xung đột.
Ông Kasyanov là thủ tướng Nga từ năm 2000 đến năm 2004. Khi còn là thủ tướng, ông ủng hộ việc Nga có quan hệ chặt chẽ với phương Tây. Sau khi bị Tổng thống Putin sa thải, ông Kasyanov gia nhập phe đối lập của Nga và trở thành một trong những người chỉ trích Điện Kremlin.
Ông hiện là lãnh đạo của đảng Tự do Nhân dân đối lập (Parnas). Ông Kasyanov cũng cho biết mình đã rời Nga và đang sống ở châu Âu nhưng từ chối tiết lộ vị trí vì lo ngại cho sự an toàn của mình.
Ngoại trưởng Pháp 'sốc nặng' vì nhà báo Pháp tử nạn khi đưa tin về việc di tản thường dân ở Ukraine
Pháp và Ukraine đang hợp tác điều tra về tội ác chiến tranh liên quan đến cái chết trong khi làm nhiệm vụ của Frédéric Leclerc-Imhoff, phóng viên ảnh đến Ukraine lần thứ 2 kể từ ngày 24.2 để đưa tin về cuộc chiến.
Hôm thứ hai 30.5 vừa qua, nhà báo trẻ 32 tuổi Frédéric Leclerc-Imhoff của Đài truyền hình Pháp BFM-TV, người tốt nghiệp học viện báo chí Bordeaux Aquitaine, đã tử nạn khi theo một đoàn xe nhân đạo để tường thuật về việc di tản thường dân hỏi vùng chiến sự ở gần thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk, vùng Donbas, miền đông Ukraine.
Phóng viên ảnh Frédéric Leclerc-Imhoff đã bị chết khi đến Ukraine lần thứ 2 để đưa tin về cuộc chiến, kể từ ngày 24.2.2022
Đây là nhà báo thứ 8 và là nhà báo Pháp thứ 2 tử nạn ở Ukraine kể từ khi nổ ra chiến sự, ngày 24.2.2022. Anh bị trúng một mảnh đạn pháo của quân Nga bắn trong khi đang ngồi trong một chiếc xe bọc thép cùng một đồng nghiệp khác của đài và một nữ thông dịch viên. Đồng nghiệp của anh, ngồi ở cuối xe, bị thương nhẹ ở chân trong khi thông dịch viên thoát nạn. Anh đã làm việc 6 năm cho đài truyền hình trên. Ban biên tập đài BFM-TV đã đưa tin về cái chết trong khi làm nhiệm vụ của phóng viên ảnh Frédéric Leclerc-Imhoff, người tốt nghiệp học viện báo chí Bordeaux Aquitaine và đến Ukraine lần này là lần thứ 2 kể từ ngày 24.2 để đưa tin về cuộc chiến.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã xác nhận tin này khi viết trên Twitter: "Frédéric Leclerc-Imhoff có mặt ở Ukraine để cho thấy thực tế của cuộc chiến. Trên một chiếc xe hoạt động nhân đạo, bên cạnh những người dân thường phải chạy trốn khỏi bom Nga, anh đã bị tử thương".
Tổng thống Pháp viết về cái chết của nhà báo Pháp trên Twitter hôm 30.5
Cái chết của nhà báo Pháp khiến cho chuyến thăm Kyiv vừa khởi đầu cùng ngày của tân nữ Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhuốm màu tang thương. "Đây là một tội ác kép, vừa nhắm vào một đoàn xe nhân đạo vừa nhắm vào nhà báo", bà Ngoại trưởng Pháp tuyên bố. Bà nói cái chết của nhà báo Frédéric Leclerc-Imhoff gây "sốc nặng" và đề nghị mở cuộc điều tra minh bạch về hoàn cảnh dẫn đến cái chết của nhà báo.
Trước đó, trong buổi sáng, bà đã đến thăm Bucha, gần Kyiv, nơi đã diễn ra những vụ thảm sát dân thường mà Ukraine cáo buộc lính Nga gây ra.
Chủ tịch Hội nhà báo Ukraine, Serhiy Timolenko cho biết nhà chức trách Ukraine đang bàn cách hồi hương thi thể nhà báo tử nạn về Pháp nhưng trong điều kiện đang có giao tranh và pháo kích liên tục, việc này gặp rất nhiều khó khăn.
Ông nói tiếp: "Các nhà báo đang trả giá bằng mạng sống của mình để phục vụ quyền được biết sự thật về những gì đang diễn ra trong cuộc chiến tranh tại Ukraine".
Phát biểu trên đài France Inter, Tổng thư ký tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nói rằng kể từ đầu cuộc chiến các nhà báo đưa tin ở Ukraine đã bị quân Nga nhắm bắn "như bắn thỏ" dù có đeo phù hiệu "Báo chí".
Tổng giám đốc Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục của LHQ (UNESCO), bà Audrey Azoulay cũng đã ra tuyên bố nói: "Tôi lên án việc giết Frédéric Leclerc Imhoff và kêu gọi mở cuộc điều tra để xác định và đưa ra xét xử những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác này".
UNESCO lên án việc giết nhà báo Frédéric Leclerc-Imhoff
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin về sự kiện này viết: "Có thể xem người Pháp chết trong vùng Donbas là lính đánh thuê. Ít có khả năng công dân Pháp chết trên lãnh thổ Cộng hòa nhân dân Luhansk có liên quan tới báo chí, nhưng anh ta có thể lo việc chuyển đạn dược tới các vị trí của quân đội Ukraine - sĩ quan dân quân Cộng hòa nhân dân Luhansk A. Marotchko tuyên bố với TASS".
Theo BFM-TV, trước kiểu đưa tin "lố bịch" của TASS, vào ngày hôm sau cái chết của con, người mẹ của Frédéric đã lên tiếng đáp trả, bà ca ngợi "sự dấn thân nghề nghiệp và dấn thân cá nhân" của con trai "vì dân chủ, sự tôn trọng con người, và nhất là vì một nền thông tin tự do, vô tư và trung thực".
Bà viết: "Gửi TTX TASS và nhà chức trách CHND Luhansk (tự xưng). Xin chào. Tôi là mẹ của nhà báo trẻ mà các ông đã giết hôm qua. Bản tin của các ông khiến tôi nôn mửa. Tất nhiên các ông hèn nhát tìm cách trốn tránh trách nhiệm nhưng nên biết rằng các ông sẽ không bao giờ bôi nhọ ký ức về con tôi được. Mọi người ở đây đều biết sự dấn thân nghề nghiệp và dấn thân cá nhân của con tôi vì dân chủ, sự tôn trọng con người và nhất là vì một nền thông tin tự do, vô tư và trung thực - những khái niệm dường như rất xa lạ với những gì thúc đẩy các ông. Ngày hôm nay, tôi nghĩ tới tất cả những người mẹ Ukraine khóc mất con, tất cả những trẻ em Ukraine khóc mất mẹ cha và tất cả những người mẹ Nga tiễn con mình đi lính quá sớm để rồi không được gặp lại con và tự hỏi tại sao".
Trong khi đó, BFM-TV ngày 1.6 đưa tin, Viện Công tố quốc gia Pháp phụ trách điều tra về khủng bố đã ra thông báo mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh để làm sáng tỏ cái chết của nhà báo Frédéric Leclerc-Imhoff ở Ukraine. Các cuộc điều tra về những gì xảy ra trên lãnh thổ nước ngoài (Ukraine) sẽ được tiến hành với sự hợp tác của nhà chức trách Pháp và Ukraine. Cuộc điều tra được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tiến hành dưới bom đạn.
Lý do thành phố Severodonetsk lại quan trọng với cả Ukraine và Nga Phong trào đòi độc lập ở Ukraine khởi phát tại Severodonetsk và giờ đây thành phố này lại trở thành tâm điểm của cuộc chiến Nga-Ukraine ở vùng Donbass. Severodonetsk hiện là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt nhất ở vùng Donbass. Ảnh: AFP Vài tuần trước, những binh sĩ cuối cùng của Ukraine đóng tại thành phố Mariupol đã đầu...