Chiến dịch tập kích diệt trận địa pháo Đức của tiểu đoàn dù Anh
150 lính dù Anh chỉ được trang bị tiểu liên và một khẩu súng máy đã chiến đấu dũng cảm để chiếm được trận địa pháo quan trọng của Đức, tạo đà cho thắng lợi của chiến dịch đổ bộ Normandy.
Trận địa pháo Merville của phát xít Đức ở Normady. Ảnh: History
Chiến dịch đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp tháng 6/1944 là một sự kiện mang tính bước ngoặt của Thế chiến II. Để đảm bảo sự thành công của chiến dịch, phe Đồng minh đã tiến hành một loạt trận đánh nhỏ hơn, trong đó có trận chiến quả cảm của một tiểu đoàn dù Anh chống lại trận địa pháo Merville của phát xít Đức, theo War History.
Trận địa phòng thủ bờ biển này là một vị trí rất quan trọng, được Thống chế Đức Erwin Rommel ra lệnh gia cố chặt chẽ, bởi ông nhận thấy đây là chìa khóa dẫn tới cửa ngõ vào nước Pháp và cả Đức.
Để phong tỏa bờ biển, ngăn chặn quân Đức ứng cứu Normady từ phía đông, tiểu đoàn dù số 9 thuộc lực lượng đổ bộ đường không Anh được giao nhiệm vụ đánh chiếm trận địa pháo Merville.
Đức đã biến trận địa pháo này thành một pháo đài cực kỳ kiên cố với các tuyến phòng thủ dày đặc, 4 hầm bê tông dày chứa pháo hạng nặng 155 mm, 3 khẩu pháo phòng không cùng 150 lính Đức đồn trú và nhiều ụ súng máy. Hai bên trận địa pháo là các hào chống tăng và hàng rào dây thép gai được chôn mìn dày đặc.
Theo kế hoạch, tiểu đoàn dù số 9 sẽ lợi dụng đêm tối nhảy dù xuống khu vực tập kết cùng với lực lượng tàu lượn mang theo các trang bị nặng hơn để tiến hành nhiệm vụ. Khi tiểu đoàn này tập kết, họ sẽ tấn công cứ điểm từ phía sau, trong khi ba tàu lượn Horsa chở lính dù và lính công binh Anh trang bị súng phun lửa và thuốc nổ sẽ hạ cánh ở trên đỉnh của trận địa để cho nổ tung hầm pháo và phá hủy các khẩu pháo. Tuần dương hạm HMS Arethusa sẽ bắn phá từ biển nhằm phá hủy trận địa này vào lúc 5h50 sáng, trong trường hợp chiến dịch thất bại.
Điều không may là gần như mọi thứ đã không diễn ra như kế hoạch trong ngày tiến hành chiến dịch 6/6/1944. Bị hỏa lực phòng không của phát xít Đức bắn mãnh liệt, máy bay Anh không thể thả lính dù đúng địa điểm, và các binh sĩ tiểu đoàn 9 tiếp đất rải rác khắp vùng nông thôn Pháp.
Tiểu đoàn trưởng, trung tá Terence Otway, nhảy dù xuống gần đỉnh một sở chỉ huy Đức và chỉ thoát thân sau khi dùng gạch ném vỡ cửa sổ, khiến lính Đức nằm rạp xuống vì tưởng rằng đó là một quả lựu đạn.
Tiểu đoàn lính dù Anh bị tản mát khi đổ bộ trong đêm tối. Tranh minh họa: History
Video đang HOT
Trung tá Otway tìm đường đến điểm tập kết nhưng đến nơi gần như chỉ có mình ông. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi 5 tàu lượn chở xe jeep, súng chống tăng và các vũ khí nặng khác không đến được địa điểm quy định. Những tàu lượn đến được điểm tập kết chỉ mang theo được vũ khí uy lực nhất là một khẩu súng máy Vickers và lượng thuốc nổ gồm 20 ngư lôi Bangalore và một vài quả bom Gammon.
Sau giờ phút hỗn loạn ban đầu, tiểu đoàn 9 tập hợp quân số được khoảng 150 người, với trang bị chủ yếu là súng tiểu liên, súng trường, không hề có súng cối, súng chống tăng và cũng chẳng có lính công binh.
“Đại đội C chỉ tập hợp được ba người, lực lượng rất mỏng”, một lính dù Anh sau đó nhớ lại.
Khi thời điểm phát động tấn công đã cận kề, Otway quyết định dù sao vẫn phải đánh theo nhiệm vụ được giao. Với lực lượng mỏng trong tay, không có vũ khí hạng nặng, Otway chỉ còn biết trông chờ vào yếu tố bất ngờ và hành động táo bạo.
Họ chờ đợi ba tàu lượn hạ cánh và đánh phá từ bên trong trận địa pháo theo kế hoạch để phát động tấn công. Tuy nhiên, họ nhanh chóng mất tinh thần khi nhận thấy chỉ một tàu lượn bay đến và bị mất dấu.
Những người lính trên tàu lượn nhảy ra ngoài với ý định hội quân cùng đồng đội để tấn công trận địa, nhưng nhanh chóng chạm mặt một tổ tuần tra Đức và bị hạ. Hy vọng cuối cùng từ quân tăng cường vụt tắt khiến Otway buộc phải ra lệnh tấn công.
Các quả ngư lôi Bangalore phát nổ và một vài lính nhanh chóng cơ động lên phía trước để phá hàng rào dây thép gai. Những người lính tuyến sau dưới sự chỉ huy của Otway vừa cơ động vượt qua làn hỏa lực bên sườn vừa ném lựu đạn khi tiếp cận.
Gần như ngay lập tức, làn hỏa lực từ các ụ súng máy của Đức quét ngang đội hình khiến một loạt lính dù Anh đổ gục. Lính Anh sau đó dùng súng máy duy nhất của mình bắn trả. Thượng sĩ súng máy Mc. McKeever nhanh chóng hạ ba ụ súng địch, trong khi ba ụ súng còn lại bị lực lượng tấn công đánh chiếm đầu cầu tiêu diệt. Những người lính còn lại chia làm bốn nhóm tấn công các hầm pháo của Đức.
Binh nhì Tony Mead, bị thủng ruột sau khi dù của anh rơi xuống một cành cây, một tay cầm ruột, một tay cầm khẩu tiểu liên Sten bắn xối xả vào quân Đức. Một lính dù khác quăng lựu đạn vào các lỗ hổng và bắt đầu lùng sục các hầm pháo và đường hầm bên trong trận địa.
Một hầm pháo trong trận địa pháo Mervill. Ảnh: 123rf
Sau 20 phút giao tranh giáp lá cà ác liệt, trận địa pháo của Đức thất thủ. Lính dù Anh bắt được hơn 20 tù nhân Đức, diệt hơn 20 lính khác và đánh bật các lực lượng còn lại khỏi trận địa. Tuy nhiên, họ phải trả giá đắt cho thắng lợi này. Sau khi chiếm được trận địa pháo Mervill, chỉ 75 trong 150 lính tập kích còn khả năng chiến đấu, 50 lính tử trận và gần 30 lính bị thương.
Sĩ quan liên lạc sau đó gửi một con chim bồ câu đưa thư về Anh với thông điệp ngắn gọn là đã chiếm được trận địa, rồi đốt pháo sáng ra hiệu cho tuần dương hạm HMS Arethusa không pháo kích vào cứ điểm vừa chiếm này.
Sau khi chiếm được trận địa pháo Mervill, Otway và các đồng đội di chuyển tấn công các mục tiêu khác, tiếp nhận thêm binh sĩ trên đường đi. Tiểu đoàn dù số 9 sau đó tiếp tục tham gia chiến dịch đổ bộ Normandy và đến miền bắc nước Pháp trước khi rút về Anh vào tháng 9/1944.
Duy Sơn
Theo VNE
Đức: Dùng kính thực tế ảo bắt tội phạm từ thời phát xít
Các công tố viên và cảnh sát Đức đã phát triển thành công công nghệ kính 3D thực tế ảo giúp bắt giữ những tên tội phạm chiến tranh cuối cùng còn sót lại từ cách đây 7 thập kỷ.
Kính mắt của những nạn nhân ở trại Auschwitz.
Công nghệ thực tế ảo được sử dụng ở trại tập trung Auschwitz, nơi được xem là mồ chôn của hơn một triệu người thời phát xít Đức. Nỗ lực này là một trong những biện pháp của hệ thống tư pháp Đức nhằm xử lý những tội trạng chống lại loài người gây ra cách đây 70 năm.
"Nhiều nghi phạm nói rằng họ làm ở tại Auschiwitz nhưng không biết chuyện gì thực sự diễn ra", Jens Rommel, người đứng đầu đơn vị điều tra tội phạm chiến tranh, nói.
"Về mặt pháp lý, câu hỏi rất rõ ràng: một nghi phạm có biết được người nào được đưa vào phòng khí độc hay bị bắn luôn hay không? Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) có thể trả lời thắc mắc này.
Công trình được chuyên gia xử lý hình ảnh số thuộc phòng hình sự bang Bavaria thiết kế. Ralf Breker, chủ nhiệm đề tài cho biết công nghệ thực tế ảo giúp mang lại những chi tiết sống động về trại tập trung của phát xít Đức cách đây 70 năm, nơi 1,1 triệu người bị giết hại.
"Theo tôi biết thì chưa hề có mô hình chuẩn nào dùng cho trại tập trung Auschwitz", Breker, 43 tuổi, trả lời trên tờ Telegraph. "Công nghệ này chuẩn xác hơn Google Earth rất nhiều. Chúng ta có thể sử dụng kính thực tế ảo bán ngoài thị trường và xem được những chi tiết rõ ràng nhất".
Khi gắn tai nghe, những công tố viên và thẩm phán sẽ có được cảm giác sống động như thật về thời kỳ trại tập trung Auschwitz thập niên 1940. Thậm chí cả những cái cây bị chặt cũng được mô phỏng như thật.
"Ưu điểm của mô hình này là chúng tôi có cái nhìn tổng thể hơn về khu trại tử thần và có thể tái hiện góc nhìn của những nghi phạm, chẳng hạn từ một tháp canh nào đó", Breker nói.
Ý tưởng của công nghệ này được nhen nhóm với vụ việc của Johann Breyer, một thợ máy gốc Séc bị cáo buộc giết hại hơn 216.000 người Hungary gốc Do Thái ở trại Auschwitz. Các công tố viên điều tra dựa trên các công nghệ mô phỏng 3D sơ khai.
Tuy nhiên, Johann qua đời năm 89 tuổi hồi tháng 6.2014, chỉ vài giờ trước khi tòa án Mỹ chấp thuận dẫn độ tên này tới Đức để hầu tòa.
Hơn 1,1 triệu người đã bị giết hại ở trại tập trung Auschwitz.
Năm nay, công nghệ thực tế ảo hiện đại hơn được áp dụng với trường hợp của Reinhold Hanning, một kẻ bị cáo buộc giết hại 170.000 người và đang bị giam 5 năm tù.
Rommel, 44 tuổi cùng nhóm phát triển đang điều tra một số nghi phạm khác và tin rằng khoảng 20,30 tên tội phạm chiến tranh khác vẫn còn sống. Mục tiêu của Rommel là đưa những kẻ này ra vành móng ngựa.
Để tái tạo không gian của trại tập trung Auschwitz, Breker sử dụng các tư liệu từ phòng địa chính Warsaw và hơn một ngàn tấm ảnh hiện trường. Chính Breker cũng tới trại này hai lần trong năm 2013 để xử lý những chi tiết còn dang dở trong công nghệ thực tế ảo.
"Chúng tôi chỉ điều tra tội sát nhân. Khi tới hiện trường, những gì chúng tôi chứng kiến thật vô cùng khủng khiếp", Breker chia sẻ. "Khi quay trở về khách sạn từ trại Auschwitz, tôi thấy rùng mình. Nhiều chi tiết được công bố thật sự rất đáng sợ".
Breker cho biết từ tháng 5 đến tháng 7.1944, hơn 438.000 người Hungary gốc Do Thái đã bị chuyển tới trại Auschwitz-Birkenau. Toàn bộ số người này bị dồn vào phòng ngạt khí độc và thiêu xác do số lượng quá lớn, không chôn cất xuể.
"Những tên phát xít Đức còn xây hẳn một đường ống cống để lấy mỡ thừa từ những xác bị thiêu hủy. Số mỡ này dùng làm nhiên liệu đốt trong ngày hôm sau", Breker nói. "Không còn lời nào diễn tả sự kinh hoàng này. Thật quá ghê tởm".
Theo Danviet
Kế nghi binh bằng xác chết của tình báo Anh khiến phát xít Đức ngậm quả đắng Để đánh lừa phát xít Đức, tình báo Anh đã dùng kế nghi binh bằng một xác chết khiến quân Đức phán đoán sai hướng tấn công của quân Đồng minh và hứng chịu thất bại cay đắng. Một kế hoạch nghi binh tinh vi đã được tình báo Anh thực hiện nhằm đánh lừa phát xít Đức. Ảnh minh họa: BBC Năm...