Chiến dịch không kích IS của Mỹ ngốn bao nhiêu tiền?
Để có thể tiêu diệt các mục tiêu IS, Mỹ đang phải bỏ ra một khoản chi phí khổng lồ cho chiến dịch.
Ngày 24/9, Mỹ tiếp tục mở các đợt tấn công bằng bom và tên lửa vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria ngày thứ hai liên tiếp trong một chiến dịch được dự kiến kéo dài hơn 3 năm với chi phí có thể lên tới 10 tỉ USD mỗi năm.
Chi phí cho chiến dịch tiêu diệt IS của Mỹ có thể lên tới 10 tỉ USD mỗi năm
Video đang HOT
Mặc dù lực lượng tấn công IS ở Syria lần này có sự tham gia của các quốc gia Arab, song phần lớn các loại vũ khí, khí tài trút xuống các mục tiêu IS đều là của Mỹ, và hầu hết chi phí để thực hiện chiến dịch tiêu diệt IS này đều do Mỹ đảm đương.
Theo ước tính của tạp chí Foreing Affairs, số tiền mà Mỹ phải bỏ ra cho mỗi đợt không kích vào phiến quân IS ở Syria là vô cùng lớn. Trong chiến dịch này, lần đầu tiên Mỹ điều chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-22 Raptor tham chiến, tuy nhiên mỗi giờ hoạt động của máy bay này ngốn tới 68.000 USD.
Đó là chưa tính đến giá thành của một loạt các vũ khí hiện đại khác được trang bị trên chiếc chiến đấu cơ này, chẳng hạn như mỗi quả tên lửa Sidewinder có giá khoảng 600 USD, trong khi bom cỡ nhỏ dẫn đường bằng lazer có giá thành lên tới 250.000 USD.
Chiến đấu cơ tàng hình F-22 lần đầu tiên tham chiến ở Syria
Mặc dù đến nay Nhà Trắng vẫn từ chối bình luận về chi phí mà họ phải bỏ ra để thực hiện chiến dịch không kích này, song nhiều chuyên gia cho rằng số tiền mà Mỹ phải “đốt” trong các cuộc không kích có thể lên tới 7,5 triệu USD mỗi ngày.
Ông Diem Salmon, nhà phân tích chính sách cấp cao về ngân sách quốc phòng tại Quỹ Di sản ở Washington nhận định: “Có vẻ như chính quyền Mỹ chưa đưa ra được một chiến lược thống nhất, do vậy họ không thể tính toán được chi phí cố định cho chiến dịch. Con số 7,5 triệu USD mới chỉ là ước tính ban đầu, và nhiều khả năng nó còn tăng lên khi Mỹ mở rộng chiến dịch chống lại IS ở Iraq và Syria”.
Trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng tổng chi phí của chiến dịch tiêu diệt IS chỉ vào khoảng 5 tỉ USD. Con số này là khá lớn khi so sánh với chi phí của các chiến dịch không kích khác mà Mỹ từng thực hiện trước đây, chẳng hạn như chiến dịch ném bom vào Kosovo và Serbia năm 1999 ngốn hết 2,5 tỉ USD, trong khi chiến dịch tấn công Libya năm 2011 chỉ hết có 1,1 tỉ USD.
Thế nhưng theo chuyên gia Salmon, chi phí chiến dịch không chỉ dừng lại ở số tiền bỏ ra cho máy bay và vũ khí. Ông nói: “Họ đang triển khai các sở chỉ huy cấp sư đoàn, và điều này sẽ làm chi phí tăng lên đáng kể, bởi mỗi sở chỉ huy có tới 500 người làm việc”. Đó là chưa tính tới các chi phí bảo trì, bảo dưỡng cho các máy bay tham gia vào chiến dịch không kích.
Chiến đấu cơ F/A-18 xuất kích từ tàu sân bay USS George H.W. Bush
Hiện chi phí để thực hiện chiến dịch không kích vào IS ở Syria đang được rút ra từ ngân sách Chiến dịch Khẩn cấp Hải ngoại vốn được phân bổ cho các hoạt động của quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Chiến dịch tấn công IS này nhiều khả năng sẽ tác động rất lớn vào các cuộc đàm phán ngân sách cho năm tài khóa 2016 của chính phủ Mỹ, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của nước này đang bị cắt giảm nghiêm trọng do chính sách bảo lưu ngân sách của Quốc hội Mỹ.
Theo Khampha