Chiến dịch oanh kích lớn nhất của Nga nhằm vào IS
Huy động tới 25 máy bay ném bom hạng nặng cùng tham gia một chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo, Moscow đang cho thấy sức mạnh áp đảo cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.
Máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 của Nga. Ảnh: Reuters
Nga hôm qua công bố nguyên nhân chiếc máy bay chở khách của nước này rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, hồi cuối tháng trước, là do khủng bố. Một quả bom tự chế với sức công phá tương đương 1,5 kg thuốc nổ TNT đã được kích hoạt trên chiếc phi cơ Airbus A321 của hãng hàng không giá rẻ Kogalymavia (Metrojet), khiến 224 người trên khoang thiệt mạng, ông Aleksandr Bortnikov, giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga, cho biết. Trước đó, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ việc. Để đáp trả, Điện Kremlin cùng ngày triển khai một chiến dịch không kích lớn nhất nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria, theo National Interest.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo hàng loạt tên lửa đã phóng đi từ các oanh tạc cơ chiến lược của nước này như Tupolev Tu-22M3 Backfire, Tu-95MS Bear và Tu-160 Blackjack. Cả ba mẫu trên đều có thể bay hàng nghìn km và mang theo hơn 20 tấn vũ khí, đạn dược. Thêm vào đó, tàu chiến Nga trên Địa Trung Hải còn bắn tên lửa hành trình nhằm vào Raqqa, trung tâm đầu não của IS ở Syria.
Trong lượt tấn công đầu tiên, hơn 10 máy bay ném bom Tu-22M3 liên tục công kích vào những cứ điểm do IS kiểm soát thuộc tỉnh Raqqa và Deir Ezzor. Sau đó, một phi đội gồm máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 cùng máy bay ném bom 4 cánh quạt Tu-95MS Bear phóng một loạt 34 tên lửa hành trình không đối đất vào các cơ sở của phiến quân ở Aleppo và Idlib. Chiến dịch này đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây các máy bay ném bom chiến lược Nga mới tham gia chiến đấu.
25 oanh tạc cơ Moscow còn được hộ tống bởi 8 tiêm kích Su-34 Fullback cùng 4 chiến đấu cơ đa nhiệm Su-30SM. Các máy bay Su-34 Fullback góp phần tiêu diệt hai trạm cung cấp nhiên liệu cùng 50 phương tiện của các tay súng cực đoan. Kết quả là khả năng xuất khẩu dầu mỏ bất hợp pháp của quân khủng bố đã bị suy giảm đáng kể, thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng yêu cầu tuần dương hạm Moskva, thuộc lớp Slava, đang hoạt động trên Địa Trung Hải phối hợp tác chiến với các lực lượng Pháp tại khu vực. Động thái này là dấu hiệu ban đầu phản ánh một thực tế là Nga và một số nước phương Tây đang xích lại gần nhau trong cuộc chiến chống IS dù để đạt đến mức độ hợp tác thực chất thì vẫn còn một quãng đường dài phải đi, chuyên gia đánh giá.
Pháp đang đẩy mạnh nỗ lực chiến đấu chống IS sau vụ việc tổ chức này hôm 13/11 thực hiện chuỗi 6 vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris, khiến ít nhất 129 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Charles De Gaulle, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Pháp, được cho là sắp tới khu vực để bắt đầu bắn phá các cứ điểm IS. Con tàu này dù chỉ nhỏ bằng một nửa tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford của hải quân Mỹ nhưng trang bị một loạt chiến đấu cơ hiện đại bậc nhất như Rafale, tiêm kích Super Étendard hay phi cơ cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye. Theo thiết kế, Charles De Gaulle, còn có thể mang theo cả những chiến đấu cơ cỡ lớn hơn như Boeing F/A-18E/F Super Hornet.
Bình luận viên David Axe từ Daily Beast miêu tả đòn phủ đầu mới nhất của Moscow nhằm vào IS là “một trong những chiến dịch oanh kích lớn và phức tạp nhất trong lịch sử hiện đại”. Đây là tín hiệu cho thấy Nga đang có kế hoạch tăng cường hơn nữa nỗ lực không kích ở Syria, đồng thời làm hồi sinh những phi đội máy bay ném bom hạng nặng từng phải đắp chiếu vì vấn đề thiếu kinh phí.
Video đang HOT
Việc huy động tới 25 máy bay ném bom hạng nặng trong một nhiệm vụ tấn công cũng được xem như một nước đi mạnh tay của Điện Kremlin khi mà trong kho vũ khí của Nga hiện chỉ có khoảng 70 chiếc Backfire, 58 chiếc Bear và 13 chiếc Blackjack. Quy mô ấn tượng của chiến dịch cũng thể hiện năng lực sẵn sàng chiến đấu của Moscow đã được cải thiện đáng kể.Vào thập niên 90 hay đầu những năm 2000, Nga phải cho ngừng hoạt động hầu hết các chiến đấu cơ vì không đủ tiền mua nhiên liệu và trả lương phi công.
“Khi 25 chiến đấu cơ mạnh mẽ nhất thế giới cùng tấn công tại một thời điểm, đó còn hơn cả một cuộc không kích đơn thuần. Đó là một tuyên bố tới cả thế giới”, Axe bình luận.
Để so sánh, các máy bay ném bom Mỹ khi làm nhiệm vụ thường đi một mình hay thành cặp, rất hiếm khi bay thành đội với số lượng lớn như cách thức mà Nga thực hiện trong chiến dịch hôm qua.
Ivan Konovalov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, nhận định sự tham gia của máy bay ném bom Nga vào các nhiệm vụ công kích mục tiêu IS cho thấy tiềm năng lớn của Moscow trong việc sử dụng những loại vũ khí và phương pháp khác nhau để xử lý tình huống chiến trận, minh chứng cho “sức mạnh cũng như khả năng linh động của quân đội Nga” khi đối phó với khủng bố.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Đòn trả đũa của Nga, Pháp có thể làm IS mạnh hơn
Quyết định tăng cường không kích của Nga, Pháp có thể chính là điều IS mong đợi sau các vụ khủng bố, bởi IS sẽ có lý do để lừa mị người Syria rằng họ đang bị nhiều nước tấn công và chỉ có IS mới có thể bảo vệ được họ.
Chiến đấu cơ Pháp mang bom, tên lửa không kích sào huyệt Raqqa của IS. Ảnh:AFP
Ngày 17/11, các quan chức quốc phòng Pháp cho hay chiến đấu cơ của họ đã thực hiện hai đợt không kích dữ dội xuống sào huyệt Raqqa của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trong chưa đầy 24 giờ, nhằm trả đũa vụ tấn công đẫm máu mà IS gây ra ở Paris khiến 129 người thiệt mạng.
Hôm qua, máy bay ném bom tầm xa và tên lửa hành trình của Nga cũng liên tiếp tấn công thành phố Raqqa và các mục tiêu IS khác ở Syria, sau khi Nga xác nhận chiếc máy bay của hãng Metrojet đã bị đánh bom trên bầu trời Ai Cập, và Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiêu diệt những kẻ khủng bố ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Tuy nhiên, nhà báo Pháp Nicolas Henin, người từng bị IS bắt làm con tin, cho rằng những cuộc không kích trả đũa dữ dội như thế này chỉ càng làm IS mạnh lên, bởi những cuộc không kích này "đang có lợi cho chiến dịch tuyên truyền" của IS.
Theo NYTimes, những câu hỏi lớn cũng bắt đầu xuất hiện sau khi Nga và Pháp tăng cường chiến dịch không kích lên gấp đôi, trong đó vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là nếu như hai nước này có thể tiêu diệt được nhiều mục tiêu IS như vậy trong các cuộc tấn công trả đũa, tại sao họ không đánh bom với mật độ như vậy từ đầu chiến dịch? Và trong thực tế, những đòn không kích trả thù dữ dội này đã trúng vào đâu?
Nhiều nhà hoạt động và dân thường ở Raqqa cho biết khoảng 37 đợt không kích trong hai ngày vừa qua của Pháp vào Raqqa không làm thiệt mạng dân thường nào, nhưng chúng cũng hầu như không gây ra thiệt hại đáng kể cho IS.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho hay nhiều quả bom của Pháp ném xuống Raqqa đã rơi trúng các doanh trại, căn cứ bỏ không của IS ở ngoại ô thành phố, khiến thiệt hại mà phiến quân phải hứng chịu hầu như không đáng kể.
Theo các nhà hoạt động, dân thường ở Raqqa mới là những người phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong các cuộc không kích này, khi hệ thống điện, nước bị cắt đứt, khiến tình cảnh của họ càng trở nên khốn khổ.
"Nếu các nước muốn đánh bom IS ở sào huyệt của chúng, họ có thể thực hiện, nhưng họ vẫn chưa nhắm được vào những mục tiêu quan trọng nhất của phiến quân. Chúng tôi thực sự không hiểu nổi. Còn bao nhiêu nước muốn đánh bom chúng tôi nữa đây", một nhà hoạt động giấu tên ở Raqqa nói với tờ Aljazeera.
"Người dân Raqqa đã tuyệt vọng lắm rồi. Thành phố đã trải qua những thứ tưởng như không chịu đựng được, và chúng tôi đang sống dưới sự cai trị tàn bạo của IS. Nhiều người đã trốn đi, nhưng chúng tôi bị mắc kẹt. IS kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của chúng tôi", nhà hoạt động này cho biết.
Nhiều dân thường Raqqa đang bị mắc kẹt trong thành phố bị oanh kích liên tục. Ảnh: Reuters
Nhà báo Henin cho rằng quyết định tăng cường không kích của Nga, Pháp là những gì IS mong đợi sau các cuộc khủng bố đẫm máu. "Khi tấn công Paris, IS không muốn gì hơn là khiêu khích hành động leo thang. Chúng muốn Pháp gia tăng hành động can thiệp quân sự ở Syria để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền của chúng", Henin cho hay.
"Những cuộc không kích dữ dội vào Raqqa càng khiến IS có lý do để thuyết phục người dân Syria rằng họ đang mắc kẹt trong thành phố, họ đang bị không quân nhiều nước tấn công cùng một lúc, và chỉ có IS mới có thể bảo vệ được họ".
Nhắm vào thế lực hậu thuẫn
Theo các chuyên gia phân tích, thực tế này chứng minh một điều rằng Nga, Mỹ, và các đồng minh khó có thể làm suy yếu hoặc tiêu diệt được phiến quân IS bằng các hành động quân sự đơn thuần, nếu không có những biện pháp làm cạn kiệt nguồn tài chính và ngăn chặn các hoạt động hỗ trợ IS từ bên ngoài.
Theo bình luận viên Paton Walsh của CNN, sự trỗi dậy và bành trướng của phiến quân IS là sản phẩm của cuộc đấu đá giữa Iran và Arab Saudi cùng một số quốc gia Vùng Vịnh khác nhằm tranh giành quyền lực, ảnh hưởng tối cao trong khu vực.
Hôm 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tiết lộ rằng IS đang nhận tiền tài trợ từ khoảng 40 nước trên thế giới, trong đó có cả các thành viên của G20. Tuyên bố này của ông Putin càng củng cố nhận định rằng cuộc xung đột hiện nay ở Syria thực chất là một "cuộc chiến ủy nhiệm" giữa các cường quốc khu vực.
Theo ông Walsh, cả Iran và Arab Saudi đều là những nước có thế hệ lãnh đạo đã cao tuổi, dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn đang phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu liên tục sụt giảm cũng như những thay đổi chóng vánh trong khu vực. Bối cảnh đó buộc hai cường quốc này phải có những biện pháp tranh giành ảnh hưởng khu vực càng nhanh càng tốt.
Sau khi Mỹ phát động chiến dịch quân sự lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein và tạo ra tình trạng hỗn độn chính trị ở nước này, cả Arab Saudi và Iran đều biết rằng chiến lược can thiệp của Mỹ khó có thể áp dụng thành công ở bất cứ quốc gia Trung Đông nào. Bởi vậy, họ tự làm theo cách của mình để áp đặt ảnh hưởng lên các nước khác trong khu vực, hỗ trợ cho các thế lực đối lập nhau ở Syria, đẩy mảnh đất này chìm sâu vào chiến sự và đổ máu.
Phiến quân IS ở thành phố Raqqa. Ảnh: Reuters
Có vẻ như các nhà hoạch định chiến lược đối ngoại của Mỹ cũng đã nhận ra điều này khi quyết định mời cả Iran lẫn Arab Saudi tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria ở Vienna, nhằm tìm ra những tiếng nói chung giữa hai cường quốc khu vực này về tương lai Syria.
Cả Mỹ, Nga và Liên Hợp Quốc đều rất kỳ vọng rằng các quốc gia đứng đằng sau những nhóm tham chiến ở Syria sẽ tôn trong một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Đây là giải pháp được coi là khả thi nhất hiện nay để chống lại IS, bởi nó giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, đó là những thế lực hậu thuẫn của phiến quân, chứ không phải là hành động quân sự trên chiến trường.
"Đến một lúc nào đó, các cường quốc trong khu vực sẽ phải chán nản với cuộc chiến và tình trạng hỗn loạn, đến mức phải ngồi xuống đàm phán để tìm ra biện pháp kết thúc, bởi phương Tây sẽ không thể nào thực hiện được điều đó", ông Walsh nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Pháp lập đại liên minh chống IS Pháp yêu cầu kích hoạt điều khoản phòng vệ tập thể của EU tại hội nghị khẩn cấp ở Brussels trong nỗ lực thành lập đại liên minh để tiêu diệt IS. Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao các nước EU nhóm họp tại Brussels ngày 17.11 để xem xét yêu cầu hỗ trợ của nước Pháp - Ảnh: Reuters Giới hữu...