Chiến hạm đặt nền móng cho hải quân Mỹ vươn ra toàn cầu
USS Langley là tàu sân bay đầu tiên của hải quân Mỹ, giúp lực lượng này rút ra nhiều bài học trong vận hành và triển khai sức mạnh toàn cầu.
Mỹ hiện là quốc gia có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới với nòng cốt là 11 siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, mỗi chiếc có lượng giãn nước khoảng 100.000 tấn.
Trong lịch sử của mình, hải quân Mỹ đã sở hữu 80 tàu sân bay các loại, toàn bộ đều khởi nguồn từ USS Langley (CV-1), hàng không mẫu hạm đầu tiên được hoán cải từ tàu tiếp than hải quân USS Jupiter.
USS Jupiter (AC-3) là một trong 4 tàu chở than được Mỹ đóng vào đầu thế kỷ 20. Tàu được hạ thủy ngày 14/8/1912 và biên chế ngày 7/4/1913. Nhiệm vụ chính của USS Jupiter trong Thế chiến I là tiếp tế than và vận chuyển phi công hải quân Mỹ đến châu Âu.
Máy bay tập hạ cánh trên USS Langley. Video: Youtube/Airboyd.
Năm 1919, Mỹ quyết định hoán cải USS Jupiter thành tàu sân bay đầu tiên ở nhà máy đóng tàu hải quân Norfolk, bang Virginia. Ngày 11/4/1920, tàu được đặt tên mới là USS Langley và số hiệu CV-1, theo tên nhà thiên văn học người Mỹ Samuel Pierpont Langley.
Do ràng buộc của Hiệp ước hải quân Washington năm 1922, USS Langley chỉ được dùng để tiến hành các thử nghiệm về không quân hải quân.
Sau khi được hoán cải thành tàu sân bay, USS Langley có lượng giãn nước đầy tải khoảng 13.900 tấn, chỉ bằng hai phần ba so với mức 19.360 tấn của USS Jupiter. Tàu dài 165 m, rộng 20 m, được trang bị ba nồi hơi công suất 7.200 mã lực và động cơ điện đầu tiên của hải quân Mỹ, cho phép nó đạt tốc độ gần 29 km/h và tầm hoạt động 6.500 km. Tàu có thủy thủ đoàn 468 người do trung tá Kenneth Whiting làm hạm trưởng.
USS Langley được trang bị một sàn cất hạ cánh cho máy bay, có thể mang 36 phi cơ các loại, cùng với đó là 4 khẩu pháo cỡ nòng 127 mm.
Là tàu sân bay đầu tiên trong biên chế hải quân Mỹ, USS Langley đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại với lực lượng này. Ngày 17/10/1922, đại úy Virgil C. Griffin lần đầu điều khiển máy bay Vought VE-7 cất cánh từ sàn tàu, đánh dấu cột mốc quan trọng của hải quân Mỹ.
Hơn một tuần sau, thiếu tá Godfrey de Courcelles Chevalier thực hiện cú hạ cánh đầu tiên trên tàu sân bay với chiếc Aeromarine 39B. Ngày 18/11, Mỹ lần đầu thử nghiệm máy phóng máy bay trên USS Langley.
USS Langley tham gia nhiều cuộc huấn luyện, thử nghiệm và tập trận cùng Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ trong giai đoạn 1927-1936, giúp đào tạo nhiều phi công xuất sắc và hoàn thiện các học thuyết vận hành tàu sân bay cho Mỹ. Đến cuối năm 1936, nó tiếp tục được hoán cải thành tàu hỗ trợ thủy phi cơ và đổi số hiệu thành AV-3.
USS Langley di chuyển trên biển năm 1927. Ảnh: US Navy.
Trong Thế chiến II, USS Langley chiến đấu ở mặt trận Thái Bình Dương và đóng quân ở Philippines. Sáng 27/2/1942, nó được lệnh chở máy bay đến đảo Java dưới sự hộ tống của hai khu trục hạm. Tuy nhiên, nhóm tàu bị trinh sát cơ Nhật Bản phát hiện khi còn cách Tjilatjap khoảng 121 km, khiến USS Langley và hai tàu khu trục phải đối mặt với 16 oanh tạc cơ Mitsubishi G4M.
USS Langley 5 lần bị trúng bom, khiến 16 thủy thủ thiệt mạng, hỏng bánh lái, nước tràn vào khoang động cơ và nghiêng 10 độ, buộc thủy thủ đoàn rời tàu. Các tàu khu trục hộ tống đã cứu thủy thủ đoàn, sau đó bắn pháo 100 mm và phóng hai quả ngư lôi để đánh chìm USS Langley, ngăn nó không bị rơi vào tay đối phương.
“USS Langley là thiết kế mang tính cách mạng, giúp hải quân Mỹ khắc phục vô số thách thức khi vận hành tàu sân bay trên biển như cất hạ cánh và bảo quản máy bay. Nó là bước đầu tiên giúp nước Mỹ triển khai sức mạnh quân sự và vươn ra toàn cầu”, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin nhấn mạnh.
Siêu tàu sân bay Mỹ hỏng máy phóng điện từ
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford phải giảm bớt hoạt động bay trong đợt thử nghiệm trên biển sau khi máy phóng điện từ ngừng hoạt động 5 ngày.
Hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) trên siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford bị hỏng hôm 2/6, trước khi chiến hạm này bắt đầu đợt nghiệm thu trên Đại Tây Dương. Đây là đợt kiểm tra quan trọng, đánh dấu lần đầu USS Gerald R. Ford tiếp nhận một không đoàn trên hạm với 1.000 phi công và nhân viên kỹ thuật.
Mãi tới ngày 7/6, hệ thống EMALS mới được khắc phục, khiến tàu sân bay Ford phải giảm bớt nhiều hoạt động bay, nhưng hải quân Mỹ khẳng định chiến hạm và không đoàn trên hạm vẫn hoàn tất nhiều mục tiêu thử nghiệm theo kế hoạch.
USS Gerald R. Ford di chuyển trên Đại Tây Dương hôm 4/6. Ảnh: US Navy.
"Chuyến thử nghiệm của Không đoàn trên hạm số 8 là thời khắc lịch sử với tàu Ford. Đơn vị này đã hoàn thành hàng trăm lượt cất hạ cánh, trong đó 50 học viên và phi công được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trên tàu sân bay", hạm trưởng J.J. Cummings nói hôm 1/6.
"Sự cố dường như xảy ra khi hệ thống điều phối năng lượng được khởi động lại bằng cách thủ công. Nó không uy hiếp an toàn bay, chúng tôi đang xem xét quy trình vận hành và ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của tàu", phát ngôn viên hải quân Mỹ Danny Hernandez hôm qua cho biết.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford sử dụng năng lượng điện để vận hành máy phóng và cáp hãm đà, thay thế hệ thống chạy bằng hơi nước trên tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay. Quan chức hải quân Mỹ cho rằng công nghệ điện từ giúp đơn giản hóa việc bảo dưỡng thiết bị, giúp máy bay tăng tốc trơn tru và giảm hư hại khung thân.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phê phán hệ thống EMALS, cho rằng nó "không có tác dụng" và yêu cầu hải quân Mỹ "quay trở lại với thiết bị hơi nước". Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ cho biết Lầu Năm Góc phải chật vật để chứng minh độ tin cậy của các hệ thống then chốt trên USS Gerald R. Ford, trong đó có EMALS.
Tiêm kích F/A-18F cất cánh sau khi hệ thống EMALS được sửa chữa hôm 7/6. Ảnh: US Navy.
Là mẫu tàu sân bay được thiết kế mới đầu tiên của Mỹ trong 40 năm qua, lớp Ford được trang bị nhiều công nghệ và các hệ thống vận hành mới, giúp tàu có thể tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa.
Sở hữu lượng giãn nước đầy tải 100.000 tấn và chi phí chế tạo 13 tỷ USD, USS Gerald R. Ford cũng là tàu sân bay lớn và đắt tiền nhất thế giới. Tuy nhiên, hàng loạt lỗi kỹ thuật đã khiến siêu tàu sân bay này chưa thể hoàn thiện để đưa vào vận hành. Một số quan chức Mỹ cảnh báo nó chỉ có thể đạt khả năng chiến đấu đầy đủ vào năm 2024.
Soi hai chiến hạm "khủng" vừa được Trung Quốc hạ thủy trước thềm Năm mới Trung Quốc đã hạ thủy thêm một tàu khu trục Type 055 và một tàu khu trục Type 052D ngay trước thời điểm kết thúc năm 2019. Giới chuyên gia Trung Quốc nhận định, đây là một thành tựu đáng kinh ngạc trong lĩnh vực đóng tàu của nước này. Theo các chuyên gia, nếu mọi chuyện suôn sẻ, hai tàu khu trục...