Chiến dịch kiểm tra an toàn thực phẩm bước vào cao điểm
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, hiện các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị các phương án kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đụng đâu cũng thấy… sai
Theo nhận định chung của các địa phương, dù đã tăng cường các biện pháp quản lý cũng như chế tài xử phạt nhưng nhìn chung công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn gặp nhiều khó khăn, gần như đụng đâu cũng thấy sai phạm.
Lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra dịp cuối năm. Ảnh: I.T
Đơn cử như mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Phú Yên kiểm tra đột xuất và lấy 33 mẫu nông, thủy sản thực phẩm tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An và TX.Sông Cầu để kiểm tra tại Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3. Qua kiểm tra, 2/4 mẫu nước đá có hàm lượng kim loại nặng vượt mức giới hạn cho phép, trong đó, 1 mẫu có hàm lượng chì là 0,18mg/l, asen là 0,063mg/l; 1 mẫu có hàm lượng chì là 0,048mg/l; 3/4 mẫu nước mắm có hàm lượng histamine vượt mức giới hạn cho phép.
Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra gần 40.000 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, phát hiện 6.168 trường hợp vi phạm quy định về VSATTP, xử phạt 1.940 cơ sở với tổng số tiền hơn 13,2 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng thành phố đã phát hiện, xử lý 30.280kg sản phẩm động vật không bảo đảm ATTP; 470kg nguyên liệu phụ gia không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc; 2.104 thùng và 17.001 sản phẩm, thực phẩm chức năng; 214.320 viên thành phẩm và bán thành ph ẩm thực phẩm chức năng; 15.241kg và 64.391 hộp/chai sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc…
Tại Thái Bình, từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã thực hiện 2 cuộc thanh tra, 5 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại 170 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; xử lý vi phạm 8 trường hợp với tổng số tiền hơn 28 triệu đồng; đã lấy 222 mẫu (169 mẫu test nhanh và 53 mẫu gửi phòng kiểm nghiệm) kiểm tra các chỉ tiêu ATTP, trong đó có 12 mẫu không đảm bảo ATTP…
Video đang HOT
Tăng cường kiểm tra đột xuất
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các thực phẩm phổ biến trong dịp tết như, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.
Theo đó, lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời, kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…
Từ 1.1 đến 25.3.2019, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP tập trung thanh, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp này như: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…; kiểm tra các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn; kịp thời xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng…
Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội xuân 2019. Theo đó, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp xã, phường. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện từ ngày 1.1 đến ngày 25.3.2019 trên địa bàn toàn thành phố với 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cũng chỉ đạo các Sở Y tế, NNPTNT, Công Thương mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về ATTP cho cán bộ làm công tác VSATTP cơ sở; tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND cấp huyện tiếp tục phối hợp, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; triển khai cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ, kinh doanh ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP…
Theo Danviet
Nỗi lo mất an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản ở Quảng Ngãi
Trong 169 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Quảng Ngãi kiểm tra có 4 mẫu không đạt. Dù số mẫu không đạt thấp, tuy nhiên đây vẫn là nỗi lo của các ngành chức năng khi thực phẩm nhiễm kim loại nặng, chất kháng sinh vượt mức cho phép vẫn có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hà (phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi) chọn mua rau, tôm và một ít trái cây cho bữa trưa của gia đình. Dù chọn lựa rất kỹ, tuy nhiên chị Hà thừa nhận không thể biết loại thực phẩm mình chọn có đảm bảo an toàn hay không.
"Với người tiêu dùng thì chỉ biết lựa chọn bằng mắt. Thấy loại nào tươi, ngon là mua. Còn thực phẩm có đảm bảo an toàn không thì không thể biết được", chị Hà nói.
Lấy ví dụ đối với bó rau muống vừa mua, chị Hà cho rằng, rau non và rất tươi nên được chọn lựa. Còn người trồng có tuân thủ quy trình khi phun thuốc bảo vệ thực vật hay bón phân hóa học hay không thì phải dựa vào việc kiểm tra của các cơ quan chuyên môn.
"Lo nhất khi ăn rau quả là thuốc bảo vệ thực vật, hoặc thịt thì sợ người bán ngâm tẩm hóa chất. Có lo nhưng buộc phải sử dụng vì đây là những loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày", chị Hà nói.
Nhiều loại thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguy cơ tồn dư chất độc hại vượt mức cho phép.
Không chỉ người mua, nhiều người bán vẫn không dám chắc thực phẩm mình bán cho người tiêu dùng có an toàn hay không. Một hộ kinh doanh trái cây tại chợ Thu Lộ (phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi), cho biết, trái cây được lấy từ các thương lái ở chợ đầu mối. Những người bán chỉ quan tâm là trái cây phải có bề ngoài bắt mắt, tươi ngon, giá cả phải chăng. Còn việc các loại trái cây đó có sạch hay không cũng không ai dám chắc.
"Nói thật là trái cây có an toàn không thì chỉ có cơ quan chức năng giám sát tại vườn hoặc tại các chợ đầu mối mới kiểm tra được, còn chúng tôi làm sao biết", một người bán trái cây nói.
Theo ông Nguyễn Đức Bình - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT), nguy cơ mất ATVSTP đối với thực phẩm nông, lâm, thủy sản là vấn đề được nhiều cơ quan chức năng quan tâm.
Theo phân cấp, Chi cục hiện quản lý 1.068 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Thời gian qua, Chi cục đã tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế đến mức thấp nhất thực phẩm nhiễm kim loại nặng, chất kháng sinh, tồn dư thuốc BVTV... quá mức cho phép được bán ra thị trường.
Qua kiểm tra, Chi cục đã lấy 169 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy có 4 mẫu nhiễm kim loại nặng, tồn dư chất kháng sinh vượt mức cho phép. Những trường hợp này đã được xử lý theo quy định tại Thông tư 08.
Dù số mẫu có dư lượng chất độc hại vượt mức cho phép ít tuy nhiên đây vẫn là nỗi lo đối với cơ quan quản lý. Bởi, nếu không được phát hiện sớm và giám sát chặt chẽ thì những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Quảng Ngãi kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm.
Sau kiểm tra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiến hành đánh giá và phân loại A, B, C. Đối với cơ sở xếp loại A và B, Chi cục tiến hành làm thủ tục công nhận đảm bảo điều kiện ATTP. Đối với các cơ sở xếp loại C sẽ được yêu cầu khắc phục ngay các lỗi vi phạm và báo cáo kết quả khắc phục để tiến hành kiểm tra đánh giá lại.
"Những cơ sở có mẫu thực phẩm tồn dư chất độc hại vượt mức cho phép sẽ được yêu cầu kiểm tra quy trình sản xuất để tìm nguyên nhân và khắc phục. Chúng tôi cũng đưa những cơ sở này vào danh sách giám sát nhằm theo dõi và tăng cường kiểm tra định kỳ", ông Bình nói.
Dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên việc quản lý, đảm bảo ATVSTP đối với thực phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nổi lên là nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm mẫu còn hạn chế; chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm, phối hợp; số cơ sở nhỏ lẻ nhiều và phân tán rộng...
"Quản lý rất nhiều cơ sở nhưng nguồn kinh phí chi cho công tác kiểm nghiệm thực phẩm rất ít. Mẫu thực phẩm được lấy từ cơ sở sản xuất được gửi ra TP Đà Nẵng kiểm nghiệm, mỗi mẫu phải mất gần 1,5 triệu đồng. Do đó, nhiều loại thực phẩm chỉ có thể lấy vài mẫu nên khó kiểm soát tốt mức độ an toàn", ông Bình nói.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Độc đáo Hội chợ Giáng sinh Đức 2018 Lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội, khu chợ Giáng sinh truyền thống kiểu Đức năm nay diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 15-12, tại Nhà thờ Cửa Bắc, số 56 Phan Đình Phùng, thu hút đông đảo khách tham quan, không chỉ người dân Thủ đô mà có cả những vị khách quốc tế đến thưởng thức những món...