Chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông tiềm ẩn xung đột Mỹ – Trung
Gần đây, giới chức Mỹ đã nói đến khả năng hải quân nước này sẽ thực hiện tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải ở vùng biển này.
Tất cả các động thái ngoại giao và chính trị hiện nay ngày càng chứng tỏ rằng Mỹ đang chuẩn bị thực hiện chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Nếu Mỹ tiến hành “Chiến dịch tự do hàng hải” ở Biển Đông thì có thể sẽ xảy ra cuộc chạm trán lần đầu tiên giữa các cường quốc tại một trong những điểm nóng nhất của thế giới. Chiến dịch này có nhiều khả năng liên quan đến một số tàu hải quân Mỹ tìm cách thực hiện “quyền đi lại hợp pháp” trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Hành động này của Mỹ sẽ trở thành đỉnh điểm của cuộc đối đầu ngoại giao, chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc từ đầu năm 2015 đến nay, chủ yếu là do hoạt động cải tạo bất hợp pháp quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lập trường của Mỹ là không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở khu vực này nhưng luôn khẳng định rằng: tất cả các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và tự do hàng hải, hàng không phải được tôn trọng. Chính phủ Australia cũng đã lặp lại quan điểm này. Vấn đề là liệu Australia có tham gia cùng với Mỹ trong việc khẳng định quyền tự do hàng hải hay không? Cựu ngoại trưởng Australia Gareth Evans mới đây cho rằng không chỉ có lực lượng hải quân mà cả các tàu thương mại của Australia đều có thể thực hiện những hành động đó.
Chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông tiềm ẩn xung đột Mỹ – Trung
Dựa trên quan điểm sai trái rằng Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ và hàng hải cũng như quyền chủ quyền liên quan trong “đường 9 đoạn,” nước này đã tiến hành các hoạt động cải tạo đất đá trái phép quy mô lớn trên một số đảo ở Biển Đông dẫn đến những lo ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo được mở rộng. Quan điểm của Trung Quốc đối với Biển Đông và các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải là rất phức tạp do sự lệ thuộc của Bắc Kinh vào cái gọi là “đường 9 đoạn”. Mặc dù “đường 9 đoạn” không có tiền lệ trong luật pháp quốc tế nhưng đã được Trung Quốc trắng trợn thúc đẩy từ cuối những năm 1940. Không một quốc gia nào trên thế giới công nhận “đường 9 đoạn” và Philippines bắt đầu thủ tục tố tụng pháp lý thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc từ năm 2013.
Theo các chuyên gia phân tích, phản ứng của Mỹ sẽ nằm trong khuôn khổ của chương trình “tự do hàng hải” được nước này đưa ra từ năm 1979 và được thiết kế để thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Đối với Mỹ, quyền tự do hàng hải rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Đây là những quyền tự do được gắn vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đặc biệt là quyền tự do đi lại không bị cản trở trong vùng lãnh hải.
UNCLOS công nhận rằng những thực thể đất đai – bao gồm các đảo – tất cả sẽ tạo ra một lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý. Đến nay, UNCLOS đã có tổng cộng 166 nước tham gia (bao gồm cả chính Trung Quốc) và được công nhận là “Hiến pháp Đại dương”. Tuy nhiên, Mỹ đến nay vẫn chưa tham gia Công ước này.
Việc Mỹ không ký UNCLOS vô tình tạo ra đòn bẩy cho Trung Quốc có những hành động cải tạo trái phép vừa qua. Trái ngược những từ ngữ chính xác trong UNCLOS, Trung Quốc tuyên bố rằng các tàu chiến nước ngoài phải xin phép trước khi đi qua lãnh hải của Trung Quốc và đây là vấn đề tiếp tục gây căng thẳng.
Nếu Mỹ quyết tâm tiến hành chiến dịch tự do hàng hải, ít nhất Trung Quốc sẽ hiểu được điều gì sẽ xảy ra. Cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ muốn hành động kiềm chế vì hai nước nhận thức đầy đủ về hậu quả của một cuộc chạm trán lần đầu tiên giữa hai cường quốc tại một trong những điểm nóng nhất của thế giới.
Video đang HOT
Theo An ninh Thủ đô
Ứng xử ở Biển Đông cần rõ ràng nhưng đúng luật, kẻo sẽ tiếp tay cho Trung Quốc
Ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo...
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh việc Việt Nam nên phản ứng ra sao trước những diễn biến mới nhất trên Biển Đông, đặc biệt là tuyên bố của Hoa Kỳ sẽ tuần tra tự do hàng không hàng hải phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa. Để rộng đường dư luận, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này của ông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Những ngày gần đây Biển Đông lại nóng lên bởi thông tin Mỹ sắp triển khai tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải trên vùng biển, vùng trời quốc tế vùng biển quốc tế bán kính 12 hải lý xung quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp trên 7 rặng san hô, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, bãi đá ở Trường Sa mà nước này xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay.
Dư luận không chỉ quan tâm đến những phản ứng võ mồm của Trung Quốc, mà còn chú ý đến thái độ, phản ứng của chính Việt Nam chúng ta.
Bên cạnh luồng quan điểm mong mỏi hoạt động bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông do Mỹ tiến hành sớm diễn ra, vẫn còn những quan điểm tỏ ra hoài nghi, lo ngại động thái này. Thậm chí có quan điểm còn viện dẫn Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để đòi Mỹ phải "xin phép" Việt Nam trước khi tiến hành tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp, xây dựng trái phép.
Vậy nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào dưới góc độ pháp lý? Nó có tác động và ảnh hưởng ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Báo điện tử Đất Việt ngày 16/10 đã đăng tải một bài viết có tiêu đề: "Mỹ điều tàu áp sát đảo nhân tạo: Vai trò của Việt Nam". Bài báo này đã dẫn một số thông tin có liên quan đến Luật biển quốc tế và luật biển Việt Nam để nhận xét, đánh giá động thái nói trên của Hoa Kỳ, trong đó có nhấn mạnh:
"Theo quy định của Luật biển Việt Nam mọi hoạt động của tàu quân sự của nước ngoài trong lãnh hải của Việt Nam đều phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam."
"Theo đó, tàu thuyền, máy bay nước ngoài trước khi có hoạt động trong vùng biển của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để thực hiện đúng quy định của Công ước 1982 của LHQ về Luật biển và Luật biển CHXHCN Việt Nam."
"Luật Biển Việt Nam quy định, "việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển"".
Những lập luận này thiếu cơ sở, chưa nắm được Luật Biển Việt Nam cũng như UNCLOS, hoặc là chưa nắm được các hoạt động của Hoa Kỳ nên những ý kiến như trên đưa ra lại đang là những gì Trung Quốc mong muốn, bởi lẽ: 7 thực thể mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam và nay bồi lấp thành đảo nhân tạo là những rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm nên hoàn toàn không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý theo Điều 13, Mục 2, Phần II của UNCLOS.
Những bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các công trình nhân tạo trên biển chỉ có một vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét. Vì vậy, các giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép hay các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông chỉ có vùng an toàn bán kính 500 mét.
Tất nhiên chúng ta chưa bàn tới vấn đề chủ quyền vì đó là câu chuyện khác. Như vậy, bên ngoài phạm vi bán kính 500 mét xung quanh các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng là vùng biển, vùng trời quốc tế mà các nước chứ không riêng gì Hoa Kỳ có quyền qua lại, tự do hàng không hàng hải.
Bãi Vành Khăn gồm những rặng san hô ngập dưới mặt nước đã bị Trung Quốc hủy hoại và biến nó thành đảo nổi với đủ cầu cảng, sân bay.
Còn phạm vi vùng biển, vùng trời quốc tế này đến đâu sẽ còn phụ thuộc vào cả các thực thể khác ở Trường Sa do các bên đóng giữ, nhưng chắc chắn đó không thể là "lãnh hải" của 7 thực thể Bắc Kinh đã bồi lấp thành đảo nhân tạo.
Cá nhân tôi tin rằng người Mỹ rất hiểu luật, họ đang tìm cách bảo vệ luật pháp quốc tế và vô hiệu hóa chủ trương giành sự công nhận trên thực tế những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Dù còn những tranh cãi, nhận thức khác nhau về tính chất pháp lý của 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng là những rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển, hay một số trong 7 thực thể là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm, hay có thực thể nào là những mỏm đá nhổ lên mặt nước biển khi thủy triều lên để áp dụng các quy chế pháp lý theo UNCLOS, nhưng chắc chắn chúng không phải "đảo" theo định nghĩa của UNCLOS, không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý.
Trong vụ kiện của Philippines họ xác định, ít nhất là 3 bãi Vành Khăn, Xu Bi, Ga Ven là những bãi cạn nửa nổi nửa chìm và hoàn toàn không thể có quy chế lãnh hải 12 hải lý.
Các quan chức Mỹ cũng nói với tờ The Wall Street Journal rằng công việc tuần tra đảm bảo tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Trường Sa sẽ chỉ thực hiện đối với các thực thể vốn là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm hoặc rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển trước khi Trung Quốc bồi lấp.
Như vậy có thể thấy hoạt động của Mỹ là hợp pháp, đáng hoan nghênh, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức hiện thực hóa quy chế lãnh hải 12 hải lý cho 7 thực thể này, mà theo UNCLOS chúng không thể có.
Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và bị đe dọa bởi hành vi leo thang của Trung Quốc trong việc xâm lược, chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa 7 thực thể ở Trường Sa thành đảo nhân tạo có 3 đường băng quân sự dài trên 3000 mét và nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự, hơn ai hết, Việt Nam chúng ta cần phải nắm rõ cục diện, tính chất pháp lý của các thực thể ở Trường Sa cũng như hoạt động của các bên để có phản ứng phù hợp.
Cũng xin nhấn mạnh rằng, Mỹ chỉ bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông nói chung, Trường Sa nói riêng. Nói cách khác, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích hợp pháp của Mỹ, nhưng trong trường hợp này lợi ích của Mỹ trùng với lợi ích của Việt Nam và khu vực.
Đó là Mỹ chống lại âm mưu bành trướng, hiện thực hóa đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang thực hiện, bắt đầu từ việc thay đổi cấu trúc vật lý 7 thực thể ở Trường Sa, tiến đến thay đổi quy chế pháp lý đòi 12 hải lý lãnh hải, thậm chí còn hơn thế nữa là có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý cho chúng.
Trong khi chúng ta đang công khai chủ trương yêu cầu mọi hoạt động trong Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và đang cố gắng triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn đó, tại sao chúng ta không ủng hộ hành động hợp pháp, bảo vệ lẽ phải của Hoa Kỳ mà lại đặt vấn đề ngược lại? Tất nhiên chúng ta không hoan nghênh và kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào theo kiểu "đục nước béo cò".
Kể cả Việt Nam có đang đóng giữ 7 thực thể này thì vẫn có những thực thể không đủ điều kiện hưởng quy chế 12 hải lý và Mỹ hay các nước khác hoàn toàn có quyền qua lại theo đúng tinh thần UNCLOS.
Đúng là: "Việt Nam luôn hoan nghênh tất cả các nước có sự quan tâm, chia sẻ, có tiếng nói và việc làm ủng hộ, góp phần việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông nhưng phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông...".
Tuy nhiên, về luật pháp quốc tế hay cả Luật Biển Việt Nam, không có điều khoản nào cho thấy 7 thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa là "có lãnh hải 12 hải lý". Nếu không làm rõ vấn đề này, phát biểu, bình luận không đúng không trúng nội dung những tuyên bố của phía Hoa Kỳ là vô hình trung có lợi cho Trung Quốc, đúng những gì Bắc Kinh đang ra sức tuyên truyền và mong muốn đạt được, nên nó lợi bất cập hại.
Do đó với tư cách là một người nghiên cứu về Luật Biển Việt Nam, UNCLOS cũng như đã từng tham gia đàm phán, hoạch định biên giới với Trung Quốc và các nước liên quan, trên bộ cũng như trên biển, cá nhân tôi cho rằng ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo cho Trung Quốc bành trướng Biển Đông.
Ts Trần Công Trục
Theo giaoduc
Ý đồ của Mỹ khi áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp Mỹ tuyên bố điều tàu áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông, động thái phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Mục tiêu của Mỹ Hải quân Mỹ được cho là đang chuẩn bị tiến hành các hoạt động đảm bảo "tự do hàng hải", bao...